Trong bối cảnh quốc tế từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế
kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc
chủ nghĩa. Sự thống trị của chúng đã làm cho đời sống nhân dân lao động các
nước thuộc địa càng trở nên cùng cực, tạo mâu thuẫn gay gắt và thổi bùng lên
ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc; nhất là sau thắng lợi của Cách mạng
Tháng Mười Nga năm 1917, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hiện thực,
mở ra thời đại cách mạng mới cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế càng phát
triển mạnh mẽ hơn khi Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời vào tháng 3/1919 có
vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thúc đẩy quá
trình thành lập Đảng.
Ở Việt Nam, từ năm 1858, Pháp đã tấn công xâm lược
và từng bước thiết lập bộ máy chính quyền thực dân nửa phong kiến để thống trị.
Về chính trị, chúng tước bỏ quyền lực đối nội và đối ngoại của chính quyền
phong kiến nhà Nguyễn; chia cắt nước ta thành Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và thực
hiện ở mỗi nơi một chế độ cai trị riêng.
Về kinh tế, chúng ra sức bóc lột, cướp đoạt ruộng
đất để lập đồn điền; đầu tư khai thác tài nguyên; xây dựng một số cơ sở công
nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng,… để phục vụ chính sách khai thác
thuộc địa. Ở lĩnh vực văn hóa, chúng thực hiện chính sách giáo dục thực dân;
dung túng và duy trì các hủ tục lạc hậu. Do đó, xã hội Việt Nam đã diễn ra quá
trình phân hóa giai cấp sâu sắc. Địa chủ câu kết với thực dân Pháp ra sức bóc
lột, áp bức nông dân.
Tuy vậy, vẫn có bộ phận nhân dân có lòng yêu nước,
căm ghét thực dân đã đấu tranh chống Pháp dưới nhiều hình thức. Trong đó, nông
dân là lực lượng đông đảo nhất bị chính quyền thực dân áp bức, bóc lột nặng nề;
nay càng rơi vào tình cảnh bần cùng nên lòng căm thù đối với bọn đế quốc
và phong kiến tay sai càng sâu sắc. Từ đó, ý chí cách mạng trong cuộc đấu tranh
giành lại tự do càng mạnh mẽ hơn.
Giai cấp công nhân ra đời trong cuộc khai thác thuộc
địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, đa số xuất thân từ nông dân, có quan hệ
trực tiếp và gắn bó chặt chẽ với giai cấp nông dân cũng bị áp bức bóc lột. Giai
cấp tư sản Việt Nam lúc này bị chèn ép nên thế lực kinh tế yếu ớt, địa vị chính
trị nhỏ bé, nhưng bên trong vẫn giữ tinh thần dân tộc và yêu nước ở mức độ nhất
định.
Tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam bao gồm học sinh, trí
thức, những người làm nghề tự do,… có đời sống bấp bênh, dễ bị phá sản trở
thành người vô sản, có lòng yêu nước và có khả năng tiếp thu những tư tưởng
tiến bộ từ bên ngoài truyền vào.
Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này
đều mang thân phận người dân mất nước, đều bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột nên
mâu thuẫn cơ bản lúc này là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói một cách thảm
thương.
Tiếp nối các phong trào Cần Vương, Văn Thân, phong
trào yêu nước 30 năm đầu thế kỷ XX diễn ra vô cùng anh dũng, từ khởi nghĩa Yên
Thế và các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân đến khởi nghĩa Yên
Bái… nhưng không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn. Rút ra từ bài học
của những người đi trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên chọn
lựa và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận cách mạng tiên tiến của thời đại
- đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và sáng lập ra Ðảng Cộng sản Việt
Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết
hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt
Nam. Điều đó nói lên quy luật ra đời của Đảng và cũng chứng tỏ giai cấp công
nhân, mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam đã trưởng thành và có đủ
những yếu tố cơ bản nhất để khẳng định sự đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đối với
cách mạng Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã tiến hành
các cao trào cách mạng, vượt qua bao hy sinh để giành thắng lợi trong Cách mạng
Tháng Tám, đem lại cuộc biến đổi xã hội chưa từng có và tạo ra bước ngoặt vĩ
đại của lịch sử dân tộc: đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến; giải phóng
nhân dân khỏi kiếp lầm than, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra
kỷ nguyên phát triển mới của đất nước và dân tộc ta.
Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám là một trong những
dấu ấn vàng son vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dân tộc. Bằng thắng lợi
của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách
thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến lạc hậu, đưa
dân tộc Việt Nam bước đến kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm
chủ vận mệnh của mình.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội,
trong cuộc mít-tinh của trên 50 vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố
với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra
đời.
Bản tuyên ngôn khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên
thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung
sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80
năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm
nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!… Nước Việt Nam
có quyền đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững
quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ
và sự hy sinh anh dũng của những người con cách mạng Việt Nam trong nhà tù,
trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên
chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao hy vọng, gắng sức và
tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”.
Ngày độc lập 2/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc
Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta; đồng thời mở ra một kỷ
nguyên mới mà nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do
và hạnh phúc. Từ đó, ngày 2-9 là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử dựng nước và
giữ nước của nhân dân Việt Nam và trở thành Ngày Quốc khánh của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
69 năm qua, tiếp nối truyền thống và phát huy thắng
lợi của Cách mạng Tháng Tám, Ðảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân giành
thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm
lược cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại những thắng lợi đã qua, chúng ta càng thấy
tầm vóc vĩ đại và sức ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Ðánh giá ý
nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những
giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động
và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu
tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một
Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn
quốc”.
Thành quả vĩ đại cùng với những bài học lịch sử vô
giá của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa trở thành hành trang, thành động lực thúc đẩy toàn dân và toàn quân ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã thực hiện thắng
lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Đó cũng là hành
trang và điểm tựa cổ vũ nhân dân ta tiếp tục giành những thắng lợi to lớn trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Phát huy truyền thống “Cả nước một lòng, toàn dân
đánh giặc” của dân tộc, thấm nhuần sâu sắc kinh nghiệm đại đoàn kết nhân dân
của Cách mạng Tháng Tám, hơn lúc nào hết, ngày nay chúng ta phải phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng sức mạnh đó vào mục tiêu giữ vững độc
lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong những ngày lịch sử đó, hòa vào khí thế sôi sục
của cách mạng, nhân dân Mỹ Tho, Gò Công dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương
đã vùng lên phất cờ khởi nghĩa. Thắng lợi đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối
giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kết hợp đúng đắn 2
nhiệm vụ chống thực dân đế quốc, chống phong kiến vào hoàn cảnh cụ thể của địa
phương nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trên nền tảng liên minh công
- nông.
Đó là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công sử
dụng bạo lực cách mạng với 2 lực lượng chính trị, vũ trang và sự kết hợp chặt
chẽ giữa 2 hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp nông
thôn với thành thị chọn đúng thời cơ, phân hóa cao độ kẻ thù, làm tê liệt các
âm mưu phản động của địch.
Hôm nay, khi nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Tám do
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên đều thấm thía,
khắc ghi sâu sắc lời di huấn thấm đượm tinh thần nhân đạo Cộng sản. Theo Hồ Chí
Minh, dù là chủ tịch nước, ủy viên các cấp bộ Đảng hay bộ trưởng đến nhân viên
lái xe, quét dọn… tất cả đều phải rèn luyện đạo đức cách mạng, đều phải toàn
tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng.
Tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, đặt quyền lợi của
Đảng, của Tổ quốc lên trên hết.
Mỗi cán bộ, đảng viên với trách nhiệm chính trị của
mình trước nhân dân, theo tinh thần Cách mạng Tháng Tám, tiếp tục thực hiện có
kết quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng
Đảng hiện nay”, kiên quyết đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, sa sút về đạo đức, lối sống để củng cố niềm tin của nhân dân với
Đảng. Đó cũng chính là hành động thiết thực bảo vệ và phát huy thành quả của
Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của công
cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong suốt 69 năm qua, cùng với gần 30 năm đổi mới,
Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua
nhiều khó khăn, thách thức; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện
một cách đồng bộ đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển. Đời sống của nhân dân
được cải thiện, các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Quốc phòng, an ninh ổn định và luôn được giữ vững. Công tác vận động quần chúng
ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Các tổ chức trong hệ thống chính trị
thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng
được hoàn thiện. Đây là những thành tựu quan trọng, khẳng định sự lãnh đạo của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là đúng đắn, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ IX của
Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015.
L.H.Q (Nguồn:
Báo Ấp Bắc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét