Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

LUẬT AN NINH MẠNG VÀ DỰ LUẬT ĐẶC KHU CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?



Nguyễn Tuấn,
Cầu Giấy, Hà Nội
 
Mấy ngày gần đây, đài báo mạng xã hội đưa nhiều tin tức về việc một số người lấy danh nghĩa thể hiện lòng yêu nước để phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu, với những hành động gây mất an ninh trật tự tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bình Dương. Thậm chí, một số người quá khích còn đập phá trụ sở cơ quan, đốt ô tô, phá hủy tài sản của tổ chức, cá nhân ở Bình Thuận; có người còn ném chất nổ phá hủy trụ sở công an quận 12 ở Gài Gòn.
Tôi xem ti vi, nghe đài, đọc trên báo chí, mạng internet và nghe truyền miệng trong dân gian, thấy có thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược nhau xung quanh sự kiện Luật an ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và dự thảo luật Đặc khu đang tiếp thu ý kiến nhân dân để trình kỳ họp quốc hội lần tới. Theo hiểu biết của tôi thì hiện nay đang có sự chưa thống nhất về tư tưởng giữa phía lãnh đạo Việt Nam và nhân dân về hai luật này. Không biết Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam tuyên tuyền, giải thích chủ trương ban hành luật như thế nào, nhưng một bộ phận dân chúng thì đang phản ứng, không muốn ban hành luật. Tôi thấy dư luận xã hội nghĩ và hành động không thuận theo những điều mà mấy ông lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam phát ngôn, lại cộng thêm hành động của một số người lợi dụng sự việc để làm rối thêm tình hình. Từ đó sinh ra một số hành động bột phát, làm mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống bính yên của nhân dân.
Là một người dân Việt Nam, không phải là đảng viên cộng sản, không dính líu đến chức tước gì của chính quyền, tôi tuy không có bằng cấp cao nhưng tự nhận mình là người có hiểu biết kha khá nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kiến thức. Đôi khi tôi từng hơi khó chịu với một số hành động và lời nói của những ông cán bộ biến chất, suy thoái về đạo đức, lối sống, không phải các ông nói gì là tôi đều tin hết. Nhưng ở việc ban hành hai luật này thì tôi lại có nhận thức khác. Suy nghĩ, đắn đo mãi, tôi quyết định viết bài bày tỏ chính kiến của mình về một hiện thực mà chúng ta đang mất quá nhiều thời gian và công sức không cần thiết.
Thứ nhất, xin lạm bàn đôi điều về lợi và hại khi ban hành Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu.
Trên thế giới đã có tiền lệ về đặc khu kinh tế, hầu như lúc đầu mới đưa ra chủ trương thì nhân dân cũng rất lo ngại, thậm chí phản đối. Nhưng sau đó, nhận thức lại, thấy rõ tác dụng của nó, nhất là về phương diện mở cửa đối ngoại, thu hút vốn và kỹ thuật đầu tư của nước ngoài, thì họ lại đồng lòng hưởng ứng. Ví như ở Trung Quốc khi đưa ra chủ trương về đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu của tỉnh Quảng Đông, đặc khu kinh tế Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến cũng bị nhân dân lên tiếng dữ dội, nhưng này thì lợi ích đã rõ.  
Bản chất đổi mới đất nước Việt Nam cần bám vào hai trụ cột: cải cách đối nội (chúng ta đã và đang tích cực triển khai) và mở cửa đối ngoại (thành lập đặc khu là một cách làm). Còn Luật an ninh mạng, rõ ràng ai hay vào mạng, sử dụng facebook, zalo, viber.. có lúc quá mệt mỏi, khó chịu vì vô tình phải đọc những cái tin, dòng viết, hình ảnh mà theo tôi là nó chỉ làm hại cho người tiếp cận, gây hoang mang tâm lý và thậm chí là phản văn hóa, vô giáo dục. Ví dụ, họ lấy thân con vật, gán với đầu người (có cả người lãnh đạo Việt Nam)… Khi có Luật an ninh mạng, chắc chắn chúng ta không mất thời gian, không tức tối khi phải gặp tin tức, hình ảnh kiểu như vậy; bảo vệ được sự tấn công, phá hoại trên mạng…
Hiện giờ chúng ta khó nói về hạn chế của hai Luật đó, nhưng có một số người cho rằng, Luật ra đời sẽ hạn chế tự do ngôn luận, làm giảm dân chủ. Tôi lại nghĩ khác, nếu bàn tán, phát ngôn, trình bày suy nghĩ cá nhân, đưa lên diễn đàn mạng xã hội… mà những lời nói, câu viết ấy trong khuôn khổ, không vi phạm pháp luật, không đi ngược với đường lối của đảng cộng sản thì không sao cả. Một số người lo lắng, thậm chí quy kết đặc khu là bán nước cho Tàu, nhưng tôi thấy trong dự thảo Luật đặc khu, không có chữ nào viết về Trung Quốc cả, càng không nói gì đến việc cho Trung Quốc thuê đất 99 năm. Dự thảo Luật có 85 điều thì 25 điều giải quyết thể chế và môi trường đầu tư, an ninh quốc phòng.
Thứ hai, xin bàn về việc vì sao phải ban hành Luật an ninh mạng và chưa thông qua Luật đặc khu.
Tôi thấy một số người nói Quốc hội Việt Nam chưa thông qua Luật đặc khu là vì sợ dân kiện và bị người ta phản đối nhiều quá; một số bài viết còn kêu gọi biểu tình phản đối Luật an ninh mạng và dự luật Đặc khu, cho đó là bán nước và hạn chế quyền tự do dân chủ của nhân dân. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề khách quan hơn. Để thông qua Luật an ninh mạng, phải trải qua nhiều bàn bạc, tiếp thu ý kiến của nhân dân và các chuyên gia. Qua theo dõi tin tức, tôi thấy từ cuộc họp lần trước đã bàn nhiều về luật nay và đến kỳ họp thứ 5 vừa qua, sau khi tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân thì Quốc hội mới thông qua, chứ không phải đưa ra là thông qua luôn. Còn Luật đặc khu, cũng bàn nhiều từ kỳ họp thứ 4, đến nay nhận thấy cần thiết phải lắng nghe thêm nhiều góp ý tích cực, thiết thực của dân, nên Quốc hội phải lùi việc thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp lần thứ 6 vào cuối năm 2018; đồng thời, nhận thấy ý kiến của dân là xác đáng thì mới điều chỉnh không còn thời hạn thuê đất đến 99 năm như dự thảo trước nữa. Việc làm đó của Quốc hội chính là biểu hiện sự cầu thị, dân chủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân (tuy không phải hoàn toàn nghe dân); sẵn sàng tiếp thu ý kiến đúng của nhân dân, điều chỉnh, sửa chữa những gì mà chính phủ dự thảo chưa đúng, chưa phù hợp. Vậy, ta nên hoan nghênh nhà nước mới đúng, chứ sao lại đẩy sang ý không tốt.
Thứ ba, xin bàn về hành động phản ứng của dân tại một số địa phương liên quan đến hai luật nêu trên.
Tôi đọc lại tài liệu thì thấy Hiến pháp năm 1946 quy định công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và hội họp; đến Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 và 2013 đều quy định công dân Việt Nam có quyền biểu tình, nhưng chưa có Luật biểu tình. Tuy nhiên, tôi thấy chúng ta đang lận lộn các khái niệm, chưa phân biệt được 4 cấp độ theo mức độ nguy hiểm là: tụ tập, gây rối; biểu tình; bạo lạn; lật đổ. Qua theo dõi thông tin, tôi thấy từ ngày 4/6/2018, có một số biểu hiện tụ tập, xuống đường biểu tình nhằm phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Từ ngày 10/6 đến rạng sáng 11/6 xảy ra tình trạng tụ tập đông người biểu tình, đập phá tài sản, gây mất trật tự công cộng ở Hà Nội, Sài gòn, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Thuận. Theo tôi, nên chia ra mấy trường hợp như:
1) Những hành động biểu tình, tụ tập của người dân phản đối ban hành hai luật nêu trên có thể là vì nhiệt tình yêu nước nhưng còn non hiểu biết. Họ sợ mất nước, sợ phải lệ thuộc vào Trung Quốc hay lệ thuộc vào nước ngoài nào đó khi ban hành luật đặc khu. Họ chưa hiểu về an ninh mạng, nên nghe ai đó nói rằng luật này ban hành sẽ ngăn cấm người dân phát ngôn, bày tỏ quan điểm, ngăn chặn tố cáo hành vi tiêu cực trong xã hội. Trường hợp này, có thể vì họ chưa được tuyên truyền, giải thích nên chưa hiểu biết mà sinh ra hành động nông nổi.
2) Trường hợp chủ mưu gây loạn, cố tình đi theo kẻ xấu, lợi dụng tình hình rắc rối, mượn gió bẻ măng để đp phá tài sản, quấy rối, chửi bới, nói xấu cán bộ, làm mất trật tự an ninh, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân, ví như hành động ném tảng đá to vào công an, ném thuốc nổ vào trụ sở, đưa ra khẩu hiệu phản động, kêu gọi nhân dân làm loạn… thì phải xử lý nghiêm. Những hành động như vậy là không đúng với tính chất của biểu tình như trong Hiếp pháp quy định. Trường hợp này phải xử lý thật nghiêm, tìm ra cho được ai là kẻ chủ mưu gây rối, phá hoại cuộc sống của nhân dân.
3) Trường hợp  một số người dân vì kém hiểu biết, thiếu thông tin, dẫn đến nghe lời một số kẻ xấu, đi hành động theo hiệu ứng đám đông, quá khích, thì các nhà chức trách cần có giải thích, tuyên truyền cho người ta hiểu. Theo tôi được biết, thì chưa có tài liệu nào tuyên truyền về hai luật đó cho dân hiểu, dân không biết lợi hại của luật và vì sao phải ban hành luật… nên dân phản ứng cũng là điều dễ hiểu thôi. Phải có chính sách giải thích cho dân hiểu trước khi ban hành luật, chứ không phải ban hành rồi, mấy ông lãnh đạo mới phát biểu, vội vàng quy chụp hành động của nhân dân là sai pháp luật. Cần phải nghĩ đến trách nhiệm là lãnh đạo không làm cho dân hiểu dẫn đến dân hành động thiếu hiểu biết mà phản đối lại chủ trương của lãnh đạo chứ.
Thứ tư, xin bàn về lòng yêu nước của nhân dân
Tôi nói thật nhé, đã là người Việt Nam thì ai mà chả yêu nước, thương nòi; chỉ là cách biểu hiện như thế nào thôi và không loại trừ yêu nước giả hiệu, tức là nhân danh lòng yêu nước để phá nước. Nên cần phân biệt là yêu nước có hiểu biết, đúng nguyện vọng của số đông, phục vụ lợi ích chung của dân tộc và yêu nước kém hiểu biết hoặc yêu nước theo kiểu nghe vào lời xúi dục của kẻ phản quốc mà mình không nhận ra. Yêu nước kiểu thứ hai này thì coi như hại nước, phản nước.
Tôi nghĩ, lòng yêu nước chân chính không đồng nghĩa với hành động quá khích, không bao giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan. Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt mới để củng cố, tăng cường  sức mạnh đoàn kết dân tộc. Người dân Việt Nam với tình cảm yêu nước đừng để lòng yêu nước đó bị kẻ xấu lợi dụng, biến thành hành động vi phạm pháp luật. Thực tế, trong quá trình xây dựng Luật an ninh mạng và Luật đặc khu, Quốc hội có tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Vì cầu thị lắng nghe ý kiến của nhân dân, nên mới lùi thời gian trình thông qua luật Đặc khu vào kỳ họp sau. Tuy nhiên, người dân ở nhiều địa phương do thiếu thông tin, hoặc là do hành động khi chưa đủ hiểu biết, hoặc là bị kẻ xấu xúi dục, kích động mà đã tham gia vào những cuộc gây rối như vừa qua, làm mất an ninh trật tự xã hội, phá hoại tài sản nhà nước, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, tốn công sức của lực lượng bảo vệ an toàn xã hội.
Người dân quan tâm, lo lắng cho vận mệnh đất nước là điều cần thiết và đáng được trân trọng. Nhưng nếu thiếu hiểu biết thì chính sự quan tâm ấy lại cản trở phát triển đất nước. Tôi nghĩ, lãnh đạo Việt Nam cũng cần rút kinh nghiệm qua sự việc vừa rồi, cần tổ chức đối thoại, trao đổi thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân; phải tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng sự cần thiết phải ban hành Luật và tác hại từ việc nhân dân bị lôi kéo kích động ảnh hưởng trực tiếp đến chính đời sống sinh hoạt và sản xuất của dân. Những lần sau, từ khi có dự thảo Luật cần phải tuyên truyền trước cho dân hiểu, không nên chờ đến khi đã ban hành luật, bị dân không hiểu mà phản ứng và bị kẻ xấu lợi dụng làm loạn, để lại hậu quả đáng tiếc thì mới lo giải thích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét