Đậu Xuân Hiệp
(Du học sinh ở Thượng Hải)
Từ những đòn thuế quan
“ăn miếng trả miếng”, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang từ thương mại tới nhiều
mặt trận khác, khiến nhiều người lo ngại về một cuộc “chiến tranh lạnh” kiểu
mới. Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ ngày 01/12/2018 khi diễn ra cuộc gặp
giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng quan
chức cấp cao 2 bên tại Buenos Aires, đem lại một thỏa thuận đình chiến 90 ngày
cùng những nhượng bộ nhất định từ cả 2 phía. Với một thỏa thuận đình chiến 90
ngày, có thể dự đoán đầu năm 2019, căng thẳng sẽ không leo thang.
Khi cuộc chiến thương
mại Mỹ - Trung nổ ra, một số chuyên gia chính sách ngoại giao Trung Quốc cảnh
báo: Nếu phía Bắc Kinh áp dụng lập trường linh hoạt hơn, hành động nhanh chóng
hơn trong việc dẹp những lời lẽ khoa trương khoác lác về mục tiêu của mình thì
có thể đã kiểm soát được cuộc chiến tranh thương mại này, xin nêu ra một số ý
kiến cụ thể sau đây:
- Giáo sư Giả Khánh
Quốc (贾庆国), Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế Đại
học Bắc Kinh (từng được Bộ Ngoại giao cử sang Mỹ từ ngày 28/10-2/11/2018) đã
phát biểu trong cuộc tọa đàm tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đại ý rằng:
“Tranh chấp thương mại Trung - Mỹ chỉ là biểu tượng, là biểu hiện của sự biến
hóa về tính chất trong mối quan hệ giữa hai nước những năm qua. Trung Quốc nên
hạ giọng trong xử lý các mối quan hệ quốc tế. Việc quảng bá mô hình Trung Quốc
nên thực dụng, không thể tạo ra bầu không khí để thay thế mô hình Mỹ, cũng
không nên cố tình cường điệu việc đối đầu Trung-Mỹ”[1].
- Ông Richard McGregor
(từng là phóng viên tại Trung Quốc, hiện là nghiên cứu viên cấp cao của Lowy
Institute) cho rằng: Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã châm ngòi cho một số
phát biểu phê phán Tập Cận Bình. Mầm mống tẩy chay quyền lực tuyệt đối của ông
Tập bắt đầu hiện rõ. Điều đó có nghĩa là cuộc đấu tranh nội bộ chính trị thân
hữu đang trở nên gay cấn, sẽ có thể dẫn đến sự tê liệt chính sách và mất ổn
định. Hay như bà Susan Shirk (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ
XXI thuộc phân hiệu San Diego, từng làm Phó Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ) cho
rằng: điều thú vị là ở chỗ lời lẽ của quan chức Trung Quốc nói về chính sách
ngoại giao đã xuất hiện một số điều chỉnh. Điều đó ngầm cho thấy một số năng
lực tự sửa sai, ít nhất là về mặt luận điệu chính sách đối ngoại.
- Nhiều cựu quan chức
truyền tay nhau đọc bài của Hứa Chương Nhuận[2],
cho rằng tình hình có xu hướng dồn nén lại thành tâm lý bất mãn sâu sắc hơn,
tiến tới ăn mòn quyền uy của Tập Cận Bình. Trong khi xã hội xuất hiện một số kẻ
tôn sung ông Tập một cách thái quá. Vì vậy bài báo của Hứa Chương Nhuận viết:
Những lời lẽ tuyên truyền có liên quan tới Tập Cận Bình rất giống sự sùng bái
cá nhân vây quanh Mao Trạch Đông; bài báo kêu gọi phải “lập tức hãm phanh lại”.
- Ông Dương Đại Lợi,
chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học Chicago cho rằng: Bộ máy
tuyên truyền của Trung Quốc đã bị chỉ trích vì gây ra sự sùng bái cá nhân ấy
cũng như đã làm nhiễu các thông điệp liên quan đến tranh chấp thương mại Trung
– Mỹ. Một số bài đăng trên Nhân dân Nhật báo có ý châm biếm những học giả và
chuyên gia Trung Quốc tuyên bố nước này đã vượt Mỹ trở thành cường quốc công
nghệ; khuyên nhủ giới truyền thông ngăn chặn cách làm tự thổi phồng mình. Sự
căng thẳng trong thương mại quốc tế và sự phê bình trong nước Trung Quốc có thể
làm cho chính phủ của ông Tập nghĩ cách làm dịu thái độ trước công chúng.
- Sau một số sự kiện
gần đây như việc tiêm loại vắc-xin có vấn đề cho mấy trăm nghìn trẻ em đã gây
nên làn sóng phẫn nộ và biểu tình của công chúng, nhiều người Trung Quốc ủng hộ
phong trào chống tham nhũng của Tập Cận Bình, cũng ủng hộ lời thề của ông sẽ xây
dựng Trung Quốc thành một cường quốc không thỏa hiệp trên vấn đề tranh chấp
lãnh thổ, nhưng một số nhân sĩ trong Đảng, trong giới trí thức, cựu quan chức
có đầu óc cởi mở và trong tầng lớp trung lưu dường như đang hình thành một số
lo lắng đối với chính sách cứng rắn của Tập.
[1] Nguồn:
http://www.kaixian.tv/gd/2018/0718/402859_2.html. Nguyên văn tiếng Trung: 贾庆国院长表示,中美贸易争端只是表象,两国关系在这些年发生了根本性的变化。中国在处理国际问题上应该要低调,宣传中国模式应该务实,不能营造一种要取代美国模式的氛围,也不应该刻意强调中美对抗)
[2] Bài viết có tựa đề: “许章润:我们当下的恐惧与期待”, tạm dịch là “Nỗi sợ và kỳ vọng hiện nay của chúng ta, đăng ngày 24/7/2018
trên trang web của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc,
http://unirule.cloud/index.php?c=article&id=4625),
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét