Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

CHỈ LÀ TRÒ “NÉM ĐÁ GIẤU TAY”



Mới đây, trên một số trang mạng “lề trái” xuất hiện cái gọi là bức thư mà họ cho là của Thiếu tướng Huỳnh Hương (tức Huỳnh Đắc Hương), nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị gửi Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Bức thư đề cập một số nội dung xuyên tạc, sai lệch, nhằm bôi nhọ danh dự, hạ uy tín của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương về nội dung liên quan đến bức thư. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương khẳng định là thế hệ đi trước, cả đời theo cách mạng, sống, chiến đấu và trưởng thành trong môi trường Quân đội, luôn tin tưởng Quân đội. Đến lúc cơ quan chức năng đưa bức thư ra thì Ông mới biết có bức thư như thế. Đã lâu, Ông không viết bất cứ bức thư nào và chữ ký ở bức thư đó là giả mạo chữ ký của Ông. Hiện nay, Ông đã nhiều tuổi, sức khỏe giảm sút, mắt kém và không biết sử dụng in-tơ-nét. Người ta đã lợi dụng uy tín cá nhân Ông để nói xấu lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Ông bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm ra người viết bức thư đã giả mạo tên và chữ ký của mình.
Trò giả mạo chữ ký của cán bộ cấp cao của Quân đội đã nghỉ hưu để “tham gia”, hoặc bày tỏ thái độ “băn khoăn” trước tình cảnh đất nước, những vấn đề nảy sinh trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc dưới dạng “thư ngỏ” hay “kiến nghị” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước không phải là mới. Trước đây, người ta đã làm. Nhưng lần trước, có nhiều người cùng ký vào thư ngỏ, kiến nghị. Nắm bắt được tâm lý của nhân dân là luôn tin tưởng vào bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân và những cán bộ cao cấp trong Quân đội đã nghỉ công tác theo quy định, nên trong danh sách những người cùng ký tên, đa số là cán bộ dân chính đảng, người ta đã khéo léo “điểm” cấp bậc, tên tuổi cụ thể của một số cán bộ quân đội đã nghỉ hưu; giả mạo chữ ký, mượn danh cán bộ cao cấp của Quân đội đã nghỉ hưu làm “đẹp” danh sách mà họ đưa ra, nhằm tăng thêm sức nặng của “thư ngỏ”, “kiến nghị”. Thông qua việc xuyên tạc, nói xấu cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, họ tung tin hỏa mù, đánh lừa dư luận, thực chất là mê hoặc, “đánh cắp” niềm tin của nhân dân vào cán bộ của Đảng, Quân đội, tạo tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và Quân đội và sự đồng thuận xã hội. Và đã không ít người nhẹ dạ, cả tin nghe theo những luận điệu xuyên tạc đó, tạo dư luận xấu trong đời sống xã hội và trong Quân đội.
Nhưng lần này khác lần trước ở chỗ, không có danh sách nhiều người cùng ký tên mà đứng tên của cái gọi là bức thư kia chỉ có một người, có cấp bậc, tên tuổi rõ ràng. Song, cũng giống lần trước là tên tuổi thật, cấp bậc thật chỉ có chữ ký và văn bản là giả mà thôi! Vậy là, người ta đã ăn cắp tên, cấp bậc của những người nguyên là cán bộ cấp cao của Quân đội để tùy tiện đặt vào bất kỳ văn bản nào mà họ muốn. Đó là trò “ngậm máu phun người”, “ném đá giấu tay” của kẻ tiểu nhân. Họ đã “mượn danh” - “mượn” nhưng không hỏi - của người có uy tín để làm giảm uy tín của người khác. Một trò hề không hơn không kém, hòng tạo mâu thuẫn giữa cán bộ quân đội đã nghỉ hưu với cán bộ đang tại chức. Việc làm đó của họ đã vi phạm pháp luật, cần phải nghiêm trị.
Họ không đồng tình với việc Đại tướng Ngô Xuân Lịch làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với lý lẽ là cán bộ chính trị thì không thể làm quân sự được. Song họ không thấy hay cố tình không thấy trong lịch sử của Quân đội ta từ cán bộ quân sự chuyển sang làm cán bộ chính trị, hoặc từ cán bộ chính trị sang làm cán bộ quân sự không phải không có tiền lệ. Điều đó diễn ra ở mọi cấp của các đơn vị quân đội, từ đơn vị cơ sở đến cấp chiến dịch, chiến lược. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất, năng lực của mỗi người, thì việc luân chuyển cán bộ để họ được khẳng định khả năng của mình trên các lĩnh vực công tác ở các cấp trong toàn quân được làm thường xuyên, tiến hành theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác cán bộ, những ai trong quân ngũ đều thấy rõ điều đó. Ở cấp chiến dịch, chiến lược gần đây, là Đồng chí Lê Văn Dũng từ Tư lệnh Quân khu 7 (năm 1995 - 1998) trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1998) và trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng (năm 1998 - 2001), rồi sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 2001 đến năm 2011) và được phong Đại tướng năm 2007. Đồng chí Phương Minh Hòa từ Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (năm 2005) sang làm Tư lệnh Quân chủng này (năm 2010), trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2015 được phong Thượng tướng vào năm này. Từ cán bộ của lực lượng vũ trang trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng không phải chuyện lạ. Đại tướng Lê Đức Anh từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trở thành Chủ tịch nước thứ tư của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 1992 - 1997. Thượng tướng Lê Khả Phiêu từ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1991 - 1997, trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1997 - 2001. Đại tướng Trần Đại Quang từ Bộ trưởng Bộ Công an trở thành Chủ tịch nước thứ tám và đương nhiệm của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, v.v.
Ngược dòng lịch sử của dân tộc cho thấy, thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng nước ta có được đào tạo qua trường lớp dài ngày đâu, phần lớn chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, thế mà lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rất vẻ vang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, do nhiều nguyên nhân mà cán bộ, chiến sĩ ta cũng hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp bài bản, thế mà cùng với nhân dân làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu. Vị Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân từ thầy giáo dạy lịch sử, chứ có phải là nhà quân sự đâu, nhưng khi được Bác Hồ cử sang phụ trách Quân đội ta đã trở thành vị tướng tài ba, mưu lược, quyết đoán, chỉ huy toàn quân chiến thắng hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, làm cho tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở nên huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người cán bộ có uy tín trong lòng nhân dân và bạn bè trên thế giới. Nói vậy để thấy rằng, học qua trường lớp là điều rất quan trọng, nhưng những kiến thức thu nhận được không chỉ qua trường lớp, mà còn do khả năng vốn có của mỗi người và qua trải nghiệm thực tiễn hoạt động phong phú của họ. Điều đặc biệt là tầm tư duy chiến lược của người được giao nhiệm vụ. Dù được đào tạo cơ bản, nhưng tư duy chiến lược bị hạn chế thì người đó khó mà lãnh đạo, chỉ huy ở tầm chiến lược, toàn quân. Trên thế giới cũng như ở nước ta làm gì có trường lớp nào đào tạo người chủ trì cho một ngành, một lĩnh vực hay đào tạo nguyên thủ quốc gia. Chỉ có các lớp đào tạo cán bộ cấp chiến lược, trong số đó có người sau khi đào tạo, công tác trở thành người chủ trì một ngành, một lĩnh vực và số rất ít trở thành nguyên thủ quốc gia. Điều ấy cho thấy, việc sắp xếp, bố trí ai đó vào vị trí chiến lược của các ban, bộ, ngành chắc chắn Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải thảo luận, xem xét toàn diện, nhiều chiều để lựa chọn người phù hợp nhất vào từng vị trí cụ thể. Dứt khoát đó không phải chuyện đùa mà bố trí, sắp xếp cán bộ một cách tùy tiện, thiếu căn cứ. Vậy nên, họ không có cơ sở để không đồng tình với quyết định của Bộ Chính trị phân công một cán bộ nào đó đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, nhất là vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Việc có “bức thư” mạo danh Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương để nói một số vấn đề về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được lan truyền trên không gian mạng thời gian qua cũng nằm trong “kịch bản” chống phá Quân đội đã được dàn dựng, chuẩn bị từ trước. Chúng ta không lạ gì thủ đoạn đê hèn đó. Bởi, mưu đồ sâu xa của họ là chống Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Mà muốn làm được điều đó thì việc chống phá Quân đội được họ xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, nhằm chia rẽ Đảng với Quân đội, tạo mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ tình cảm quân - dân, gây tâm lý thiếu tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ vào lãnh đạo Bộ Quốc phòng, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Vì vậy, phải cảnh giác, đấu tranh loại bỏ loại thông tin thất thiệt này, nhất là ngày nay, người ta dễ lợi dụng thành tựu phát triển của khoa học và công nghệ để ngụy tạo thông tin thất thiệt với trò “ném đá giấu tay” nhằm lừa dối những người nhẹ dạ cả tin.

Nguyễn Phú Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét