QĐND - Từ khi
Đảng ta triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đến nay,
quan điểm “tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm cùng
tên ngày càng được cán bộ, đảng viên quan tâm học tập, vận dụng nhiều hơn. Tại
lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912/9-7-2012),
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đây là một đóng góp quan trọng về lý
luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức... Tác
phẩm thể hiện tư duy sắc sảo của một lãnh tụ già dặn về chính trị; vừa tranh
luận, vừa thuyết trình một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng-những
khía cạnh biện chứng giữa cái trước mắt và cái lâu dài, giữa sách lược và chiến
lược, đánh tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn lúc bấy giờ”.
Nội dung tác phẩm
“Tự chỉ trích” đã phản ánh chân thực tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Cừ-người đảng viên cộng sản kiên cường, bất khuất, sống cuộc đời trong sáng và
cao đẹp. Sinh ra trong một gia đình nghèo, tại làng Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh),
năm 16 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, 26 tuổi được bầu làm Tổng Bí thư
của Đảng (1938) và bị thực dân Pháp giết hại khi mới 29 tuổi (1941). Với 13 năm
hoạt động sôi nổi, đồng chí đã trở thành một biểu tượng về tinh thần dấn thân,
hy sinh tất cả vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Từ một học sinh trường Bưởi,
trở thành hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Văn Cừ đã xung
phong đi "vô sản hóa" ở vùng mỏ Quảng Ninh. Tại đây, đồng chí đã tích
cực giác ngộ, vận động công nhân tham gia cách mạng. Chỉ sau hai năm "vô
sản hóa", đồng chí đã trở thành một lãnh đạo chủ chốt của phong trào công
nhân vùng mỏ. Cho đến khi bị địch bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn
Văn Cừ vẫn tiếp tục biến nơi "địa ngục trần gian" này thành “trường
học cộng sản”. Đồng chí không ngại bộc lộ những hạn chế về trình độ của mình,
chủ động đề nghị các đảng viên lớn tuổi và có trình độ cao hơn giảng giải những
quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ đó nghiền ngẫm, đúc rút các
bài học cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Tài năng chính trị kiệt
xuất của đồng chí được hình thành và phát triển từ quá trình “tự chỉ trích” như
vậy.
|
Đồng chí Nguyễn
Văn Cừ. Ảnh tư liệu.
|
“Tự chỉ
trích” là tác phẩm ra đời trong bối cảnh nguy cơ Chiến tranh thế giới lần thứ
II lan rộng, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử
tờ-rốt-kít giả danh cách mạng ra mặt chống phá Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên
cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành
một cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm
chống bọn tờ-rốt-kít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng.
Trong tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Mục đích của tự phê bình và
phê bình trong Đảng là để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu
phương pháp sửa lỗi: “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng,
dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ… Chúng ta
phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta
phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh: “Phê bình
Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh
hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh”.
Bằng việc công khai
mục đích “tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã yêu cầu toàn Đảng và mỗi
đảng viên phải tập trung uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ như
chủ quan, tả khuynh, hữu khuynh, nội bộ mất đoàn kết; sai lầm trong phương thức
vận động quần chúng… Đồng chí nhấn mạnh, những sai lầm, khuyết điểm này ảnh
hưởng rất nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và sách lược
cách mạng của Đảng. Đồng chí cho rằng: “Đảng có bổn phận phải phân tích xác
thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn để tìm ra
những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ”...
Đồng chí Nguyễn Văn
Cừ yêu cầu: “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh
dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống
những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm
cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ bị địch lợi dụng, chửi
rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ "nối giáo cho giặc". Trái lại, nếu
đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn
một cục, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa…”.
Nhấn mạnh đến dũng
khí của Đảng khi thực hiện “tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng:
“Không mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng thì đó
không phải một Đảng tiền phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”.
Đồng chí còn chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích,
miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vích, không làm giảm uy
tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hý hửng tìm ở đây một sự chia rẽ
hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản. Vì trong thảo luận, thiểu số phục
tùng đa số, chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người như một để
thực hành ý chí ấy”.
“Tự chỉ
trích” là một sinh hoạt dân chủ trong Đảng, nhưng sự dân chủ ấy phải gắn liền
với nguyên tắc của Đảng. Về điều này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ yêu cầu: “Bao giờ
sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bôn-sê-vích, nghĩa là để huấn luyện quần
chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng,
để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên,
đưa cách mạng tới thắng lợi". Đồng chí cho rằng: “Phê bình và tự phê bình
phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết... vì một người đảng viên
cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của
mình thôi”.
Ngày nay, nghiên
cứu hoàn cảnh ra đời và nội dung tác phẩm, chúng ta càng thấy tác phẩm đã góp
phần quan trọng vào việc giáo dục, giác ngộ chính trị cho đảng viên, tập hợp
lực lượng quần chúng trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương, chống lại bọn
tờ-rốt-kít và khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến xuất hiện trong Đảng lúc đó.
“Tự chỉ trích” còn có giá trị chuẩn bị về mặt lý luận và tư tưởng cho thành
công của Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tức là hai tháng sau Chiến tranh
thế giới thứ II bùng nổ. Trong hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Trung
ương Đảng đã nhanh chóng quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách
mạng của Đảng phù hợp với thực tiễn thời cuộc lúc đó.
Hội nghị Trung ương
4 (khóa XI) của Đảng đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng
Đảng hiện nay”. Nghị quyết tập trung vào ba nội dung chính: Ngăn chặn, đẩy lùi
tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là
cấp Trung ương; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, thực hiện
tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Nghị quyết đã chỉ ra bốn nhóm giải pháp đồng
bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp cả "chống và xây", "xây và
chống". Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là phải thực hiện tốt việc tự
phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Học tập và noi
gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức đẩy
mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa
cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu trong
mỗi cá nhân, tổ chức Đảng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng Đảng
ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, hoàn thành
nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện
thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường XHCN.
Đại
tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG (*)
(*) Chủ nhiệm
Khoa CTĐ, CTCT (Học viện Chính trị)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét