Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn

 


Bảo Yến

 

Gửi bác Trần Chí Phúc! Đọc bài viết “cứu trợ bão lụt miền Trung” của bác, tôi cũng ít nhiều nhận đươc sự cảm thông, chia sẻ của cá nhân bác về trận lũ lụt lịch sử đang hoành hành tại miền Trung quê nhà. Mở đầu, bác đã gợi nhớ trong tôi những cảnh lũ lụt năm nào: “Nhà tôi ở Tuy Hòa thuộc Miền Trung nằm sát con sông nhỏ cho nên mỗi năm vào mùa mưa khoảng tháng 9 tháng 10 là lụt; có năm lụt nhỏ có năm lụt lớn. Nhìn con sông trở nên vạm vỡ, nước chảy cuồn cuộn trôi ra biển mà hiểu được sức mạnh của thiên nhiên. Có những lần nửa đêm nằm ngủ, tỉnh giấc vì nghe tiếng động, bước chân xuống giường thì đụng ngay nước lụt vào nhà và bà con đánh chảo đánh thùng la lên báo động khắp nơi. Và mọi người phải di chuyển ra vùng đất cao hơn lánh nạn. Hình ảnh đó mãi theo tôi suốt đời, nhiều khi trở về trong giấc mơ dù đã tha hương bên Bắc Mỹ này hơn bốn chục năm”.

Bởi cũng như bác, tôi cũng đã phải trải qua những trận lũ lụt kinh hoàng. Tôi sinh ra và lớn lên ở ven sông Hồng; cuối những năm 60 đầu 70, cứ vào tháng sáu âm lịch là lũ tràn về, lũ của con sông Cái thì bác biết đấy, nó như gầm lên và muốn cuốn phăng tất cả. Nhưng chúng tôi còn một nỗi lo hơn là: Mỹ ném bom! Và thật may, hôm nay chúng ta vẫn còn sống, dù đã trải qua những cuộc bể dâu. Thật tiếc, bác đã xa nước nhà hơn bốn chục năm để không hình dung và chứng kiến đất nước mình đang thay da, đổi thịt từng ngày.

Thưa bác, tôi không rõ thời Việt Nam cộng hòa họ chống bão lụt ra sao, nhưng những ngày này cả nước đang hướng về miền Trung bác ạ. Bộ đội, công an đã và đang ở tuyến đầu. Các cơ quan, đoàn thể từ trung ương đến địa phương đều quyên góp để ủng hộ miền Trung. Từ các cháu bé, người già đến các văn nghệ sỹ cũng đang làm tất cả vì miền Trung. Đúng như câu ca “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, đây cũng là truyền thống tốt đẹp muôn đời của dân tộc mình, hôm nay vẫn thế.

Tấm lòng của bác với đất nước, với đồng bảo miền Trung hôm nay, qua bài viết tôi hiểu được. Nhưng có một chút, nhỏ thôi, tôi ngờ rằng bác chưa khách quan: “Mấy chục năm trôi qua từ khi Việt Nam không còn chiến tranh nhưng công việc đối phó và giúp đỡ đồng bào chống thiệt hại từ bão lụt Miền Trung của nhà cầm quyền vẫn không tiến bộ”.

Bác biết đấy, mùa xuân năm 1975 đất nước thu về một mối, người dân ngỡ được yên ổn làm ăn thì chỉ hơn một năm sau, biên giới Tây- Nam lại xảy ra chiến sự bởi kẻ thù quấy phá. Năm 1979, kẻ thù phương Bắc lại đem hơn 60 vạn quân xâm lước, cả dân tộc lại bước vào một cuộc chiến đấu mới, 10 năm mới chấm dứt bác ạ. Chưa hết, chưa quên thù cũ, Mỹ lại cấm vận. “Nhà cầm quyền” như ngôn ngữ của bác “họ” phải lãnh đạo nhân dân như thế nào và được lòng dân thế nào mới vượt qua những khó khăn, thách thức này. Phải cảm ơn, không, phải biết ơn “họ” bác ạ.

Khi có bất kỳ khó khăn nào, trong hoàn cảnh nào thì Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu là chăm lo bảo vệ người dân. Bác xem lại mấy đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua thì thấy rõ. Còn đối với đợt thiên tai do mưa lũ vừa qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động cứu trợ. Từ khâu dự báo, đến các phương án đều được tính toán kỹ lưỡng; cả Ban Chỉ đạo Trung ương cùng với các lực lượng túc trực thường xuyên để chỉ đạo công tác phòng chống, đưa người dân đến nơi trú tránh an toàn; có cả một Phó Thủ tướng đến trực tiếp chỉ đạo các cấp chính quyền triển khai công tác cứu hộ cứu nạn cho người dân để đảm bảo an toàn, với phương châm không để người dân bị đói, bị rét. Rất nhiều hình ảnh vô cùng cảm động về việc cứu trợ đồng bào.

Ai cũng biết, dải đất miền Trung, một bên là biển, một bên là núi chỉ thấy ngút ngàn trong tầm mắt là giang sơn cẩm tú. Nhưng miền Trung luôn là điểm đổ bộ của nhiều cơn bão, kéo theo nhiều thiệt hại về người và của. Phân tích của các nhà khoa học đã chỉ ra, đa phần các cơn bão lớn thường bắt nguồn từ nguyên nhân địa lý. Hầu hết các cơn bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp thấp. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7,8,9) rãnh thấp thường vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đó mà đi. Khi bão đổ vào miền Trung thường gây ra tình trạng lũ lụt trên diện rộng. Điều này phần lớn do địa hình các tỉnh miền Trung, các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn, nên nước đổ xuống rất nhanh. Ở một đất nước mà hàng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chủ yếu ở khu vực miền Trung, chưa kể mưa lũ bất thường, cơn bão cơn lũ nào cũng hung hãn và tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người. Nhưng chỉ qua một đêm thôi, lũ lụt đã nhấn chìm tất cả bức họa tươi đẹp ấy. Trong mưa lũ, ai cũng là nạn nhân. Vẫn biết trước thiên nhiên con người thật nhỏ bé và tội nghiệp, chỉ biết gồng mình gánh chịu. Nhưng cảnh tượng người chồng quỳ xuống gào thét ngay chỗ vợ và đứa con sắp chào đời bị lũ cuốn trôi ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế thì ai cũng xót xa.

Mưa, lũ vẫn đang hoành hành ở miền Trung. Những ngày này, tiếng gọi miền Trung lại vang lên tha thiết và đầy day dứt. Khi vừa thoát cơn đại dịch Covid-19, kinh tế tê liệt, người miền Trung kiệt quệ khi liên tiếp bão lũ lại giáng xuống mảnh đất còn quá nhiều khốn khó này. Nhưng cũng chính những ngày này, chúng ta lại cảm nhận sâu sắc nghĩa đồng bào ấm áp, càng thêm quý, thêm thương miền Trung, khúc ruột của Tổ quốc. Bởi vì đó là một phần của đất nước, một phần máu thịt mà chúng ta vẫn gọi bằng hai tiếng thiêng liêng - Đồng bào. Cho nên miền Trung không bao giờ đơn độc. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào còn được chắt chiu trong những cân gạo, thùng mỳ và quần áo ấm cùng tiền bạc đang được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm cách chuyển đến miền Trung. Uỷ ban Mặt trận tổ quốc nhiều tỉnh thành đã gửi thư kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ đồng bào bị bão lụt. Các hoạt động vẫn đang diễn ra hết sức khẩn trương với tình cảm chân thành từ mọi người dân của cả nước, kể cả kiều bào ở nước ngoài.

Việt Nam mình chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai bác Chí Phúc ạ. Và nếu bình luận gì về những vấn đề liên quan đến Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ người dân thì bác cần phải có cái nhìn khách quan, đừng cố ý chụp mũ rồi làm cho người khác hiểu không đúng sự thật, gây mất niềm tin  của người dân và thậm chí họ sẽ cho rằng bác chẳng hiểu gì mà cứ phán bừa, rồi cho rằng bác đang lợi dụng lúc khốn khó để câu like kiếm tiền đấy. Tôi cũng tin tưởng nhà nước sẽ có một quy hoạch dài hơi và thiết thực hơn trong công tác ứng phó với thiên tai cho cộng đồng ở những khu vực thường xuyên bị bão lũ. Và cũng cần lắm những tấm lòng biết sẻ chia trong lúc khó khăn này. Hãy hướng về Tổ quốc, hướng về đồng bào “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau” phải không bác Trần Chí Phúc?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét