Ngày nay, khi in-tơ-nét (internet) đã trở thành "sân chơi" của nhiều người thì sự ra đời, tồn tại một website nào đó cũng là điều bình thường. Do vậy, sự có mặt của một website tiếng Việt có tên gọi gắn với "triết học" cũng không có gì đáng ngạc nhiên và cũng không phải phê phán nếu trên thực tế, xu hướng "chống cộng" của website này đang lôi cuốn một số người tham gia.
Ra đời vào năm 2011, đến năm 2013, địa chỉ giao lưu tương tác với người hâm mộ (fanpage) gắn với hai chữ "triết học" nhưng lại ở đường phố (!) và trang web cùng mang tên này của Nguyễn Hoàng Huy - hiện đang sống tại Mỹ, vẫn chưa được nhiều người quan tâm, ngay cả khi anh ta xuất hiện trên một, hai tờ báo trong nước để tự quảng bá cho thứ "triết lý đường phố" của mình. Nhưng hơn một năm nay, số người theo dõi, bình luận trên website này tăng rất nhanh, trong đó có nhiều bạn trẻ ở trong nước. Phải chăng Nguyễn Hoàng Huy đã thành công với quan niệm: "Nhiều người vẫn nghĩ triết học, triết lý phải cao siêu, phức tạp, khó hiểu nên mình muốn phá vỡ thành kiến đó"? Hay vì anh ta đã và đang cố biến website của mình trở thành "một thương hiệu chống cộng" dưới vỏ bọc truyền bá tri thức?
Thời gian đầu, website của Nguyễn Hoàng Huy không có gì nổi bật. Anh ta tự nhận chỉ là người thích đọc, sưu tầm những câu danh ngôn, châm ngôn, triết lý cho nên lập fanpage để chia sẻ điều mình tâm đắc. Thực tế trên facebook cũng có một số trang của người Việt Nam có nội dung y hệt, hay na ná như thứ "triết học" Nguyễn Hoàng Huy đã diễn tả (một trang web đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông rút giấy phép vĩnh viễn đôi khi cũng có một số triết lý kiểu này). Rồi anh ta và mấy "triết gia tự phong" bắt đầu thay đổi chiến thuật. Tháng 12-2013, website này cho ra đời mục "hàn lâm" trong chuyên mục "triết học". Ðặc điểm chung của nhóm bài đăng ở đây là đều trực tiếp, gián tiếp xuyên tạc, hạ thấp Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tiếng là "hàn lâm" nhưng nhiều tác giả dường như cũng "ngoại đạo" về triết học cho nên chữ nghĩa của họ rất ngô nghê, dẫn chứng bịa đặt, lập luận chắp vá. Mở đầu loạt bài tùy tiện, bậy bạ trong mục này là bài bàn về học thuyết Các Mác - V.I.Lê-nin. Có lẽ vì tay nghề của Chu Chi Nam - một kẻ chống cộng, quá yếu kém trong khi mục đích thâm hiểm lại lộ rõ cho nên lập tức bị tác giả Nguyễn Vương Tuấn vạch trần. Tuy nhiên, không hiểu sao bài viết của Nguyễn Vương Tuấn, dù rất có tính học thuật, lại chỉ được xếp vào mục bài liên quan thay vì phải ở mục "hàn lâm" như vị trí xứng đáng của nó? Không lẽ Nguyễn Hoàng Huy và người cùng chí hướng với anh ta lại nhầm lẫn? Chắc không phải vậy, bởi cũng trong mục "hàn lâm" này, anh ta đăng tải rất nhiều bài viết của các tác giả chống cộng là người Việt. Trong đó, có thể kể đến mấy cái tên như Mặc Lâm ở RFA, hay Nguyễn Hưng Quốc - blogger trên VOA...
Kể từ khi đăng tải các bài kiểu này, website của Nguyễn Hoàng Huy "nổi tiếng" lên hẳn. Ðể thoát khỏi ảnh hưởng của mấy cây bút chống cộng kỳ cựu và tạo "bản sắc riêng" cho website của mình, Nguyễn Hoàng Huy và đồng nghiệp bắt đầu thử sức. Dù hầu như rất thiếu hiểu biết cơ bản về triết học, nhưng mấy người này vẫn tự xếp bài vở của họ vào chủ đề triết học như để nói mớ cho oai! Chẳng vậy mà trong bài nhan đề "Gửi Việt Nam và Hong Kong, dân chủ không phải là cái chúng ta cần đấu tranh", Nguyễn Hoàng Huy hùng hồn đưa ra những định nghĩa chỉ anh ta mới có, đại loại như: dân chủ là đa số thắng thiểu số, dân chủ là 51% được quyền đưa ra quyết định cho 49% những người còn lại... Phải nói rằng đó là những ý kiến hết sức phiến diện, ngớ ngẩn về dân chủ. Có lẽ cũng biết trí lực có hạn, vừa viết Nguyễn Hoàng Huy vừa rào trước đón sau: "Tác giả có nói trước là sẽ không trả lời bình luận hay phản biện cho bài viết này. Ðây chỉ là một bài viết đọc tham khảo cho biết" và để chắc ăn, anh ta vô hiệu hóa luôn quyền bình luận bài viết này! Thế nên, dù website của Nguyễn Hoàng Huy luôn giơ cao khẩu hiệu "tiếng nói của những người trẻ tự do", thì đọc bài vở của nó sẽ phải đặt câu hỏi: Phải chăng ở đó "tự do" bị bó hẹp theo ý muốn của người chủ trì và người tham gia chỉ biết chăm chăm tin vào những thứ được đăng tải?
Trên website này, xăng xái hơn Nguyễn Hoàng Huy là người có nick Ku Búa. Ku Búa tỏ ra là một kẻ giỏi "câu like" và "chịu ăn gạch" (như ngôn từ của giới trẻ). Càng viết Ku Búa càng tự chứng tỏ bản thân rất kém về nhiều mặt, từ khả năng tư duy, cách viết bài, lấy tư liệu dẫn chứng đến dịch thuật. Ngược lại, Ku Búa lại khá năng nổ khi đều đặn công bố bài viết trên các mục của website bất chấp bị cộng đồng mạng chê bai. Quá chán với đề xuất của Ku Búa, độc giả có nick là thanha phải phàn nàn: "Chưa biết triết học tới đâu, chứ thấy kinh tế mà phán một cách ngắn tủn và yếu kém như thế, thôi đừng làm chủ đất nước cho em yên ổn!". Thẳng thắn hơn, độc giả Cao Vũ viết: "Xin lỗi chứ bạn là một người không biết một tí gì về thuế, quản lý thuế và ngân sách nhà nước. Thậm chí kiến thức cơ bản của kinh tế cũng không biết". Ðó là sở đoản của Ku Búa, còn sở trường về triết học, chính trị của anh ta còn thảm hại hơn. Thay vì đọc tận cùng, thấu đáo một tác giả triết học hay trào lưu, xu hướng triết học nào đó để rút ra kết luận, thì bắt chước Nguyễn Hoàng Huy, Ku Búa chỉ là người lên các trang danh ngôn lấy mấy câu mình thích rồi đem về dịch. Cái nhìn về cuộc sống của Ku Búa thì đúng là thảm họa. Có lẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi những bài báo phiến diện như "choáng" với cái này, "sốc" với cái kia,... Ku Búa hùng hồn viết "23 điều vô lý chỉ có ở Việt Nam". Nhưng hóa ra 23 điều ấy chỉ có mỗi Ku Búa cùng một số người thấy vô lý còn hầu hết đều diễn ra ở rất nhiều quốc gia văn minh trên thế giới!
Trong nội quy trang web và những lời bộc bạch của mình, Nguyễn Hoàng Huy luôn khẳng định: "Ðể được đăng bài trên trang web, tất cả các bài viết phải đạt được những tiêu chuẩn, chi tiết nhất định, những ai làm việc chung với tôi lâu ngày đều biết tôi là một người rất chú ý tới chi tiết, một dấu chấm, dấu phẩy sai quy tắc cũng khiến tôi khó chịu. Nên những ai không thật sự nghiêm túc sẽ khó có thể đạt được những tiêu chuẩn đó". Nhưng căn cứ vào những gì anh ta đã thể hiện trên website thì đó chỉ là làm dáng, một cách nói lấp liếm nhằm che giấu khiếm khuyết tri thức và sở học của cá nhân. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng Huy lại sẵn sàng xóa nhiều comment của độc giả chỉ vì "vì tính tôi không thể chịu được những người thiếu hiểu mà khoái phát biểu lung tung" như khi một độc giả nghi ngờ về tác dụng của chất gây ảo giác Ayahuasca trong bài viết "Tôi đã gặp thần chết (nghĩa đen) và sống sót trở về sau 5 hits DMT (Ayahuasca)". Ngược lại, theo mục đích hoặc trình độ của mình, Nguyễn Hoàng Huy và đồng nghiệp sẵn sàng bỏ qua rất nhiều lỗi sai của các bài viết khác? Ðiển hình là bỏ qua nhầm lẫn cơ bản trong bài viết của Hồ Nhất Duy. Bài viết chống cộng này đề cập một câu nói của Ngô Ðình Diệm, mà thật ra đó lại là câu nói của Nguyễn Văn Thiệu! Và cũng phải sau mấy ngày, chủ trang mới nhận ra sai sót sau phản ánh của độc giả Cao Vu: "Câu nói này hình như của Nguyễn Văn Thiệu chứ đâu phải Ngô Ðình Diệm do đó tôi nghi ngờ trình độ "sinh viên" của bạn. Thứ hai, việc bạn kết nạp Ðoàn không còn bắt buộc nữa, bạn có quyền từ bỏ và chẳng ai bắt bạn kết nạp Ðảng cả, kể cả có làm công chức. Bạn làm ở khu vực tư nhân hay nước ngoài thì ai bắt bạn kết nạp Ðảng mà thăng với chả tiến. Tôi cũng không biết bạn có đi Mùa hè xanh hay chưa mà phát biểu như thế, nếu bạn đi rồi mà vẫn nói như thế thì bạn cũng chẳng hơn cái đám đi mà tự sướng như bạn nói đâu".
Việc admin của website xóa ý kiến bất đồng với quan điểm họ diễn ra thường xuyên, bất chấp hầu hết trong số đó là góp ý chân thành, có văn hóa; ngược lại thì nhiều bình luận văng tục, chửi bậy, nói càn vẫn nhởn nhơ. Ðiều này gây bức xúc đến nỗi tác giả KR phải viết bài "5 nhận định về cách lập luận chính trị ở Việt Nam", trong đó khuyên các thành viên của website: "Không nên tranh luận theo kiểu cãi bướng, cứ đinh đinh cái định kiến rằng bên mình luôn đúng và bên kia luôn sai (...) tranh luận là giải quyết vấn đề bằng ngôn ngữ, lập luận, chứ không phải cãi nhau ngoài đường, bên nào chửi cho bên kia im miệng là thắng (...) thứ chúng ta tranh luận là những vấn đề hiện nay, với những cá nhân sống trong thời đại này chứ không phải vào thời nào đó. Cho nên việc lôi lịch sử ra để xuyên tạc phán xét là hành động không hợp lý và mang tính thù địch hơn là tranh luận".
Ngày 19-9-2013, trong bài viết đã đăng trên một trang mạng ở trong nước, Nguyễn Hoàng Huy không giấu ý định sẽ biến website của anh ta trở thành một thương hiệu sinh lời. Tuy nhiên, xét đến cùng thì website đó không phải là "sân chơi triết học", mà đó đích thực là diễn đàn của tham vọng chính trị thông qua thái độ chống cộng, và cổ xúy cho loại ý kiến ngô nghê, ngông cuồng... Do vậy, nếu các bạn trẻ muốn xây dựng cho mình một tư duy lành mạnh thì hãy tìm đến các vấn đề triết học nghiêm túc, và cơ quan báo chí nào muốn quảng bá cho Nguyễn Hoàng Huy cũng cần tìm hiểu anh ta là ai, anh ta đã và đang làm gì.
VIỆT QUANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét