QĐND - Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam (sửa đổi) với các hiến định mang tính đổi mới đột phá về quyền con người đã
và đang được triển khai thi hành tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của
đất nước. Thế nhưng, đây đó vẫn có những ý kiến chủ quan, phiến diện, chụp mũ
rằng “bản Hiến pháp mới là “bước thụt lùi của lịch sử”, “không tuân thủ các
công ước quốc tế quyền con người…”. Báo Quân đội nhân dân đã ghi nhận ý kiến
của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu về quyền con người bác bỏ những định kiến
sai lầm này…
Một
bước tiến rất xa về quyền con người
Tại cuộc Hội thảo “Triển khai thi hành Hiến pháp năm
2013 - Rà soát pháp luật, bảo đảm các quy định của Hiến pháp về quyền con
người” do Bộ Tư pháp tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia đã khẳng định, phân tích
rất rõ tiến bộ vượt bậc của các hiến định về quyền con người trong Hiến pháp.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: “Hiến pháp mới có một
bước tiến rất xa so với các bản Hiến pháp trước đây về quyền con người, thể
hiện sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng ta, Nhà nước ta. Toàn bộ tinh thần
của Hiến pháp 2013 là Hiến pháp của con người, vì con người, phục vụ con người.
Cách tiếp cận mới rất mạnh mẽ, hiện đại. Hiến pháp đã khẳng định quyền con
người là quyền đương nhiên và chỉ có thể bị hạn chế bởi 4 lý do: An ninh quốc
phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng. Tất cả những vấn đề
liên quan đều phải nâng cấp, điều chỉnh bằng luật chứ không dừng ở pháp lệnh.
Hiện nay, quyền con người không thể bị hạn chế bởi các quy định của cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền mà phải nâng cấp bằng luật”.
Vẫn theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, việc thực thi bảo
đảm quyền con người không còn chỉ “trên giấy” như một số luận điệu chống phá
thường nêu mà đã được Thủ tướng Chính phủ triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ, chỉ
đạo Bộ Tư pháp rà soát 180 văn bản pháp luật, lấy ý kiến của 21 bộ ngành để sửa
đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới quyền con người.
Hiến pháp đã quy định rất mạnh mẽ phải bảo đảm quyền
con người bằng cách “công nhận, ghi nhận, bảo đảm”. Ghi nhận rồi thì cơ chế bảo
đảm phải rất lớn. Cho nên không chỉ sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp
luật mà phải chú ý đến cơ chế bảo đảm. Toàn bộ hệ thống pháp luật dưới Hiến
pháp đều phải nhằm vào thực thi Hiến pháp.
Cũng tại hội thảo này, là một chuyên gia nhiều năm
nghiên cứu về nhân quyền, PGS. TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) đã
phân tích về “Bộ đôi công ước quốc tế về nhân quyền” nổi tiếng. Đó là Công uớc
quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1948) và Công ước quốc tế về
các quyền dân sự và chính trị (1966). Nhiều người khi công kích nước ta không
bảo đảm quyền con người thường viện dẫn do hệ thống pháp luật không tuân thủ
hai công ước này. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị thì Hiến pháp và các văn
bản pháp luật ở nước ta đã tôn trọng và thể hiện đúng tinh thần công ước quốc
tế, thậm chí còn “mở” hơn. Ví dụ như quy định về Quyền tự do lập hội theo Công
ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ở Điều 22 đã nêu rất rõ: “Mọi
người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập
các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Việc thực hiện quyền này không bị hạn
chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội
dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo
vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác.
Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện
quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát”.
Đi liền với quyền tự do thực hiện các quyền liên quan tới nhân quyền, các quy
định về hạn chế cũng rất phổ biến trong hai công ước quốc tế. Thậm chí, ở mức
cao hơn, ngoài quy định hạn chế, công ước quốc tế còn quy định tạm đình chỉ
việc thực thi quyền trong một số điều kiện khẩn cấp đe dọa sống còn tới lợi ích
quốc gia, công cộng như thiên tai, lũ lụt, chiến tranh… nhưng Hiến pháp và pháp
luật nước ta còn chưa đề cập nội dung này.
“Trong một số quyền, theo công ước quốc tế, dù chưa
liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng nhưng đã bị hạn chế rồi.
Ví dụ, quyền tự do hội họp phải kèm theo tự do hội họp hòa bình, chứ tự do hội
họp mà bạo lực thì không được. Hay quyền tự do lập hội cũng không phải chỉ bị
hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh mà còn trong nhiều trường hợp khác. Hay
quyền tự do ngôn luận, nếu anh nói mà xâm phạm đến nhân phẩm cử tọa, người khác
là không được. Khi nói còn phải tôn trọng đời tư của người khác hoặc bí mật
quốc gia, bí mật kinh doanh…”- PGS Phạm Hữu Nghị nhấn mạnh và cho rằng những
quy định hạn chế một số quyền của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc
tế, thậm chí chưa “chặt” bằng công ước quốc tế.
Đã
tiếp thu từng câu, từng chữ trong các công ước quốc tế
Đó là khẳng định của PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, nguyên thành viên Ban Tổng kết Hiến pháp của
Chính phủ và Ban Biên tập Hiến pháp sửa đổi. Trao đổi tại cuộc tọa đàm do Báo
Quân đội nhân dân tổ chức gần đây, PGS Hoàng Thế Liên cho biết: “Nếu ai theo
dõi về vấn đề nhân quyền, thì sẽ thấy ngay bản Hiến pháp lần này thực sự có một
bước chuyển biến mới. Chúng ta đã chuyển từ thế có chỗ bị động lên chủ động
trong quan tâm, giải quyết vấn đề nhân quyền”.
Khi xây dựng Hiến pháp năm 1992, hệ thống pháp luật
của nước ta chưa hoàn thiện, mới có 33 luật nên tư duy lập hiến cũng có mặt hạn
chế, nhiều nội dung thiên về tuyên ngôn chính trị hơn là văn kiện pháp lý. Xây
dựng Hiến pháp lần này, ta đã có gần 350 văn bản luật, Hiến pháp thực sự mang
tinh thần đổi mới tư duy, thực sự là một văn bản pháp luật nên có giá trị trực
tiếp chứ không phải chỉ là một bản tuyên ngôn, là đạo luật cao của nhà nước
pháp quyền. Bản Hiến pháp đã nghiên cứu, tiếp thu rất kỹ các tuyên ngôn, công
ước quốc tế như Tuyên ngôn quốc tế về về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
(1948); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Về việc một
số quyền bị hạn chế, theo PGS Hoàng Thế Liên, phải được hiểu là bị hạn chế thực
thi trong một số trường hợp cụ thể.
Theo Thạc sĩ Ngô Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Pháp
luật-Văn phòng Quốc hội thì trong bản Hiến pháp mới, có 8 nội dung mới và tiến
bộ nổi bật về quyền con người và quyền công dân. Hiến pháp đã quy định đầy đủ,
đúng đắn hơn về quyền con người và quyền công dân. Trong Hiến pháp 1992 chỉ quy
định “các quyền con người được tôn trọng” nhưng trong Hiến pháp mới đã nêu rõ
“các quyền con người, quyền công dân… được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo
đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp đã bổ sung, quy định rõ hơn các
quyền con người, quyền công dân như quyền sống, quyền hiến mô, bộ phận người và
hiến xác, quyền sở hữu tư nhân, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị
văn hóa, quyền bảo đảm an sinh xã hội… Bên cạnh việc kế thừa, Hiến pháp mới đã
xác định chính xác, đầy đủ hơn một số quyền con người, quyền công dân, đồng thời
cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền này.
Về những quan điểm cho rằng một số hiến định về
quyền con người trong bản Hiến pháp mới không phù hợp với chuẩn mực chung của
quốc tế, TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người
(Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) phản bác: “Tôi xin khẳng
định rằng, quy định tại Chương 2, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn phù
hợp với luật quốc tế và quan điểm chính trị của cộng đồng quốc tế về quyền con
người”. Thậm chí, theo TS Cao Đức Thái, luật pháp quốc tế còn cho phép các quốc
gia đưa ra các giới hạn quyền con người để bảo vệ chủ quyền của mình. Tại Hội
nghị Quốc tế về Nhân quyền của Liên hợp quốc được tổ chức tại thành phố Viên
(Áo) năm 1993 đã đưa ra quan điểm chung của quốc tế rằng, quyền con người có
tính phổ quát (nằm trong các văn kiện quốc tế), nhưng quyền con người cũng có
tính đặc thù về mặt lịch sử, truyền thống và văn hóa (nằm trong các văn bản
pháp luật quốc gia). Các quốc gia có quyền đưa ra các giới hạn quyền con người
để bảo đảm chủ quyền của mình. “Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có đưa ra quy
định giới hạn về quyền con người, quyền công dân, nhưng những quy định
này thực chất được lấy từ Công ước quốc tế về Quyền con người” - TS Cao Đức
Thái khẳng định.
NGUYÊN
MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét