GiadinhNet
- Ngày 22/9 vừa qua, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York- Mỹ), phiên họp đặc
biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Dân số và Phát triển đã được tổ chức.
Phiên họp đặc biệt này đánh dấu mốc 20 năm thực hiện Chương trình hành động của
Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) được tổ chức tại Cairo năm 1994
và tái khẳng định tiếp tục thực hiện Chương trình hành động này.
Đoàn
Việt Nam bên lề phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Dân số và
Phát triển. Ảnh: T.L
|
Ứng
phó với các thách thức mới liên quan đến dân số
Phiên họp đặc biệt này của Liên Hợp Quốc là cơ hội
để cộng đồng quốc tế cùng nhau tìm cách ứng phó với các thách thức mới liên
quan đến dân số và phát triển (như già hóa dân số và biến đổi khí hậu...) và
tăng cường lồng ghép các vấn đề dân số vào Chương trình phát triển sau năm
2015.
Tại đây, GS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y
tế Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn
mạnh: “Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực
hiện Chương trình hành động ICPD. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội ở đất
nước, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt là tình trạng sức
khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục đã được cải thiện đáng kể”.
Với những thành tựu này, Việt Nam trở thành một
trong số ít nước trên thế giới được đánh giá đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu
Thiên niên kỷ 4 và 5 vào năm 2015. Trong những năm tới, cùng với các chính sách
phát triển kinh tế-xã hội, duy trì an ninh, trật tự xã hội và phát triển bền
vững, Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung một số nội dung chính trong Chương trình
phát triển bền vững của mình như: Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các
chính sách, luật pháp để đáp ứng các biến động về nhân khẩu học như già hóa dân
số, di dân, đô thị hóa, mất cân bằng giới tính khi sinh...Tiếp tục tăng cường
hệ thống y tế để đảm bảo quyền tiếp cận phổ cập các dịch vụ SKSS, sức khỏe tình
dục, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vùng sâu, vùng xa,
dân di cư. Mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ chăm sóc SKSS, sức
khỏe tình dục thân thiện với vị thành niên và thanh niên; lồng ghép giáo dục
giới tính, SKSS, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống trong hệ thống trường học phù
hợp với cấp bậc học và lứa tuổi.
Ưu
tiên cho các mục tiêu về bình đẳng giới
Tại phiên họp, các đại biểu đã được nghe 2 báo cáo
quan trọng: Thứ nhất là báo cáo đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động
ICPD. Thứ hai là báo cáo chỉ số về chủ đề và các yếu tố quan trọng được xác
định trong các phiên họp của Ủy ban Dân số và Phát triển, đặc biệt là tại phiên
họp 47 năm 2014, trong đó tập trung vào việc đánh giá Chương trình hành động
ICPD.
Báo cáo chỉ số tổng hợp các nội dung nhấn mạnh tầm
quan trọng của quyền con người, lấy con người làm trung tâm của Chương trình
nghị sự phát triển sau năm 2015, nhằm kêu gọi ưu tiên cho các mục tiêu về bình đẳng
giới, trao quyền cho phụ nữ, đầu tư cho những người trẻ tuổi, tăng trưởng kinh
tế và tiếp cận phổ cập tới SKSS, sức khỏe tình dục.
Báo cáo về đánh giá việc thực hiện Chương trình hành
động ICPD nhấn mạnh sự tiến bộ đáng kể đã đạt được từ năm 1994 trong việc thực
hiện bình đẳng cho phụ nữ, chăm sóc sức khỏe người dân và tuổi thọ trung bình,
trình độ giáo dục và giảm nghèo bền vững...
Bản báo cáo cũng kêu gọi cộng đồng cần chú ý đến các
nhu cầu quan trọng để mở rộng quyền con người và bảo vệ tất cả mọi người không
bị phân biệt đối xử và bạo lực, đầu tư vào y tế và giáo dục trọn đời...
Khi 179 quốc gia họp ở Cairo tại Hội nghị Quốc tế về
Dân số và Phát triển vào năm 1994 thì dân số thế giới lúc đó là 5,7 tỷ người.
Ngày nay, con số đó đã là 7,2 tỷ. Mặc dù tốc độ tăng dân số đã giảm đi nhưng
theo dự báo của Liên Hợp Quốc dân số thế giới có thể đạt 9,6 tỷ vào năm 2050,
mà phần lớn sự gia tăng tập trung ở các nước nghèo nhất.
Báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2014 của Ban
Dân số Liên Hợp Quốc cho thấy, tốc độ tăng trưởng dân số trong tương lai sẽ chủ
yếu tập trung ở châu Phi và châu Á. Khoảng 40% tăng trưởng dân số toàn cầu sẽ
xảy ra tại các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. “Có rất ít yếu tố sẽ
định hình tình hình phát triển toàn cầu trong tương lai mang tính nền tảng như
các mô hình và xu hướng dân số…”, Thomas Gass, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc
cho biết.
Đảm
bảo sự tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ
Dân số giảm và già hóa dân số tăng nhanh là những
mối quan tâm lớn đối với nhiều Chính phủ. Từ năm 2014 đến 2050, dân số của hơn
40 quốc gia và khu vực chính dự báo sẽ giảm. Châu Âu được dự báo sẽ trải qua sự
suy giảm dân số sau năm 2020. Số lượng những người trẻ tuổi đã phát triển nhanh
chóng trong những thập kỷ gần đây, nhưng dự kiến sẽ tương đối ổn định trong
vòng 35 năm tới. Năm 2014, có 1,2 tỷ người trong độ tuổi từ 15 đến 24. Những
người trẻ ngày nay khỏe mạnh hơn so với cùng nhóm tuổi này năm 1994. Họ có
nhiều khả năng đi học, tham gia lực lượng lao động và kết hôn, sinh đẻ muộn
hơn.
Số lượng và tỷ lệ người cao tuổi, ngược lại, dự kiến
sẽ tiếp tục tăng. Trên toàn cầu, tỷ lệ người cao tuổi (60 tuổi trở lên) trong
tổng dân số tăng từ 9% năm 1994 lên 12% năm 2014 và dự kiến sẽ đạt 21% vào năm
2050, số người trên 60 tuổi tăng gần gấp đôi từ năm 1994 đến 2014. Số người lớn
tuổi hôm nay đông hơn trẻ em dưới 5 tuổi. Các quốc gia cần có chính sách tốt
hơn để đảm bảo an ninh kinh tế cho tuổi già, nhằm cải thiện chăm sóc sức khỏe ở
mọi lứa tuổi và tăng cường cơ chế hỗ trợ gia đình.
Hiện hơn 90% Chính phủ trên thế giới đã hỗ trợ cho
các chương trình KHHGĐ. Tuy nhiên, chỉ vài quốc gia đạt được mức tối thiểu giảm
50% nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ. Cộng đồng cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo
sự tiếp cận phổ cập tới thông tin, tư vấn và dịch vụ KHHGĐ tự nguyện và chất
lượng cao ở tất cả các nước trên thế giới.
Hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở khu
vực đô thị, tăng từ 2,3 tỷ người năm 1994 lên 3,9 tỷ vào năm 2014 và dự kiến sẽ
tăng thêm 6,3 tỷ người vào năm 2050. Tốc độ tăng nhanh của dân số đô thị là một
thách thức để quy hoạch đô thị bền vững và quản trị tốt. Các chính sách đô thị
để cải thiện tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở và các dịch vụ khác, giảm thiểu tác
động môi trường và mở rộng cơ hội kinh tế là hết sức cần thiết.
Số người di cư quốc tế trên toàn thế giới là 232
triệu vào năm 2013, trong khi năm 1990 là 154 triệu. Số lượng dân sống ở ngoài
nước nơi họ sinh ra lớn nhất từ xưa đến nay, con số này dự báo tiếp tục tăng
trong tương lai. Di cư quốc tế ngày càng được công nhận là nhân tố cho phát
triển kinh tế, xã hội. Do vậy, cần tăng cường nỗ lực hơn nữa để đảm bảo di dân
an toàn, trật tự.
Điểm
sáng trong các chương trình hợp tác với UNICEF
Ngoài việc tham dự Phiên họp đặc biệt của Đại hội
đồng Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn thực hiện một số cuộc họp
song phương.
Bộ trưởng đã gặp và trao đổi với bà Geeta Rao Gupta,
Phó Giám đốc chấp hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Bộ trưởng thay mặt
Chính phủ Việt Nam cám ơn UNICEF đã giúp đỡ Việt Nam trong các chương trình
dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em, nuôi con bằng sữa mẹ, cung cấp và sản
xuất vaccine, chương trình nước sạch... Bà Geeta Rao Gupta đánh giá cao các nỗ
lực của Việt Nam trong việc chăm sóc trẻ em và cho biết UNICEF coi Việt Nam là
điểm sáng trong các chương trình hợp tác, hỗ trợ của UNICEF.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có buổi làm việc
với bà Anne-Birgitte Albrectsen, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Phó Giám đốc
chấp hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Bà Anne-Birgitte Albrectsen đánh
giá cao Việt Nam vì các thành tựu Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực DS-KHHGĐ,
SKSS và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là xây dựng Luật Dân số.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của UNFPA cho Việt
Nam trong hơn 30 năm qua và mong UNFPA tiếp tục giúp đỡ Việt Nam xử lý các vấn
đề dân số mới nảy sinh như mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, tận
dụng cơ hội dân số vàng...
Đinh
Huy Dương (Phó Vụ trưởng,Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục DS-KHHGĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét