PGS,TS Đàm Đức Vượng
Bùi Tín, một nhân vật lưu
vong, bất đồng chính kiến, đã mất ngày 11-8-2018, thọ 91 tuổi, tại Pari, Pháp.
Khi còn sống, ông ta viết nhiều bài, nói chuyện nhiều lần về Nguyễn Tất Thành –
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Sau khi ông ta mất, những cuốn băng ghi bài nói
của ông ta vẫn còn phát lại nhiều lần trên một số trang mạng. Bùi Tín nói rằng,
Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài không phải là tìm đường cứu nước, mà là chán
chường trước cảnh nhà tan, cửa nát, người cha bị cách chức tri huyện, người mẹ
mất sớm. Chỉ có trong thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Pari, Pháp, từ năm 1917 đến
năm 1923 là yêu nước thật sự. Còn từ năm 1923 trở đi, Nguyễn Ái Quốc sang Liên
Xô, cũng có thể gọi là yêu nước, “nhưng yêu nước theo kiểu Quốc tế Cộng sản”,
chứ không phải là người yêu nước chân chính. Sự ngộ nhận này của Bùi Tín đã làm
cho một số người cả tin và tán thành với nhận định của ông ta.
Sự thật lịch sử như thế
nào, chắc hẳn mọi người đã rõ. Đó là ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái
Quốc – Hồ Chí Minh) bằng trái tim, khối óc và đôi bàn tay lao động, muốn đánh
đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đồng bào, bắt đầu vượt trùng dương sóng gió,
đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con đường cứu nước cho dân
tộc Việt Nam.
Lúc bấy giờ, kinh tế thực
dân xâm nhập, làm đảo lộn kinh tế trong nước. Giai cấp tư sản trong nước không
ngóc đầu lên được. Giai cấp tiểu tư sản bắt đầu phá sản. Thuế má nặng nề, sưu
dịch phiền phức… Tất cả những cái đó đã biến Việt Nam thành một địa ngục.
Năm 1908, lần đầu tiên,
nông dân các tỉnh Trung bộ nổi dậy chống thuế. Họ đi tay không, không có khí
giới. Họ chỉ yêu cầu giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc
ngắn và gọi nhau là “bồng bào”.
Cụ Phan Châu Trinh (Phan
Chu Trinh) mở trường học, bí mật truyền bá chủ nghĩa yêu nước. Vì vậy, cụ bị
kết án tử hình, nhưng được Hội Nhân quyền Pari cứu.
Cụ Phan Bội Châu sang
Nhật, sau sang Trung Quốc. Tại nước ngoài, cụ kêu gọi nhân dân Việt Nam vùng
lên đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ
XX có thể ví như con chim trúng thương rã cánh bị bầy diều hâu thi nhau rỉa
rói. Nhân dân lao động lầm than, gày gò, rách rưới, đói khát, sống quằn quại
dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Kẻ bóc lột ra sức bóc lột, người bị bóc
lột cũng ra sức bị bóc lột. Nước mất, nhà tan!
Đó là tình trạng trong
nước và ngoài nước, khi Nguyễn Tất Thành còn là một thanh niên mới lớn. Người
sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của nhân dân. “Lúc bấy giờ,
anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”1. Người “muốn
đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như
thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”2. Đó là mục đích ra
đi của Nguyễn Tất Thành. Và anh đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, chứ không
phải như Búi Tín nói Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài với mục đích cá nhân.
Cuộc hành trình đi tìm
đường cứu nước trở thành bước rẽ ngoặt trong xu thế cứu nước mới của Nguyễn Tất
Thành. Người xuống tàu biển Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville),
mở đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Đầu tiên, Người sang Pháp, ở lại
hải cảng Mácxây ít ngày, rồi đi vòng quanh châu Phi. Người làm bất cứ việc gì
để sống và để đi, vì mục đích cứu nước, cứu dân.
Nguyễn Tất Thành khảo sát
thực tế tại nhiều nước thuộc địa đã giúp cho Người nhìn rõ hơn, sát hơn bộ mặt
thật của chủ nghĩa thực dân đi “khai hóa văn minh”. Người nhìn rõ cảnh áp bức
giai cấp và áp bức dân tộc đè nặng lên các màu da; nhìn rõ “bằng xương bằng
thịt” hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa; nhìn rõ bản chất tàn bạo của chủ
nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa; nhìn rõ tình cảnh lam lũ của những người
lao động thuộc địa.
Rời châu Phi, Nguyễn Tất
Thành vượt đại dương đến Mỹ, và từ đây, đi đến Luân Đôn, thủ đô nước Anh vào
cuối năm 1913. Ngày 3-12-1917, Người từ nước Anh trở lại nước Pháp và lần đầu
tiên tới Pari, thủ đô nước Pháp.
Trong những ngày ở Pháp,
vào năm 1919, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, tiếp tục hoạt động
yêu nước và cách mạng. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong Người lúc này được đẩy
lên một nấc thang mới, khi Người kêu gọi các dân tộc bị áp bức hãy vùng lên.
Một trong những công việc
mà Nguyễn Ái Quốc tiến hành ở Pari là giáo dục, huấn luyện, đào tạo người Việt
Nam tại Pháp, đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng những người của các nước thuộc địa
lúc ấy đang ở Pháp. Người căn dặn: “Nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước”3.
Người viết báo, viết văn và cùng với một số người có tâm huyết ra báo “Người
cùng khổ” (Le Paria) tại Pari, nhằm giác ngộ lòng yêu nước cho đồng bào.
Tại Pari, vào năm 1920,
Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề
dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin trình bày tại Đại hội II Quốc tế
Cộng sản. Ngoài văn kiện quan trọng này, Người còn nghiên cứu một số tác phẩm
của C.Mác, trong đó có bộ “Tư bản”. Sau khi đọc Luận cương của V.I.Leenin,
Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình. Luận cượng đã
gợi mở cho Người một đường lối cứu nước mới. Đây là bước rẽ ngoặt về tư tưởng
của Người: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đây, Người bước
trên con đường đầy chông gai và thử thách.
Con đường Nguyễn Ái Quóc
đi bao giờ cũng bắt đầu từ chủ nghĩa yêu nước. Cơ sở tư tưởng của Người trước
lúc ra đi tìm đường cứu nước chính là chủ nghĩa yêu nước, và từ chủ nghĩa yêu
nước, Người đã tìm ra con đường cứu nước theo kiểu mới.
Nguyễn Ái Quốc là đảng
viên Đảng Xã hội Pháp từ năm 1918 (có tài liệu viết năm 1919). Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua (Tours), Pháp,
từ ngày 25-12-1920 đến ngày 30-12-1930, thảo luận vấn đề có nên gia nhập Quốc
tế III (Quốc tế Cộng sản), hay ở lại Quốc tế II?. Với 3.208 phiếu tán thành gia
nhập Quốc tế III, chiếm đa số; 1022 phiếu đề nghị ở lại Quốc tế II, chiếm thiểu
số. Đảng Xã hội Pháp tán thành gia nhập Quốc tế III. Bộ phận tiên tiến trong
Đảng Xã hội Pháp (trong đó có Nguyễn Ái Quốc) nhóm họp riêng để thành lập ra
một tổ chức chính trị mới: Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người trở thành đảng
viên Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên ở Đông Dương.
Năm 1921, tại Pari, Pháp,
Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập “Hội Liên hiệp thuộc địa”. Người được bầu vào
Ban Chấp hành Trung ương Hội, làm Ủy viên Thường vụ và trở thành một trong
những người lãnh đạo Hội. Hội là một tổ chức của những người yêu nước của các
thuộc địa Pháp như Mađagátxca, Máctiních, Haiti, Angiêri, Đông Dương,… Hội là
một hình thức mặt trận thống nhất của nhân dân các nước thuộc địa. Hội ra
“Tuyên ngôn” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Mục đích hoạt động của Hội là lãnh
đạo nhân dân các nước thuộc địa vùng lên đấu tranh chống xâm lược thuộc địa, vì
độc lâp, tự do của nhân dân các dân tộc bị áp bức. Nguyễn Ái Quốc phát biểu:
“Công cuộc giải phóng này, “chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản
thân anh em”4.
Cũng tại Pari, ngoài việc
tham gia sáng lập “Hội Liên hiệp thuộc địa”, Nguyễn Ái Quốc còn tham gia vào
việc thành lập “Ban Nghiên cứu thuộc địa” của Đảng Cộng sản Pháp. Người đề nghị
Ban Nghiên cứu thuộc địa phải có trách nhiệm giúp các nước thuộc địa trong việc
tìm ra con đường giải phóng phù hợp và đi đến thắng lợi.
Sự hoạt động không biết
mệt mỏi của Nguyễn Ái Quóc ở Pari đã làm cho nhiều người cảm động và rất khâm
phục. Ông Lêô Pônđét, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phôbua, Pari, nhận xét về Nguyễn Ái
Quốc: “Chỉ là một người thợ ảnh giản dị ở ngõ hẻm Côngpoanh, ông đã từng tham
gia với chúng tôi trong những cuộc thảo luận náo nhiệt. Ngay những người cừu
địch với ông, không ai không thán phục trí thông minh, tài năng và lòng thành
thật của ông”5.
Đầu năm 1923, Nguyễn Ái
Quốc chủ trương xuất bản báo “Việt Nam hồn” bằng tiếng Việt nhằm giác ngộ lòng
yêu nước, ý thức cách mạng cho Việt kiều đang sống ở Pháp lúc ấy và gửi về nước
kêu gọi đồng bào nổi dậy đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương,
giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người cũng muốn thông qua báo “Người cùng
khổ” và báo “Việt Nam hồn” để tuyên truyền, bồi dưỡng cho nhân dân Việt Nam
(trong đó có Việt kiều ở Pháp) lòng yêu nước và lòng tự trọng, đấu tranh để
giành lại nước. Trước cảnh nước mất, nhà tan, ở nơi đất khách quê người, Nguyễn
Ái Quốc đã làm hết sức mình vì nhân dân mình, đất nước thân yêu của mình.
Để tuyên truyền chính trị
và tư tưởng cho nhân dân các nước thuộc địa, trong những ngày ở Pari, Nguyễn Ái
Quốc viết tác phẩm :Bản án chế độ thực dân Pháp”. Người lên án những tội ác của
chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Người vạch rõ, dưới ách thống trị của thực dân, cuộc sống của nhân dân lao động
ở các nước thuộc địa vô cùng cực khổ. Họ bị đế quốc, phong kiến phản động, tư
sản áp bức, bóc lột bằng mọi hình thức, kể cả những hình thức dã man nhất như
“thuế máu”. Thông qua tác phẩm, người kêu gọi nhân dân các dân tộc bị áp bức
hãy vùng lên đấu tranh để tự giải phóng.
Ngoài tác phẩm “Bản án chế
độ thực dân Pháp”, trong thời gian ở Pari, Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài
chính luận, truyện, ký, tố cáo chế độ thực dân và kêu gọi sự giải phòng nhân
dân các nước thuộc địa, kêu gọi sự giải phóng cho nhân dân Việt Nam.
Có thể nói trong những
ngày ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã đặt viên gạch nền móng đầu tiên cho một ý thức
hệ mới và truyền bá ý thức hệ này cho lớp cán bộ cách mạng trẻ Việt Nam. Ý thức
hệ này chính là vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con
người, dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân
tộc gắn với thời đại.
Nguyễn Ái Quốc ở Pari từ
năm 1917 đến năm 1923, thì tới Liên Xô. Trong những ngày ở Mátxcơva, Liên Xô,
Nguyễn Ái Quốc đã là một chiến sĩ cộng sản mang tầm vóc quốc tế. Người làm việc
ở Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và tham gia các hoạt động của các đoàn thể
trong Quốc tế Cộng sản. Người nói: “Tôi phải nói các đồng chí rằng, chúng tôi
bị cai trị bởi một chế độ nô lệ”6.
Bùi Tín đánh giá trong
những ngày ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc cũng có thể là một người yêu nước, nhưng
yêu nước theo kiểu Quốc tế Cộng sản. Theo Bùi Tín, lòng yêu nước theo kiểu Quốc
tế Cộng sản và lòng yêu nước theo truyền thống khác nhau hay sao? Bùi Tín đã
nhầm. Thực ra, lòng yêu nước theo truyền thống và lòng yêu nước theo Quốc tế
Cộng sản chỉ là một, không có kiểu yêu nước theo Quốc tế Cộng sản với tinh thần
yêu nước truyền thống. Chủ nghĩa yêu nước là tình cảm đặc sắc nhất, đã tồn tại
trong lòng dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là ý thức của
nhân dân lao động với dân tộc mình; thể hiện lòng trung thành của nhân dân lao
động đối Tổ quốc của mình. Nhưng bởi vì Tổ quốc là một môi trường kinh tế - xã
hội, chính trị và văn hóa, thay đổi theo lịch sử, cho nên chủ nghĩa yêu nước ở
những thời đại khác nhau, cũng có những nội dung khác nhau, nó được quy định
không phải bởi một tinh thần dân tộc hoặc chủng tộc thần bí nào đó như một số
nhà tư tưởng tư sản quả quyết, mà bởi những điều kiện kinh tế - xã hội. Chủ
nghĩa yêu nước có ý nghĩa đặc biệt trong thời kỳ hình thành dân tộc, khi nó đã
trở thành ngọn cờ đấu tranh chống lại tình cảm cát cứ phong kiến và áp bức dân
tộc.
Sau Đại hội V Quốc tế Cộng
sản (1924) họp, Nguyễn Ái Quốc càng nóng lòng trở về phương Đông, rồi về Việt
Nam. Người tâm sự với người bạn chí cốt tên là D.D.Manuinxki, rằng, tại Đông
Dương chưa có Đảng Cộng sản, cho nên Người muốn thành lập càng nhanh càng tốt
một Đảng Cộng sản tại Đông Dượng, vì đã có điều khách quan làm việc đó. Muốn
vậy, phải nhanh chóng trở về phương Đông.
Bằng những nỗ lực hết sức
của mình và được sự giúp đỡ của D.D.Manuinxki, cuối cùng, từ Liên Xô, Nguyễn Ái
Quốc cũng đã về được Quảng Châu vào ngày 11-11-1924. Quảng Châu là thủ phủ tỉnh
Quảng Đông, một trung tâm cách mạng của miền Nam Trung Quốc.
Về Quảng Châu, Nguyễn Ái
Quốc tự xác định là tiến hành công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức (đặc biệt
là việc đào tạo cán bộ), chuẩn bị điều kiện cần có và phải có để thành lập
chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
Những ngày ở Quảng Châu,
Nguyễn Ái Quốc tập trung thời gian vào việc huấn luyện cán bộ cách mạng Việt
Nam. Người mở lớp huấn luyện chính trị, tuyển chọn những thanh niên yêu nước
Việt Nam sang học.
Cùng với việc tổ chức lớp
học chính trị, vào tháng 5-1925, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến thành lập một tổ chức
yêu nước cách mạng đầu tiên ở Việt Nam: “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (còn
gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – gọi tắt là Thanh niên).
Nguyễn Ái Quốc rời Quảng
Châu và trở lại Liên Xô lần thứ hai vào tháng 6-1927 với lý do là tránh quân
đội Tưởng Giới Thạch đang lùng bắt Người. Tại Liên Xô, Người tiếp tục đào tạo
cán bộ cho cách mạng Việt Nam bằng cách liên lạc với trong nước, cử những thanh
niên ưu tú sang học tại Trường Đại học Phương Đông, Mátxcơva, Liên Xô. Trong số
những người sang học lần này có Trần Phú, sau là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
Cộng sản Đông Dương.
Ở Liên Xô, nhưng Nguyễn Ái
Quốc vẫn nóng lòng trở về Đông Dương để cùng nhân dân thực hiện cuộc cách mạng
giải phóng dân tộc. Nguyện vọng chính đáng của Người đã được Quốc tế Cộng sản
giải quyết.
Từ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc
đến Thái Lan, điểm nối tiếp trong cuộc hành trình về phương Đông. Vào một ngày
của tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc đến Băng Cốc, thù đô nước Xiêm (Thái Lan) và
gây dựng phong trào yêu nước trong Việt kiều ở đây. Từ Xiêm, Người đến Hương
Cảng (Hồng Kông) vào ngày 23-12-1929 để chuẩn bị thành lập Đảng.
Hội nghị thành lập Đảng
diễn ra tại một địa điểm ở đảo Cửu Long thuộc quần đảo Hương Cảng (Hồng Kông)
từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Đây là Hội nghị hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản
trong nước thành lập trước đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản
Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, do Nguyễn Ái Quốc, Thay mặt Quốc tế Cộng
sản chủ trì. Nguyễn Ái Quốc nhận xét:
“Việc thành lập Đảng là
một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng
tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”7.
Người tổng kết:
“Chủ nghĩa Mác - Lênin kết
hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập
Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”8.
Sau khi Đảng được thành
lập, phong trào cách mạng Đông Dương rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn. Rất
nhiều cán bộ được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã bị địch bắt, giết, thì ngày
6-6-1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt ở Hương Cảng và chiều ngày 22-1-1933,
nhờ sự bố trí của luật sư Lôdơbi, Người đã trốn thoát khỏi Hồng Kông để trở lại
Liên Xô lần thứ ba. Lần này, Người công tác và học tập tại Liên Xô từ năm 1933
đến năm 1938. Sau đó, Người lại trở lại Xiêm và đến năm 1941, Nguyễn Ái Quốc
trở về nước, chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), ra Nghị quyết quyết
định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 13-8-1942, Người lấy
tên là Hồ Chí Minh sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của
những người Việt Nam ở đó. Nhưng chẳng may, Người đã bị chính quyền địa phương
của Tưởng Giới Thạch bắt giam hơn một năm, bị giải tới, giải lui khắp 13 huyện
và khoảng 30 nhà lao tỉnh Quảng Tây.
Ngày 10-9-1943, Hồ Chí
Minh được trả lại tự do.
Ngày 20-9-1944, Hồ Chí
Minh trở về Việt Nam, cùng với Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cách mạng Việt
Nam, tiến tới giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thành lập
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam).
Một trang sử mới lại bắt
đầu…
Sự thật rành rành là thế,
vậy mà Bùi Tín cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử về Hồ Chí Minh, cần
phải phê phán.
------
Chú
thích:
1.
Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời
hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 12.
2.
Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời
hoạt động của Hồ Chủ tịch, sđd, tr. 13.
3.
Bùi Lâm: Gặp Bác ở Pari, in trong sách
“Bác Hồ”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 47.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc
gia – Sự thật, 1995, tập 2, tr. 128.
5.
Lêô Pônđét: Chúng quanh Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Tuần báo Ici Paris, số 53, ngày 11,12-6-1946.
6.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdđ, 2000, tập
1, tr. 208.
7,8.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdđ, 2000, tập
10, tr.8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét