VOV.VN -Phòng,
chống tham nhũng hiệu quả sẽ xây dựng đất nước tốt hơn và nhân dân vững tin vào
sự lãnh đạo của Đảng.
Theo các cơ quan
chức năng, 6 tháng qua, tội phạm về tham nhũng tăng đến 27%. Con số này tiếp
tục gây lo lắng cho người dân. Họ càng bất an hơn khi trong số hơn 62.000 vụ có
dấu hiệu tham nhũng được thanh tra thì chỉ có 464 vụ chuyển sang cơ quan điều
tra.
Người dân quan tâm
lo lắng là bởi, tội phạm tham nhũng luôn được coi là "quốc nạn", là
hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, làm giảm sút uy tín của Đảng,
của chính quyền, nhưng phát hiện và xử lý hành vi đó luôn là vấn đề vô cùng nan
giải. Mặc dù đã có nhiều giải pháp, cộng với sự tham gia đầy trách nhiệm của cả
hệ thống chính trị và mọi tầng lớp của nhân dân, nhưng tệ nạn và tội phạm tham
nhũng vẫn gây nhức nhối trong đời sống xã hội. Kết quả khảo sát “Phong vũ biểu
Tham nhũng 2013” được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố vừa qua tại Hà Nội
cho thấy, đa số người được hỏi cho rằng 2 năm qua, tham nhũng ở Việt Nam đã
tăng lên. Vì sao lại có tình trạng như vậy?
Trước tiên, chúng
ta đang thiếu những con người có đủ dũng khí, đủ trình độ, đủ phẩm chất đương
đầu với loại tội phạm nguy hại này. Mặc dù trong một số vụ việc đã có người dám
chỉ ra hành vi tham nhũng, đối tượng tham nhũng. Nhưng họ vẫn “đơn thương độc
mã”, chưa hội đủ sức mạnh để đối tượng tham nhũng dè chừng; thậm chí các đối
tượng còn dùng mọi thủ đoạn nhằm giảm bớt nhuệ khí của người được giao nhiệm vụ
phòng, chống tham nhũng.
Cơ chế pháp luật
cho người phòng chống tham nhũng chưa đầy đủ. Người có nhiệm vụ chống tham
nhũng còn bị hạn chế nhiều quyền, phải báo cáo nhiều cấp. Ngay những quy định,
nguyên tắc hoạt động đôi khi lại là rào cản để họ thi hành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, công
tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thiếu đồng bộ, dễ cho các đối tượng lợi
dụng thực hiện hành vi tham nhũng. Việc đề ra chính sách thiếu thực tế, lợi ích
nhóm là biểu hiện điển hình tạo điều kiện và nuôi dưỡng các hành vi nhũng
nhiễu, tham ô, hối lộ.
Mặt khác, còn có
những người có chức, có quyền không ngại ngần đứng ra "bảo kê" cho
những hành vi phi pháp. Họ vì lợi ích của bản thân, bị đồng tiền chi phối mà
làm ngơ hoặc trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng tội phạm khác. Một số cá nhân
trong cấp ủy, chính quyền cơ sở bị truy tố vì có hành vi bảo kê cho các doanh
nghiệp khai thác tài nguyên thời gian qua là minh chứng.
Sự tin tưởng của
người dân vào con người, cơ quan được giao nhiệm vụ chống tham nhũng đã và đang
bị thử thách. Theo Phong vũ biểu tham nhũng 2013 của Tổ chức Minh bạch quốc tế,
62% trong số 1000 công dân ở 15 tỉnh, thành phố khi được hỏi cho biết sẽ không
tố cáo tham nhũng. Bởi họ không muốn đánh đổi sự dũng cảm, trong sạch của mình
để lấy kết quả là con số 0!
Ngoài ra, hệ thống
văn bản pháp luật luôn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, phải liên tục sửa đổi, bổ sung.
Sửa đổi, bổ sung luật là yêu cầu bắt buộc nhưng chưa phải là điều kiện
"đủ" để "thắng" được loại tội phạm dai dẳng này. Vấn đề
đáng quan tâm là vận dụng những quy định pháp luật ra sao trong thực tiễn. 30%
án tham nhũng, kinh tế được áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo; chú
trọng "phạt kinh tế" hơn phạt tù; tình trạng “hành chính hóa” các vụ
việc tham nhũng thời gian qua đã và đang khiến cho người dân thực sự “khó hiểu”
và hoài nghi về cách xử lý án, giải quyết án của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Vậy nên, việc thành
lập và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp nhận được
sự đồng tình mạnh mẽ của dư luận. Đây được coi là việc làm tích cực nhằm lấy
lại, củng cố lòng tin của người dân, loại bỏ dần những ‘con sâu” làm nghèo đất
nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng coi đó là “giặc nội xâm”.
Người dân trông đợi
vào quyết tâm và hành động của những con người “cây thẳng bóng ngay”, đưa ra
ánh sáng, đưa ra trước pháp luật những quan tham, những hành vi phạm tội. Hành
động ấy sẽ khơi dậy tinh thần dũng cảm, trách nhiệm vì nước, vì dân của từng cá
nhân, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ và chấn chỉnh những hạn chế, yếu
kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay./.
Đàm
Hoa/VOV1
Tội phạm tham nhũng luôn được coi là "quốc nạn", là hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, làm giảm sút uy tín của Đảng, của chính quyền, nhưng phát hiện và xử lý hành vi đó luôn là vấn đề vô cùng nan giải. Mặc dù đã có nhiều giải pháp, cộng với sự tham gia đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp của nhân dân, nhưng tệ nạn và tội phạm tham nhũng vẫn gây nhức nhối trong đời sống xã hội.
Trả lờiXóaChỉ có chống được nạn tham nhũng thì mới mong khôi phục được niềm tin của nhân dân bởi chỉ có những người có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng và tham nhũng với số tiền lớn. Hi vọng nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đạt nhiều hiệu quả trong thời gian tới
Nạn tham nhũng đã diễn ra từ rất nhiều năm. Hiện nay tham nhũng đã trở thành quốc nạn bởi hậu quả mà tham nhũng để lại là rất lớn, nhất là sự mất mát lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đất nước của Đảng và Nhà nước. Tôi thật sự mong với sự vào cuộc quyết liệt của mọi cơ quan ban ngành cùng nhân dân cả nước, tệ nạn tham nhũng sẽ được giảm thiểu. Có như vậy lòng tin của nhân dân vào Đảng mới được nâng lên, sự tồn vong của đất nước mới được giữ yên ổn
Trả lờiXóa