Nếu thời Trung cổ, người ta trừng phạt kẻ phạm lỗi bằng các nhục hình, như ném đá vào người nạn nhân cho đến chết. Còn thời hiện tại, người ta cũng ném đá, nhưng là ném đá trên mạng, đủ để nạn nhân thấm nhục, và chết từ từ. Cho đến khi trả giá cho tội của mình xong rồi, nhưng nó vẫn để lại dấu vết trên… google. Người ta không còn nói miệng lưỡi thế gian nữa, mà người ta nhắc tới cơn bão của sự căm ghét trên mạng!
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, người viết cuốn “Bức xúc không làm ta vô can”, tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đức, tiến sĩ Kinh tế tại Áo. Hiện ông đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có nhiều hoạt động nghiên cứu phát triển xã hội, khuyến khích tư duy phản biện và nỗ lực xây dựng văn hóa tranh luận.
Với góc nhìn đa dạng đặc biệt của mình, Đặng Hoàng Giang đã phơi bày những định kiến của đám đông: “Vết nhơ dẫn đến định kiến. Người có HIV được mặc định là hư hỏng, phụ nữ không có con là ích kỷ, người đồng tính là bị bệnh tâm thần. Định kiến dẫn tới kỳ thị và phân biệt đối xử. Vết nhơ là giấy phép để người ta coi người bị dán nhãn không hẳn là người”.
Sự căm ghét giống như tình yêu, là những trải nghiệm thông thường của con người. Nhưng trong những trường hợp bệnh lý, căm ghét trở nên bao trùm, nuốt chửng tất cả, trở thành một cái hố đen tiêu thụ toàn bộ tâm trí của người ghét.
Hãy tránh xa các cơn bão căm ghét, vì nó không kiến tạo công lý, mà chỉ đầu độc những người tạo ra nó! (Ảnh: Barcodemagazine) |
Theo tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, “Vô tình hay cố ý, ai trong chúng ta cũng từng phán xét, hạ nhục, hoặc phi nhân hóa kẻ khác… Ai trong chúng ta cũng từng bị vướng vào vòng xoáy khủng khiếp ấy, nhất là những kẻ từng chịu đớn đau. Đặng Hoàng Giang đã rất chính xác khi gọi tên khát vọng muốn chà đạp kẻ khác đôi khi xuất phát từ sự tổn thương vì bị chối bỏ. Những nỗi đau vô thức dù ta đã quên nhưng luôn tồn tại như các cơn sóng ngầm lái con thuyền hành vi vào tâm bão, khiến ta quay cuồng mà khó thực sự hiểu ra nguyên cớ. Những trận đòn của bố mẹ hay sự xâm phạm tình dục thời ấu thơ sẽ như vết thương vô hình đi theo suốt cuộc đời và ngấm ngầm phá hoại tình yêu, công việc, hay các giao tiếp hết sức thông thường hàng ngày!”
Ấy thế nhưng, với loạt seri phân tích: “Bảy bước của sự căm ghét”, “Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây”, “Những nghi thức hạ nhục”… Đặng Hoàng Giang như chọc vào một lò lửa của đám đông đang phẫn nộ. Đặc biệt, với tư cách khách mời trong talkshow “60 phút mở” của MC Tạ Bích Loan, những cơn bão của sự căm ghét, “gạch đá” đã trút xuống đầu anh khi có những ý kiến trái chiều về từ thiện ở Sapa.
“Chúng ta cố gắng tích điểm ba lần mỗi ngày: Làm một cử chỉ tử tế; dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận”. (Ảnh: Duy Trí) |
Thật trớ trêu, người viết sách phân tích về “sự căm ghét”, “làm nhục” người khác của thế giới mạng, lại cũng chịu hứng những cơn bão căm ghét của cộng đồng mạng (ít nhất là 3 cơn bão) khiến cho anh cũng khá choáng váng, “mặt tôi nóng bừng, như vừa bị ăn nhiều cái tát”. Có lẽ, đây là trải nghiệm thực tế đớn đau mà tác giả không chờ đợi. “Tôi hình dung ra họ đang thấy bản thân mạnh mẽ, họ đang là chính nghĩa, cái thiện, cái tốt đẹp, họ đang đè bẹp cái xấu xa và ngu dốt”.
Với những trải nghiệm như vậy, Đặng Hoàng Giang bằng “Dự án trắc ẩn”, nêu lên rất nhiều giải pháp, trong đó có gợi ý của Karen Amstrong: “Chúng ta cố gắng tích điểm ba lần mỗi ngày: Làm một cử chỉ tử tế; dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận”.
Giã từ văn hóa làm nhục, có điều gì đẹp hơn là việc chúng ta tìm tới những con người trắc ẩn để được tiếp năng lượng. Và rồi chính chúng ta cũng trở thành cái cây xanh tốt để người khác tới trú ẩn. Thoạt tiên chỉ là một người. Rồi hai người, ba người, và dần dần nhiều hơn nữa.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng: “Tiểu luận của Đặng Hoàng Giang có sự thống nhất với con người xã hội của anh, một nhà hoạt động có ảnh hưởng. Viết là cách lập ngôn để Giang tạo ra sự thay đổi. Nhưng trước hết là sự thay đổi ở chính bản thân người cầm bút. Cuốn sách đã bắt đầu tự băn khoăn, thậm chí cả hoang mang của người viết về sự dễ dàng của cái ác trong thời đại số, nhưng nó lại kết lại bằng sự điềm tĩnh của tác giả, khi thấy niềm tin vào con người, cuối cùng vẫn là thứ cần phải nuôi dưỡng. Còn nhiều việc phải làm, nhưng có thể làm được!”
Dưới đây là cuộc trò chuyện nhanh của phóng viên với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang về “Thiện, ác, và smart phone”!
- Trong sách anh có nói tới 2 cơn bão căm ghét anh. Lúc đầu, nó khiến cho mặt anh nóng bừng, rồi thấy mình như bị tát nhiều cái... Vậy trong talkshow 60’ mở về từ thiện của chị Tạ Bích Loan, nó hẳn là một cơn bão khá lớn khác? Sự đối diện của anh với cơn bão này ra sao? Anh đã có đôi chút kinh nghiệm?
- Cơn bão căm ghét trong vụ "từ thiện" rất lớn, lớn hơn những lần trước. Người ta bóp méo các phát ngôn của tôi, chế ảnh châm biếm, dựng nên những trang Facebook giả danh tôi... Có một sự căm hận rất lớn.
Nằm ở trong tâm bão căm ghét luôn luôn là một trải nghiệm rất khó chịu. Rất may mắn là tôi có được sự hỗ trợ của đồng nghiệp và bạn bè. Chúng tôi không mong muốn "đè bẹp" một đối phương nào cả, mà mong muốn tạo ra những cuộc trao đổi, tranh luận văn minh, điều rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Tôi vừa mang trong mình những cảm xúc của một người bị đám đông truy đuổi và thoá mạ, vừa buồn bã vì những câu chuyện như thế này cho thấy nhiều người chưa chấp nhận cho người khác quyền tự do biểu đạt, chấp nhận sự đa dạng trong quan điểm. Và do đó, con đường dẫn tới văn minh trong tranh luận sẽ còn khó khăn.
- Anh có cách nhìn khá điềm tĩnh, và tự tin vào ý kiến của mình, nhưng có bao giờ, anh thấy mình có sự nhầm lẫn trong nhận định một vấn đề gì đó trong phát ngôn, hoặc khi viết và đưa nó ra công chúng hay không?
- Tôi không bao giờ khẳng định ý kiến của mình là đúng 100%. Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe người khác, mời phản biện, và sẵn sàng điều chỉnh quan điểm của mình khi được thuyết phục hay có thông tin, chứng cứ mới. Tôi luôn ở trong trạng thái tiếp tục học hỏi.
- Anh đã nghiên cứu rất kỹ, ví dụ 50 sắc thái của sự căm ghét, và anh cũng hứng đá của các antifan của Hà Hồ, Ngọc Trinh khi chỉ đưa ra phân tích về sự căm ghét hai nhân vật này, anh nghĩ sao khi mình bị liên quan và sự bị hứng ném đá của anh nói nên điều gì?
- Tôi cho rằng những người căm ghét Hồ Ngọc Hà, Ngọc Trinh... là những phụ nữ hoặc đã bị tổn thương, thất vọng sâu sắc trong quá khứ, có thể bởi bố họ hoặc chồng họ, hoặc luôn ở trong tình trạng bất an, sợ hãi rằng cái hạnh phúc hôn nhân của mình mong manh và bị đe doạ. Sự căm ghét của họ xuất phát từ nhu cầu tự vệ, nhu cầu khẳng định giá trị của bản thân. Tiếc rằng căm ghét chưa bao giờ là lời giải, nó không làm cuộc sống và hôn nhân của họ vững chãi hơn, con người họ tự tin hơn. Tôi cho rằng niềm tin rằng tấn công một ai đó ngoại tình trong xã hội thì có thể bảo vệ được hôn nhân của mình là một ảo ảnh.
Mặt khác, tất nhiên họ hoàn toàn có tự do biểu đạt để lên tiếng phản đối, tẩy chay lối sống của Hồ Ngọc Hà hay của bất cứ ai khác, nhưng nó không nên trở thành một cuộc chiến đầy bạo lực.
- Anh có viết về “Vết nhơ online và quyền được Google quên”. Tôi cũng được nghe câu chuyện về một người phạm tội đã trả xong án, ông ta có gọi điện thoại xin một ông Phó Tổng biên tập xóa bài trên báo mà ông này phụ trách, nhưng ông PTBT đã từ chối bởi không muốn đó là một tiền lệ. Vậy theo anh, vấn đề này nên được giải quyết thế nào? Liệu người này sau khi đã trả giá cho hành động của mình, thì có quyền được xóa án trên Google hay không?
- Tôi nghĩ ông Phó Tổng biên tập có thể đem trường hợp này ra (sau khi ẩn tên người liên quan) để tạo ra một cuộc thảo luận và đối thoại trong công luận về vấn đề quan trọng này. Quyền được quên nên được áp dụng trên những nguyên tắc nào? Nó nên được áp dụng thế nào với người của công chúng (chính trị gia, doanh nhân lớn), với người thường dân như một bảo mẫu hay một người chạy xe ôm. Trường hợp nào thông tin nên được giữ lại cho công luận, trường hợp nào công luận không cần thiết phải "nhớ". Bao nhiêu lâu là khoảng thời gian thích hợp để quên. Sẽ không có lời giải đơn giản và dễ dàng, nhưng đã tới lúc xã hội Việt cần khởi động suy nghĩ về chuyện này.
- Thêm nữa, người ta thường nói về luật về nhân - quả, tức là sẽ không phải gặp các cơn bão của sự căm ghét, nếu như bạn không gây ra điều gì đó. Vậy theo anh, phải hiểu điều này thế nào?
- Không ai dám khẳng định mình sẽ sống cả đời mà không phạm lỗi. Thứ hai, tòa án là thể chế duy nhất được quyền đưa ra trừng phạt. Chúng ta, những cư dân mạng, không có quyền đó. Chúng ta cũng nên từ bỏ ý nghĩ rằng có thể phán xét, có thể hiểu được người khác thông qua một hành vi, một phán ngôn của họ. Nếu có luật nhân quả, chúng ta sẽ là người chịu nó đầu tiên cho sự tàn nhẫn của mình với những kẻ mà chúng ta gán cho họ cái mác "ác".
- Cuối cùng, anh có lời khuyên nào cho mọi người, khi muốn có cách hành xử thật tỉnh táo trong thời đại của smartphone với các thông tin ồ ạt hiện nay?
- Hướng tới những nội dung tốt đẹp trên mạng xã hội. Kiểm tra rất, rất kỹ các thông tin trôi nổi trên mạng. Trước khi share, like, hãy nghĩ tới con người bị liên quan, nghĩ tới bố mẹ, con cái họ. Hãy hình dung họ là bạn hay họ hàng của mình. Cuối cùng, hãy tránh xa các cơn bão căm ghét, vì nó không kiến tạo công lý, mà chỉ đầu độc những người tạo ra nó.
- Xin chân thành cảm ơn anh!
Lan Anh-Mai Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét