Hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã và đang ráo riết lợi dụng vấn đề “tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền” để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh vạch trần “bộ mặt thật” của chúng.
Ảnh minh họa |
Vừa qua, tổ chức “Ngôi nhà tự do” (FH) cho ra bản “Phúc trình tự do thế giới năm 2015”, trong đó đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước “không có tự do”. Trước đó, một số tổ chức, như: “Ủy bản bảo vệ ký giả” (CPJ), “Phóng viên không biên giới” (RSF) đã liên tục cho ra các “Báo cáo”, “Thông cáo”,… cùng với những luận điệu xuyên tạc, đánh giá thiếu khách quan, phản ánh sai lệch tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Họ còn trắng trợn vu cáo Việt Nam gia tăng bỏ tù các nhà báo, đàn áp, bắt giữ tùy tiện các blogger. Đồng thời, can thiệp vào tình hình nội bộ của Việt Nam, yêu cầu Việt Nam “hủy bỏ” những điều luật trong Bộ luật Hình sự mà họ cho là “những điều luật mơ hồ xúc phạm quyền con người ” và kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho các cá nhân mà họ gọi là “nhà báo”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “blogger bị bắt giữ tùy tiện” tại Việt Nam,.. còn đặt bịa ra là tại sao FH, CPJ, RSF đưa ra những đánh giá hồ đồ, sai lệch trên trong khi sự thật thì hoàn toàn ngược lại? phải chăng họ thiếu thiện chí với Việt Nam? Có thể, nhưng cũng không chỉ đơn giản là vậy, mà điều dễ nhận thấy ở đây là luận điệu họ đưa ra nhuốm màu thù địch. Bởi, nếu không thù địch thì hẳn sẽ không xuyên tạc trắng trợn đến vậy.
Thực tế trong những năm qua, khi các cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ để điều tra, đưa ra xét xử công khai một số đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ngay lập tức các tổ chức FH, CPJ, RSF đã vội “chụp” cho các đối tượng này chiếc mũ “nhà dân chủ”, “cây viết độc lập” và đưa ra “Thông cáo” xuyên tạc, đòi Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho họ. Không những thế, các tổ chức này còn thường xuyên tổ chức các cuộc trao giải thưởng “tự do báo chí quốc tế” để tôn vinh, động viên những cá nhân có quan điểm chống đối Việt Nam. Đặc biệt, một số đối tượng, trong đó có cả những người đã từng hoạt động trong cơ quan báo chí lợi dụng danh nghĩa nhà báo, tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, mạng in-ter-net, lập ra các trang blog,... để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, tuyên truyền phỉ báng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cá nhân một số cán bộ cấp cao, cũng như thông tin sai lệch hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành của chính quyền. Hơn thế, số này đã uốn cong ngòi bút, chuyển sang viết những lời thóa mạ, lạc lõng, cơ hội, vụ lợi, cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật của một số đối tượng, đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân, dân tộc; đồng thời, gieo rắc vào suy nghĩ người đọc rằng “chính quyền xử tội những nhà dân chủ, những thanh niên, sinh viên yêu nước”. Những hành vi này, đã vi phạm quy định tại Điều 258, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mặc dù khi làm việc với các cơ quan chức năng, tất cả các đối tượng này đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Thế nhưng, FH, CPJ, RSF đã không ít lần thể hiện “sự quan tâm đặc biệt” với số này và đưa ra những đòi hỏi vô lối yêu cầu Việt Nam phải “trả tự do vô điều kiện” cho họ. Thực chất, đây rõ ràng là sự can thiệp phi lý vào nội bộ của Việt Nam và cổ súy cho các đối tượng xấu chống Đảng, Nhà nước Việt Nam; thể hiện cái nhìn thiếu thiện chí của FH, CPJ, RSF… về tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền ở nước ta.
Có thể nói, tất cả các trường hợp “điển hình” mà các tổ chức FH, CPJ, RSF,… thường lấy làm dẫn chứng cho sự vi phạm về tự do, dân chủ, nhân quyền đều là những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam. Và sự thật đã rõ, các “Báo cáo”, “Thông cáo”,… mà một số tổ chức, trong đó có FH, CPJ, RSF đưa ra, thực chất chỉ là những bản đánh giá sai lệch về bản chất, thiếu tính khách quan khi chỉ dựa vào một số cá nhân vi phạm pháp luật của Việt Nam, để từ đó hồ đồ đưa ra cái gọi là “Báo cáo”, “Thông báo” của mình. Chính FH, CPJ, RSF đã tự biến mình thành trò hề trong “cuộc chơi” tự do, dân chủ, nhân quyền mà một số cá nhân, tổ chức có quan điểm thù địch với Việt Nam thường xuyên sử dụng như một “liều thuốc đặc trị”, nhằm chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thực chất, đằng sau cái gọi là “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm tự do báo chí”, “đàn áp, bắt giữ các blogger, nhà báo”,… mà một số tổ chức, cá nhân, trong đó có FH, CPJ, RSF thường “gán” cho Việt Nam chỉ là một “màn kịch” đã được dựng sẵn, nhằm kích động, tiếp tay, cổ súy cho các phần tử xấu chống Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mọi hoạt động của xã hội được quản lý và điều chỉnh theo luật pháp. Ở Việt Nam, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử phạt theo quy định; pháp luật phải được thượng tôn, không ai đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật. Một số trường hợp, như: Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, Hoàng Khương, Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Trương Duy Nhất, Võ Thanh Tùng,... cũng không phải ngoại lệ. Như vậy, trên thực tế, ở Việt Nam không có phóng viên hay nhà báo nào bị bỏ tù mà chỉ có người vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi công dân. Và cũng như các quốc gia khác, nhằm giữ gìn kỷ cương, bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên thực tế, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, thông qua các hình thức phản biện xã hội, qua hệ thống báo chí, truyền thông. Nhân dân được tạo điều kiện thực hiện quyền phản biện thông qua đại diện của mình là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, v.v. Ðây là cầu nối giữa nhân dân với Ðảng và chính quyền các cấp, Mặt trận và các đoàn thể xã hội. Thông qua đó, để tuyên truyền, phổ biến, động viên nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở để người dân phát huy quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ hội để họ phản ánh nguyện vọng chính đáng của mình.
Hiện nay, Việt Nam có 845 cơ quan báo chí in, trong đó có 199 cơ quan báo in, 646 tạp chí và 01 hãng thông tấn quốc gia (tăng 07 cơ quan báo chí in so với năm 2013); 98 báo, tạp chí điện tử (tăng 06 báo, tạp chí điện tử so với năm 2013); 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương;180 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh phát thanh, truyền hình ở nước ngoài; 05 đơn vị phát sóng truyền hình số mặt đất và 03 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh; 27 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Số lượng thuê bao truyền hình số mặt đất đạt 7.000.000, tăng gấp đôi so với năm 2013; 973.000 thuê bao truyền hình số vệ tinh và 4.300.000 thuê bao truyền hình cáp. So với các quốc gia khác, Việt Nam có số lượng người dùng in-tơ-nét nhiều thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện có gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ Nhà báo và hơn 19 nghìn hội viên nhà báo cùng cộng tác viên trên khắp cả nước, là bộ phận xã hội hết sức quan trọng, thường xuyên bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh một cách trung thực tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, những tấm gương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Từ đó, đề xuất, phản biện một cách khoa học về các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chí Việt Nam thật sự là một kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai, dân chủ, nhanh chóng, có hiệu quả.
Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới việc phát huy dân chủ, quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điển hình là Hiến pháp năm 2013 đã dành sự ưu tiên đặc biệt đến quyền con người và thể hiện sự tiến bộ rõ nét trong nhận thức về quyền con người. Trong đó, đã dành 38 điều quy định về quyền con người, đồng thời đưa chương quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên vị trí trang trọng (Chương II) ngay sau chương Chế độ chính trị (Chương I). Đồng thời, khẳng định nguyên tắc nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nội dung tiến bộ và dân chủ này đã thể hiện rõ quan điểm tiên quyết của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đề cao trách nhiệm, giải quyết mối quan hệ giữa quyền con người và quyền công dân. Mặt khác, nó cũng “đóng khung”, “ngăn chặn” hành vi xâm phạm, hạn chế quyền công dân từ phía các cơ quan, nhân viên công quyền. Đây cũng là một hành động cụ thể, thể hiện Việt Nam tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự; quyền kinh tế, văn hóa và Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, đánh dấu bước tiến bộ toàn diện hơn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Việt Nam. Từ đó có thể khẳng định, nhận thức, quyết tâm và hành động nghiêm túc của Việt Nam về vấn đề quyền con người và việc phát triển, hoàn thiện quyền con người luôn là mục tiêu, động lực trong định hướng phát triển đất nước ở Việt Nam.
Vừa qua, Việt Nam đã phát động Chương trình Hành động quốc gia “không còn nạn đói”. Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: việc Việt Nam tham gia Sáng kiến “không còn nạn đói” không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam tích cực hưởng ứng các hoạt động của Liên hợp quốc, mà còn đáp ứng các yêu cầu thực tế của Việt Nam. Tham gia Sáng kiến “không còn nạn đói” sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đó, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF 2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo Hiến pháp năm 2013 là động lực và giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt hơn việc bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón Xuân Ất Mùi 2015, trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta đều phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là vì nhân dân, để đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, sung túc hơn. Như vậy, thực tế đã rõ, vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm, chú trọng và đặt lên hàng đầu, mọi công dân Việt Nam đều có quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Không có cái gọi là “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, “bắt giữ tùy tiện” nhằm vào những nhà báo hay blogger mà một số tổ chức đã đưa ra.
Việt Nam là một đất nước có tự do, độc lập, con đường phát triển của dân tộc Việt Nam do chính người dân Việt Nam lựa chọn. Việt Nam không bao giờ chấp nhận một thế lực bên ngoài can thiệp, sắp đặt và lại càng không để cho bất cứ ai xuyên tạc, phỉ báng, kích động gây rối nội bộ, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thiết nghĩ, những ai đó luôn cho rằng tự do báo chí, tự do ngôn luận là “tối thượng” và lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền để hô hào, cổ súy cho những hành động đi ngược lại lợi ích của dân tộc Việt Nam thì tự họ phải xem xét lại.
ANH VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét