PGS.TS Phạm Văn Chúc
1. Mạng
xã hội
Nói đến mạng xã hội, cần thấy một số phương diện quan trọng chủ yếu của nó.
Thứ nhất, về cơ sở kỹ thuật – công nghệ truyền
thông, đây là một phương tiện thông tin đại chúng tiên tiến, hiện đại. Thứ
hai, về nội dung, tính chất thông tin,
đây là một kênh thông tin đại chúng đặc biệt, đặc thù. Thứ ba, mạng xã hội
không chỉ là một môi trường tin tức
đời sống xã hội khách quan, rộng mở, chung chung, mà chính là vô số tổ chức
thông tin – truyền thông có định hướng nhất định.
Mạng xã hội hoạt động dựa trên nền vật
chất là hệ thống kỹ thuật – công nghệ
truyền thông dân dụng, cả hữu tuyến lẫn vô tuyến truyền dẫn thông tin số
hóa (internet). Trong vòng khoảng 25 năm nay, nhất là 10 năm gần đây ở nước ta,
tiện ích của hệ thống này nói chung có thể được cung cấp cho bất kỳ ai muốn sử
dụng, khai thác như một dịch vụ thương mại thị trường phổ thông, phổ biến,
thuận tiện, dễ dàng và rẻ tiền. Kể cả chi phí không lớn ban đầu để cá nhân mua
sắm và truy nhập, hòa mạng cụm máy vi tính cá nhân, thì phương tiện thông tin
này vẫn hoàn toàn có tính đại chúng, phổ cập.
Nhờ tận dụng được ưu thế của ngành tin
học và kỹ thuật – công nghệ thông tin
hiện đại, mạng xã hội đồng thời tổng hợp, tích hợp và thực hiện được các chức
năng của hầu như tất cả các phương tiện thông tin và cơ quan thông tin đại
chúng dân dụng khác hiện có:
- Một loại báo in có thể cập nhật
thông tin mới tức thời, liên tục, vô số lần trong mọi kỳ hạn; truyền dẫn, phát
hành thông tin với tốc độ tức thời, cự ly nửa vòng trái đất và địa bàn toàn
cầu.
- Một loại báo nói có tốc độ, cự ly,
địa bàn quảng bá cực đại, vô hạn, có thể lưu giữ và tái hiện dễ dàng.
- Một loại báo hình (cả tĩnh/photo lẫn
động/video) có thể thực hiện thu, phát trực tuyến đơn giản, nhanh chóng, có thể
lưu giữ và tái hiện dễ dàng.
- Một trung tâm thông tin tổng hợp với
nội dung thông tin rất phong phú, đa dạng, cập nhật; được bố trí, sắp đặt linh
hoạt, hệ thống; có thể tra cứu, khai thác thuận tiện, thường xuyên, nhanh chóng
và lưu giữ, tái hiện dễ dàng.
- Một kho lưu trữ thông tin với dung
lượng, bề rộng, chiều sâu rất lớn, có thể truy cập, sử dụng phổ biến, thường
xuyên.
- Một nhà xuất bản biên tập, kinh
doanh sách điện tử (ebook) độc lập, tự chủ, tự do, có số bản và số đầu sách
phát hành không hạn chế.
- Duy nhất thực hiện được việc giao
lưu trực tuyến, hay là sự tương tác thông tin trực tiếp, tức thời, công khai
giữa tòa soạn bản báo với mọi bạn đọc.
- Đường cáp quang truyền dẫn thông tin
số hóa trong nước nếu không hòa mạng quốc tế, thì sẽ vẫn chỉ là nội bộ ở các
mức độ cao thấp, rộng hẹp khác nhau. Nhưng một môi trường thông tin được coi là
mạng xã hội thật sự, chỉ khi trở thành một bộ phận của hệ thống internet toàn
cầu mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể truy cập tùy ý, không giới hạn. Sự vận
hành kỹ thuật – công nghệ truyền thông thường xuyên, bình thường của mạng xã
hội, mặc nhiên là phải gắn liền với mạng internet xuyên quốc gia, siêu quốc
gia, khu vực và thế giới.
Chính vì vậy, việc “chặn nguồn”, “ngắt
mạng”, “sập mạng”… chỉ là giải pháp đối phó tạm thời, tình thế, cá biệt, phần
nào đơn giản, cực đoan. Nhìn chung sự quản lý nhà nước ở đây không phải là và
cũng không thể là vô hạn, tuyệt đối, thường xuyên, tùy tiện, tùy ý như với các
phương tiện thông tin đại chúng trong nước. Với tính năng, tác dụng đặc hữu,
đặc biệt trên đây, trên thực tế mạng xã hội đã, đang và sẽ là một trong những
phương tiện thông tin đại chúng có hiệu lực mạnh nhất, có sức thu hút lớn nhất,
rẻ tiền và tiện lợi nhất, được sử dụng nhiều nhất, do đó có tác động xã hội sâu
rộng nhất.
Về mặt nội dung thông tin, do cơ sở kỹ thuật – công nghệ truyền thông như
trên quy định, nên sẽ có vô số chủ thể có thể dễ dàng, thường xuyên tham gia
vào việc thu nhận hoặc/và truyền phát thông tin trên mạng xã hội. Chính vì thế,
thông tin mạng rất phong phú, đa dạng, thậm chí phải nói là quá phức tạp. Nó
bao gồm cả thông tin tốt lẫn thông tin xấu, cả hay lẫn dở, cả thật lẫn giả, cả
đúng đắn lẫn sai trái, cả chính thống lẫn lẫn thù địch, cả xây dựng lẫn phá
hoại, cả lề phải lẫn lề trái, cả định hướng kiểm duyệt lẫn tùy tiện nhạy cảm…
Đặc biệt, những nội dung thông tin ấy
lại có thể được cung cấp cho tất cả mọi người, hoặc ngược lại được tất cả mọi
người phát tán tùy ý một cách đồng đều, bình đẳng, không phân biệt. Cho nên
trên thực tế, ở mức độ nhất định có thể nói là, mạng xã hội tạo nên một môi
trường thông tin đại chúng hóa, “dân
chủ”, “công khai”, rộng rãi, mở ngỏ, đa diện, đa chiều, rất khó hoặc thậm chí
không thể bảo mật, hay phong tỏa, sàng lọc, khoanh vùng.
Đây là tình huống chưa từng xảy ra đối
với kênh thông tin chính thống được kiểm soát, điều tiết chặt chẽ trên các
phương tiện truyền thông đại chúng khác trong nước. Điều đó nhìn chung cũng
không thể thực hiện được bởi các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống
từ bên ngoài hướng vào trong nước. Vì rõ ràng cho đến nay chúng vẫn có những
hạn chế cố hữu khách quan chưa thể vượt qua về kỹ thuật – công nghệ đơn thuần.
Chẳng hạn như, cự ly quá ngắn của truyền hình; tính phiến diện, đơn điệu, kém
hấp dẫn của phát thanh (chỉ có lời nói, âm thanh); sự thiếu vắng chức năng lưu
giữ thông tin của cả phát thanh lẫn truyền hình; tốc độ chậm, tính gián đoạn
của báo in và sách viết…
Tổng hợp cả hai mặt công nghệ truyền thông và nội dung thông tin trên đây, mạng xã hội
trên thực tế chính là một tập hợp những tổ
chức truyền thông – thông tin tự do, có định hướng rõ rệt, đa chức năng,
tác động phức hợp. Trong đó, tính năng đáng chú ý nổi bật của nó là tuyên truyền
chính trị phi chính thức, phi chính thống, không tuân thủ, thậm chí đối lập với
Đảng, Nhà nước ta ở các mức độ khác nhau.
Trong phạm vi bài viết này, để tiện
nghiên cứu và cũng phần nào là phù hợp với cách hiểu thông thường, xin tạm quy
ước:
- Thuật ngữ “mạng xã hội” có nội hàm chủ
yếu là để chỉ một kênh thông tin “không tích cực”. Hoặc cũng có thể nói cách
khác là, đối tượng được xem xét ở đây chủ yếu là bộ phận “không tích cực” trong
mạng xã hội nói chung.
- Tính “không tích cực” đó thể hiện
chủ yếu ở nội dung thông tin về lĩnh vực chính trị. Cụ thể hơn, đó là những
thông tin không đúng về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và về thực
tế xây dựng CNXH của nhân dân ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay của thời kỳ
đổi mới hơn 30 năm qua ở nước ta.
2.
Công tác tuyên giáo
Đây là hoạt động của Đảng nhằm lãnh đạo,
chỉ đạo, quản lý, và ở một mức độ cao, còn nhằm chủ động, trực tiếp, thường
xuyên hình thành, xây dựng, sáng tạo các hiện tượng, quá trình tinh thần, ý
thức, tư tưởng trong đời sống xã hội theo định hướng XHCN; qua đó góp phần thúc
đẩy, phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH trên thực tế, đặc biệt trong giai đoạn
hiện nay của thời kỳ đổi mới ở nước ta.
Theo ý nghĩa cụ thể, trực tiếp của một
ngành, lĩnh vực công tác diễn ra trong thực tế, công tác tuyên giáo có thể được
tiếp cận từ một số khía cạnh chính sau:
(1).
Hệ thống các nhân tố hợp thành:
a. Chủ thể:
- Chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý
(cấp ủy các cấp, cả chuyên trách công tác đảng lẫn tham gia chính quyền).
- Chủ thể trực tiếp triển khai thực
hiện hoạt động (đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên môn trong các Ban Tuyên giáo).
b. Đối tượng:
- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức trong hệ thống chính trị, kể cả sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ
trang.
- Quần chúng nhân dân.
- Các cách phân chia khác theo những
tiêu chí: độ tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo…
c. Nội dung:
- Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà
nước về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Ý thức chính trị, pháp luật, đạo
đức, thẩm mỹ, khoa học, triết lý, tín ngưỡng theo định hướng XHCN, khoa học, nhân
văn, nhân đạo, tiến bộ, dân tộc và hiện đại…
d. Phương thức:
- Nghiên cứu khoa học và lý luận, tổng
kết thực tiễn.
- Giáo dục.
- Tuyên truyền.
e. Phương tiện:
- Cơ sở vật chất – kỹ thuật.
- Giáo trình, giáo án, tài liệu.
g. Điều kiện:
- Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa,
tư tưởng.
- Trong nước, quốc tế
- Môi trường tự nhiên, xã hội.
(2). Hệ
thống các hình thái, lĩnh vực công tác, tác nghiệp, hoạt động:
a. Công tác lý luận.
b. Công tác tuyên truyền (và cổ động):
tuyên truyền miệng, báo chí – xuất bản, văn hóa – văn nghệ.
c. Công tác khoa giáo.
(3). Hệ
thống các nhân tố cấu trúc của ý thức, tinh thần:
a. Kiến thức, tri thức, quy luật, tức là ý thức, tinh thần khách quan: phản ánh
thế giới hiện thực bên ngoài có quan hệ với chủ thể bằng hoạt động thực tiễn.
b. Giá trị, nhu cầu, niềm tin, tình cảm, đạo
đức, lẽ sống, lối sống, tức là ý thức, tinh
thần khách – chủ quan: phản ánh tồn tại xã hội hiện thực, thực tế của con
người, thể hiện sự thống nhất giữa chủ thể và khách thể.
c. Lý tưởng, mục đích, động cơ, tức là
ý thức, tinh thần chủ quan: phản ánh
xu thế, khuynh hướng hoạt động, khả năng, tiềm năng phát triển bên trong của
con người, thể hiện mâu thuẫn giữa chủ thể và khách thể.
3. Tác động của mạng xã hội và nhiệm vụ
công tác tuyên giáo
Mạng xã hội, thông
tin mạng (giới hạn ở bộ phận sai trái, tiêu cực của nó) tác động mạnh đến công
tác tuyên giáo hiện nay trên tất cả các khía cạnh, hướng tiếp cận đã nêu trên.
Sau đây là một số nội dung tác động cơ bản, nổi bật.
- Truyền thông mạng xã hội lấn át các
phương tiện thông tin đại chúng chính thống khác, kể cả những trang mạng chính
thống, chính thức, “lề phải”. Thông tin mạng xã hội thu hút số lượng lớn người
truy cập, nhất là những người làm việc trong hệ thống chính trị, đặc biệt là
trí thức, thanh niên sinh viên, học sinh, nhân viên lao động bậc trung, cao cấp
trong các tổ chức, doanh nghiệp tự do.
- Thông tin mạng xã hội thách thức
tính khách quan, đúng đắn của những kiến thức, tri thức, nguyên lý, quy luật
trong thế giới quan cá nhân và xã hội; nhất là của đường lối, quan điểm, chính
sách của Đảng, Nhà nước. Mặt khác nó dẫn đến những nhận thức, kiến thức, quan
niệm sai lầm, tiêu cực, sai trái.
- Thông tin mạng xã hội làm xói mòn,
đảo lộn hệ giá trị, niềm tin, đạo đức, lối sống, mục đích, lý tưởng, động cơ
chính thống theo định hướng XHCN, dân tộc, nhân văn, nhân đạo, tiến bộ, toàn nhân
loại. Mặt khác nó dẫn đến những định hướng giá trị sống, nhu cầu, mục tiêu sai
trái, tiêu cực, phản động, phi nhân, chống CNXH.
- Thông tin mạng chuyển hóa tư tưởng,
tinh thần, ý thức nói chung, gây tác động tiêu cực đáng lo ngại nhất chính là
đối với một bộ phận cán bộ trung, cao cấp, kể cả trong lực lượng chuyên trách
công tác tư tưởng – lý luận.
- Nội dung tư tưởng bị tấn công, phủ
nhận gay gắt nhất chính là lý luận CNXH của CN M-LN. Đặc biệt gần đây đó còn là
tư tưởng, tinh thần ĐLDT gắn với CNXH, chống CNTB, CNĐQ xâm lược, bóc lột,
thống trị. Thậm chí đã xuất hiện cả ý kiến ca tụng, chiêu tuyết, biện hộ cho
chủ nghĩa vọng ngoại, chấp nhận trào lưu “khai hóa” của CNTD Pháp xâm lược ở bộ
phận vua quan phong kiến cầm quyền phản động, đầu hàng, tay sai bán nước cuối
thế kỷ XIX ở nước ta.
Quan điểm sai trái, nguy hiểm biểu hiện dưới
hình thức một số “tìm tòi, nhận định, phản biện khoa học mới” này, chính là đã
manh nha tạo nền tư tưởng – lý luận định hướng, cổ xúy cho đường lối chính trị phản
động, phản dân tộc. Đó là tư tưởng, đường lối của những thế lực cả bên trong
lẫn bên ngoài muốn đưa Việt Nam ngày nay đi dần vào quỹ đạo phi XHCN, tư bản
hóa, phụ thuộc, phục vụ lợi ích của phương Tây, chấp nhận phát triển, hội nhập
chung chung, thực dung bằng mọi giá.
Phương
hướng và giải pháp đấu tranh ngăn chặn, loại trừ tác động tiêu cực trên của
mạng xã hội:
- Tăng cường sự quan tâm, hiệu lực,
hiệu quả hoạt động của chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đối với ngành tuyên
giáo và trong ngành tuyên giáo, đặc biệt về lĩnh vực thông tin – truyền thông
trên mạng xã hội.
- Chủ động, tích cực tham gia vận
dụng, sử dụng, phát huy, chiếm lĩnh, làm chủ mọi tính năng, tác dụng, lợi thế,
hiệu quả khách quan tích cực của môi trường truyền thông mạng xã hội.
- Kiên quyết đấu tranh phản bác những
nội dung thông tin mạng sai trái, thù địch, phản động.
- Đẩy mạnh đầu tư trang bị, hiện đại
hóa cơ sở kỹ thuật – công nghệ truyền thông của công tác tuyên giáo nói chung,
trước hết là lĩnh vực, cơ quan truyền
thông mạng.
- Phát triển nhân lực trực tiếp tác
nghiệp thông tin – truyền thông trên mạng xã hội trong ngành tuyên giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét