Trong tác phẩm Thà ít mà tốt (2-3-1923), V.I.Lê-nin đã nêu vấn đề thống nhất giữa cơ quan của Đảng Cộng sản cầm quyền với cơ quan chính quyền. “Làm thế nào có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô viết?”, “Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta?”(1). V.I.Lê-nin đòi hỏi nghiên cứu nghiêm túc để có thể sắp xếp lại bộ máy các cơ quan lãnh đạo theo hướng thà ít mà tốt. “chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”(2). Những chỉ dẫn trên đây của V.I.Lê-nin thật sự có ý nghĩa sâu sắc đối với khoa học lãnh đạo, quản lý và khoa học tổ chức.
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu làm Chủ tịch nước
- Tổng bí thư, Chủ tịch nước trong hệ thống chính trị Việt Nam
Trên thực tế, ở nước Nga và Liên Xô trước đây, người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng là người nắm chức vụ cao nhất của Nhà nước. V.I.Lê-nin, người lãnh đạo tối cao của Đảng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng dân ủy (Chính phủ) từ 1917 đến 1924. Thời kỳ 1924 – 1953, G.Xta-lin, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng. Những năm 1953-1991, các Tổng Bí thư Đảng đều là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Xô-viết tối cao. Sau năm 1991, các nước kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đều có mô hình tổ chức kết hợp lãnh đạo Đảng và lãnh đạo Nhà nước. Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước. Cu-ba, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Lào, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Tỉnh trưởng.
Các nước khác trên thế giới, lãnh đạo Đảng cầm quyền trực tiếp nắm bộ máy nhà nước. Tổng Thư ký Đảng cầm quyền Xin-ga-po đương nhiên là Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản đồng thời đứng đầu nội các. Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia đồng thời là Thủ tướng Chính phủ. Nhiều nước ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới cũng được tổ chức tương tự. Rõ ràng việc nhất thể hóa chức vụ của Đảng cầm quyền với chức vụ Nhà nước là cách thức tổ chức mang tính phổ biến trên thế giới vừa củng cố vị thế của Đảng chính trị cầm quyền, vừa tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước.
Ở Việt Nam, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng và từ tháng 2-1951 là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến khi Người qua đời (2-9-1969). Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước không ngừng xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hoàn thiện hệ thống chính trị. Với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã có một số lần được đặt ra nhưng chưa có đủ điều kiện cần thiết.
Nay những điều kiện về vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền và xây dựng, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã chín muồi và đồng thuận trong Đảng, nhất là trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, cho phép nhất thể hóa các chức vụ lãnh đạo hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Một là, việc Tổng Bí thư đồng thời Chủ tịch nước là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và thực hiện tốt Điều 4 của Hiến pháp năm 2013. Từ năm 1945, Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước. Vai trò lãnh đạo đó được khẳng định trên thực tế và gắn liền với quá trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, với sự phát triển của Nhà nước. Các Hiến pháp năm 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định trong Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đó là sự hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam có đặc trưng thứ 7 là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sự lãnh đạo đó là nguyên tắc, không ngừng được củng cố, tăng cường, phù hợp với Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp được Nhà nước ban hành. Đảng lãnh đạo Nhà nước, quyết định về hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước; lãnh đạo quá trình Nhà nước thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng và động viên tổ chức nhân dân tham gia xây dựng và quản lý Nhà nước.
Hai là, Tổng Bí thư đồng thời Chủ tịch nước là tăng cường vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn đã được Hiến pháp quy định. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Những quy định từ Điều 86 đến Điều 93 của Hiến pháp 2013 về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước sẽ được thực hiện tốt hơn khi Chủ tịch nước cũng là Tổng Bí thư, trực tiếp thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. Thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Một đồng chí đảm nhiệm cả chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đòi hỏi phải có những phẩm chất, trình độ và năng lực, uy tín cần thiết để xử lý thành công cả vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện quyền lực Nhà nước. Chính điều đó càng khẳng định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện bộ máy tổ chức của Đảng và chính quyền nhà nước các cấp và cả hệ thống chính trị mà Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đề ra và đang được thực hiện.
Ba là, chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, cách thức kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý hiệu quả, hiệu lực cao nhất. Có người lo lắng về vấn đề kiểm soát quyền lực khi một người nắm giữ chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ở các nước, đều có quy định và cơ quan kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền, vượt quá quyền hạn cho phép. Ở Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Phải từ Cương lĩnh, Điều lệ, những quy định của Đảng, kể cả quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Kiểm soát quyền lực bằng những quy định của Hiến pháp và pháp luật, bằng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, của mọi cán bộ, đảng viên và của nhân dân. Ngay trong các tổ chức của bộ máy nhà nước, lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng thực hiện sự kiểm soát. Điều đó sẽ ngăn chặn sự tha hóa quyền lực. Điều quan trọng nhất là toàn Đảng, cả bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân lựa chọn được nhà lãnh đạo có đủ tài năng, đức độ, trách nhiệm và uy tín chính trị thật sự vì nước, vì dân.
(1) V.I.Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tập 45, trang 452.
(2) V.I.Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tập 45, trang 459.
(2) V.I.Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tập 45, trang 459.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước bảo đảm tăng cường sức mạnh và hoàn thiện hệ thống chính trị. Nhưng theo tôi thấy quan trọng hơn cả là một đồng chí đảm nhiệm cả chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đòi hỏi phải có những phẩm chất, trình độ và năng lực, uy tín cần thiết để xử lý thành công cả vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện quyền lực Nhà nước.
Trả lờiXóa