QĐND - Theo nhiều
hãng thống tấn, báo chí, ngày 28-6 vừa qua, ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã
thông qua “Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897”. Đây là dự luật do hai nghị sĩ
Đảng Cộng hòa: ông Ed Royce, bang California và ông Chris Smith, bang New
Jersey, khởi xướng. Theo thể chế Hoa Kỳ thì dự luật này phải được hai viện phê
chuẩn và trải qua nhiều bước nữa trước khi trình lên Tổng thống.
Những ai quan tâm
theo dõi hoạt động của ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trong vấn đề nhân quyền đối
với Việt Nam thì đây được xem là một nỗ lực “không biết mệt mỏi” nhằm “gây sức
ép về nhân quyền” đối với Việt Nam. Trong cuộc điều trần mới đây, Chủ tịch “ủy
ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam” còn đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại
danh sách CPC (Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo) và “không hậu thuẫn”
cho Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2014-2016.
Trước đó,
ngày 4-6, tại Hạ viện Hoa Kỳ diễn ra cuộc điều trần về tình hình nhân quyền
Việt Nam do Nghị sĩ Chris Smith điều hành. Trong lời dẫn, Chris Smith không chỉ
lên án Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền mà còn chỉ trích Bộ Ngoại giao Hoa
Kỳ “đã để cho những toan tính chính trị lấn át thực tế và sự bạo tàn trong vấn
đề đàn áp tôn giáo của Chính phủ Việt Nam”... Đại diện cho Tổ chức
theo dõi nhân quyền (HRW), John Sifton lưu ý rằng “tình hình (nhân quyền ở Việt
Nam) đang ngày càng tồi tệ”.
Trong các cuộc
điều trần năm nay, những người tham gia đều tập trung tố cáo Việt Nam vi phạm
các quyền tự do tôn giáo. Để chứng minh, người ta đã đưa ra những vụ việc như:
Trường hợp 14 thanh niên đạo Tin lành ở Nghệ An; vụ 20 người Công
giáo ở Phú Yên bị đưa ra tòa án xét xử với bản án nặng nề! Vậy sự thật của
các vụ việc nêu trên như thế nào?
Sự thật là
14 người vi phạm pháp luật ở Nghệ An đã bị tòa án xét xử, kết tội,
nhưng tội của họ không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác mà vì họ
đã phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (theo Điều 79, Bộ luật
Hình sự 1999). Trước tòa, các bị cáo đã thừa nhận được tổ chức phản động “Việt
Nam Canh tân cách mạng đảng” (Việt Tân) móc nối ra nước ngoài để huấn luyện và
lên kế hoạch hành động nhằm lật đổ chính quyền. Việt Tân đã kết nạp, đặt bí
danh, giao nhiệm vụ, hỗ trợ tiền bạc và phương tiện để họ trở về nước
hoạt động. Trước tòa, các bị cáo cũng đã thừa nhận những hoạt động của họ là
chống phá nhà nước bằng phương thức “bất bạo động”!
Tương tự như vậy,
20 người có đạo ở Phú Yên đã vi phạm Điều 79, với tội danh “hoạt động nhằm lật
đổ chính quyền nhân dân” được xác định trong Bộ luật Hình sự. Núp bóng doanh
nghiệp hoạt động du lịch sinh thái, tổ chức của họ với tên gọi “Hội đồng
công luật công án Bia Sơn” đã thực hiện phương thức đấu tranh “bất bạo
động”, với những hành vi như: Tổ chức sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội
dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và
Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị để hành động vũ trang thật sự
thông qua việc xây dựng cương lĩnh hành động, tổ chức bộ máy, quy chế hoạt
động, dự kiến cơ cấu chính quyền... với tham vọng: Lật đổ Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành lập “Nhà nước Đại Nam Kinh Châu”.
Còn vụ “đạo Hà Mòn”
thì sao? Sự thật cái gọi là đạo Hà Mòn chỉ là một trò lừa đảo của những kẻ hám
tiền bạc và tham vọng về quyền lực, dựa trên mê tín dị đoan của một số đồng bào
vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bọn chúng dựng lên câu chuyện: Y Gyin thấy
đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn (một xã thuộc tỉnh Kon Tum). Rồi từ câu chuyện
hoang đường đó chúng lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng
hành đạo, cầu kinh… dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học, người lao động bỏ nương
rẫy. Ngay lập tức, các đối tượng FULRO sống lưu vong ở nước ngoài do Ksor Kớk
cầm đầu đã móc nối, chỉ đạo nhằm phá hoại chính sách đại đoàn kết của Đảng và
Nhà nước Việt Nam, tiến tới lập ra một tôn giáo riêng, một nhà nước riêng của
đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, “Thủ đô” là thành phố Plei -cu
(Gia Lai).
Nhìn rộng ra toàn
thế giới để thấy rằng: Hiếm có một quốc gia nào quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo lại được tôn trọng và bảo đảm như ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục
Thống kê, trong cả nước, riêng 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin
lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo, số giáo dân lên tới hơn 20 triệu
người, chiếm khoảng 25% dân số. Hiện nay, tỷ lệ tăng giáo dân ở Việt Nam tương
đương như tỷ lệ tăng dân số. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của các tôn giáo ở
Việt Nam là tốt đẹp.
Còn nhớ, ở nước ta,
dưới chế độ phong kiến, với những lý do khác nhau đã từng diễn ra chính sách
bài ngoại, đàn áp tôn giáo. Lịch sử còn ghi lại rằng vào thế kỷ thứ XVII,
XVIII, chúa Nguyễn và chúa Trịnh từng trục xuất các thừa sai và đàn áp giáo dân
(Thiên chúa giáo), bởi đi liền với nhiều hoạt động truyền đạo là âm mưu của
thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tương tự, chính sách tôn giáo dưới chế độ cai
trị của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam cũng là chính sách bất bình đẳng.
Nhiều cuộc đàn áp tôn giáo từng diễn ra; điển hình là cuộc đàn áp Phật giáo ở
Sài Gòn và Huế tháng 5-1963. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã phải tự thiêu để
phản đối chính sách bất công của Mỹ và chính quyền tay sai.
Chỉ có dưới chế độ
xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, các tôn giáo mới có các
quyền tự do, bình đẳng thật sự. Các quyền này đã được các Hiến pháp 1946, 1958,
1980 và 1992 ghi nhận. Với tư cách là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng
Cộng sản Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quan niệm về
xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không
loại trừ bất cứ một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng
định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang
và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước
ta”.
Gần đây, quan hệ
quốc tế trên lĩnh vực tôn giáo của Việt Nam đã có những tiến triển tích cực.
Cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo được Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức
ngày 20-6-2013, thu hút sự tham dự của nhiều tổ chức Mỹ hoạt động trong lĩnh
vực này. Đây được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt, mở đầu cho mô hình hợp
tác mới giữa các tổ chức phi chính phủ Mỹ và Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo.
Trong cuộc tọa đàm cởi mở thẳng thắn này, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo Việt
Nam không phủ nhận những khó khăn nhất định trên lĩnh vực quản lý tôn giáo,
như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chính sách về đất đai đã có nhiều thay
đổi khiến việc xác định quyền sử dụng đất của một số nơi chưa được giải quyết
thỏa đáng. Trong khi đó, nhiều đại biểu đại diện tổ chức phi chính phủ Hoa
Kỳ đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự
do tôn giáo. Tiến sĩ Chris Seiple, Chủ tịch Viện Can dự Toàn cầu (IGE), một tổ
chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, đánh giá cao những tiến
triển về tự do tôn giáo ở Việt Nam: “Tại khu vực Tây Bắc, đã có hơn 300
nhà thờ được đăng ký và con số này tại Tây Nguyên là hơn 2000”. Còn Luật sư
Lauren Homer thì nói: “Cách đây 18 năm, tôi đến Việt Nam để thảo luận về một dự
án dinh dưỡng cho trẻ em và có cơ hội đi thăm rất nhiều làng xã quanh khu vực
Hà Nội. Khi đó, lương thực cũng như các điều kiện y tế, giáo dục còn rất thiếu
thốn và hầu như không có sự hiện diện của các tổ chức tôn giáo hay phi chính
phủ nước ngoài nào. Một số hội thánh chính thức được thành lập ở các đô thị lớn
nhưng không có nhiều hoạt động. Nhìn lại thời điểm đó, chúng ta mới thấy Việt
Nam đã có bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Người ngoài cuộc khó có thể hình
dung được Việt Nam thiếu thốn các nguồn lực như thế nào để có thể giải quyết
biết bao vấn đề như vậy. Chính vì thế mà tôi muốn được chúc mừng những thành
tựu của Việt Nam trong vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo”.
Liên quan đến việc
bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, vừa qua Nhóm Công tác Hỗn hợp Tòa
thánh và Việt Nam đã kết thúc vòng đàm phán thứ tư tại Vatican (ngày 13 và
14-6-2013). Hai bên đã ra Thông báo đánh giá vòng đàm phán này. Phía Tòa thánh
đã “đánh giá cao và biết ơn Nhà nước Việt Nam vì sự quan tâm của các cấp chính
quyền đối với các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt là Đại
hội toàn thể lần thứ 10 của Liên Hội đồng Giám mục á Châu diễn ra ở Xuân Lộc và
TP Hồ Chí Minh vào tháng 12-2012”. Hai bên cũng thống nhất đánh giá vòng đàm
phán đã có “tiến triển tích cực trong tinh thần thiện chí, trong sự trao đổi
mang tính xây dựng”.
Như các thông tin
mà người ta có được, tôn giáo đã và đang là một vấn đề chính trị, an ninh ở
nhiều quốc gia, kể cả ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu âu. Các cuộc tấn công
khủng bố trên thế giới hầu hết đều có nguồn gốc từ chính sách bất bình
đẳng đối với tôn giáo của các chính phủ. Đạo Hồi đang là một nạn nhân của
những chính sách kỳ thị về tôn giáo của nhiều nhà nước. Bởi vậy có thể nói:
"Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897" do hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa
khởi xướng ra đời vào lúc này không chỉ thể hiện một cách nhìn mang tính kỳ
thị, mà còn không đúng chỗ, không đúng lúc.
NGỌC VÂN-THANH TRÚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét