Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Tại sao việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết ?





Tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài báo có tên “Luật Anh mạng: Luật diệt chủng” và người viết còn bình: “Rõ là thừa, nếu nói rằng Luật An ninh mạng giới hạn quyền tự do ngôn luận, vì lâu nay Việt Nam đâu có tự do ngôn luận”. Là một người đọc sách báo thường xuyên tôi thấy từ khi Quốc hội thảo luận và thông qua thì Luật An ninh mạng có không ít ý kiến trái chiều với những giọng điệu như : “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”. Đây là những thông tin bịa đặt và xuyên tạc.
Nếu tỉnh táo để suy ngẫm thì thấy rằng lập luận trên hết sức “cùn” và không có thiện chí một chút nào! Tôi nghĩ chúng ta phải có cái nhìn rộng ra một chút thì mới thấy căn nguyên của vấn đề.
Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh,… đã làm không gian mạng thay đổi cả về chất và lượng. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã nhận thức rõ về những mối đe dọa với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới, hiểm họa mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật tại nhiều nước, như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc,…Ngay Trung Quốc đã đưa ra quy định “7 ranh giới đỏ” cho nhân dân khi sử dụng Internet và nếu vi phạm 1 trong 7 ranh giới đó sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Thời gian qua, ở nước ta ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến anh ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Ví dụ khủng bố mạng đang nổi lên, hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến các vấn đề về tư tưởng, văn hóa, xã hội và gây thiệt hại về kinh tế. Thế giới đã có “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” sử dụng không gian mạng và một số loại hình dịch vụ ứng dụng thông tin để tiến hành lật đổ chế độ ở một số nước.
Do vậy, việc Quốc hội thảo luận và thông qua Luật An ninh mạng là một việc làm kịp thời nhằm góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội và đưa đất nước tiếp tục phát triển. Luật An ninh mạng có những tác dụng cơ bản: Một là, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật; Hai là, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Ba là,  nhằm phòng, chống tấn công mạng. Cụ thể: Hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước hoạt động tấn công mạng; các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được bảo vệ tương xứng với tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước các hành vi tấn công mạng. Bộ Luật An ninh mạng cũng quy định cơ chế phối hợp phòng, chống tấn công mạng cũng như trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chức năng.
Vì vậy, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua gồm có 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trên đây là đôi điều trao đổi về việc cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Trên thế giới có nhiều vị đứng đầu chính phủ trực tiếp phụ trách vấn đề hệ trọng này vì bây giờ người ta dùng cả khái niệm “Chiến tranh mạng” tuy không có đạn bom nhưng thuộc diện “Dữ dội những chiến trường không tiếng súng”. Còn về vấn đề ở Việt Nam có tự do ngôn luận hay không thì xin bàn ở lần khác!

- Đăng Minh -
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét