Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Tự bảo vệ cũng là đấu tranh

QĐND - Phản hồi loạt bài đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên Báo Quân đội nhân dân, nhiều bạn đọc đã có quan điểm tự bảo vệ cũng là đấu tranh. Người đọc có bản lĩnh, có tri thức sâu rộng, có kinh nghiệm tiếp cận môi trường thông tin trên internet sẽ luôn làm chủ, không “lạc lối” giữa “ma trận” thông tin...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ, Chính ủy Trường Đại học Chính trị:
Không cấm dùng internet nhưng luôn định hướng và quản lý
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ.
Vệt bài “Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt” rất kịp thời, góp phần giúp các đơn vị quân đội có thêm thông tin quý để tuyên truyền, giáo dục, giúp bộ đội nhận diện, đấu tranh hiệu quả với thông tin xấu độc.
Ở Trường Đại học Chính trị, chúng tôi giao cơ quan tuyên huấn là lực lượng chuyên trách, chủ động quán triệt các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên, tổ chức thông tin kịp thời để giúp bộ đội nhanh chóng có được thông tin khách quan, chính xác. Đội ngũ cán bộ chính trị ở các phân đội cũng rất nhanh nhạy; hằng ngày, hằng tuần, cán bộ đều kết hợp định hướng tư tưởng cho bộ đội qua đọc báo và thông báo thời sự. Chúng tôi không cấm, mà còn đưa internet về tận đại đội, tiểu đoàn để hỗ trợ học viên học tập, nghiên cứu nhưng khi bộ đội vào mạng thì phải định hướng, quản lý chặt chẽ, giúp bộ đội biết rõ các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bịa đặt thông tin.
Thiếu tướng Tạ Nhân, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5:
Đề cao trách nhiệm đảng viên
Thiếu tướng Tạ Nhân.
Theo tôi, các phần tử lợi dụng internet bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội chính là nhằm gây mất lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Vậy thì, hơn ai hết, chính đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm đi đầu trong đấu tranh làm thất bại âm mưu của chúng. Tôi thấy thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ, đảng viên suy nghĩ đơn giản, tò mò hiếu kỳ, đọc và chia sẻ những thông tin sai sự thật trên mạng. Nguy hiểm nhất là với những bài viết chúng cài cả thông tin tốt xấu lẫn lộn thì sự chia sẻ đó càng khiến cộng đồng có thể “bán tín bán nghi”. Mỗi đảng viên cần nhớ và chấp hành đúng Quy định số 47-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trong đó nêu rõ: Không được phát tán hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, phát tán thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không được sáng tác, sản xuất, tàng trữ, phát tán các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; phát tán bài viết, hồi ký không đúng sự thật...
Trước đại hội Đảng các cấp là thời điểm việc tán phát thông tin sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ thường xuất hiện nhiều. Vì vậy, cấp ủy Đảng các cấp phải tăng cường công tác giáo dục đảng viên, yêu cầu đảng viên chấp hành nghiêm các quy định của Đảng. Đây cũng là vấn đề mà LLVT Quân khu 5 luôn chú trọng, làm tốt, nên thời gian qua chưa để xảy ra vụ việc tiêu cực do thông tin xấu độc xâm nhập.
Đồng chí Pờ Hùng Sang, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé, tỉnh Điện Biên:
Kẻ xấu một lần bất tín, đồng bào vạn sự chẳng tin
Đồng chí Pờ Hùng Sang.
Là Bí thư Huyện đoàn ở Mường Nhé, một huyện biên giới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên nên tôi rất hiểu sự nguy hiểm của thông tin xấu độc đối với đồng bào. Còn nhớ sự kiện kẻ xấu kích động gây rối cách đây mấy năm, chúng cũng dùng thông tin bịa đặt, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước để huyễn hoặc đồng bào đi tìm một “vương quốc” mới. Chỉ khi sự thật được sáng tỏ, đồng bào mới hiểu ra mình bị lừa. Chúng tôi thường xuyên phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành Huyện đoàn xuống sinh hoạt cùng các chi đoàn đồng thời tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên, hội viên ở các chi đoàn thôn, bản. Khi có dư luận về những thông tin xấu là các đồng chí được phân công phụ trách các cơ sở đoàn xuống tuyên truyền, định hướng dư luận đồng thời phản bác lại những thông tin xấu. Cán bộ đoàn, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số cần tích cực tiếp cận nhân dân, sử dụng cả ngôn ngữ của đồng bào thiểu số để vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân không nghe, không tin kẻ xấu. Với đồng bào, khi đã hiểu đằng sau những thông tin đó là ý đồ xấu thì “một lần bất tín, vạn sự bất tin”, thủ đoạn của các thế lực thù địch sẽ bị thất bại.
Thượng tá Đỗ Đức Dũng, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3):
Bài học từ một vụ việc vi phạm pháp luật
Thượng tá Đỗ Đức Dũng.
Đọc vệt bài “Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt”, tôi liên hệ đến một vụ việc đã từng xảy ra ở đơn vị chúng tôi, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý, giáo dục bộ đội. Đó là sự việc xảy ra vào năm 2012, 3 chiến sĩ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 đang thực hiện nhiệm vụ ở khu rừng Bảo tồn thiên nhiên Chư Mo Rai đã sử dụng điện thoại chụp ảnh, đưa lên mạng xã hội cảnh động vật hoang dã bị sát hại. Vụ việc vi phạm pháp luật chỉ là cá biệt, sau đó đã bị xử lý nghiêm nhưng hành vi tán phát thông tin lên mạng xã hội đã tạo cớ nhiều trang mạng xuyên tạc, suy diễn, ảnh hưởng xấu đến uy tín quân đội, đơn vị. Sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã kiên quyết xử lý kỷ luật, tước danh hiệu quân nhân 3 chiến sĩ. Đồng thời, đơn vị đã tổ chức rút kinh nghiệm về công tác quản lý, giáo dục bộ đội, đưa nội dung này vào Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, đồng thời phân công cấp ủy viên phụ trách từng mảng, từng nội dung. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định 1003 của Tư lệnh Quân đoàn về quản lý sử dụng điện thoại di động, thông tin điện tử, USB, 3G… Chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt 3 không “không tiếp xúc, không nghe, không tin” những luận điệu xuyên tạc, để bộ đội tỉnh táo trước những thông tin bịa đặt trên mạng. Nhờ làm tốt các nội dung trên, nên từ năm 2012 đến nay, cán bộ, chiến sĩ đơn vị yên tâm thực hiện nhiệm vụ, gắn bó với đơn vị, chấp hành tốt kỷ luật của quân đội, pháp luật của Nhà nước; không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Tập đoàn Công nghệ Bkav:
Không nên để người dùng quá phụ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài
Ông Ngô Tuấn Anh.
Chúng ta hoàn toàn có thể dùng các giải pháp công nghệ để ngăn chặn các thông tin xấu trên internet. Việt Nam cũng bước đầu sử dụng “tường lửa” để ngăn chặn một số trang thông tin xấu nhưng đó mới chỉ là “tường lửa” đơn giản. Những người muốn tán phát thông tin xấu có thể chuyển sang hoạt động ở trang thông tin khác. Vì thế, sẽ tốt hơn nếu chúng ta xây dựng “tường lửa” ngăn chặn thông tin theo từ khóa. Ở Nga và Trung Quốc, các cơ quan quản lý đã thiết kế các từ khóa để lọc các thông tin “bẩn”. Bất cứ một bài viết, một thông tin nào đưa nội dung mà có các từ khóa này đều được phát hiện, hoặc tự động gỡ bỏ tùy theo thiết kế của “tường lửa”.
Tuy nhiên, hiệu quả của “tường lửa” cũng chỉ mang tính tương đối. Nên hiểu rằng, cuộc chiến chống thông tin xấu độc, chống tin tặc thực chất là cuộc chiến giữa người và người. Các phương thức tấn công luôn thay đổi, đòi hỏi những người bảo vệ phải luôn cập nhật để có giải pháp tương ứng, hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, về lâu dài, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc từ bên ngoài, chúng ta nên tự tạo ra các mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm dành cho người Việt Nam. Nga và Trung Quốc rất thành công nhờ làm theo cách này. Các nước này đã tự xây dựng mạng xã hội, hay công cụ tìm kiếm thông tin của riêng mình để thay thế các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của nước ngoài như: Facebook, Google, Yahoo... Mạng xã hội của nước ngoài muốn hoạt động ở Nga, Trung Quốc thì đều phải tuân thủ các quy định của những nước này. Vì thế, Facebook, Google, Yahoo thu hút số lượng người dùng rất lớn trên thế giới nhưng rất khó khăn để tìm được chỗ đứng tại Nga, Trung Quốc.
Binh nhất Nguyễn Mạnh Điệp, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 18 (Sư đoàn 3, Quân khu 1):
Nên bổ sung nội dung giáo dục chính trị
Cảm ơn Báo Quân đội nhân dân đã giúp chúng tôi hiểu được nhiều thủ đoạn tinh vi trong dùng internet, mạng xã hội đưa tin xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội.
Binh nhất Nguyễn Mạnh Điệp
Những nội dung này khi được học tập giáo dục chính trị hằng năm, chúng tôi cũng đã được các đồng chí cán bộ chính trị phân tích, tuy nhiên nội dung còn chưa cụ thể. Nếu như tới đây, trong bài giảng, các chuyên đề giáo dục chính trị, nhất là các bài về phòng, chống “Diễn biến hòa bình” được bổ sung những vấn đề này thì rất tốt; giúp cán bộ, chiến sĩ nhận rõ hơn các thủ đoạn gây “nhiễu loạn” thông tin; chỉ ra cho bộ đội biết rõ những trang mạng nào là xấu độc để tự bảo vệ mình, không bị tác động xấu từ những thông tin đó.
Ông Peter Sommerstein, chuyên gia báo chí Thụy Điển:
Tự kiểm duyệt để mang đến người đọc những thông tin chính xác
Ông Peter Sommerstein.
Peter Sommerstein là chuyên gia báo chí, từng làm tổng biên tập nhiều tờ báo ở Thụy Điển, có kinh nghiệm báo chí hơn 40 năm và đã nhiều lần giảng dạy báo chí ở Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về các giải pháp xử lý thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên internet mà báo đề cập, ông Peter Sommerstein cho biết:
“Ở Thụy Điển, các cơ quan báo chí đã phối hợp với nhau để lập ra một nhóm làm nhiệm vụ “gác cổng”, rà soát những suy nghĩ hay bình luận của mọi người để có thể kịp thời ngăn chặn những thông tin liên quan tới phân biệt chủng tộc, điều mà người Thụy Điển lo ngại nhất nếu nó xuất hiện trên Facebook hay các trang mạng xã hội khác.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí Thụy Điển cũng chủ động phản bác những thông tin sai lệch. Những quy tắc đạo đức báo chí ở Thụy Điển rất ngặt nghèo và tuy các cơ quan báo chí ở Thụy Điển không bị chính phủ can thiệp trong công việc làm báo nhưng họ đều phải tự kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải.
Theo tôi, các cơ quan báo chí của Việt Nam nên tìm ra cách xử lý vấn đề cho riêng mình và khi báo chí biên tập và kiểm duyệt thì người đọc sẽ hiểu được ý nghĩa tích cực của công tác tự kiểm duyệt là mang đến cho họ những thông tin chính xác và kịp thời nhất.
Ông Andre Sauvageot, cựu chiến binh Mỹ:
Sự thật là vũ khí sắc bén
Ông Andre Sauvageot.
Từng trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân trong chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, ông Andre Sauvageot-cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, hiện là Giám đốc phụ trách Việt Nam của Công ty lữ hành liên tiểu bang Mỹ rất tâm huyết với vấn đề tự do báo chí. Sau khi đọc loạt bài về vấn đề đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên Báo Quân đội nhân dân, ông bày tỏ quan điểm:
“Ngay tại Mỹ có rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh do có quá nhiều hệ thống truyền thông đăng tải những thông tin thiển cận, thậm chí hoàn toàn sai, xuyên tạc. Điều này khiến một số chính sách tiến bộ của chính phủ Mỹ bị các phe cực hữu cản trở bằng cách đưa ra những thông tin đã bị bóp méo.
Tôi nghĩ cách hay nhất để đối phó với các cá nhân hay tổ chức truyền thông thiển cận, xuyên tạc là sắp xếp lại tổ chức của các cơ quan báo chí chính thống để trở nên năng động hơn, để cung cấp thông tin chính xác hơn, từ đó mở rộng kiến thức và trình độ của nhân dân về các vấn đề trong xã hội.
Tôi nhớ một lần nói chuyện riêng với cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tôi khẳng định rằng: Sự thật là vũ khí sắc bén của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Do vậy, tôi sẽ cố gắng phổ biến sự thật về Việt Nam tại nước Mỹ, trong chính phủ Mỹ, báo chí và nhân dân Mỹ.
Tôi nghĩ các bạn cần phổ biến hơn nữa sự thật hay nói cách khác là những thông tin chính xác cho người dân để đẩy lùi những thông tin sai sự thật.

Nhóm phóng viên Báo QĐND (lược ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét