Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Dân chủ, nhân quyền – Mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam

QĐND - Lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho thấy: Con đường cách mạng theo Chủ nghĩa Mác- Lê-nin đi từ giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, đến xây dựng xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trước hết là do công lao học hỏi, nghiên cứu phát hiện của Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào thời kỳ đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ và quyền con người còn rất mới mẻ đối với các dân tộc thuộc địa, nhưng đã là một trong những “lực hấp dẫn” Nguyễn Ái Quốc tìm đến phương Tây. Thiên tài trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc không chỉ thể hiện ở sự nhạy cảm đối với những vấn đề chính trị mới của thời đại, trong đó có cách mạng XHCN và cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa… mà Người còn sớm nhận thức được những giá trị chung của loài người, trong đó có quyền con người. Trong bài trả lời phỏng vấn một nhà thơ Liên Xô - Ô-xip Man-đen-xtam, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc kể lại: "Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy...(vì vậy) tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”[1].
Trong "Tuyên ngôn độc lập", năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn lại Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ - năm 1776; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp - năm 1789, và suy ra một chân lý mới có ý nghĩa thời đại, đó là: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2]. Có thể xem đây là quyền tự nhiên của các dân tộc, không phân biệt lớn- nhỏ, phát triển hay chậm phát triển. Với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ vừa là tiền đề, vừa là điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ, quyền công dân và quyền con người. Có thể nói, tư tưởng giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tạo tiền đề cho quyền con người của các dân tộc thuộc địa là đóng góp lớn lao nhất cho tư tưởng nhân loại trong thế kỷ XX.
Lịch sử đã ghi nhận, ngay sau khi cách mạng thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta đã tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội; thành lập chính phủ; xây dựng và ban hành Hiến pháp, hình thành cơ sở chính trị, pháp lý của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; các quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta được tôn trọng, bảo vệ. Hiếm có một cuộc cách mạng nào, một đảng chính trị nào lại có thể đồng thời làm được những công việc lớn lao, phức tạp - xây dựng chế độ dân chủ, hệ thống chính trị quốc gia chỉ trong vòng một năm như cuộc cách mạng của dân tộc ta. Có thể nói từ đây, nền tảng của chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền, các quyền công dân và quyền con người của chế độ ta đã được tạo dựng vững chắc và trở thành một mục tiêu nhất quán của cách mạng Việt Nam trên 70 năm qua (1945-2013).
Không phủ nhận rằng, do hoàn cảnh lịch sử và sai lầm về nhận thức lý luận, một số quyền công dân và quyền con người của nhân dân đã bị hạn chế. Chẳng hạn như sai lầm giáo điều trong việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài, hạn chế vai trò của chính quyền nhân dân, vai trò của pháp chế trong cải cách ruộng đất; hay bệnh chủ quan duy ý chí, như xóa bỏ các thành phần kinh tế tư nhân, xóa bỏ kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường trong thời kỳ xây dựng xã hội XHCN sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (1975-1986). Những sai lầm khuyết điểm này đã được Đảng ta phát hiện trong Đại hội VI (1986), Đại hội được xem là sự kiện khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Là chế độ tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20-9-1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế (về nội dung cũng mang tính nhân quyền) như “Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957), “Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957)… Trước khi đổi mới, vào năm 1982, Việt Nam đã gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đó là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” (năm 1966) và “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966).
Các Cương lĩnh 1991 và 2011 của Đảng ta đều khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ.
Đối với Đảng và Nhà nước ta, quyền làm chủ trực tiếp của người dân luôn được quan tâm. Chỉ thị của Đảng (Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở), đã quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân tại cơ sở… Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Pháp lệnh Bảo đảm quyền được biết, được bàn, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, xã hội của người dân ở các cơ sở. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý của phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển… tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội… giúp đỡ mọi thành viên xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương…” . Để bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan nhà nước và công dân, nhiều bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, quyền con người; Dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm quốc gia, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Có thể dẫn ra những luật sau: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân (1989), Luật Giáo dục (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo hiểm xã hội (2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006), Luật Phòng, chống tham nhũng (2005), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Bình đẳng giới (2011)... 
Ở tất cả các quốc gia, chế độ dân chủ và bảo đảm quyền con người là một quá trình lịch sử. Đơn giản vì dân chủ và quyền con người là thành quả sự phát triển tổng hợp của xã hội, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời còn chịu sự tác động của các yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc. Ở nước ta cũng như vậy, trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhận thức của Đảng, trình độ phát triển kinh tế và dân trí được nâng cao từng bước, bởi vậy dân chủ và quyền con người cũng từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, một thực tế chính trị ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới cho thấy: Quan điểm về dân chủ và quyền con người luôn có sự  khác biệt nào đó và những lực lượng chính trị cường quyền, cực đoan  luôn lợi dụng điều này để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Đây là một khó khăn, thách thức mà mọi quốc gia, trong đó có nước ta, phải vượt qua.
Hiến chương của Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người luôn xem quyền dân tộc tự quyết, xem vai trò của các nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người là yếu tố quan trọng, cơ bản nhất trong việc bảo đảm quyền con người. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn ý thức rằng, bảo đảm quyền con người phải dựa trên pháp luật và nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy mà Đảng và Quốc hội ta đã quyết định sửa đổi Hiến pháp 1992. Một trong những nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này là đưa nội dung về vai trò, ví trí của quyền con người vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nếu như trong Hiến pháp 1992, quyền con người chỉ được quy định trong một điều (Điều 50) và được đặt ở Chương V, thì trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, quy định về quyền con người được đặt ở Chương II, hình thành chương: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Chương này được đặt ngay sau Chương I “Chế độ chính trị”.  Trong Chương II, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội, bao gồm cả những quyền mới như quyền về môi trường, quyền hiến tặng tạng… đã được ghi nhận đầy đủ. Điều này không chỉ thể hiện rõ nhận thức của Nhà nước ta về tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mà còn thể hiện khả năng của Đảng và Nhà nước ta “cập nhật” những thành quả sự phát triển của quyền con người của cộng đồng quốc tế. Đồng thời với việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam cũng đang sửa đổi nhiều luật, nhằm bảo đảm có hiệu quả hơn các quyền công dân và quyền con người.
Không phủ nhận rằng, hiện nay xã hội ta còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến bảo vệ quyền con người, chẳng hạn như sự phân hóa giàu nghèo; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa bị đẩy lùi,… nhưng không thể phủ nhận được rằng, ở nước ta chế độ dân chủ, quyền công dân và quyền con người là một thành quả của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người thuộc bản chất của chế độ ta, đồng thời là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
THÀNH NAM – PHƯƠNG ANH
[1] - Hồ Chí Minh, Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 477.

[2] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét