Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỂM MẬP MỜ, DỐI TRÁ: “NHÀ NƯỚC NÀO, CHẾ ĐỘ NÀO CŨNG ĐƯỢC, MIỄN LÀ DÂN GIẦU, NƯỚC MẠNH”




                                                                                                           
            Để mọi người dễ dàng chấp nhận, gần đây, các thế lực thù địch đưa ra luận điểm cho rằng: “nhà nước nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”. Sự thực đằng sau luận điểm này là sự mập mờ, dối trá, ẩn chứa mưu đồ rất tinh vi, thâm độc, hòng phủ nhận bản chất của Nhà nước ta, hướng đất nước phát triển sang chế độ khác. Do vậy, phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
           
            Bản chất của nhà nước tư bản chủ nghĩa là không thay đổi. Bởi, nhà nước nào cũng mang bản chất của giai cấp sinh ra nó và phục vụ lợi ích của giai cấp ấy.
            Trước những biến đổi, thích nghi của nhà nước tư bản chủ nghĩa hiện nay, các học giả tư sản luôn ra sức tuyên truyền quan điểm: nhà nước tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất, đã khắc phục được hạn chế của nhà nước “cổ điển” trước đây để trở thành nhà nước phi giai cấp, “siêu giai cấp”, “nhà nước phúc lợi chung”, “nhà nước nhân dân tự do”, thỏa mãn ngày càng tốt hơn các nhu cầu của xã hội và bảo đảm được phúc lợi cho mọi người. Đây chính là chiêu trò để che đậy, xuyên tạc bản chất giai cấp của nhà nước của các nhà tư tưởng của giai cấp thống trị bóc lột. Vì, những quan điểm đó không phản ánh đúng bản chất bóc lột vốn có của nhà nước tư sản mà còn che đậy, xuyên tạc bản chất đích thực của nhà nước; lừa bịp quần chúng nhân dân, làm chệch hướng mục tiêu đấu tranh giai cấp, biện hộ cho sự tồn tại của nhà nước, giai cấp thống trị.
Tại sao có thể khẳng định như vậy? Vì, trên cơ sở phân tích một cách lô-gic và khoa học, khách quan về tính tất yếu sự ra đời của nhà nước, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khẳng định, nhà nước mang bản chất của giai cấp sinh ra nó. Nhà nước chính là công cụ chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế dùng để thống trị, áp bức các giai cấp khác trong xã hội. Ph. Ăngghen viết: “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ”[1]. Do đó, không có nhà nước phi giai cấp, nhà nước chung chung của mọi giai cấp, mà nhà nước luôn mang bản chất, phục vụ cho giai cấp sinh ra nó.
            Trên thực tế, nhà nước tư bản chủ nghĩa là công cụ duy trì nền thống trị của giai cấp tư sản đối với nhân dân lao động, dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư. Điển hình như ở Mỹ hiện nay, từ khi lên nắm quyền tổng thống, ông Donald Trump đã ban hành hàng loạt các chính sách, như: Luật cải cách thuế và quy định hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc y tế giá rẻ (Obamacare),… đã làm cho bất công xã hội gia tăng khi chỉ làm lợi cho những người giàu và siêu giàu, còn những người nghèo và trung lưu thì càng nghèo đi. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và 18 chính trị gia khác đã công bố thư ngỏ kêu gọi hành động để giảm mức chênh lệch giàu nghèo “đáng tủi hổ” ở nước Mỹ. Các chính trị gia này cũng đồng ý với nhận định của Liên hợp quốc, rằng: 1.500 tỷ USD giảm thuế của chính quyền Trump “hoàn toàn chỉ làm lợi cho người giàu, trong khi đẩy dân nghèo lún sâu vào cảnh khốn cùng”. Không chỉ là thu nhập giàu nghèo, văn hóa, ý thức hệ, nước Mỹ còn đang chứng kiến sự chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc,… khi tâm lý thù địch, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc,… có xu hướng gia tăng nhiều nơi ngay trên đất Mỹ.
Điều đó cho thấy, dù được che giấu dưới hình thức tinh vi như thế nào, cho dù có bị khúc xạ qua những “lăng kính” thì bản chất của nhà nước tư bản chủ nghĩa không hề thay đổi, vẫn là công cụ bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Khẳng định vấn đề này để thống nhất về nhận thức rằng: bản chất giai cấp của nhà nước là nhân tố quan trọng, quyết định đến đường lối xây dựng đất nước, mang lại sự công bằng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, chứ không phải “nhà nước nào, chế độ nào cũng được”.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân Việt Nam lựa chọn, đang xây dựng là chế độ ưu việt, hơn hẳn nhà nước tư bản chủ nghĩa. Đó là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dùng để cải tạo xã hội cũ, xây dựng thành công xã hội mới; duy trì sự thống trị của đa số với thiểu số là giai cấp bóc lột, thực hiện dân chủ với đa số nhân dân lao động.
            Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân - sự thực không thể phủ nhận.
            Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đó là thành quả của cuộc đấu tranh với bao gian khổ, hy sinh của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Trong đó, bản chất giai cấp công nhân giữ vị trí cốt lõi, là hạt nhân chính trị sâu sắc, còn tính nhân dân và tính dân tộc giữ vị trí quan trọng trong các nhân tố cấu thành bản chất Nhà nước ta. Vì vậy, không thể nói “nhà nước nào, chế độ nào cũng được”! Nói như vậy là thể hiện thái độ thờ ơ, “xúc phạm” sự hy sinh của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; phủ nhận sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta.
Sự thực đã minh chứng: từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, thể hiện bản chất tốt đẹp của một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, phục vụ lợi ích của dân tộc, của nhân dân, đã quản lý đất nước, tổ chức nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, làm tròn những trọng trách mà nhân dân giao phó, được lịch sử ghi nhận, nhân dân tin tưởng, thế giới ngưỡng mộ. Cụ thể:
Trong thực hiện chức năng đối nội
Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình). Riêng giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.400 USD. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi.
Trên lĩnh vực chính trị, Nhà nước ta đã đạt được thành tựu quan trọng về thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền con người; nhất là, vấn đề quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được xác lập và thực thi trên thực tế. Hiến pháp năm 2013 khẳng định nhất quán quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đồng thời, thể hiện đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp và pháp luật, v.v. Còn ở Mỹ, một đất nước mà các nhà “dân chủ” ca ngợi là dân chủ, tự do nhất thế giới, song sự thực lại có đầy rẫy sự vi phạm trắng trợn về quyền con người. Điển hình là: quyền sống và đảm bảo an ninh cá nhân bị đe dọa (mỗi năm ở Mỹ có khoảng 100.000 người bị trúng đạn, trong đó có khoảng 30.000 người thiệt mạng trong các vụ xả súng, mà Chính phủ Mỹ chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát); nạn phân biệt chủng tộc diễn ra phổ biến; quyền của phụ nữ và trẻ em, nhất là phụ nữ gốc Phi chưa được đảm bảo, v.v. Điều đó cho thấy rõ tính ưu việt, bản chất dân chủ, nhân đạo và tiến bộ của Nhà nước Việt Nam, của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, luôn hướng tới, đáp ứng tốt nhất các quyền chính đáng của con người, vì con người, được các quốc gia trên thế giới thừa nhận, đánh giá cao.
Trên lĩnh vực xã hội, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, v.v. Tính theo chuẩn mới: đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 7%. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 10-4-2018, với tiêu đề “Bước tiến mới: giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” cho biết: “70% người dân Việt Nam đã an toàn về kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới”. Điều đó cho thấy, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là đúng đắn, bảo đảm sự phát triển bền vững, mang lại công bằng cho người dân.
Việt Nam đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và  mầm non năm 2017. Hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm, đạt kết quả cao. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) là 26,72%, tăng so với hai khóa trước đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%) và giữ vị trí tương đối trong khu vực; đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Các chính sách dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện được bảo đảm trong thực tiễn. Điều này thể hiện sự hơn hẳn, hoàn toàn khác so với nhà nước tư bản chủ nghĩa.
Hãy xem, nước Mỹ, nền kinh tế số một thế giới hiện nay, vấn đề trên thế nào? Theo Viện Chính sách kinh tế - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) - vừa công bố báo cáo cho biết: trong vòng 10 năm qua, các chỉ số về bất bình đẳng xã hội tại Mỹ đang gia tăng chóng mặt. Năm 2008, 400 người giàu nhất nước Mỹ sở hữu tổng giá trị tài sản ròng là 1.500 tỷ USD; con số này đã tăng gấp đôi, đạt gần 3.000 tỷ USD. Hiện ở Mỹ có khoảng 40 triệu người đang sống trong nghèo khó; báo cáo của Liên hợp quốc sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền (19-6-2018), ghi nhận 05 triệu dân Mỹ sống trong tình trạng “cực nghèo” như ở các nước thế giới thứ ba. Mỹ cũng là nước có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất trong 20 quốc gia giàu có trên thế giới và là nước có tỷ lệ trẻ em sống trong nghèo khó cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Những con số này cho thấy phần nào mặt trái của nền kinh tế, của nhà nước tư bản chủ nghĩa, của chính quyền Mỹ hiện nay.
Trong thực hiện chức năng đối ngoại
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế; đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 nước; trong đó, 3 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện. Đồng thời tham gia nhiều tổ chức quốc tế. Điều đó, không chỉ khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn góp phần giữ vững môi trường hòa bình tạo thuận lợi cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế trong quản lý xã hội, phát triển kinh tế, nhất là tình trạng tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, công chức, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Những tồn tại đó, hiện đang được Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh, khắc phục và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Việc điều tra, đưa ra xét xử công khai các vụ án tham nhũng gần đây là một minh chứng.
Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn sinh động trên đã khẳng định, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đủ năng lực để quản lý, tổ chức, xây dựng đất nước phát triển. Và chỉ có Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, thể hiện tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, tất cả vì nhân dân phục vụ,  mới đem lại dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh cho nhân dân, chứ không thể là nhà nước nào khác./.






[1] - C. Mác và Ph. Ăngghen - Toàn tập, Tập 22, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 290 - 291.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét