Tại kỳ họp thứ 30, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19/10/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề nghị kỷ luật giáo sư Chu Hảo, với lý do ông “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Cụ thể, Nhà xuất bản Tri thức do ông Chu Hảo làm Giám đốc đã xuất bản một số cuốn sách trái với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời vi phạm Luật xuất bản, nên đã bị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy. Theo lời ông Nguyễn Quang A, thì số sách này bao gồm 2 cuốn, là cuốn “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” của Nguyễn Đình Đầu, và cuốn “Tranh luận để đồng thuận” của nhiều tác giả.
Ông Chu Hảo là Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Tri thức, và từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường. Bên cạnh đó, ông cũng là một thành viên chủ chốt trong nhóm “Diễn đàn Xã hội Dân sự” (gọi tắt là giới Dân chủ) của Nguyễn Quang A, và từng chủ trì việc soạn, ký tên nhiều kiến nghị, bao gồm kiến nghị đầu tiên để phản đối Luật An ninh Mạng, được gửi đi hôm 02/06/2018. Vì vậy, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng công bố việc đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo vào ngày 25/08, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã ồ ạt đưa tin sai sự thật về vấn đề này, để phục vụ mục đích tuyên truyền chống chế độ. Các hoạt động tuyên truyền này diễn ra theo 5 hướng.
1. Hướng thứ nhất, là đưa tin sai về lý do ông Chu Hảo bị kỷ luật.
Ngày 25/08, kiến trúc sư kiêm dân chủ viên Dương Quốc Chính viết trên Facebook cá nhân rằng ông Hảo bị kỷ luật vì xuất bản 15 cuốn sách triết học chính trị phương Tây… Thông tin mà Chính đưa ra là sai sự thật, vì số sách này không bị “thu hồi và tiêu hủy”, nhiều cuốn trong số đó đã được tái bản và vẫn đang lưu hành trên thị trường. Dù vậy, cùng ngày 25/08, đài VOA tiếng Việt đã đăng lại tin đồn mà Chính tung ra, nhưng không dẫn nguồn Dương Quốc Chính, và viết rằng đó là tin “do đài VOA tìm hiểu”. Nhờ đó, tin đồn đã lan truyền, làm dấy lên dư luận hỗn loạn rằng Nhà nước Việt Nam đang ngăn cấm triệt để triết học phương Tây.
2. Hướng thứ hai là kể công ông Chu Hảo.
Có thể chia những người kể công thành 2 nhóm:
Nhóm thứ nhất, gồm những nhân vật “phản biện” nổi tiếng như Nguyễn Quang A và Trương Huy San. Họ đồng loạt viết rằng ông Chu Hảo “có công lớn với dân tộc”, vì đã “đưa Internet vào Việt Nam” thời còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ & Môi trường, và đã đưa tri thức của thế giới vào Việt Nam khi làm Giám đốc NXB Tri thức.
Nhóm thứ hai, gồm một số độc giả kiêm cộng tác viên trẻ của NXB Tri thức. Họ đồng loạt mô tả ông Chu Hảo như một ân nhân, vì nhà xuất bản của ông đã trang bị kiến thức chính trị cho họ, đồng thời cung cấp “cơ sở vật chất” và “sự bảo trợ” để họ hoạt động. Nổi bật trong nhóm này là các thành viên, cảm tình viên của nhóm Tinh thần Khai minh, như Nguyễn Vi Yên, Nguyễn Trường Sơn, Nguyệt Hà; và một cựu thành viên iSEE là Trần Chung Châu (những nhóm sống bằng tiền của CIA và NGOs).
3. Hướng tuyên truyền thứ ba
Nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đồng loạt viết rằng “Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam” (lời đài RFA tiếng Việt), “là chống lại tri thức, chống lại sự tiến bộ” (lời nhóm Tinh thần Khai minh). Họ viện dẫn các “công lớn” của ông Chu Hảo, như nêu trên, để chứng minh cho nhận định đó. Mặc dù công lớn về đưa internet vào Việt Nam thì phải nhắc đến ông Mai Liêm Trực, Trần Bá Thái, Vũ Hoàng Liên, Đặng Hữu, Nguyễn Quang A, Trương Gia Bình, Đỗ Trung Tá, Trương Đình Anh, Nguyễn Khánh… và Giáo sư Rob Hurle, Đại học Quốc gia Australia (ANU) chứ ông Chu Hảo khi này chỉ ngồi cho đủ ban bệ chứ trước đó từ năm 1991 lúc mà những người trên cùng GS Rob bắt đầu đưa ra sáng kiến đến khi bắt tay vào làm thì chả có tí gì liên quan đến ông Chu Hảo.
4. Hướng tuyên truyền thứ tư
Một số cá nhân chống đối như Nguyễn Hoàng Ánh và Lê Văn Luân chúc mừng ông Chu Hảo bị kỷ luật. Họ cho rằng sự kiện này sẽ khiến ông và NXB Tri thức được “nổi tiếng hơn”, “hot hơn”, “có sức mạnh với nhân dân” hơn, thay vì “xa lạ với gu của đại chúng” như trước. Tuy nhiên thực tế, chỉ hot trong giới Dân Chủ chứ hỏi các bạn trẻ thì ngay việc Chủ tịch nước (mới bầu) là ai họ còn chả biết đâu, nói vậy đủ hiểu rằng người Việt Nam từ già trẻ đến lớn bé họ không quan tâm những thứ này.
5. Hướng tuyên truyền thứ năm
Một số thành viên tham gia các nhóm chống phá, như Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang, đã tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam để đáp trả vụ kỷ luật ông Chu Hảo. Nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền rằng giới trí thức và Đảng viên lão thành đang đồng loạt từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, và cho rằng đảng mất tính chính nghĩa.
Khi thực hiện những hoạt động tuyên truyền vừa nêu, các tổ chức, cá nhân chống đối muốn tạo ra 2 ấn tượng sai lệch.
Một, là Nhà nước Việt Nam đang ngăn cấm dòng triết học chính trị của phương Tây.
Hai, là Chu Hảo, Nguyên Ngọc có tư cách đại diện cho giới trí thức, giới Đảng viên lão thành của Việt Nam; và Đảng Cộng sản đang “chống lại” giới trí thức, giới cán bộ lão thành bằng việc kỷ luật hoặc khai trừ 2 đại diện đó.
Bằng 2 ấn tượng sai lệch này, giới chống đối quảng bá cho các hoạt động của các nhóm chống đối, đồng thời công kích Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, một nhóm mới nổi là Tinh thần Khai minh đang muốn mượn danh ông Chu Hảo để đánh bóng tên tuổi.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại toàn bộ quá trình hoạt động, công tác của ông Chu Hảo, bạn sẽ thấy các thông điệp tuyên truyền trên có ít nhất 4 điểm sai sự thật.
Thứ nhất, Chu Hảo không phải là một nhà quản lý giỏi, như ông Nguyễn Quang A đang cố tô vẽ. Cụ thể, Chu Hảo đã được bổ nhiệm làm giám đốc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 1996, cùng thời điểm ông nhậm chức Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ. Vào thời điểm đó, những người khởi xướng đã quản cáo rằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khu này sẽ trở thành thung lũng Silicon, trong khi Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ trở thành đại học Stanford của Việt Nam. Tuy nhiên, do lỗi quy hoạch, trước tháng 07/2016, khu Hòa Lạc không hề có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn mà một khu công nghệ cao đòi hỏi. Khu Hòa Lạc đã gần như trở thành đất hoang, và vô hình trong mắt các nhà đầu tư suốt một thời gian dài, tới nỗi vào năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhận xét rằng khu Hòa Lạc “hơn 20 tuổi vẫn còn bú sữa”. Là giám đốc của khu Hòa Lạc, chắc chắn ông Chu Hảo phải chịu trách nhiệm chính về sự đình trệ này, bởi việc này đã gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cũng như khiến khu này trở thành dự án “chết”. Trong khi đó, khác với mô tả của Nguyễn Quang A, Internet đã được đưa vào Việt Nam bởi một nhóm nhiều quan chức và doanh nhân, trong đó ông Mai Liêm Trực đóng vai trò quan trọng nhất, chứ không phải ông Chu Hảo.
Thứ hai, như đoạn trên đã đề cập, NXB Tri thức chỉ có 2 cuốn sách bị thu hồi và tiêu hủy, là ” Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” và “Tranh luận để đồng thuận”. Cơ quan chức năng không thu hồi, và cũng không ngăn cấm các cuốn sách triết học phương Tây mà nhà xuất bản này đã cho ra mắt.
Thứ ba, những thành phần mượn danh trí thức để làm chính trị như Nguyễn Quang A và Chu Hảo, và những nhóm sinh viên manh động, khoe chữ như Tinh thần Khai minh không hề có tư cách đại diện cho đa số giới trí thức Việt Nam. Nếu Chu Hảo thật sự có tư cách đại diện, ông đã không phải ép hai ông Đặng Hữu và Mai Liêm Trực ký vào “Thư kiến nghị về Luật An ninh Mạng” ngày 02/06/2018, đồng thời đưa tin sai rằng Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn cũng ký vào thư đó.
Thứ tư, khi ông Chu Hảo có hành động trái với chủ trương của tổ chức Đảng, thì ông đương nhiên bị tổ chức kỷ luật. Đây là việc nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, không liên quan đến “giới trí thức” bao gồm nhiều người ngoài Đảng, và càng không liên quan đến các tổ chức chống Cộng trong và ngoài nước. Khi giới chống Cộng tuyên truyền rằng “Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam”, “là chống lại tri thức, chống lại sự tiến bộ”, dường như họ đang tôn Đảng Cộng sản làm người lãnh đạo của giới trí thức Việt Nam, người đại diện của tri thức và sự tiến bộ toàn cầu. Qua cách phản ứng này, có thể thấy họ khá dốt, trẻ con và cơ hội, chứ không có những phẩm chất cần thiết của người trí thức.
-theo fb: Nguyễn Thu Huyền-
Qua bài viết này tôi nhận thấy rằng việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề nghị kỷ luật giáo sư Chu Hảo là đúng người đúng tội với lý do ông “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Đặc biệt, tháng 6-2018, ông Chu Hảo soạn thảo “khuyến nghị về Luật An ninh mạng”, trong đó đã mạo danh chữ ký của Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Sau đó, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn đã phải viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và các tờ báo để thông báo việc bị mạo danh này. Trong thư, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định: “Tôi cho rằng một số người (ông Đặng Hữu, Chu Hảo...) đã lợi dụng vị trí cá nhân, chức vụ của tôi trước đây để đưa những thông tin không đúng sự thật, đây là hoạt động bịa đặt nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của cá nhân tôi và mục đích cuối cùng của họ là nhằm phủ nhận dự thảo Luật An ninh mạng, ngăn cản Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng.” Những hành động của ông Chu Hảo nhằm truyền bá, khuyến khích “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, nên không có gì ngạc nhiên khi các nhóm có tư tưởng chống Nhà nước Việt Nam hoặc các đảng viên suy thoái tư tưởng đã ca ngợi, hỗ trợ sau khi ông này bị kỷ luật.
Trả lờiXóa