Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Phi chính trị hóa quân đội - Vẫn tích cũ chiêu trò ấy



QĐND - Cứ mỗi khi Đảng ta chuẩn bị tiến hành Đại hội, hay đất nước có sự kiện chính trị là các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh các hoạt động chống phá nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng với Nhà nước, quân đội và nhân dân với mục tiêu nhất quán là xóa bỏ chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng và bảo vệ. Rất tiếc, đã có không ít người, kể cả cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội do mắc mưu thủ đoạn thâm độc này, nên đã vào hùa để nhai lại những luận điệu sai trái, trong đó có luận điểm “quân đội Việt Nam hiện nay, xét về mọi phương diện thì thực chất là của dân, do dân, chứ không phải là của Đảng”!

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ảnh: QĐND.VN
Không phải đến nay luận điệu này mới được tuyên truyền, mà các thế lực thù địch đã sử dụng từ khi diễn ra cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất. Khi đó, để đối phó với sự xung đột giữa đa số nhân dân lao động Nga với chính phủ Nga hoàng, bọn tôi tớ của nền chuyên chế này đã ra sức tuyên truyền về “tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị”. Nhận rõ tính chất nguy hại của sự lừa dối này, V.I.Lê-nin đã chỉ ra cho tất cả binh sĩ và quần chúng lao động Nga thấy, các đảng phái chính trị, các chính phủ tư sản đều sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình; theo đó: “Bọn sát nhân cần đến quân đội làm công cụ tàn sát. Bọn tư sản tự do chủ nghĩa cần đến quân đội để bảo vệ nền quân chủ tư sản…”. Điều đó cho thấy, luận điệu cho rằng: “quân đội trung lập”, “quân đội không tham gia chính trị” chỉ là những khẩu hiệu giả tạo của các thế lực thù địch; vì vậy, nếu lực lượng nào rêu rao “quân đội phải trung lập về chính trị”, thực chất đó là sự xuyên tạc, lừa dối nhằm che giấu những mưu đồ đen tối, nham hiểm của chúng là “phi chính trị hóa” quân đội mà thôi.
Cả lý luận và thực tiễn lịch sử của các xã hội có giai cấp cho thấy: Nhà nước và quân đội là sản phẩm của xã hội có giai cấp; giai cấp nào đương quyền lãnh đạo xã hội, cũng đều tìm cách nắm quân đội và sử dụng quân đội như một công cụ bạo lực để tiến hành đấu tranh giai cấp. Trong lịch sử cận, hiện đại và đương đại, các chính đảng đều thông qua nhà nước để nắm quân đội nhằm thực hiện mục tiêu chính trị. Đó không chỉ là ngoại lệ đối với các nước có thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, mà rất phổ biến ở các nước theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa.
Ngay ở các nước tư bản chủ nghĩa duy trì thể chế đa đảng, các chính đảng luôn đấu tranh với nhau để nắm chính quyền, thông qua đó lãnh đạo xã hội, nhưng trong thực tế, chỉ có các chính đảng được sự hậu thuẫn của các thế lực tư bản độc quyền mới có thực lực và cơ hội nắm quyền; vì thế, tính nhất nguyên về chính trị của nhà nước tư sản chưa bao giờ mất đi, cho dù chính đảng nào giành quyền lãnh đạo. Do vậy, quân đội của các nước này vẫn là công cụ chủ yếu để bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Theo đó, quân đội là bộ phận cấu thành của nhà nước tư sản, được nhà nước tư sản nuôi dưỡng, quản lý và sử dụng, nên mục tiêu chiến đấu, cơ chế quản lý đối với quân đội đó phụ thuộc vào quan điểm và mục tiêu chính trị của giai cấp tư sản. Vì thế, quân đội ở các nước này bao giờ cũng là lực lượng chính trị mang bản chất của nhà nước tư sản. Trong thực tiễn, quân đội tư sản không chỉ được sử dụng để bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, mà còn để đàn áp sự phản kháng của nhân dân lao động ở ngay nước đó và ở các nước mà họ tiến hành chiến tranh xâm lược. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược, ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ đã chứng minh bản chất chính trị tư sản của quân đội tư sản. Như vậy, trong thực tế đã không có và sẽ không thể có quân đội “trung lập về chính trị” như người ta đang rao giảng, ảo tưởng.
Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô để lại bài học đau xót về xây dựng bản chất chính trị của quân đội. Với việc từ bỏ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là với sự phản bội của một số người trong ban lãnh đạo, mà quân đội Xô-viết đã thực hiện chủ trương “phi chính trị hóa”, xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội. Chủ trương đó nhanh chóng làm cho quân đội Xô-viết bị biến chất về chính trị, bị vô hiệu hóa trước sức công phá của “Diễn biến hòa bình” do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành, nên không còn là lực lượng nòng cốt bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười, thành quả của nhiều thế hệ người Xô-viết xây đắp nên.
Thực tiễn 70 năm xây dựng và phát triển của quân đội ta luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Từ ngày đầu thành lập, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã coi trọng xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội ta. Tuy trải qua một số lần thay đổi cơ chế lãnh đạo, nhưng nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt đối với quân đội là bất biến. Cái giá phải trả khi từ bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội ở Liên Xô, cũng như bài học về xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam (ở Nam Bộ) những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám nhắc chúng ta rằng, trong mọi hoàn cảnh, phải kiên trì quan điểm “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội”; coi đó là nguyên tắc bất biến để xây dựng quân đội tinh nhuệ về chính trị. Mọi suy nghĩ và hành động làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, cần phải vạch trần và đấu tranh kiên quyết; nếu để điều đó xảy ra, quân đội sẽ mất phương hướng hành động, biến chất về chính trị, sẽ đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lịch sử 70 năm xây dựng quân đội về chính trị khẳng định rõ điều đó; vì thế, cần kiên quyết bác bỏ quan điểm quân đội trung lập.
Từ mấy vấn đề trên có thể khẳng định, những ai cho rằng “quân đội Việt Nam hiện nay, xét về mọi phương diện thì thực chất là của dân, do dân, chứ không phải là của Đảng” là xuyên tạc hiện thực, mà mục tiêu thật ẩn sau luận điểm này là nhằm chia rẽ quân đội với Đảng, tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, tạo nguyên cớ cho các thế lực có thâm thù với cách mạng tiến hành “cuộc chiến không đánh mà thắng”, xóa bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây vẫn là tích cũ, chiêu trò ấy, nhưng tiến hành dưới chiêu bài “phát huy dân chủ nội bộ, phát huy tính chủ động của cán bộ chỉ huy, bất kể là cán bộ quân sự hay chính trị” với hy vọng làm xáo trộn tư tưởng, gieo rắc hoài nghi, kích động hận thù, cổ xúy hoạt động chống phá, trước mắt là chống phá Đại hội Đảng các cấp, về lâu dài là “phi chính trị hóa” quân đội ta. Tuy việc làm này chỉ đem lại sự phấn khích cho những ai nông cạn, cả tin, hoặc ai đó mơ hồ, mặc cảm, bất mãn với chế độ ta, song chúng ta vẫn cần nêu cao cảnh giác để khỏi mắc mưu lừa đảo của các thế lực thù địch.
Để vạch trần sự lừa bịp về xây dựng quân đội, nhất là xây dựng quân đội về chính trị đang diễn ra hiện nay, một mặt, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao ý thức và trách nhiệm chính trị trong thực hiện quyền dân chủ và nghĩa vụ công dân; mặt khác, phải coi trọng xây dựng quân đội tinh nhuệ về chính trị, mà cốt lõi là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; chăm lo giáo dục chính trị theo hướng đổi mới cả nội dung và hình thức nhằm làm cho mọi quân nhân luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo đảm cho quân đội ta là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
PGS, TS TRẦN ĐĂNG BỘ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét