Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Tổ quốc không thể không gắn với chế độ xã hội

QĐND - Triển khai nghị quyết của Quốc hội và chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Hiến pháp), đông đảo các tầng lớp nhân dân trên cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã tâm huyết, trách nhiệm đóng góp hàng chục triệu ý kiến xây dựng Hiến pháp. Tuyệt đại bộ phận nhân dân xem đây là quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia ý kiến để xây dựng một bản Hiến pháp bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nhằm xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và phát triển.
Các ý kiến của nhân dân không chỉ bày tỏ sự đồng tình với nội dung được đề cập trong Dự thảo Hiến pháp, mà còn đóng góp thẳng thắn, đề nghị chỉnh sửa từng điều, từng khoản, thậm chí từng chữ trong dự thảo với sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, thể hiện rõ trách nhiệm chính trị đối với một đạo luật gốc có liên quan đến đường hướng phát triển và tương lai của đất nước, của dân tộc.
Tuy nhiên, trên một số trang mạng, hay blog cá nhân hoặc thông qua một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài có người viết bài gọi là để “góp ý” vào Dự thảo Hiến pháp, song thực chất là truyền bá những ý kiến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), kêu gọi thực hiện đa đảng chính trị đối lập ở Việt Nam. Một số người đòi xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN; đòi “phi chính trị hóa quân đội”.
Để đưa ra những căn cứ đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, có người lập luận rằng: “Tổ quốc phải cao hơn Nhà nước và chế độ”; rằng: “Tổ quốc Việt Nam là cội nguồn chung của mọi người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, dĩ nhiên Tổ quốc không thể mang một ý thức hệ tư tưởng nào cả”…
Vậy quan điểm “Tổ quốc cao hơn Nhà nước và chế độ”, Tổ quốc “không mang ý thức hệ” có đúng không? Và mục đích của việc nêu ra những quan điểm này là gì?
Thực tiễn cho thấy, trong lịch sử nhân loại không hề có Tổ quốc phi lịch sử, không gắn với một chế độ xã hội nào, không gắn với một lực lượng cầm quyền nào. Tổ quốc mà không gắn với xã hội, không gắn với dân cư thì đó chỉ là hoang đảo. Dân tộc mà không gắn với xã hội với truyền thống thì chẳng khác nào nói đến một cộng đồng dân cư còn ở thời kỳ hoang dã hoặc bị rơi vào chứng mất trí nhớ như trong phim ảnh mà người ta dựng lên nhằm mục đích giải trí. Tương tự như vậy, nói đến Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.
Đối với dân tộc ta, một dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử, Tổ quốc bao giờ cũng gắn với một chế độ xã hội, một lực lượng cầm quyền nhất định nào đó. Chẳng hạn: Thời Lý, Tổ quốc ta là nơi “Vua Nam ở” (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư-Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”; Nhà Trần là “xã tắc tổ tông” (Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo)... Tổ quốc Việt Nam ngày nay là đất nước do ông cha để lại, đã là một quốc gia độc lập, thống nhất do nhân dân ta làm chủ. Không ai có thể phủ nhận được rằng: Tổ quốc Việt Nam ngày nay là thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi của các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại do Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Cũng không phải ai khác, chính Đảng CSVN đã đánh thức truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc-tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người Việt Nam cùng với việc tiếp thu và phát triển tư tưởng lớn lao nhất của thời đại-tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân đã tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước ta trong suốt chiều dài lịch sử từ khi Đảng CSVN giữ vai trò lãnh đạo.
Vậy liệu có thể nói là “Tổ quốc không thể mang một ý thức hệ tư tưởng nào cả” không?. Hệ tư tưởng là gì? Đó là toàn bộ những quan điểm chính trị, luật pháp, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, triết học (thượng tầng kiến trúc), biểu hiện quyền lợi của một giai tầng nào đó. Bởi vậy khi xuất hiện nhà nước và giai cấp thì đương nhiên cũng xuất hiện hệ tư tưởng. Đó là một quy luật. Rõ ràng thế giới ngày nay không một quốc gia nào không mang một ý thức hệ nào đó. Dĩ nhiên, ý thức hệ của nhà nước nói chung là ý thức hệ của lực lượng cầm quyền. Chỉ có điều người ta có công khai nó hay không mà thôi. Chẳng hạn, ở các nhà nước tư bản chủ nghĩa thì đương nhiên ý thức hệ của nhà nước đó là ý thức hệ tư sản, là chủ nghĩa tư bản, trong đó về kinh tế là kinh tế thị trường tự do và chế độ tư hữu về đất đai… Về chính trị, đó là chủ nghĩa “đa nguyên”… Ở các nước lấy tôn giáo làm quốc đạo thì hệ tư tưởng ở các quốc gia đó phải là giáo lý. Thật ra, khi nói Tổ quốc không mang ý thức hệ thì “thông điệp” chủ yếu ở đây là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, phủ nhận chủ nghĩa Mác -Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà thôi.
Tự do tư tưởng là quyền của mỗi người và sự thay đổi quan điểm của cá nhân cũng không phải là một việc khó khăn. Thông thường, người ta sẽ chọn một hệ tư tưởng nào đó có khả năng bảo vệ tốt nhất lợi ích của họ. Nhưng đối với một dân tộc thì lựa chọn một hệ tư tưởng phải trải qua một quá trình lịch sử, có khi phải trả giá bằng xương máu của nhiều thế hệ. Dân tộc ta lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lê-nin dựa vào những kinh nghiệm thất bại và thành công của chính mình. Sự lựa chọn đó, bắt nguồn từ người con ưu tú nhất của dân tộc, đó là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sở dĩ dân tộc ta giành được độc lập, chiến thắng các đế quốc hùng mạnh nhất, thống nhất đất nước và ngày nay thực hiện đổi mới theo con đường XHCN chính là đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.  Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự vận động, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” (*)... Ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng và của dân tộc ta. Bởi vậy, viện cớ “Tổ quốc không mang ý thức hệ” để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN nói chung, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng là không thuyết phục. Đó chính là sự phủ nhận lịch sử đấu tranh cách mạng của cả dân tộc, phủ nhận ý chí, nguyện vọng, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào tương lai của dân tộc.
BẮC HÀ - AN HUY

(*) -Văn kiện Đại hội IX, NXBCTQG, HN, 2001, tr83.

2 nhận xét:

  1. Tuy nhiên, trên một số trang mạng, hay blog cá nhân hoặc thông qua một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài có người viết bài gọi là để “góp ý” vào Dự thảo Hiến pháp, song thực chất là truyền bá những ý kiến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), kêu gọi thực hiện đa đảng chính trị đối lập ở Việt Nam. Một số người đòi xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN; đòi “phi chính trị hóa quân đội”.
    Để đưa ra những căn cứ đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, có người lập luận rằng: “Tổ quốc phải cao hơn Nhà nước và chế độ”; rằng: “Tổ quốc Việt Nam là cội nguồn chung của mọi người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, dĩ nhiên Tổ quốc không thể mang một ý thức hệ tư tưởng nào cả”…
    Những "góp ý" chân thành trên thì là âm mưu phá hoại của một số phần tử phản động, có mưu đồ phá hoại đất nước, tuyên truyền những tư tưởng lệch lạc đến người dân cả nước mà thôi. Tuy nhiên tôi thiết nghĩ rằng, nó không mấy tác dụng bởi dân trí của nước ta đã được nâng cao. Tuy vậy, cảnh giác trước những thủ đoạn của kẻ địch không bao giờ là thừa

    Trả lờiXóa
  2. Những hành động, sai trái, gây mất trật tự xã hội như truyền bá những ý kiến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), kêu gọi thực hiện đa đảng chính trị đối lập ở Việt Nam. Một số người đòi xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN; đòi “phi chính trị hóa quân đội”,... cần phải được ngăn chặn và phản bác kịp thời, để tránh làm lay động lòng dân. Có như vậy mới tạo sự ổn định thống nhất trong xã hội

    Trả lờiXóa