Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Internet và niềm tin

Khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ thông tin (CNTT), nhất là Internet xâm nhập một cách ồ ạt vào Việt Nam. Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì những tác hại và nguy hiểm rất khó lường cũng xuất phát từ Internet…
 
Lợi - hại song hành
 
Có thể nói, chưa bao giờ trong đời sống, lao động, sinh hoạt, nhu cầu về thông tin của con người được đáp ứng một cách nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại như bây giờ. Trong mỗi gia đình chỉ cần chiếc tivi nối cáp người ta có thể biết cả thế giới chuyển động trong ngày; bởi vậy mới có câu “thế giới trong nhà”. Và, chỉ cần chiếc máy tính xách tay hay chiếc điện thoại di động (giá chừng 2 triệu đồng trở lên) thì ở bất cứ chỗ nào người ta có thể hàng giờ “lướt” khắp thế giới. Và, nếu cần thông tin chỉ nhấp vào “google” là thông tin “ngồn ngộn” tha hồ “lội” và kiếm tìm (!)
 
Cuộc sống hiện đại đi kèm với những vật chất kỹ thuật công nghệ cao nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Sự ra đời, phát triển CNTT, trong đó có Internet là một tất yếu. Có người nói rằng, thật khó có thể tưởng tượng cuộc sống này sẽ ra sao nếu thiếu Internet? Và, đã có nhiều người “nghiện” Internet (không chỉ giới trẻ). Trong thực tế, Internet đã khẳng định mặt tiện ích trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đã và đang chi phối tất cả mọi ngành nghề; tác động trực tiếp đến mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi trình độ, đẳng cấp trong xã hội... Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là sử dụng Internet, áp dụng thành tựu CNTT vào đời sống, công tác, sinh hoạt phải hết sức thận trọng, nhất là biết tiếp cận thông tin, chọn lọc và sử dụng thông tin chính thống với mục đích phục vụ lợi ích chính đáng cho cá nhân, cộng đồng.
 
Gần đây, người ta nói rất nhiều về mặt trái, những tác hại gây hậu quả xấu và nguy hiểm khôn lường từ Internet và các trang mạng xã hội. Trước nhu cầu về thông tin của con người và lạm dụng CNTT, hàng loạt trang mạng xã hội, các blog cá nhân, rồi “làn sóng” facebook (trang chủ ở nước ngoài) ồ ạt ra đời không thể kiểm soát đã gây nhiễu loạn môi trường thông tin. Dường như bất cứ chuyện gì dù lớn, dù nhỏ người ta đều “tung” lên mạng, lên facebook để chia sẻ (từ chuyện vui, buồn, sướng, khổ, yêu đương, tình ái… cho đến những chuyện nhảm nhí như ăn, ngủ, vệ sinh, chuyện tầm phào trên trời, dưới đất…). Đã có nhiều trang web đưa những tin tức, hình ảnh, video clip đồi trụy, thậm chí đưa cả hình của chính bản thân mình lên mạng để “khoe hàng”; chuyện chăn gối vợ chồng; chuyện mây mưa lố bịch, dung tục… gây bức xúc cho cộng đồng mạng, làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhất là đối với giới trẻ. Lợi dụng CNTT, Internet, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã phát tán các tin, bài, hình ảnh sai lệch, nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chống phá thể chế chính trị của Việt Nam… Điều nguy hiểm hơn là một bộ phận người dân dễ tin vào những thông tin xấu, bịa đặt này. 
 
Chung quy những thông tin kiểu này có 3 khía cạnh cần nhận diện: một là cách đưa thông tin hư hư thực thực làm mất phương hướng của người tiếp nhận thông tin, gây ra khủng hoảng niềm tin của dân đối với Đảng, đó là mầm mống để có thể mất chế độ, làm xói mòn tính hợp pháp về sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội; hai là, tạo sự nghi ngờ, chia rẽ nội bộ trong hàng ngũ cấp cao của Đảng, dẫn đến sự mất đoàn kết trong Đảng; ba là, làm mất đi ý chí và sức chiến đấu của quân và nhân dân ta. Nguy hại của những thông tin này đang được rỉ rả, truyền tai nhau bán tín bán nghi, tạo ra sự dao động, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Các thế lực phản động đã và đang lợi dụng Internet để thực hiện những ý đồ xấu nhằm hủy hoại niềm tin trong xã hội, tạo sự bất ổn, “tự diễn biến” để chống phá chế độ…
 
Internet và vấn đề củng cố niềm tin
 
Rõ ràng môi trường xã hội đã và đang bị nhiễu loạn thông tin. Internet - giữa lợi và hại, giữa tốt và xấu đan xen lẫn lộn. Internet đã bị lợi dụng để thực hiện những ý đồ xấu là hủy hoại niềm tin, đạo đức xã hội, tạo sự bất ổn tình hình an ninh chính trị; là âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Việc nhận diện và phân tích làm rõ bản chất cũng như động cơ đen tối của những luồng thông tin này để định hướng thông tin cho xã hội là hết sức cần thiết.
 
Thực tế, việc lợi dụng Internet để đưa những thông tin vu khống, bịa đặt bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chống phá chế độ của các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị, phản động không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã ngấm ngầm hoạt động trong nhiều năm qua. Song, thường trước những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, dân tộc sắp diễn ra là thời điểm các thế lực thù địch gia tăng sự xuyên tạc, chống phá quyết liệt, xảo quyệt và nguy hiểm nhất. Năm 2015 có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chắc chắn loại thông tin xấu, độc hại sẽ lại được tung ra nhiều hơn, tác hại của nó rất khó lường…
 
Sự nhiễu loạn thông tin giữa cái đúng, cái sai; cái tốt, cái xấu; cái có lợi, cái bất lợi… là vấn nạn chung của tất cả mọi quốc gia chứ không chỉ ở Việt Nam và thực tế là không thể ngăn chặn. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phải “đau đầu” khi phân tích về vấn đề này. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng: “Hiện tại, những thông tin trên báo mạng, thực tế là những thông tin rác, thông tin của thế lực phản động đang lợi dụng tập trung vào lúc này để chống phá. Họ xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ người này người khác. Tôi nghĩ đó là âm mưu cực kỳ độc ác, nhất là trong thời điểm này, nhất thiết phải đấu tranh, phản bác, lên án, làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu rằng những thông tin rác này không thể là những thông tin tin cậy”. Và ông cho rằng “Việc chống phá của các thế lực thù địch là một yếu tố tất nhiên trong cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa độc lập dân chủ và nô lệ phụ thuộc. Đó là vấn đề mà chúng ta kiên quyết đấu tranh”.
 
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014 vừa qua đã nhấn mạnh đến việc bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đấu tranh với những thông tin xấu, xuyên tạc gây chia rẽ nội bộ. Chính phủ cũng đã có Nghị định số 72/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”. Song, tình trạng xâm hại của Internet và các trang mạng xã hội ngày một phát triển với tốc độ “chóng mặt” rất khó quản lý, kiểm soát…
 
Trước thực trạng này, nhiều cán bộ lão thành cách mạng trong lực lượng vũ trang đều bày tỏ sự bất bình và khẳng định, với truyền thống và bề dày lịch sử dân tộc thì các thế lực thù địch dù có dùng thủ đoạn nào cũng không dễ dàng thực hiện được ý đồ đen tối. Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND) đã nhấn mạnh: “Trước tình hình kẻ xấu đưa thông tin xuyên tạc, làm nhiễu thông tin thì các cơ quan thông tấn của chúng ta cần quan tâm để có thông tin lại một cách chính thống cho tất cả mọi người biết được sự thật như thế nào”.  TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: “… Tôi nghĩ rằng với tư cách là công dân trong thời đại CNTT, chúng ta phải là những công dân thông tin, những công dân không thể dễ dàng đánh mất niềm tin của mình”…
 
Đấu tranh phản bác những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai trái, thù địch có nội dung, tư tưởng đen tối; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý điều hành của Nhà nước; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức “đề kháng” cho nhân dân trước cơn “bão” thông tin hiện nay là việc cần thiết của mọi cấp, mọi ngành và tất cả mọi người…
 
THẠCH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét