QĐND - Liên
quan đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, mới đây trên mạng xuất hiện một tin
được khẳng định là của ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Đa-vít Sia (David Shear)
với nội dung như sau “Việt Nam không dân chủ khó vào TPP”. Tuy nhiên, khi tìm
hiểu kỹ thì đây là một tin đã được "biên tập". Nguyên văn câu nói của
ngài Đại sứ như sau: “Nếu Việt Nam không có tiến bộ về dân chủ và nhân quyền,
sẽ rất khó được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn cho gia nhập TPP…”. Cũng trong bản
tin trên, ông Sia khẳng định: “Hoa Kỳ luôn muốn Việt Nam thịnh vượng. Ông tin
Việt Nam sẽ đạt được điều đó nếu tham gia vào TPP”.
Thế nhưng, nhiều
trang mạng chống Cộng đã lập tức “cắt dán” tin đã bị "biên tập" để
bôi nhọ tình hình nhân quyền Việt Nam, đồng thời khuyến khích những người tự
xem mình là “chiến sĩ” đấu tranh cho “dân chủ” “nhân quyền” tăng cường hoạt
động chống đối, vi phạm pháp luật, gây mất trật tự trị an xã hội. Họ gửi “thông
điệp” gợi ý Hoa Kỳ nên đặt điều kiện về nhân quyền với Việt Nam trong hợp
tác song phương, trong đó có việc cản trở Việt Nam gia nhập “Hiệp định Đối tác
Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic
Economic Partnership Agreement” viết tắt là: TPP).
TPP là Hiệp định do
4 quốc gia sáng lập: Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân và Xin-ga-po. Cho đến nay đã
có 11 quốc gia thành viên, trong đó Hoa Kỳ là thành viên có tiếng nói quan
trọng nhờ tiềm năng to lớn của nền kinh tế.
Mục tiêu của TPP là
giảm các loại thuế xuất - nhập khẩu theo lộ trình từng bước từ năm 2006 đến năm
2015 về 0%. Đây quả là một thời cơ, nhưng cũng là thách thức lớn đối với các
quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù không đưa ra
các điều kiện chính trị, nhưng TPP đề cập đến những vấn đề liên quan đến xã
hội, chẳng hạn như kinh tế thị trường, một số quyền kinh tế xã hội, trong đó có
quyền lao động, bảo vệ môi trường, quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) v.v..
Không phủ nhận
rằng, quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn có sự khác biệt nhất định về vấn
đề “dân chủ” “nhân quyền”, nhưng cả hai bên đang xích lại gần nhau hơn trên
lĩnh vực này. Và cũng không phủ nhận, trong thực tế ở nước ta vẫn còn có
lúc, có nơi chưa bảo đảm tốt “quyền con người”. Điều này bắt nguồn từ nhiều
nguyên nhân: Do nhận thức của cán bộ, công chức, hay phía người dân chưa đầy
đủ; hệ thống pháp luật lại chưa hoàn thiện... Nhưng không thể phủ nhận nỗ lực
của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người. Chẳng
hạn trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992, khác với Hiến pháp 1992 khi quyền con
người chỉ được quy định trong Điều 50 (Chương V về Quyền và nghĩa vụ công dân),
thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã dành trọn Chương II quy định về “Quyền
con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này, các quyền con người
về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa theo các công ước quốc tế về
quyền con người của Liên hợp quốc đã được ghi nhận đầy đủ.
Hay như tình trạng
khiếu kiện đông người có nguyên nhân từ giải tỏa, đền bù đất đai, mà trên nhiều
trang mạng người ta gọi là “dân oan” cũng đang được Quốc hội xem xét trong việc
sửa đổi Luật Đất đai. Theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến nhân
dân, quyền sử dụng đất của người dân với tư cách là một quyền tài sản được tôn
trọng, bảo đảm. Việc thu hồi, thu mua sẽ tuân theo một trình tự chặt chẽ nhằm
bảo đảm công bằng, đền bù thỏa đáng cho người dân khi bị thu hồi đất.
Bằng những việc làm
thiết thực, Việt Nam đang rất nỗ lực để bảo vệ quyền con người. Điển hình
như trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán người ở Việt Nam, riêng năm
2012, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 500 vụ mua bán người với hơn 850 nạn
nhân, hơn 800 đối tượng phạm tội bị bắt giữ… Các lực lượng chức năng cũng đã
điều tra, khám phá 437 vụ, bắt 719 đối tượng và 1.206 nạn nhân được các tổ chức
tiếp nhận… Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 211 vụ với 453 bị can về
tội mua bán người. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 196 vụ với 406 đối tượng
phạm tội mua bán người để xét xử. Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức tiếp
nhận và hỗ trợ cho 541 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng…
Đó là chưa kể trong
lĩnh vực chống tội phạm ma túy, xâm phạm tình dục trẻ em, bạo lực gia đình,
HIV/AIDS… đồng thời với những nỗ lực trong nước, nhiều tổ chức quốc gia, quốc
tế, trong đó có Hoa Kỳ đã và đang giúp Việt Nam giải quyết những vấn nạn này.
Còn trong quan hệ
quốc tế, Việt Nam luôn luôn sẵn sàng đối thoại với các quốc gia và tổ chức
khu vực với tinh thần cởi mở, tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau. Điển hình như
gần đây, Việt Nam cho phép tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế được vào thăm, trao
đổi cởi mở với các cơ quan chức năng, kể cả gặp những người mà các thế lực
chống đối gọi là “giới bất đồng chính kiến” (!).
Rất tiếc một số tổ
chức, cá nhân do thiếu thông tin, hoặc chỉ có thông tin đã bị xuyên tạc từ những
kẻ “hành nghề” chống Cộng, đã đưa ra những đánh giá sai về tình hình nhân quyền
Việt Nam thiếu khách quan.
Còn đối với những
người luôn mang sẵn định kiến đối với Việt Nam, nuôi tham vọng dùng áp lực
chính trị, kinh tế và các thủ đoạn khác để xóa bỏ chế độ xã hội hiện hữu, đưa
Việt Nam sang con đường khác thì dù Đảng, Nhà nước Việt Nam có nỗ lực đến bao
nhiêu trong bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người thì cũng sẽ không bao
giờ là “đủ” với họ.
TRÚC THANH
Có thể, trên phương diện nào đó, Việt Nam vẫn còn những thiếu sót chưa được hoàn thiện, tuy nhiên những nỗ lực và kết quả của những nỗ lực do Việt Nam làm được là không thể phủ nhận. Đảng và Chính phủ luôn cố gắng hết mình để mọi người dân Việt Nam đều được đảm bảo quyền con người; vì vậy những đánh giá sai, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Trả lờiXóa