QĐND - Trong
thời gian qua, một số quan chức Hoa Kỳ và tổ chức ở phương Tây đã có những cáo
buộc, “quan ngại”, “rất lấy làm tiếc”… về việc Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân
quyền, bắt bớ, bỏ tù với “bản án nặng nề” đối với nhiều người dân “vô tội”,
nhất là vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí, “kiểm soát gắt gao internet”,
"bắt bớ nhiều blogger".
Trong “Báo cáo
thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần
đây đã có nhận định thiên kiến rằng: “Nhà nước Việt Nam vẫn hạn chế nghiêm ngặt
các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ”. Bằng
chứng cho việc “Việt Nam vi phạm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là
những vụ án đối với các blogger vi phạm pháp luật, điển hình là các thành viên
“Câu lạc bộ nhà báo tự do”, trong đó có Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Tạ
Phong Tần và Phan Thanh Hải.
Trung tuần tháng 5
vừa qua, họ lại lên án Nhà nước Việt Nam trong vụ án xét xử sơ thẩm đối với 2
bị cáo Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội “Tuyên truyền chống Nhà
nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự. Và mới đây, họ lại lên án
Nhà nước Việt Nam trong vụ bắt Trương Duy Nhất, chủ nhân blog “Một góc
nhìn khác”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự về tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân
chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công
dân”.
Một số cơ quan, tổ
chức nước ngoài và blogger cố tình xuyên tạc Nhà nước Việt Nam đã “tiếp tục sử
dụng các điều luật về an ninh quốc gia để hạn chế các quyền dân sự, chính trị,
quyền tự do ngôn luận, tự do sử dụng internet”.
Tự do nói chung,
trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ ý kiến là những quyền quan
trọng nhất của quyền con người. Tôn trọng và bảo đảm quyền này vừa là mục tiêu,
vừa là điều kiện và động lực phát triển của các xã hội không phân biệt chế độ
chính trị, trình độ phát triển. Trong bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con
người” năm 1948, quyền này được ghi tại Điều 19; Trong “Công ước quốc tế về các
quyền dân sự chính trị” năm 1966, quyền này được ghi ở Điều 19, khoản 2. Trong
Hiến pháp 1992, quyền này được ghi tại Điều 69 với nội dung như sau: “Công dân
có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… theo quy định của pháp luật”. Tuy
nhiên, trên nhiều trang mạng, nhiều blogger khi viết về những vụ án cụ thể liên
quan đến quyền này đã cố tình cắt xén cáo trạng, chứng cứ vi phạm pháp luật;
cắt xén nội dung trong những quy định của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật
quốc gia. Đồng thời, người ta cũng cố tình che đậy thực tiễn pháp lý về quyền
này ở các quốc gia và cố tình lờ đi quan điểm chung của cộng đồng quốc tế đối
với chủ quyền quốc gia trong việc lựa chọn chế độ chính trị, xây dựng và thực
thi pháp luật. Kiểu tuyên truyền thiên lệch như vậy khiến không ít người hiểu
không đúng pháp luật Việt Nam, hiểu sai việc thực thi những quy định này trong
những vụ án xét xử những người vi phạm pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo
chí.
Luật quốc tế về
quyền con người cũng như pháp luật của các quốc gia đều quy định: Quyền của cá
nhân có thể bị hạn chế. Điều 29 của "Tuyên ngôn thế giới về quyền con
người" năm 1948 viết: “Mỗi người trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá
nhân, chỉ phải chịu hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc
thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do của người khác và phù hợp với
những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong
một xã hội dân chủ”. Tương tự như vậy, Điều 19 của Công ước quốc tế về các
quyền dân sự, chính trị năm 1966 cũng quy định: “Việc thực hiện quyền tự do
ngôn luận” kèm theo những nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải
chịu một số hạn chế nhất định để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người
khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, hoặc đạo đức
của công chúng”.
Việc Nhà nước Việt
Nam đưa ra quyền tự do ngôn luận, mà Hiến pháp 1992 ghi là “theo quy định của
pháp luật”, cùng với những quy định về hạn chế quyền này (Điều 88, Điều 258 Bộ
luật Hình sự năm 1999) là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất nhiên ở
các quốc gia, pháp luật khó có thể ghi đầy đủ mọi hành vi phạm tội. Pháp luật
Việt Nam cũng như thế. Ở nhiều nước, tòa án có quyền đưa ra những phán quyết
không hẳn đã có trong luật mà chỉ có trong những bản án từ trước, được gọi là
án lệ. Thế nên, không phải là không có cơ sở pháp lý nào đó mà Hoa Kỳ và nhiều
quốc gia châu Âu đã truy nã chủ nhân trang mạng Wikileaks, cũng như nhiều quốc
gia Hồi giáo đã kết tội những người xúc phạm đến nhà tiên tri Mohamet.
Trong thực tiễn
pháp lý, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã đưa những giá trị văn hóa truyền
thống của dân tộc vào pháp luật. Ở nhiều quốc gia, theo thể chế quân chủ như
Vương quốc Anh, Thụy Điển, Thái Lan… có những quy định pháp luật bảo
vệ một số đặc quyền đối với Hoàng gia, trong đó có việc bảo vệ uy tín của
nhà vua. Hiến pháp Việt Nam đã đưa giá trị đạo đức truyền thống dân tộc vào
Hiến pháp 1992: “Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ”
(Điều 64). Pháp luật Việt Nam không có những quy định về đặc quyền cho cá nhân,
tổ chức.
Trong nhiều vụ án
liên quan đến Điều 88, Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999, trên nhiều trang mạng
của những người tự xem mình là chiến sĩ “đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt
Nam” đã xuyên tạc sự kiện, cắt xén chứng cứ. Chẳng hạn, để bênh vực cho bị cáo
vi phạm Điều 88, họ nói bị cáo trẻ tuổi này “chỉ là người yêu nước”(!). Hay để
bênh vực cho người bị bắt về tội lợi dụng dân chủ theo Điều 258, họ viện lý do
blogger này bị bắt là vì đã “chỉ trích Chính phủ”. Nhưng trong một số bài viết
của blogger này, người ta lại thấy lời “khuyên” xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và
bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh với ngôn từ thô bạo, thái độ hằn học.
Trước đó, phương
Tây và nhiều blogger “lề dân” đã từng bao che, bênh vực cho bị cáo mà họ cho là
người “yêu nước”, “đấu tranh chống tham nhũng”… nhưng tài liệu, chứng cứ thu
thập được lại có không ít bài xuyên tạc cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống
nhất đất nước. Chẳng hạn có kẻ viết: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
là cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt”; là cuộc chiến tranh “ý thức
hệ”(!)". Tất nhiên, Bộ luật Hình sự không thể ghi hết những hành vi làm
tổn hại đến uy tín, sự bền vững của chế độ xã hội qua những ngôn từ bóng gió,
những lập luận ngụy biện quanh co, những ẩn dụ nửa kín, nửa hở nhằm trốn tránh
pháp luật mà những kẻ chống đối chế độ đã cân nhắc, tính toán khi gõ bàn phím
và post lên mạng. Nhưng dù những người nào đó có thật sự là “thông thái” thì
cũng không thể né tránh được sự phân tích sáng suốt của nhân dân, của dư luận
xã hội và càng không thể trốn tránh được sự phán xét của lương tri con người và
sự nghiêm minh của pháp luật.
Do đó, phải khẳng
định lại một vấn đề không mới, nhưng chưa bao giờ cũ rằng: Quyền tự do ngôn
luận phải gắn liền với nghĩa vụ công dân, trong đó mọi người phải chịu một số
hạn chế theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, Nhà nước và bảo
vệ những giá trị cao quý của dân tộc. Điều này không chỉ ở Việt Nam, mà hầu như
quốc gia nào cũng vậy.
THANH
TRÚC - ĐỨC TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét