Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

TA ĐÁNH MỸ LÀ ĐÁNH CHO CẢ LIÊN XÔ, ĐÁNH CHO TRUNG QUỐC, CHO CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ CHO CẢ NHÂN LOẠI, ĐÁNH CHO CẢ BỌN XÉT LẠI ĐANG ĐÂM VÀO LƯNG TA.


Câu nói trên của cố tổng bí thư Lê Duẩn đã khái quát chủ trương đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của các thế hệ lãnh đạo thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại ý rằng:
Ta đánh Mỹ ngoài đánh cho ta còn đánh cho các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đánh cho các phần tử xét lại thấy rằng ta quyết tâm đánh Mỹ và quyết tâm đánh thắng Mỹ.
I. Mạn đàm về ý nghĩa của câu nói
1. Độc lập dân tộc và dân tộc độc lập
Chúng ta phải hiểu rằng, để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, trước tiên Việt Nam phải dựa vào sức mình chứ không thể trông cậy vào bất kì 1 quốc gia hay thế lực nào khác. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Người cũng nói: "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập". Một dân tộc muốn đánh thắng kẻ thù xâm lược phải tập hợp được sức mạnh của toàn dân, lấy chính nghĩa để chống lại cái phi nghĩa. Đó chính là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đường lối ấy được các thế hệ lãnh đạo kế thừa và phát huy cao độ qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Độc lập dân tộc là mục tiêu, là sứ mạng, là cái "bất biến" của cách mạng Việt Nam. Sau thế chiến 2, Liên Xô chủ trương chung sống hòa bình với thế giới tư bản. Điều này ảnh hưởng đến quan điểm của một số cán bộ, đảng viên trong Đảng Lao động Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Họ hi vọng có thể thống nhất đất nước bằng giải pháp chính trị theo tinh thần hiệp định Gieneve. Họ cho rằng nếu sử dụng phương pháp đấu tranh vũ trang không những sẽ kéo Mỹ trực tiếp tham chiến mà còn làm mất lòng Liên Xô. "Bọn xét lại" mà Lê Duẩn nhắc đến ở đây chính là những cán bộ, đảng viên ấy. Trong khi đó, tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, đàn áp, giết hại đồng bào miền nam. Khả năng thống nhất đất nước bằng giải pháp chính trị rơi vào bế tắc. Chính tình thế ấy đòi hỏi đường lối đấu tranh phải có bước ngoặt mới- từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh bằng cả chính trị lẫn vũ trang. Bản Đề cương Cách mạng miền nam của ông Lê Duẩn cũng nêu rõ : "... nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác...".
Như vậy, mục tiêu đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược,giải phóng miền nam, thống nhất đất nước xuất phát từ tình hình cách mạng miền nam, từ ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước, từ căn cứ pháp lý là hiệp định Gieneve. Mục tiêu ấy không hề phụ thuộc vào đường lối của Liên Xô, Trung Quốc hay các nước xã hội chủ nghĩa khác. Cố tổng bí thư Lê Duẩn cũng đã khẳng định rằng chúng ta muốn thắng Mỹ thì nhất định không được sợ Mỹ, nhất định không sợ Trung Quốc, nhất định không được sợ Liên Xô.
2. Đáp lại sự giúp đỡ của khối các nước xã hội chủ nghĩa và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Trải qua thời kì đô hộ, cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, rồi 9 năm kháng chiến chống Pháp, đất nước ta phải xây dựng lại từ đống đổ nát. Sau hiệp định Gieneve, chúng ta mới có được hòa bình, độc lập trên 1 nửa đất nước. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền nam ngoài " tự lực cánh sinh" còn có sự giúp đỡ và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Về mặt kinh tế, các nước XHCN, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam ổn định đất nước, góp phần giúp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn thành thắng lợi các kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa thời kỳ sau năm 1954. Đó là sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị, kĩ thuật để khôi phục và phát triển các nhà máy, xí nghiệp, nông trường, bệnh viện, trường học, mạng lưới giao thông,... Các hiệp định mậu dịch cũng được ký kết, tạo thuận lợi cho mở rộng giao lưu buôn bán giữa Việt Nam với các nước trong hệ thống XHCN.
Về mặt quân sự, nhân dân Việt Nam nhận được nhiều khoản viện trợ bao gồm vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự, lương thực, thực phẩm, thuốc men, y cụ. Bên cạnh đó, các nước XHCN còn trực tiếp giúp ta vốn, trang thiết bị khoa học-kỹ thuật, cử các đoàn chuyên gia sang giúp xây dựng các công trình công nghiệp, quốc phòng, dân sinh. Việt Nam đã sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN để phát triển lực lượng bảo vệ miền Bắc XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Về mặt nhân lực, các nước XHCN, nhất là Liên Xô còn giúp Việt Nam phát triển ngành giáo dục, đào tạo và trực tiếp đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Nhiều nam nữ thanh niên được đưa đi học tập, công tác ở nước bạn. Ngược lại, nhiều chuyên gia kinh tế và kỹ thuật, cố vấn quân sự giàu kinh nghiệm cũng được đưa sang công tác tại Việt Nam.
Bên cạnh sự ủng hộ to lớn về vật chất là sự ủng hộ về mặt chính trị, tinh thần của các nước bạn bè thế giới đối với Việt Nam. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã có các hoạt động thiết thực của lãnh đạo và nhân dân ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Đó là những phong trào đòi các bên tôn trọng và thi hành hiệp định Gieneve, lên án sự can thiệp thô bạo của đế quốc Mỹ vào công việc nội bộ của Việt Nam và yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Phong trào phản chiến hình thành ngay trong lòng nước Mỹ và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ theo quy mô cuộc chiến, làm cho nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc. Phong trào đó được nhiều tầng lớp hưởng ứng, từ sinh viên, thanh niên, binh lính, nghệ sĩ đến toàn thể nhân dân tiến bộ Mỹ. Họ đấu tranh dưới nhiều hình thức như chống quân dịch, biểu tình, tuần hành thậm chí bạo động, tự thiêu. Áp lực từ chính bên trong đã góp phần làm cho đế quốc Mỹ phải chùn bước, nhượng bộ bằng việc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Paris.
Từ sau cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng, là ngọn cờ đầu cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới trông theo. Mỹ dùng chiến tranh ở Việt Nam làm thí điểm cho chiến tranh của Mỹ đàn áp phong trào cách mạng thế giới và để răn đe nhân dân thế giới. Ngược lại, nhân dân thế giới coi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là tiêu điểm của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ - kẻ thù chung của nhân dân thế giới.
Đáp lại sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước XHCN và các dân tộc tiến bộ trên toàn thế giới là sứ mệnh lịch sử của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền với sự phát triển của cách mạng thế giới, gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, trước hết là của giai cấp công nhân và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.
" Ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta". Đó là 1 phát biểu mang tính cách mạng, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của TBT Lê Duẩn nói riêng và các bậc lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung. Chủ trương của Đảng là Việt Nam phải gắn với thế giới, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp với nội lực bên trong, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đảm bảo đánh thắng kẻ thù.
II. Thủ đoạn cắt xén câu chữ, xuyên tạc ý nghĩa, quan điểm trong phát biểu của cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Các thế lực thù địch phá hoại đất nước ta bằng nhiều thủ đoạn và hình thức khác nhau. Trong đó có âm mưu bóp méo, xuyên tạc lịch sử khiến cho người ta hiểu sai bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu nói của cố TBT Lê Duẩn cũng bị chúng đem ra cắt xén với mục đích như vậy. Chúng bỏ phần sau và từ "cả" đi, chỉ còn lại là: Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc. Từ câu nói bị cắt xén này, chúng mổ xẻ, phân tích, suy diễn nhằm đánh tráo khái niệm, đánh đồng quan điểm giữa bản chất, vai trò của các bên tham chiến và trợ chiến. Chúng muốn mọi người hiểu lầm rằng chính 1 vị lãnh đạo cấp cao như ông Lê Duẩn cũng phải thừa nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là quân cờ, là đội quân đánh thuê cho Liên Xô, Trung Quốc; hay chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến ủy nhiệm.
Cái sai về ngôn từ thì đã quá rõ ràng, ở đây tôi xin nêu rõ cái sai về quan điểm. Đó là sai lầm khi cho rằng VNDCCH làm tay sai cho Liên Xô, Trung Quốc. Bởi vì:
Thứ nhất : Liên Xô, Trung Quốc viện trợ, giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam trên tinh thần vô sản quốc tế với chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới. Trong khi Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng, nhằm thực hiện mưu đồ làm bá chủ thế giới. Cũng có những giai đoạn Liên Xô, Trung Quốc thỏa hiệp, hòa hoãn và có những tính toán nhất định bắt nguồn từ những khó khăn, bất đồng và vì Mỹ quá giàu, quá mạnh.
Thứ hai : Nguồn viện trợ từ các nước XHCN là thành quả của nhân dân lao động, là tài sản chung của nhân dân lao động mỗi nước. Những khoản viện trợ ấy là sự giúp đỡ đúng nghĩa của các nước XHCN đối với VN. Trong khi đó, chính phủ Mỹ dùng ngân sách mua hàng hóa của các tập đoàn tư bản, tài phiệt để viện trợ cho VNCH. Như vậy, bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ vẫn là tìm kiếm thị trường để tiêu thụ hàng hóa cho giới tư bản.
Thứ ba: Mặc dù nhận viện trợ nhưng VNDCCH chủ động vạch ra đường lối, chủ trương, kế hoạch, chiến lược mà không hề phụ thuộc hay chấp nhận áp lực từ phía Liên Xô, Trung Quốc. Thậm chí còn từ chối nhận những khoản viện trợ có kèm theo điều kiện.
Từ sau khi diễn ra hội nghị Gieneve, VN đã chính thức bước lên vũ đài chính trị cùng mọi quốc gia trên thế giới với tư cách 1 quốc gia độc lập, không phải quân cờ của bất cứ nước nào, thế lực nào. Cũng kể từ đó, không có một quốc gia nào điều khiển hay can thiệp được vào công việc nội bộ của nước VNDCCH, dù là đồng minh hay đối thủ, dù bằng biện pháp sử dụng vũ lực hay bằng con đường ngoại giao.
(theo Facebook Giang Nông)

1 nhận xét:

  1. Qua bài phân tích trên đã làm cho tôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu nói của cố tổng bí thư Lê Duẩn: " TA ĐÁNH MỸ LÀ ĐÁNH CHO CẢ LIÊN XÔ, ĐÁNH CHO TRUNG QUỐC, CHO CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ CHO CẢ NHÂN LOẠI, ĐÁNH CHO CẢ BỌN XÉT LẠI ĐANG ĐÂM VÀO LƯNG TA."
    Và cũng phải nói rằng Các thế lực thù địch phá hoại đất nước ta bằng nhiều thủ đoạn và hình thức khác nhau. Trong đó có âm mưu bóp méo, xuyên tạc lịch sử khiến cho người ta hiểu sai bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu nói của cố TBT Lê Duẩn cũng bị chúng đem ra cắt xén với mục đích như vậy. Chúng bỏ phần sau và từ "cả" đi, chỉ còn lại là: Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc. Từ câu nói bị cắt xén này, chúng mổ xẻ, phân tích, suy diễn nhằm đánh tráo khái niệm, đánh đồng quan điểm giữa bản chất, vai trò của các bên tham chiến và trợ chiến. Chúng muốn mọi người hiểu lầm rằng chính 1 vị lãnh đạo cấp cao như ông Lê Duẩn cũng phải thừa nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là quân cờ, là đội quân đánh thuê cho Liên Xô, Trung Quốc; hay chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến ủy nhiệm. Qua đó chúng ta thấy được sự dã tâm của bọn phản động là nguy hiểm thế nào.

    Trả lờiXóa