Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Không gì có thể phủ nhận được giá trị của CM Tháng Mười Nga




CM Tháng Mười Nga năm 1917 đã có lịch sử 101 năm. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại nhất, có tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội rộng lớn, sâu sắc nhất trong đời sống thế giới nhân loại trong thế kỷ XX. Đó là sự thật! Sự thật là chân lý không gì có thể phủ nhận được.
Như một điệp khúc quen thuộc, cứ mỗi dịp kỷ niệm CM Tháng Mười hàng năm, các thế lực phản động lại tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, cố tình hạ thấp tầm vóc của CM Tháng Mười và bôi nhọ CNXH. Chúng ra sức khai thác sự kiện xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã để tuyên truyền điều giả dối rằng: CN M-LN đã lỗi thời, CNXH đã chấm dứt, chỉ có chủ nghĩa tư bản là văn minh và bền vững,… hòng làm nhiễm độc bầu không khí tinh thần của xã hội. Chúng xuyên tạc trắng trợn và thâm độc rằng: CM Tháng Mười Nga chỉ là một cuộc đảo chính, những người cộng sản do V. I. Lê-nin lãnh đạo chỉ là quân phiến loạn, rằng đây là một cuộc CM đẻ non. Họ quy chụp nguyên nhân của sự biến xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu làm tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa là từ CM Tháng Mười. Đó là sự xuyên tạc lịch sử và chân lý, tỏ rõ một thái độ vô đạo lý cần phải vạch trần và phê phán.
Lịch sử đã cho thấy:
Với thắng lợi của CM Tháng Mười, một thời đại mới đã bắt đầu - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi thế giới. Thắng lợi của CM Tháng Mười đã khai sinh ra CNXH hiện thực, với chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản đã ở vào vị thế Đảng cầm quyền. Trước CM Tháng Mười, nước Nga với chế độ chuyên chế Nga hoàng được ví như tù ngục lớn nhất của các dân tộc phương Đông. Cách mạng đã lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, của lực lượng chuyên chế phong kiến Nga hoàng, xóa bỏ tình cảnh nô lệ của quần chúng Công - Nông, đem lại cho họ quyền tự do, dân chủ và địa vị làm chủ xã hội. Hai sắc lệnh của chính quyền Xô Viết được ban bố ngay trong CM Tháng Mười: sắc lệnh về hòa bình và sắc lệnh về ruộng đất đã minh chứng cho điều đó.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một Nhà nước kiểu mới đã ra đời, xác lập quyền lực của nhân dân, nhân dân trở thành người chủ, nắm lấy quyền lực nhà nước và tự quyết định vận mệnh của mình. Cùng với Nhà nước kiểu mới đó, nền dân chủ cho số đông, dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và thực hiện. Đó là những dấu hiệu căn bản đặc trưng cho chính thể mới trong một chế độ xã hội kiểu mới, khác về nguyên tắc và bản chất so với chính thể tư sản và chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa đã bị phủ định bởi CM Tháng Mười vĩ đại – “Cuộc cách mạng mười ngày rung chuyển thế giới” như nhận định của Jôn-Rít[1].
CM Tháng Mười, với dấu ấn lãnh đạo thiên tài của V. I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga không phải là một hiện tượng thuần Nga mà thực sự có ý nghĩa quốc tế phổ biến và mang tầm vóc thời đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới hiện đại. Nhân loại được thức tỉnh bởi sự kiện này và từ đây lịch sử đã sang trang mới, với sự khẳng định sức mạnh sáng tạo vĩ đại của quần chúng nhân dân, trong tư cách là chủ thể làm nên lịch sử. Các thế hệ những người cách mạng, các dân tộc mang khát vọng tự do, công bằng và bình đẳng ở khắp mọi nơi đã nhận được từ di sản CM Tháng Mười những xung lực mới để hành động, nhằm cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới, thúc đẩy sự phát triển vì độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và CNXH. Những giá trị, lý tưởng và mục tiêu đó được sinh thành từ CM Tháng Mười, được gìn giữ và phát huy trong thực tiễn phong trào cách mạng của thế kỷ XX, hiện nay và mãi về sau. Đó là những giá trị bền vững xuyên suốt thời gian, nguồn sáng vô tận soi sáng con đường cách mạng của các dân tộc trên thế giới. Rõ ràng, giá trị, sức sống và ý nghĩa của cuộc CM Tháng Mười là một thực tế lịch sử không gì có thể phủ nhận. Nó đã ở trong lương tâm và ký ức nhân loại, đang tiếp tục định hướng cho sự phát triển của thế giới đương đại trong cuộc hành trình tới độc lập, tự do và CNXH. Thành quả vĩ đại của CM Tháng Mười đã trở thành giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân loại.
Quy luật của tự nhiên: lịch sử phát triển không theo một đường thẳng tắp mà trải qua những dích dắc thăng trầm. Dự báo của C. Mác sau khi tổng kết Công xã Pa-ri và lịch sử cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp (1848 – 1850) đã chỉ ra rằng: “Cách mạng có thể thất bại nhưng cách mạng sẽ không bao giờ bị tiêu diệt…”[2], để tin tưởng và hy vọng những nhân tố xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển ngay trong lòng của CNTB hiện đại. Sức sống và những giá trị của CNXH đương đại sẽ phục sinh trong một thế giới đầy biến động của thế kỷ XXI này. Hơn nữa, cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay (trong đó có Việt Nam) cũng sẽ nhất định có bước phát triển mới để sinh thành “CNXH hiện thực mới”!
CM Tháng Mười Nga thành công còn mang tính chất vạch thời đại ở chỗ, CNXH sinh thành trong cuộc CM này dù là đơn nhất nhưng đã mang ý nghĩa phủ định về nguyên tắc đối với CNTB. Từ đây, sự lựa chọn con đường phát triển không chỉ duy nhất là tư bản chủ nghĩa mà còn là xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên CNXH; lô-gích lịch sử - tự nhiên của phát triển xã hội đã có sự hiện diện của con đường không qua CNTB. Đó là tính chất và nội dung của thời đại mới do CM Tháng Mười khai sinh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, Cách mạng Trung Quốc (1949) và Cách mạng Cu Ba (1959) là những cuộc cách mạng điển hình nhất trong thế kỷ XX, được dẫn dắt và soi sáng bởi CM Tháng Mười là những minh chứng thực tế, rõ ràng, không thể phủ nhận sự thực của lịch sử, không một thế lực phản động nào có thể xuyên tạc được.
Với những giá trị khai sáng, giải phóng phát triển của CM Tháng Mười trong 101 năm qua đã cho thấy: mặc dù CNXH còn đang trong quá trình phát sinh, định hướng và định hình, CNTB đang có những biển đổi, thích nghi, nhưng CNXH vẫn là một tất yếu, tương lai và triển vọng của lịch sử thuộc về CNXH chứ không thuộc về CNTB. Bỡi lẽ, trong lịch sử tồn tại gần 600 năm, CNTB luôn tích tụ những nhân tố của CNXH để phủ định nó. CNXH hiện thực với mô hình Xô Viết đã bị thực tiễn vượt qua và CNXH hiện thực mới đang định hình trong cải cách, đổi mới là sự lựa chọn cho tương lai. V. I. Lê-nin đã dự báo rằng: sớm hay muộn, trước hay sau rồi sẽ đến lúc các dân tộc đều lựa chọn CNXH như con đường phát triển tất yếu của mình; mỗi dân tộc sẽ đem vào sự nghiệp xây dựng CNXH cả những đặc điểm, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc mình, tạo nên tính phong phú đa dạng các mô hình phát triển của CNXH.
Giá trị của CM Tháng Mười nhắc nhở chúng ta phải luôn trung thành với lý tưởng và mục tiêu của cuộc CM vĩ đại ấy.
Đã 101 năm lịch sử đi qua từ đó, với biết bao sự kiện mà nhân loại đã chứng kiến, có thành công và cả thất bại, có vinh quang chói sáng và cả những bi kịch cay đắng. Nhưng những giá trị của CM Tháng Mười sẽ không bao giờ bị tiêu diệt. Đó là lời khẳng định xuất phát từ xu thế vận động của lịch sử là không ngừng tiến lên, không ngừng phát triển; từ sức sống bền bỉ của các cuộc CM chân chính, đích thực.
Những bài học từ CM Tháng Mười và lịch sử hơn một thế kỷ xây dựng CNXH hiện thực vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự sâu sắc và vẫn mãi còn hữu ích cho hậu thế trong việc nhận thức đầy đủ những chân lý giá trị của CM Tháng Mười, từ sự thật những gì đã xảy ra, từ chân lý của khoa học và CM. Những giá trị ấy càng thức tỉnh và đòi hỏi các thế hệ phải ghi nhớ bài học đạo lý về lòng biết ơn và sự trung thành với CM, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xây dựng và phát triển xã hội mới tốt đẹp mà CM Tháng Mười đã mở đường, chỉ hướng.
Cải cách, phát triển là một xu thế tất yếu nhưng khi vận hành, nó vấp phải không ít những lực cản, sức ỳ đã trở thành quán tính, thành thói quen, mà như V. I. Lê-nin từng nói, “thói quen là điều đáng sợ nhất”. Trong lịch sử 101 năm CM Tháng Mười, việc chấm dứt NEP[3] một cách vội vã, chủ quan, duy ý chí trong khi nó chưa kịp bén rễ bền chặt trên mảnh đất của hiện thực Xô Viết (sau khi V. I. Lê-nin mất năm 1924), khác nào như một hành vi “tự rút máu ra khỏi cơ thể”. Điều đó nhắc nhở chúng ta, không bao giờ được lấy ý chí chủ quan thay thế cho quy luật khách quan.
Những sai lầm có tính nguyên tắc trong quá trình cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu dẫn đến kết cục đổ vỡ, như một tấn bi kịch nát lòng trong lịch sử CNXH hiện thực cuối thế kỷ XX lại cho thấy ý nghĩa cảnh báo sâu xa của V. I. Lê-nin: mất phương hướng chính trị trong những thời điểm bước ngoặt, đối với một Đảng cầm quyền (Đảng Cộng sản Liên Xô) giống như một hành động tự sát. Giờ đây, khi CNXH đang cải cách và đổi mới để vượt qua những khó khăn, thử thách thì việc những người CM tự ý thức sâu sắc những bài học đã qua - “những bài học được chiết xuất từ những vị thuốc đắng của lịch sử” để không rơi vào vết xe đổ, tự hủy hoại lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thực tiễn phát triển của CM Việt Nam, di sản vĩ đại và cao quý Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những kinh nghiệm được tổng kết qua chặng đường  hơn 30 năm đổi mới, đã minh chứng cho lòng trung thành và niềm tin của chúng ta với CM Tháng Mười, với CN M-LN để vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Đảng và dân tộc ta đã chọn. Đó là con đường được soi sáng bởi CM Tháng Mười, dẫn dắt chúng ta đến một nền độc lập, tự do thực sự mà lợi ích dân tộc, độc lập, thống nhất, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, một CNXH thấm nhuần sâu sắc bản chất khoa học, CM và nhân văn, thống nhất hữu cơ giữa tính dân tộc, tính nhân dân, tính giai cấp với tinh thần thời đại và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Đó là điều không thể phủ nhận.
Đánh giá lịch sử không chỉ cần tôn trọng sự thật, bảo vệ chân lý mà còn cần thước đo đạo đức và văn hóa. Sự phê phán chân chính bao giờ cũng hướng tới xây dựng và phát triển; ngược lại, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đối với di sản thiêng liêng của CM Tháng Mười sẽ trở nên lạc lõng và làm phẫn nộ triệu triệu con tim và khối óc của những người biết tôn trọng lương tri và phẩm giá.




[1] - Nhà văn, nhà báo người Mỹ.
[2] - Tìm trích dẫn nhé.
[3] - Chương trình cải cách kinh tế diễn ra tại Liên Xô từ năm 1921 đến năm 1929.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét