QĐND - Gần đây, một số người tỏ ra “cởi mở”, “chân thành” tư vấn cho lãnh đạo Việt Nam, nhưng thực chất là tán phát quan điểm xuyên tạc đường lối chính trị của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, gây ra sự ngộ nhận trong xã hội về vấn đề phát huy vị trí địa chính trị để bảo vệ Tổ quốc. Dư luận cần hết sức tỉnh táo trước những lý lẽ của họ.
Là quốc gia có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, đa sắc tộc, giàu tài nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện, với 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển của thế giới đi qua vùng biển này. Cùng với tài nguyên phong phú, dân số khá lớn… những điều kiện này đã khiến Việt Namtrở thành một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, nhiều cường quốc xem khả năng kiểm soát Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình. Chính vì vậy mà Biển Đông đã trở thành một trong những “điểm nóng” lớn nhất về lợi ích giữa nhiều nước lớn. Trong thế kỷ 20, nhiều quốc gia phát triển đã sớm nhận thấy vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam. Từ những quốc gia xa xôi trên thế giới, thậm chí bên kia đại dương đã “vươn” tới Việt Nam, mong muốn sớm thiết lập quan hệ thân thiện. Song chính vì vị trí địa chính trị đó mà dân tộc Việt Nam đã thường xuyên phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, và do đó có rất ít thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. Tuy nhiên, dân tộc ta một mặt đã không sợ hy sinh xương máu để giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mặt khác luôn luôn phát huy trí sáng tạo trong chính sách, chiến lược hòa hiếu, “cân bằng” với các nước để có hòa bình xây dựng đất nước.
Ảnh minh họa/Nguồn: QĐND |
Thế nhưng trong không gian mạng với cái gọi là tự do tư tưởng, tự do “phản biện” ồn ào, một số người “bất đồng chính kiến” đã “cởi mở”, “chân thành” tư vấn cho lãnh đạo Việt Nam, mà thực chất là tán phát quan điểm xuyên tạc đường lối chính trị của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, gây ra sự ngộ nhận trong xã hội. Họ cho rằng: Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo. Họ cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang có “cơ hội” này. Về “thực trạng” chính trị ViệtNam hiện nay họ cho rằng: “Chỉ có hai cách tránh họa xâm lăng: (Một) là … nhắm mắt chờ đợi một biến cố nào đó xảy ra, (hai) là cam chịu mọi sự ép bức trong đó mất dần chủ quyền biển, đảo”.
Thực tế có phải như họ nói hay không? Lý lẽ nói trên của họ có gì mới không?
Trước hết, về mặt lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc ta trong thế kỷ 20, sở dĩ nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước là nhờ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối đó đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có các nước XHCN và nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa, kể cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ.
Chúng ta cũng không phủ nhận rằng, trong một số sự kiện cách mạng Việt Nam, một số nước lớn đã lợi dụng vị trí địa chính trị của Việt Nam, thỏa hiệp với nhau vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của họ. Tuy nhiên, ngày nay những trang lịch sử đó đã đi vào quá khứ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều mức độ (như “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện”)… đều dựa trên lợi ích của cả hai bên. Thực tế cho thấy, trên thế giới chưa bao giờ một nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Cho nên những ý kiến "tư vấn" của người “bất đồng chính kiến” rằng: Ngày nay Việt Nam cần thiết phải lập một liên minh (chính trị-quân sự) “bằng cách nắm lấy bàn tay” của quốc gia phát triển nào đó để “giữ lấy Biển Đông…” thiết nghĩ là tư duy chính trị chưa ngang tầm.
Thứ hai, về mặt thực tiễn, phải chăng lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang ngồi nhìn nguy cơ bị xâm lấn theo hai “kịch bản” như họ vẽ ra ở trên?
Thiết nghĩ, tất cả những người yêu nước chân chính đều có quyền chia sẻ những bức xúc của mình trước những hành vi vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta. Nhưng cho rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta chỉ “nhắm mắt chờ đợi một biến cố nào đó xảy ra” hoặc: “Cam chịu mọi sự ép bức trong đó mất dần chủ quyền biển, đảo” là không đúng sự thật, nếu không muốn nói là “vu oan, giá họa cho người khác”.
Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2011, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký văn kiện "Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, trong đó hai bên nhất trí: “Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”(1).
Chẳng lẽ trong các thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước trong những năm qua lại cho phép các nước lớn chèn ép, lấn chiếm lãnh thổ, biển, đảo của Việt Nam? Việc một lực lượng chính trị, hoặc quân sự cực hữu, hiếu chiến nào đó lợi dụng các quan hệ tốt đẹp được ghi trong các văn kiện chính trị mà Việt Nam ký kết với một quốc gia khác vì những mục tiêu đen tối của chúng thì điều đó thuộc về trách nhiệm của họ đối với lịch sử. Tất nhiên trong các cuộc trao đổi chính thức, lãnh đạo của Việt Nam cũng như nhiều đại diện của các quốc gia luôn ghi nhận nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Thêm nữa, chiến lược xây dựng tiềm lực quốc phòng của Việt Nam với việc tập trung nguồn lực tiến thẳng lên hiện đại cho các lực lượng hải quân, phòng không-không quân… là nhằm phòng ngừa cho những tình huống “bất khả kháng” - những điều chúng ta hoàn toàn không mong đợi! Từ lãnh đạo cho đến mọi người dân Việt Nam đều thấy rõ bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc, trong đó có bảo vệ chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, là nhiệm vụ tối thượng của tất cả người dân Việt Nam,
Thứ ba, phải chăng liên minh (quân sự) với nước thứ ba là giải pháp tối ưu của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ?
Xem xét đường lối bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ từ kinh nghiệm lịch sử cũng như sự phân tích logic, việc tìm kiếm “liên minh quân sự” không phải là giải pháp tối ưu, có hiệu quả trong bối cảnh chính trị quốc tế và đặc điểm về địa chính trị của Việt Nam hiện nay. Nếu như trong lý luận quân sự nói chung thì khái niệm “liên minh quân sự” là một nguyên lý quan trọng. Tuy nhiên kinh nghiệm lịch sử lại cho thấy đã có không ít sự kiện, một số nước lớn đã lợi dụng quan hệ của mình với nước nhỏ để mặc cả với nhau nhằm phục vụ cho lợi ích chiến lược của họ.
Trong lịch sử cũng như lý luận quân sự Việt Nam cho đến nay không có khái niệm “liên minh quân sự” để chống lại nước thứ ba, hoặc như là một giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Không lựa chọn chiến lược “liên minh quân sự” với một cường quốc không có nghĩa là không thể phát triển quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh với tất cả các nước để bảo vệ Tổ quốc. Thay cho khái niệm liên minh quân sự, Việt Nam có những khái niệm khác. Chẳng hạn: “Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…”; “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”; “Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh”(2). Cần lưu ý rằng, hợp tác quốc tế về quân sự của Việt Nam cũng chỉ nhằm bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, ngoài ra không có một mục đích nào khác.
Điểm đặc sắc trong lý luận quân sự Việt Nam là sự kết hợp sức mạnh quân sự với phát triển hợp tác quốc tế trên cơ sở “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế…”(3). Hiện nay, Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác về quốc phòng, an ninh với nhiều quốc gia, trong đó có Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a… Nội dung của sự hợp tác bao gồm mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự; chuyển giao công nghệ; cứu hộ, cứu nạn; đào tạo nhân lực...
Trong bối cảnh chính trị quốc tế ngày nay, khi cộng đồng quốc tế đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của môi trường hòa bình, của luật pháp quốc tế thì việc thực hiện nhất quán đường lối quốc phòng, an ninh gắn chặt với đường lối đối ngoại nói trên là một tất yếu khách quan, nhất là khi Việt Nam có một vị trí địa chính trị quan trọng, nhạy cảm đối với khu vực và trên thế giới.
TS BẮC HÀ
---------------------
(1) - Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung
(2) - Văn kiện Đại hội XI, tr.233
(3) - Văn kiện Đại hội XI, tr.83
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét