Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

VIỆC LÀM CẦN THIẾT

Chiều ngày 13-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự nhằm điều tra làm rõ việc bắt giữ trái phép 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) để điều tra về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”, theo Điều 123, Bộ luật Hình sự và tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Thông tin trên nhanh chóng thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với dân Đồng Tâm”. Nhiều người cho rằng, ông Nguyễn Đức Chung đã lật lọng, nuốt lời, lừa dối nhân dân Đồng Tâm. Một số người thì cho rằng, đây là tiền lệ xấu bởi từ nay người dân sẽ không bao giờ tin vào chính quyền nữa. Thậm chí, không ít lời chửi bới, lăng mạ cơ quan công quyền và cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, không hiếm lời phân tích độc địa, thiếu văn hóa, tục tĩu,… đã xuất hiện. Vậy, chúng ta cần nhìn nhận sự việc trên như thế nào cho đúng?
Trước hết, cần phải thấy rằng, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ việc bắt giữ trái phép 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm là cần thiết. Bởi việc khởi tố điều tra vụ án là một hoạt động tố tụng hết sức bình thường của cơ quan điều tra theo quy định của Luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, nếu thấy đủ chứng cứ phạm tội của cá nhân, sau khi phân tích xem xét chứng cứ, phân tích nguyên nhân, động cơ phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội,… thì sẽ quyết định có khởi tố bị can hay không? Nếu khởi tố bị can thì cần thực hiện biện pháp ngăn chặn gì?
Như vậy, việc khởi tố vụ án là để điều tra làm rõ nguyên nhân, ai đúng - ai sai, sai thế nào, các dấu hiệu của tội phạm, v.v. Khởi tố không đồng nghĩa với việc sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự; hơn nữa, không cứ khởi tố vụ án là sẽ khởi tố bị can. Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án khi quá trình điều tra kết luận không có dấu hiệu của tội phạm. Nói vậy để thấy rằng, việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ việc ở Đồng Tâm không như những gì mà một số người đang suy diễn. Muốn biết được nguyên nhân vụ việc này như thế nào, thì phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng sẽ chứng minh, làm rõ những vấn đề còn đang nghi vấn, chưa rõ ràng. Khi đó, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét các yếu tố như hành vi bắt giữ người trái phép của người dân xã Đồng Tâm bắt nguồn từ đâu? Hay như việc người dân Đồng Tâm bắt giữ người nhưng không gây náo loạn, không bị xúi giục, kích động sẽ là những tình tiết để xem xét giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, cần phải nhìn nhận việc khởi tố vụ án trên là hết sức cần thiết và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Lúc này, người dân Đồng Tâm cần phải hết sức bình tĩnh, tránh nghe lời xúi giục, kích động của những kẻ xấu, hợp tác với các cơ quan chức năng để điều tra làm sáng tỏ vụ việc. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp XHCN, nên mọi sự việc đều phải được xem xét và giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật luôn đại lượng, công bằng đối với những người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa khắc phục hậu quả cũng như tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm.
Thật vậy, theo Điều 25 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu: khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Cũng theo Điều 25 Bộ luật Hình sự và Điều 169 Luật Tố tụng hình sự thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, khi: Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trong những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại; không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng. Điều này cho thấy, ông Chung không có thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự cho dân Đồng Tâm, việc bắt ép người khác làm một việc không đúng thẩm quyền là biểu hiện không tôn trọng luật. Lấy việc giữ con tin để mặc cả cho việc không truy cứu trách nhiệm hình sự là hành động phạm tội mới để chốn tội cũ. Việc làm này chỉ làm tăng thêm tội, dân Đồng Tâm muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì chỉ có con đường duy nhất là hợp tác điều tra và tranh biện trước tòa.
Hơn nữa, chỉ có điều tra, xét xử thì sự việc mới đi đến cùng, quyền lợi của các bên (người dân và tổ chức) được bảo đảm, oan ức được tháo gỡ, người có tội bị trừng trị và xa hơn nữa là chấm dứt những vụ việc tương tự xảy ra trong cả nước. Đó chẳng phải là việc làm cần thiết sao!

@  Nguyễn Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét