Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Cần hiểu đúng về bản chất của quyền lực Nhà nước

QĐND - Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến với danh nghĩa là "góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp", nhưng thực chất lại chứa đựng những nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước ta, trong đó có vấn đề quyền lực Nhà nước.
Quyền lực nhà nước là mục tiêu của sự tranh giành giữa các giai cấp, các nhóm xã hội, các dân tộc khác nhau trong quá khứ, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước luôn là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp, do vậy, đó cũng là trung tâm của các cuộc tranh luận khoa học. Bởi lẽ, lực lượng nào giành, nắm giữ được quyền lực nhà nước, tổ chức và sử dụng nó sao cho khoa học và hiệu quả thì sẽ có điều kiện thực hiện được những mục đích mà mình đề ra, mang lại hạnh phúc và nhiều lợi ích nhất cho lực lượng của mình, cho nhân dân.
Quyền lực nhà nước luôn gắn với chủ quyền quốc gia, nó thuộc về nhân dân và được thể hiện thông qua những định chế nhà nước - pháp luật. Quyền lực nhà nước được biểu hiện cụ thể ở hệ thống các cơ quan, tổ chức nhà nước, các quy định pháp luật và những nguyên tắc vận hành của hệ thống đó tạo nên một cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. Cơ chế đó được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại và được cụ thể hóa ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào những điều kiện khách quan và chủ quan ở mỗi thời kỳ phát triển.
Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách hợp lý. Vì vậy, theo quy định của Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước của nước ta hiện nay thì ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua bầu cử, lấy ý kiến của dân và các hình thức dân chủ trực tiếp khác, thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước. Như vậy, ngoài việc trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước thông qua một số hình thức thì chủ yếu nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước. Ở đây có sự ủy quyền của nhân dân cho Quốc hội, cho hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước. Tuy nhiên, quyền lực tối cao của nhà nước được trao cho Quốc hội, vì vậy, Quốc hội được coi là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thay mặt cho nhân dân cả nước quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Xuất phát từ Quốc hội và hội đồng nhân dân, hàng loạt các cơ quan khác của nhà nước được thành lập để cùng với Quốc hội, hội đồng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Để bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước, pháp luật nước ta quy định tất cả các cơ quan khác của nhà nước đều phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và hội đồng nhân dân, phải báo cáo công tác với Quốc hội và hội đồng nhân dân. Bằng cách tổ chức như thế, quyền lực nhà nước ở nước ta xét theo chiều ngang cũng như theo chiều dọc, đều bảo đảm sự tập trung thống nhất vào Quốc hội và hội đồng nhân dân, nhưng tập trung và thống nhất cao nhất là vào Quốc hội. Sự tập trung này là cần thiết, nó bảo đảm cho sự thống nhất của cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, tránh được hiện tượng mâu thuẫn, xung đột nhiều khi đối lập giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước.
Như trên đã khẳng định, quyền lực nhà nước ở nước ta là tập trung thống nhất, không phân chia, song trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước thì phải có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên… Với việc tổ chức bộ máy nhà nước ta như trên, chúng tôi cho là phù hợp, vừa bảo đảm được sự thống nhất quyền lực, tránh được những xung đột như trong cơ chế phân quyền, vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan nhà nước, vừa chống được tình trạng tập trung quan liêu, vừa tránh được tình trạng cục bộ, phân quyền cát cứ như trong cơ chế tập quyền phong kiến.
Theo chúng tôi, vấn đề cần quan tâm hiện nay là: Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; nghiên cứu để “xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; hoàn thiện hơn nữa bộ máy nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm được tính hiệu quả trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Tạo lập cơ chế giám sát hiệu quả của nhân dân đối với tất cả mọi cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội, đặc biệt là giám sát việc thực hiện Hiến pháp. Đổi mới cách thức giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ và các cơ quan khác của nhà nước. Nâng cao vai trò và trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước.

TS NGUYỄN MINH ĐOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét