QĐND - Có thể nói, trong thời kỳ đổi mới, quyền con
người (QCN) từ ghi nhận đến tôn trọng và bảo đảm ngày càng tốt hơn là những
bước phát triển nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Cách đây 22 năm, vào năm
1992, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Hiến pháp 1992, theo đó,
Điều 50, Chương V, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã quy định: “Ở nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn
hóa, xã hội được tôn trọng…”. Văn kiện Đại hội IX, năm 2001 đã xác định: “Chăm lo
cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và
thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham
gia” (1).
Mười năm sau, Đại hội XI (năm 2011), trong “Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm
2011), QCN đã được khẳng định lại như là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng
Việt Nam trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XI viết: “Con người là
trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng
và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân
tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” (2). Đặc
biệt, Hiến pháp năm 2013 đã dành một chương riêng quy định về “Quyền con
người, quyền và nghĩa vụ công dân”, trong đó các nguyên tắc cơ bản về QCN cũng
như các QCN cụ thể mà các công ước quốc tế về QCN đã quy định đều được “ghi
nhận, tôn trọng và bảo đảm”.
Thế nhưng, trong những ngày qua, sau sự kiện Nguyễn
Văn Hải (tức Điếu Cày) được xuất cảnh đi Mỹ (ngày 21-10-2014) vì lý do
nhân đạo (trước đó, tháng 4-2014, Cù Huy Hà Vũ cũng được xuất cảnh đi Mỹ để
chữa bệnh), thiết tưởng đó cũng là điều bình thường, nhưng trên nhiều
trang mạng, người ta đã có nhiều đồn đoán về quan hệ Mỹ-Việt. Đáng tiếc, có người
còn cho rằng, cả Mỹ và Việt Nam đều “ra điều kiện” cho nhau theo
kiểu: “Ông mất chân giò-bà thò chai rượu” trong việc mở rộng và phát triển hơn
nữa mối quan hệ sẵn có giữa hai nước. Chẳng hạn, họ nói: Việt Nam đã
“thay đổi chiến thuật”, rằng, sau khi Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí
sát thương cho Việt Nam trong chuyến đi Mỹ của ông Phạm Bình Minh
“thì phía Việt Nam mới thả anh Điếu Cày ra”. Điều này nói lên rằng,
Việt Nam đã rút được kinh nghiệm: Nếu đáp ứng đòi hỏi của phía Hoa Kỳ
trước (về việc nới lỏng vấn đề nhân quyền) thì “điều họ nhận được đều không như
ý”. Nói cách khác, theo họ, chỉ khi nào Việt Nam nhận được cam kết, thực hiện
trước của Hoa Kỳ, thì Việt Nam mới nới lỏng vấn đề QCN!
Không phủ nhận rằng mối quan hệ giữa
Việt Nam với Hoa Kỳ không giống mối quan hệ giữa Việt Namvới các
nước vốn có quan hệ hợp tác, hữu nghị từ trước. Hoa Kỳ và Việt Nam đã
có những trang sử đau buồn, mà lỗi thuộc về phía gây chiến tranh xâm lược. Tuy
nhiên cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều có chung quan điểm “khép lại quá khứ,
hướng tới tương lai”, như các chính khách và nhà ngoại giao cả hai nước từng
nói: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Chúng ta có thể thay đổi tương lai
bằng cách hợp tác với nhau”, hoặc “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, chúng
ta có thể cùng làm việc cho tương lai”…
Còn nhớ sau 20 năm gián đoạn kể từ khi kết thúc
chiến tranh, Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clin-tơn tuyên bố chính thức bình thường hóa
quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11-7-1995; tháng 7-2000, hai bên đã ký
kết Hiệp định thương mại song phương và tháng 11-2007, Hoa Kỳ chấp thuận Quy
chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Đặc biệt,
trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2013),
nguyên thủ của hai nước: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống
Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã khẳng định mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ tăng
cường hợp tác vì sự phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời vì hòa bình, ổn
định và thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cũng trong dịp này, hai
nhà lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ
dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế,
tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Như chúng ta đều biết, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
vốn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, đó không chỉ là những vấn đề về lịch sử mà
còn sự khác biệt về thể chế chính trị, lối sống, văn hóa, trong đó có sự khác
biệt về quan điểm và pháp luật trên lĩnh vực QCN. Điều này cũng là bình thường,
tương tự như hiện nay, trong khi Liên minh Châu Âu đã xóa bỏ án tử hình,
còn Hoa Kỳ và cả Việt Nam thì chưa. Chính bởi có những sự khác biệt mà hai
nước cần phải có một quá trình nhất định để chia sẻ quan điểm và giảm thiểu
khoảng cách khác biệt. Việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí
sát thương cho ViệtNam là một bước đi tự nhiên trong lộ trình quan hệ giữa
hai nước.
Thực tế cho thấy, đến nay hai bên đã bình thường hóa
quan hệ được gần 20 năm, mà Hoa Kỳ vẫn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
thì đó có thể nói là “chưa bình thường”; bởi vậy, xóa bỏ một phần lệnh cấm bán
vũ khí sát thương cho Việt Nam mới là điều bình thường. Điều này cũng
tương tự như quan hệ Việt-Mỹ đang có những tiến triển rất tốt đẹp trên nhiều
lĩnh vực như hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo,
an ninh và môi trường.
Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam là một quốc gia
có chủ quyền và bình đẳng với tất cả các quốc gia, không phân biệt lớn nhỏ,
phát triển hay đang phát triển, có Hiến pháp, pháp luật của mình. Việc
Việt Nam bắt giữ, điều tra, truy tố xét xử và thi hành án phạt tù
người nào đó là căn cứ vào pháp luật Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa việc
Việt Nam xem xét quá trình cải tạo, tình hình sức khỏe và cả những kiến nghị
nào đó của nước ngoài để giảm nhẹ mức án hoặc trả tự do sớm cho người đang chấp
hành án phạt tù cũng là điều bình thường, là không vi phạm các công ước quốc tế
về QCN cũng như không vi phạm cam kết với các quốc gia khác, trong đó có Hoa
Kỳ. Không được quên rằng, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ không
chỉ dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, mà còn dựa trên tôn
trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền của nhau. Trong thời gian tới,
Việt Namsẽ tiếp tục thực hiện quan điểm tôn trọng và bảo đảm QCN ngày một
tốt hơn, đầy đủ hơn. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên.
Kinh nghiệm của thế kỷ XX cho thấy, nguyên tắc cao
nhất của sự hợp tác giữa các quốc gia chính là sự phù hợp, thích hợp lợi
ích giữa các quốc gia. Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ không nằm ngoài nguyên
tắc đó. Việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam, mà cả cho Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam,
điều này góp phần vào việc bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, giúp chúng ta bảo
vệ môi trường hòa bình để xây dựng đất nước. Còn về phía Hoa Kỳ, điều này sẽ
giúp họ “tái cân bằng” chiến lược ở Châu Á-Thái Bình Dương, vì lợi ích kinh tế,
an ninh của Hoa Kỳ.
Như các nhà chiến lược đã phân tích, Việt Nam có vị
trí rất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam, Biển Đông là nơi giao thoa,
cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, đồng thời Việt Nam cũng
là điểm nối giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Do vậy, trong chiến lược chính trị
chuyển dịch trọng tâm sang Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đặc biệt quan tâm
đến Việt Nam cũng như các nước ASEAN là điều tất nhiên. Bởi vậy, quan điểm cho
rằng việc cho Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) đi Mỹ là biểu hiện Việt Nam
“thay đổi chiến thuật”, hoặc Việt Nam chẳng có gì để hợp tác với Hoa Kỳ ngoài
số tù nhân “lương tâm” đang còn ở trong tù, làm “món hàng” để trao đổi, là nhận
thức ngây thơ, ấu trĩ về chính trị. Hơn nữa điều này là cản trở, phá hoại
sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, cản trở chính sự
phát triển của dân tộc Việt Nam.
(1)
- Văn kiện Đại hội IX, NXB CTQG, HN, 2001, tr.134.
(2) -
Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, 2011, tr.76
BẮC
HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét