Bài 1: Những thủ đoạn gây nhiễu loạn thông tin
LTS: Thời gian qua, trên internet xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt về Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là những thông tin bôi nhọ, vu cáo, hạ uy tín nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao hòng gây mất niềm tin trong nhân dân, mất đoàn kết nội bộ, kích động tâm lý xã hội… Nhằm đáp ứng yêu cầu mà bạn đọc và nhân dân đặt ra, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vệt bài góp phần vạch rõ các chiêu bài, thủ đoạn tạo dựng thông tin, đồng thời nêu một số giải pháp để đấu tranh, đẩy lùi những hành động xuyên tạc, bịa đặt đó.
“Nói dối vụ lớn”-chiêu trò không mới
Ảnh minh họa. |
Tại sao vào thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, lại xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm vào một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội? Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm 2015 là năm có nhiều hoạt động quan trọng hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Vì vậy, các thế lực thù địch, phản động đã ráo riết lập nên hàng trăm trang mạng, blog vu khống, bôi nhọ cá nhân một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ nội bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân. Cách thức hoạt động của chúng lần này hết sức chuyên nghiệp, táo tợn và nguy hiểm, có nhiều thông tin xuyên tạc, vu khống trắng trợn.
Cần khẳng định đây không phải là chiêu thức mới. Gơ-ben (Paul Joseph Gôbbels), Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, đã nêu một lý thuyết: “Một điều lừa dối bịa đặt khó tin nhất, nếu được nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ được mọi người tin là thật”. Trong tác phẩm “Cuộc chiến đấu của tôi”, trùm phát-xít Hít-le (Hitler) viết: “Bằng vũ khí tuyên truyền khôn ngoan và dai dẳng, người ta có thể khiến cho quần chúng tin rằng thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường”. Hít-le từng đưa ra đòn hiểm độc mang tên “nói dối vụ lớn” vì “Đối với tâm hồn giản dị đơn sơ của quần chúng, nói dối vụ lớn rất có hiệu lực vì quần chúng thường chỉ dám nói dối những việc nhỏ bé, và xấu hổ không dám nói dối vụ lớn. Nói dối càng lớn bao nhiêu càng khiến quần chúng dễ dàng tin bấy nhiêu”.
PGS, TS Đào Duy Quát, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương phân tích: Đó cũng là thủ đoạn được dùng góp phần làm hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã. Một đài truyền hình ở Ru-ma-ni đã dựng đứng nhiều chuyện, kích động dân chúng gây bạo loạn. Trước khi Liên Xô sụp đổ, các tờ báo: Ngọn lửa nhỏ, Thế giới mới… liên tục viết bài “sám hối”, “lật án” nhằm bôi nhọ, vu cáo những người cộng sản, làm rối loạn tư tưởng xã hội, kích động tư tưởng ly khai, tan rã. Nhìn lại thời kỳ chuẩn bị các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI, PGS, TS Đào Duy Quát cho biết, đã thành quy luật, cứ gần Đại hội Đảng thì thông tin xuyên tạc, bịa đặt về lãnh đạo cấp cao lại xuất hiện. “Trước thềm Đại hội X, chúng tung tin bôi nhọ một đồng chí cán bộ Trung ương nhưng gần đây lại chuyển qua “khen” đồng chí này và công kích các đồng chí khác. Đây là thủ đoạn “kép”, không chỉ nhằm hạ thấp uy tín cá nhân cán bộ bị bôi nhọ mà còn làm suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước, gây cảm giác có “phe phái” trong Đảng…”-Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhận định.
Lợi dụng khoảng trống thông tin để “nhào nặn”, bịa đặt
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi bàn về vấn đề này đã dẫn chứng một vụ việc cụ thể: Tại sao những hình ảnh về một dinh thự xa hoa ở một nước A-rập từng xuất hiện nhiều trên báo chí lại bỗng dưng được nhào nặn thành dinh thự của một cán bộ cấp cao ở Việt Nam mà vẫn có người tin? Kẻ xấu đã đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ thông tin hậu trường chính trị của một bộ phận người đọc. Nhìn lại chiêu trò của những trang mạng tung tin xuyên tạc, bịa đặt mấy năm gần đây, nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Báo Năng lượng mới, người từng có bài viết “bóc mẽ” các thủ đoạn, chiêu trò thâm độc này, phân tích: Chúng thường nhào nặn thông tin dựa trên những sự kiện cụ thể mà báo chí, truyền thông đã đưa tin rồi thêm thắt, suy diễn. Để thuyết phục người đọc, chúng thường “mạnh mồm” tuyên bố “đây là tài liệu bóc từ băng ghi âm” nhưng nếu ai tinh ý sẽ nhận ra rằng, dù đã nhiều lần hứa “tung” băng ghi âm song chưa lần nào chúng làm được việc đó. Chúng cũng lợi dụng một số mâu thuẫn trong nội bộ các cơ quan rồi thêm thắt các thông tin theo hướng suy diễn, kích động khiến người đọc tin là thật. Khi đã “bấu” được vào điểm cốt yếu này, chúng suy diễn, kết nối thêm các thông tin “ngoài lề” khiến người đọc tin luôn cả những thông tin mà chúng cài vào.
Là chuyên gia nghiên cứu về truyền thông và mạng xã hội, tác giả một số cuốn sách như “Vai trò của báo chí trong định hướng dư luận xã hội”, “Báo chí và mạng xã hội”…, PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Họ đánh vào sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng do có một khoảng trống thông tin không được đề cập. Những trang mạng xấu đã tiếp cận rất nhanh với khoảng trống thông tin đó, trong khi để nhận diện thông tin bịa đặt với người đọc lại khá khó khăn vì kẻ xấu rất khôn ngoan. Chúng thường tỏ ra khách quan, sử dụng rất nhiều phương thức, nhiều trang mạng khác nhau. Có trang rất dễ nhận diện vì tông màu “đen” khá rõ, tất cả là phê phán, chỉ trích, moi móc đời tư. Nhưng có trang trung tính, có trang giả mạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bình thường, họ cập nhật các thông tin, hoạt động của lãnh đạo một cách chính xác theo báo chí chính thống để tạo niềm tin rồi đột ngột cài vào một vài thông tin bịa đặt, xuyên tạc”.
Theo nhà nghiên cứu Lê Võ Hoài Ân, những chiêu trò tạo ra thông tin xấu độc trên tuy không mới nhưng trong thời kỳ bùng nổ thông tin, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các thông tin này được tán phát rất nhanh, sâu rộng, gây tác động hết sức nguy hiểm. Hiện nay, trước các sự kiện chính trị lớn của đất nước, các thế lực xấu đều “bày binh bố trận” rất tinh vi, phối hợp trong-ngoài nhịp nhàng, tổ chức bài bản, lớp lang thông qua internet, đặc biệt là mạng xã hội. Như trường hợp một số blog, trang mạng gần đây, có trang được lập từ cách đây vài năm, thông tin rất ít nhưng đến khi Đảng ta chuẩn bị triển khai Đại hội XII thì mới liên tiếp tung tin xuyên tạc. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng internet và hơn 100 triệu thuê bao điện thoại di động. Mạng xã hội được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là facebook hiện ước có khoảng 25 triệu người sử dụng. Mỗi tài khoản facebook có thể kết bạn với 5000 người, có thể được hàng vạn người theo dõi, làm cho mỗi thông tin trên mạng xã hội có muôn nẻo đường truyền, phát đi với tốc độ như vũ bão.
Tỉnh táo nhận diện và xử lý
Tác hại của những thông tin xuyên tạc, bịa đặt thế nào? Đã có nhiều dẫn chứng thực tế cho thấy sự nguy hiểm của chúng. Còn nhớ cách đây chưa lâu, chỉ với thông tin bịa đặt là lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt, thị trường chứng khoán đã lao dốc, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng. Các tin đồn khác liên quan tới nông sản có độc cũng làm hàng vạn gia đình nông dân khốn đốn. Đó là những thông tin sai sự thật về kinh tế, còn với thông tin sai sự thật về chính trị, tác hại của nó thật khó "cân đong", sự nguy hiểm của nó còn tăng gấp bội vì theo PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, nó đánh vào niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội.
Trong một cuộc hội thảo do Báo Quân đội nhân dân tổ chức, một đồng chí lãnh đạo Cục An ninh Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an) cho biết: Một trong những âm mưu của các thế lực thù địch là sử dụng báo chí, xuất bản và truyền thông, mạng xã hội làm phương tiện phá hoại tư tưởng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong, 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web thường đăng tải tin bài, xuất bản những ấn phẩm có nội dung phản động, xuyên tạc chống Việt Nam. Chúng tăng cường khai thác, tập hợp những bài viết có nội dung phức tạp của một số đối tượng chống đối trong nước; sử dụng cả bài viết, thông tin liên quan tới lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi sửa chữa, biên soạn, viết bài, tác phẩm xuyên tạc tán phát vào Việt Nam… Mục tiêu của hầu hết những trang mạng này là nhằm phá hoại tư tưởng, kích động “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam.
Đánh giá bản chất vấn đề này, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng) nhận định: “Họ tiếp tục gieo rắc tư tưởng hoài nghi, chán chường, mất lòng tin vào tình hình phát triển của đất nước, vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; vào Nghị quyết Đại hội Đảng; kích động ý thức thù hận; tư tưởng chống đối, ý thức phản kháng, phản loạn trong một bộ phận nhân dân; gieo rắc tâm lý mong đợi về sự “thay đổi” chế độ bằng những tư tưởng “mới”, “khác lạ”.
Mặc dù hết sức nguy hiểm, thâm độc nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế: “Vải thưa” không che được mắt… nhân dân. Thực tế cho thấy, công chúng ngày càng hiểu rõ hơn bản chất của những trang mạng tung tin xuyên tạc, bịa đặt hậu trường chính trị. Có thể thấy rõ hiệu ứng xã hội đối với dạng thông tin này. Hai lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm cũng là thời điểm các trang mạng đưa nhiều thông tin bịa đặt, bôi xấu một loạt cán bộ Quốc hội, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, âm mưu của chúng không thực hiện được. Thực tiễn năng lực quản lý, điều hành của cán bộ mới là thước đo đánh giá cán bộ chứ không phải những thông tin xuyên tạc của các trang mạng xấu.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, trong những hoàn cảnh cụ thể, có thể coi những trang mạng xuyên tạc, bịa đặt như một phần “tối”, phần “rác” không đáng kể trên con đường chúng ta đi. Vì thế, mục tiêu của chúng ta không phải chỉ là xử lý vài trang mạng cụ thể mà cần đấu tranh kiên trì, thường xuyên, có hệ thống với chiến lược “diễn biến hòa bình” cũng như nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần nhìn nhận xử lý vấn đề này ở tầm cao hơn, toàn diện hơn.
NGUYÊN MINH, HỒNG HẢI, NGUYỄN HÒA, NGUYÊN THẮNG, TIẾN DŨNG
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Báo chí phải tỉnh táo, thận trọng trong xử lý thông tin, nhạy bén chính trị, chặn lọc những thông tin xấu, độc, với động cơ đen tối, gây nhiễu, ảnh hưởng xấu đến nhận thức của dư luận xã hội.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an: Cần tập trung mọi phương tiện, lực lượng để bảo vệ đại hội Đảng các cấp, góp phần bảo vệ thành công Đại hội lần thứ 12 của Đảng. Các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cần chủ động định hướng dư luận, đấu tranh phản bác kịp thời các luận điệu sai trái thù địch và những quan điểm thiếu tính xây dựng. Năm 2015, ngành công an sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tập trung ngăn chặn việc tán phát các tài liệu trên mạng không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, đả kích các lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ.
TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm: Xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân. Đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật Việt Nam.
|
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét