Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

HỌ ĐÒI XÓA BỎ HIẾN PHÁP HIỆN HÀNH, LẬP HIẾN PHÁP MỚI NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ?



                 PGS,TS Đàm Đức Vượng

     Một bản Hiến pháp được xây dựng trên nền tảng của một nhà nước xã hội chủ nghĩa:
     Trên các trang mạng gần đây và hiện nay lại rộ lên những bài viết của những phần tử chống đối, đòi xóa bỏ Hiến pháp hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bên cạnh việc họ đòi đa nguyên đa đảng. Thực chất là họ muốn xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội Việt Nam. Họ nói rằng, “Điều 4 Hiến pháp đã chống lại cải cách”, cho nên cần phải “ban hành dự thảo Hiến pháp mới”?... Nói như vậy là vô căn cứ, phản khoa học. Họ không biết rằng, để có một bản Hiến pháp là do sự đóng góp ý kiến của toàn dân, được nhân nhất trí, được các tổ chức, đoàn thể thảo luận nhiều lần, cuối cùng, mang ra thảo luận tại Quốc hội và được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua. Chủ tịch nước ký lệnh ban hành.
     Nhà nước được hình thành với các dân tộc, sắc tộc, lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa mang bản sắc riêng. Các bộ tộc chưa phải là một nhà nước. Xã hội xuất hiện sớm hơn nhà nước và gắn với nhà nước.
     Nhà nước là một thiết chế quyền lực gắn với dân chủ xã hội; gắn với quyền của con người; gắn với chế độ xã hội.
     Nhà nước có thủ đô, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, ngày quốc khánh.
     Nhà nước có các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, tín ngưỡng. Hạ tầng (hạ tằng) cơ sở của nhà nước là nền tảng bên dưới của xã hội. Kinh tế là hạ tầng cơ sở của nhà nước. Thượng tầng (thượng tằng) kiến trúc của nhà nước là những công trình ở bên trên cơ sở kinh tế của nhà nước đó, như văn hóa, chính trị, nghệ thuật, đạo đức, tôn giáo. 
     Bộ máy của nhà nước bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ba cơ quan này hoạt động độc lập, nhưng dưới sự quản lý chung của một bộ máy nhà nước thượng tầng.
     Phương thức sản xuất ra đời gắn với mỗi nhà nước tương ứng. Trong lịch sử đã xuất hiện 5 phương thức sản xuất là phương thức sản xuất nguyên thủy; phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ; phương thức sản xuất phong kiến; phương thức sản xuất tư bản; phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong lịch sử, mới chỉ xuất hiện 4 hình thức nhà nước là nhà nước chiếm hữu nô lệ; nhà nước phong kiến; nhà nước tư sản; nhà nước xã hội chủ nghĩa.
     Trên thế giới hiện nay tồn tại ba loại hình nhà nước là nhà nước quân chủ lập hiến; nhà nước cộng hòa; nhà nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa.
     Nhà nước quân chủ lập hiến là nhà nước vẫn duy trì chế độ vua, nhưng có hiến pháp, có quốc hội, có chính phủ như Vương quốc Anh, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Điển,...
     Nhà nước cộng hòa là nhà nước không có vua với người đứng đầu là tổng thống; có hiến pháp và các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc,... Tương ứng với nó là nền cộng hòa, dân chủ.
     Nhà nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa là nhà nước được xây dựng trên cơ sở lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học; có hiến pháp; người đứng đầu nhà nước là chủ tịch hoặc chủ tịch hội đồng nhà nước và các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tương ứng với nó là nền cộng hòa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa thực chất là nhà nước dân chủ theo kiểu mới. Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa là đối nội, đối ngoại, xây dựng và bảo vệ đất nước, mang lại lợi ích và hòa bình, tự do, dân chủ cho nhân dân.
     Tính chất nhà nước cũng biểu hiện khác nhau giữa các quốc gia. Có nhà nước mang tính chất dân chủ pháp quyền nhằm đạt đến sự đồng thuận. Có nhà nước mang tính chất tập quyền, thể hiện mọi quyền lực đều tập trung trong tay chính quyền trung ương. Nhà nước liên bang thể hiện quyền lực được phân chia giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, chính quyền bang. Cấu tạo nhà nước liên bang mang tính chất dân chủ hơn nhà nước tập quyền. Nhà nước liên hiệp có chính phủ trung ương, nhưng quyền lực nằm trong tay các chính phủ thành viên.
      Hiến pháp là luật cơ bản, hoặc luật của luật của một nhà nước, thể hiện những nguyên tắc, nguyên lý cơ bản của cơ cấu nhà nước và xã hội; quy định những quyền lợi và nghĩa vụ của công dân và tổ chức chính quyền.
     Trong thế giới ngày nay, cho dù là một nhà nước quân chủ lập hiến, nhà nước cộng hòa hay nhà nước xã hội chủ nghĩa, đều phải có hiến pháp. Nhà nước nào không có hiến pháp là nhà nước đó không có chính thể.
     Ngoài những nước có hiến pháp thành văn là một số nước có hiến pháp không thành văn. Hiến pháp không thành văn là hiến pháp dựa vào phong tục và luật lệ mà một nhóm người đặt ra, chứ không phải do một cơ quan lập hiến thảo ra.
     Hiến pháp bao giờ cũng gắn liền với hình thái kinh tế - xã hội, tức là chế độ kinh tế và kiến trúc thượng tầng (thượng tằng) thích ứng với chế độ kinh tế ấy của một xã hội ở một giai đoạn nhất định trong sự tiến hóa của lịch sử. Công xã nguyên thủy, chế độ nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ xã hội chủ nghĩa đều là những hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, thể hiện những giai đoạn đặc biệt trong sự phát triển của xã hội loài người. Cơ sở kinh tế của mỗi xã hội sinh ra một kiến trúc thượng tầng (thượng tằng). Đó là những quan điểm chính trị, pháp luật, tôn giáo, triết học, nghệ thuật của xã hội cùng những cơ cấu chính trị, pháp luật và tổ chức khác phù hợp với những quan điểm ấy. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều có những quy luật lịch sử riêng biệt chi phối sự phát sinh và phát triển của xã hội ấy và cũng có những quy luật chung chi phối tất cả những hình thái kinh tế - xã hội ấy thành một thể thống nhất, tạo thành lịch sử nhà nước. Sự chuyển biến từ một hình thái xã hội này đến một hình thái xã hội khác, không có tính chất ngẫu nhiên, mà nó diễn ra theo những quy luật chặt chẽ. Cơ sở của việc một hình thái kinh tế - xã hội này thay thế cho một hình thái kinh tế - xã hội khác diễn ra như một quy luật khách quan phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người. Hiến pháp được xây dựng cũng theo tinh thần đó.


     Hiến pháp của một nhà nước xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ quá độ là đạo luật cơ bản của toàn dân, thể hiện hệ thống chính trị, kinh tế hình thành trong điều kiện của nhà nước đó.
     Chúng ta hãy tìm hiểu xem một hệ thống Hiến pháp từ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay sẽ thấy rõ bản chất của Nhà nước cách mạng Việt Nam đã được thể hiện trong các Hiến pháp là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước (bao gồm cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp) Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.    
     Nhìn lại lịch sử, trước năm 1946, Việt Nam bị Chính phủ Đông Pháp đô hộ, cho nên không có Hiến pháp. Đến năm 1946, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam châu Á, nước ta mới có một bản Hiến pháp của một nhà nước cách mạng non trẻ. Đó là Hiến pháp năm 1946.
     Bản Hiến pháp thứ nhất, năm 1946:
     Bản Hiến pháp này được toàn thể Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Việt Nam) thông qua ngày 9-11-1946. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ mới, đánh dấu bước mở đầu cho lịch sử tư tưởng lập hiến Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 gồm 7 chương với 70 điều. Đó là bản Hiến pháp của thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
     Bản Hiến pháp thứ hai, năm 1959:  
     Hiến pháp năm 1959, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 31-12-1959, gồm 10 chương, 112 điều. Đây là Hiến pháp của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước.
     Bản Hiến pháp thứ ba, năm 1992:
     Hiến pháp năm 1992, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 15-4-1992, gồm 12 chương, 147 điều. Đây là Hiến pháp của đất nước đã thống nhất, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện.
     Bản Hiến pháp thứ tư, năm 2013:
     Bản Hiến pháp năm 2013, được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013, hồm 11 chương, 120 điều. Đây là bản Hiến pháp tiếp tục của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
     Hiến pháp Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của một nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
     Tính chất và quyền lực của Nhà nước:
     Điều 2 của Hiến pháp năm 2013, khẳng định:
     (1) “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
     (2) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
     (3) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
     Về vấn đề này, trên các trang mạng đòi không được ghi “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và cần thực hiện “tam quyền phân lập”. Như vậy, họ cố tình phủ nhận “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và đòi Đảng và Nhà nước ta phải thực hiện “tam quyền phân lập”. Họ không biết rằng, đây mang dấu ấn đặc thù của một nhà nước xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
     Thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” do các chuyên gia về hiến pháp và luật pháp người Đức và người Áo nêu ra lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XIX. Từ đấy, thuật ngữ “pháp quyền” được áp dụng tại nhiều nước theo một tiêu chí như một chế độ của nhà nước và có có thể sánh được với quá trình phát triển khái niệm “nhân quyền”. Khi nói đến “nhà nước” là nói đến một tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan chuyên chính của một giai cấp nắm quyền thống trị về kinh tế. Khi nói đến “pháp quyền” là nói đến hệ thống luật pháp tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, cho bản chất của một chế độ. Có nhà nghiên cứu cho rằng, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước, mà là một hình thức phân công và tổ chức quyền lực nhà nước. Đến nay, lịch sử loài người đã trải qua bốn kiểu nhà nước: nhà nước chiếm hữu nô lệ; nhà nước phong kiến; nhà nước tư sản; nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có ba kiểu nhà nước bóc lột chủ yếu: nhà nước chiếm hữu nô lệ; nhà nước phong kiến; nhà nước tư sản. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một kiểu nhà nước mới, nhà nước dân chủ theo kiểu mới và chuyên chính theo kiểu mới, khẳng định nhân dân lao động là chủ thể của xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa thủ tiêu chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước xã hội chủ nghĩa.
    Bản chất của một nhà nước pháp quyền cùng với tiêu chí của nó chưa được xác định một cách rành mạch. Một nhà nghiên cứu người Đức, Giáo sư, Tiến sĩ Umbach cho rằng, qua các cuộc thảo luận về ý nghĩa của thuật ngữ “pháp quyền” mang lại ít kết quả, vì nó rất trừu tượng. Theo Ông, yêu cầu về pháp chế đã được xây dựng và thực hiện ở các quốc gia sẽ có ý nghĩa nhiều hơn. Với Ông, các đặc điểm khác nhau của nhà nước pháp quyền đã được thể hiện theo nhiều cách, được chia thành nhóm và phân loại các thành phần. Tuy nhiên, các giáo sư, các chuyên gia người Đức không có một thỏa thuận nào về vấn đề này.
     Qua các trạng mạng internet, chúng ta thấy trong giới nghiên cứu của nhiều nước đang nói đến “nhà nước pháp quyền”, coi đó như một xu thế để phát triển nhà nước trong tình hình mới, nhất là trong xu thế tòan cầu hóa kinh tế.
     Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã bắt đầu để ý nghiên cứu nhà nước pháp quyền. Tại Cộng hòa Liên bang Đức, Chính phủ bắt đầu nghiên cứu một số dự án về nhà nước pháp quyền. Có điều là ở châu Âu, nơi phát sinh khái niệm “nhà nước pháp quyền” cũng không (hoặc chưa) xác định những tiêu chí chung của một nhà nước pháp quyền, mà tùy theo mỗi nước mà xác định cho phù hợp với đặc điểm và hiến pháp của nước đó. Một số nhà khoa học trên thế giới cho rằng, không cần phải theo mô hình nhà nước pháp quyền của châu Âu hay châu Á, mà nên theo mô hình của nước mình. Vấn đề đặt ra là phải bảo đảm quyền cơ bản của con người. Vì vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một tiêu chí chung cho một nhà nước pháp quyền.
     Tuy nhiên, gần đây, Giáo sư, Tiến sĩ Bery Hagơ (Barry Hager) thuộc Trung tâm Mansfield về các vấn đề Thái Bình Dương, đưa ra một số vấn đề có tính nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền: (1) Khi cơ quan lập pháp thông qua một đạo luật, công dân phải có quyền xem xét tính hợp hiến của đạo luật đó. (2) Khi cơ quan hành pháp tiến hành khởi kiện, công dân phải có quyền xem xét tính hợp pháp và hợp hiến của vụ kiện đó. (3) Khi cơ quan tư pháp tiến hành khởi kiện, công dân được quyền kháng cao đối với vụ kiện đó, khi cần. Ba vấn đề mà GS,TS Bery Hagơ nêu ra phản ánh tính dân chủ trong một nhà nước pháp quyền, nhằm vào quyền và trách nhiệm của công dân đối với vấn đề lập pháp, hành pháp, tư pháp trong nhà nước pháp quyền. Ông coi đó là quyền cơ bản của con người trong nhà nước pháp quyền. Rõ ràng, xu hướng nghiên cứu của Ông về nhà nước pháp quyền là thiên về quyền công dân.
     Giáo sư, Tiến sĩ D.C.Umbach lại cho rằng, ý nghĩa nội dung của nhà nước pháp quyền là nhà nước bảo vệ công lý. Nhưng công lý là gì, lại là một vấn đề trừu tượng, mỗi nước hiểu theo một cách khác nhau do nền chính trị nước đó quy định. Ông đã đưa ra cách tiếp cận để nghiên cứu về nhà nước pháp quyền: (1) Xác định nền công lý thực tại. (2) Áp dụng luật pháp thống nhất, bắt buộc và tính ổn định của pháp luật. (3) Giới hạn sự tự áp đặt của nhà nước pháp quyền thông qua việc bảo đảm các quyền cơ bản, thỏa thuận ràng buộc bởi nguyên tắc tương xứng và sự phân chia quyền lực.
     Nhà nước pháp quyền không phải là toàn quyền, mà có giới hạn của nó; nếu không, nó sẽ lộng quyền.
     Giáo sư, Tiến sĩ D.C.Umbach cho rằng, không một “quỹ chính trị” nào có thể trả lời được câu hỏi thế nào là công lý? Phải chăng, đó là nguyên tắc “không trừng phạt khi không có tội” và nguyên tắc “trừng phạt phải phù hợp với tội trạng”.  
     Giáo sư, Tiến sĩ D.C.Umbach nhấn mạnh đến nhà nước pháp quyền không được hoạt động tùy tiện, hoặc ngẫu nhiên, mà nhất thiết phải tuân theo các tiêu chuẩn đã quy định. Nhà nước pháp quyền phải được chỉ đạo theo các quy tắc của luật pháp chính thức có tính chất phổ biến chung.
     Ông Ibrahim Shihata, Luật sư của Ngân hàng thế giới (WB) định nghĩa tóm tắt về nhà nước pháp quyền là một nhà nước mà “các nguyên tắc về quyền hạn của chính phủ phải theo đúng pháp luật; các tòa án độc lập; sự minh bạch của pháp luật và việc giám sát tư pháp về tính hợp hiến của các đạo luật và các văn bản pháp quy khác”1. Xu hướng nghiên cứu này thiên về pháp luật.
     Vấn đề phân chia quyền lực của nhà nước pháp quyền cũng được đặt ra để nghiên cứu. Nhiều nước hiện nay vẫn đang áp dụng mô hình “tam quyền phân lập”, bảo đảm cho các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp hoạt động riêng biệt và không nhất thiết phải có sự ăn khớp với nhau. Họ cho rằng, mâu thuẫn trong công lý và pháp lý, nhiều khi lại bảo đảm lẽ phải và công lý và phần nào khắc phục được các vụ án oan sai. Vì vậy, quan điểm của họ về “tam quyền phân lập” là sự cần thiết trong nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều áp dụng “tam quyền phân lập”, mà có nước thấy rằng, khi áp dụng “tam quyền phân lập” thường dẫn đến sự đánh giá khác nhau về các vụ án, bên nào cũng có lý lẽ của mình, dẫn đến tình trạng bản án kéo dài, không kết luận được, làm cho bị cáo cứ ngắc ngoải trông chờ.
     Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xuất hiện lần đầu trong Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) và được phát triển lên tại các hội nghị Trung ương sau đó. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa IX (tháng 1-2004) khẳng định: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”2. Đó là phương hướng cơ bản của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện bộ mặt tinh thần và đạo đức xã hội, tính thực thi của pháp luật, sinh hoạt xã hội lành mạnh và quyền làm chủ của công dân; từng bước đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối của Đảng thành luật pháp và các văn bản pháp quy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một vấn đề rất mới ở Việt Nam, cho nên nghị quyết của Đảng cũng chỉ phác thảo ra những hướng chung nhất về một nhà nước pháp quyền kiểu Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng được một hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự thừa nhận và khẳng định Nhà nước pháp quyền là tất yếu lịch sử. Nó không chỉ là sản phẩn riêng của nhà nước tư sản, mà là tinh hoa, sản phẩm pháp lý trí tuệ của xã hội loài người, của nền văn minh nhân loại.
     Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước:
     Điều 4, Hiến pháp hiện hành, ghi rõ:
     “1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
     2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
     3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”1.
     Hiến pháp ghi như vậy là đầy đủ về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời, cũng khẳng định các tổ chức và đảng viên của Đảng hoạt động trong khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước, đồng thời, các tổ chức đảng và đảng viên nằm trong Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
     Nhìn lại lịch sử, thấy rằng, ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), Nguyễn Ái Quốc đã đặt vấn đề “Dựng ra Chính phủ công nông binh”1. Như vậy, Đảng đã sinh ra chính quyền nhà nước. Đến tháng 8-1945, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với bản Hiến pháp năm 1946, trở thành Đảng cầm quyền. Đến đây, chính quyền cách mạng đã trở thành hiện thực do Đảng khai sinh. Từ đấy, trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước cách mạng non trẻ với một hệ thống chính quyền các cấp, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, Đảng đang lãnh đạo Nhà nước và cùng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ.  
     Về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, có ý nghĩa quyết định để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng quan trọng và cấp bách trong thời gian tới. Mối quan hệ này phải trở thành cơ chế quản lý chung trong toàn xã hội. Vì vậy, cần phải thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, bảo đảm cho mối quan hệ này trở thành hệ thống quan điểm của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, trong ba thành tố của cấu trúc trên, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đã tương đối rõ, nhưng vai trò làm chủ của Nhân dân mới chỉ rõ về mặt nhận thức, ý thức, còn chưa rõ về mặt cơ chế. Nhân dân làm chủ như thế nào và làm chủ bằng cách nào đang còn là vấn đề chưa rõ, cần được tiếp tục hoàn thiện.
     Vấn đề quan trọng nhất trong mối quan hệ này là Đảng và Nhà nước phải thật sự có uy tín với Nhân dân. Muốn có uy tín với Nhân dân, thì phải tăng cường chống tiêu cực (trong đó có các vụ tham nhũng) trong Đảng và trong Nhà nước. Vấn đề giải quyết tham nhũng hiện nay vẫn đang còn dang dở, nó đang như “đứt cây động rừng”; bỏ dở trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng là mất lòng tin của các thành viên trong xã hội. Người bỏ cuộc sẽ là người bại cuộc và sẽ mất uy tín. Thỏa hiệp ngầm, dĩ hòa vi quý, “an bài” trong lúc này cũng sẽ dẫn đến mất lòng tin của người dân đối với chế độ. Cái khó trong lúc này của chúng ta là có nhiều quan điểm khác nhau giải quyết sự việc và con người phạm tội, mà một khi đã nói đến quan điểm là động chạm đến vấn đề về mối quan hệ giữa con người với con người.
     Hãy chờ xem tình hình sẽ diễn biến như thế nào và cách giải quyết ra sao, rồi mới có thể kết luận được.


1 Dẫn theo “Luật pháp quốc tế”, Klumer, xuất bản năm 1997, tr.5.
2 Văn kiện Hội nghị Trung ương 9, khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 131.
1 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 9, 10.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét