QĐND - Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lỡ chân gượng được, lỡ
miệng thì không”. Trong sinh hoạt đời thường, đôi khi do nóng giận, người ta có
thể buông ra những lời lẽ thiếu cân nhắc, khiến cho người khác hiểu lầm, biến
thiện chí trở thành ác ý. Để khắc phục sự hiểu lầm, có khi chỉ cần một lời xin
lỗi chân tình. Thế nhưng, trong đời sống chính trị thì những sơ suất trong phát
ngôn của cán bộ, đảng viên không dễ gì có thể khắc phục, mà còn để lại những
hậu quả lớn, lâu dài vì có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Điều này lại càng trở nên
phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực trong thời đại internet, trong “thế
giới phẳng” hiện nay.
Những ai có dịp “lang thang” trên các mạng xã hội, đều có
thể nhận thấy, có không ít bài viết, bài trả lời phỏng vấn được các hãng thông
tấn, báo chí nước ngoài, các trang mạng "tung hê", bình luận, phân
tích có nội dung cường điệu sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong các thời kỳ
cách mạng đã qua; xuyên tạc, vu cáo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước và bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đều dựa trên
những phát ngôn nào đó, trong những bối cảnh nhất định nào đó của cán bộ, đảng
viên. Nhiều khi họ coi đó là cái cớ, là dẫn đề cho những bài viết, bài nói nhằm
dụng ý xấu.
Để ngăn chặn tình trạng phát ngôn thiếu trách nhiệm, thiếu
cân nhắc, dễ bị lợi dụng vào muc đích tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước,
trong Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 về "Những điều đảng viên không
được làm” của Ban Chấp hành Trung ương, đã có 3 điều quy định liên quan đến
phát ngôn của cán bộ, đảng viên, đó là: “Nói, làm trái hoặc không thực hiện
Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng (Điều 1); Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết
bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước (Điều 2); Viết
bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật (Điều 3)… Cụ thể hóa về những điều đảng
viên không được làm, Đảng đã ra Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30-3-2013 về “Xử lý
đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng”. Trong văn bản này đã có những quy định cụ thể.
Điều 9, Chương II “Về vi phạm kỷ luật tuyên truyền, phát ngôn”, quy định như
sau: “a) Tuyên truyền, sao chép, tán phát, cung cấp thông tin,… kích động,
chống Đảng, Nhà nước dưới mọi hình thức; b) Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin
cho báo chí và các phương tiện truyền thông khác”. Điều 2 đã ghi rõ những
trường hợp phải xử lý kỷ luật nặng hơn, đó là: “d) Tàng trữ, tuyên truyền,… tán
phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái
với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đ) Trả lời phỏng vấn, cho đăng
tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng có nội dung sai sự thật,
mang tính kích động; e) Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn,
nhân danh việc phản ánh, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo
Hiến pháp, pháp luật, thư ngỏ, hồi ký để đưa ra các quan điểm, thông tin gây
tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Trong những năm qua, do tình hình kinh tế thế giới rơi vào
suy thoái, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản,
ngừng hoạt động, hàng tồn kho quá lớn, nợ xấu, thất nghiệp… cùng với những phức
tạp trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Ðông, đặc biệt là tình trạng
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ,
đảng viên các cấp đã tạo ra những bức xúc về tâm tư, tình cảm trong nhân dân,
nhất là đối với nhiều cán bộ, đảng viên đã từng trải qua những thời kỳ cách
mạng đầy khó khăn, gian khổ. Công bằng mà nói, những bức xúc đó là có thể thông
cảm được. Phải thừa nhận, không ít ý kiến đóng góp có trách nhiệm của cán bộ,
đảng viên là chân thành, thẳng thắn, xuất phát từ mong muốn xã hội ta lành mạnh
hơn, Đảng, Nhà nước ta trong sạch hơn, đủ sức lãnh đạo, quản lý, điều hành đất
nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng… Tuy
nhiên, cũng có những phát ngôn, trong đó có những bài viết, "tâm
thư", "góp ý" của cán bộ, đảng viên tự do tán phát trên mạng
internet đã bị kẻ xấu lợi dụng. Chẳng hạn, lợi dụng ý kiến của một số cán bộ,
đảng viên góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, người ta tuyên truyền cho quan
điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với Nhà nước và xã hội được ghi trong Điều 4 Hiến pháp năm 1992. Lợi
dụng việc viết hồi ký, người ta xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, tuyên
truyền cho nhận thức sai trái rằng,lịch sử cách mạng Việt Nam chỉ toàn là những
trang đen tối; các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam là do Đảng Cộng sản chủ trương đấu tranh bạo lực gây ra,
đó là cuộc chiến “nồi da nấu thịt” (!). Lợi dụng ý kiến của một vài đồng chí
cán bộ lão thành về mở rộng dân chủ, chống bệnh giáo điều về lý luận, bệnh quan
liêu trong hệ thống chính trị, họ đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, xóa bỏ vai
trò kinh tế nhà nước, xóa bỏ con đường XHCN. Lợi dụng chống tham nhũng, chống
“lợi ích nhóm”, họ tuyên truyền cho quan điểm rằng, chỉ có xóa bỏ chế độ “độc
tài đảng trị” thì mới xóa bỏ được tham nhũng. Lợi dụng những bức xúc của nhân
dân ta trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, họ phớt lờ những nỗ lực to lớn
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và cố ý vu
cáo Đảng, Nhà nước ta là "nhu nhược", “bán đất, bán nước” (!).
Bằng nhiều con đường và phương thức khác nhau, những phát
ngôn thiếu trách nhiệm, thiếu thận trọng của một số cán bộ, đảng viên đã ngay
lập tức được các hãng thông tấn, báo chí ngoài nước “bắt sóng”, post bài, sao
chép, nhân bản, phỏng vấn, kèm theo những câu hỏi gợi mở, “định hướng” cho
người tham gia trả lời hướng đến những mục tiêu chính trị của họ. Đó là làm mất
uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam, từng bước chuyển xã hội Việt Nam sang mô
hình ngoại nhập, mô hình xa lạ với truyền thống dân tộc, xóa bỏ mọi thành quả
cách mạng của nhân dân ta.
Trong khoa học thông tin về chính trị-xã hội, đôi khi do
thiếu kinh nghiệm, do sơ suất, thiếu thông tin hay do ngộ nhận, không ít trường
hợp, những thiện chí, những mục tiêu tốt đẹp của người viết, người nói đã bị kẻ
xấu lợi dụng, làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thủ
đoạn mà người ta thường dùng là đánh tráo mục tiêu với phương tiện, đồng thời
tâng bốc các tác giả. Chẳng hạn người ta tảng lờ, bỏ qua động cơ tốt đẹp, những
thiện chí của người viết, người nói, chỉ trích dẫn thông tin một chiều, nhấn
mạnh, bình luận, khai thác những ngôn từ sơ hở, thiếu chặt chẽ, thiếu cân nhắc,
những phân tích, lập luận sai trái của người viết, người trả lời phỏng vấn.
Hoặc những ý kiến giản đơn của người viết, người nói được người ta bình luận là
“những quan điểm lý luận sâu sắc”, “ý kiến tâm huyết, cởi mở” và cả “sự dũng
cảm về chính trị” (!).
Đối với cán bộ, đảng viên thì không có biện hộ nào cho mình,
trái lại phải đối diện với lương tâm và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân
và trước lịch sử về những phát ngôn tùy tiện, cẩu thả của mình.
Luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm trước
Đảng, trước đất nước và nhân dân, chủ động kiềm chế, biết vượt qua chính mình,
chia sẻ với Đảng, nhận lấy một phần trách nhiệm nào đó về những sai lầm, khuyết
điểm của Đảng, nhất là đối với những đảng viên lâu năm, từng giữ các cương vị
lãnh đạo, quản lý; bình tâm xem xét, đánh giá một cách khách quan, công bằng
các quá trình và sự kiện lịch sử cơ bản; tuân thủ những nguyên tắc, quy định
của tổ chức đảng, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn ở mọi lúc, mọi nơi là điều đặc
biệt cần thiết đối với mọi cán bộ, đảng viên trong bối cảnh chính trị hiện nay.
BẮC HÀ - NGỌC VÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét