Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

PHẢI CHĂNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LẤY CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN LÀM NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG LÀ SAI LẦM



Trần Văn Phòng
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ĐCSVN luôn tuyên bố công khai lấy CN M-L làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Phải chăng đây là một sai lầm? Để làm sáng tỏ vấn đề này chúng ta cần hiểu dù rất khái lược: 1) CN M-L là gì? 2). Cơ sở cho tính khoa học và tính cách mạng của CN M-L?  3). Những giá trị bền vững của CN M-L? Trên cơ sở đó chúng ta sẽ rõ việc ĐCSVN  lấy CN M-L làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng là sai lầm hay đúng đắn.
1. CN M-L dù được hiểu theo nghĩa nào (là thế giới quan duy vật khoa học hay một học thuyết khoa học, cách mạng do C.Mác-Ăngghen sáng lập và được V.I.Lênin bổ sung, phát triển,v.v.. ) đều hàm chứa nội dung là học thuyết khoa học về quy luật  phát triển xã hội; về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công, nô dịch; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng xã hội chủ nghĩa. CN M-L là sự thống nhất toàn vẹn của ba bộ phận cấu thành không thể tách rời: triết học duy vật biện chứng, kinh tế - chính trị mác - xít và CNXH khoa học. Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, khi mà các điều kiện về kinh tế - chính trị - xã hội, khoa học tự nhiên, cũng như lý luận đã chín muồi cùng những điều kiện chủ quan thuộc về C.Mác và Ph.Ăngghen. Đặc biệt về mặt lý luận, chủ nghĩa Mác đã kế thừa được những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân loại suốt tự thời cổ đại đến thời đại của Mác, nhưng trực tiếp nhất là kinh tế chính trị cổ điển Anh, CNXH không tưởng Pháp và triết học cổ điển Đức. Không những vậy, chủ nghĩa Mác ra đời còn có những tiền đề về khoa học tự nhiên hẫu thuẫn, trong đó phải kể đến ba phát minh khoa học mang tính vạch thời đại. Đó là học thuyết bảo toàn và chuyển hóa năng lượng; Học thuyết tế bào; Thuyết tiến hóa. Những phát minh khoa này đã là những tiền đề khoa học cho thế giới quan duy vật khoa học của chủ nghĩa Mác ra đời.
2. CN M-L có sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng. Tính khoa học thể hiện ở chỗ, CN M-L phản ánh đúng quy luật vận động khách quan của xã hội loài người, còn tính cách mạng của CN M-L thể hiện ở chỗ, đấu tranh chống lại xã hội cũ, lạc hậu, bảo thủ, phản tiến bộ - xã hội có người bóc lột người, người nô dịch người, người áp bức người- xây dựng xã hội mới mà ở đó không còn bất cứ hình thức người nô dịch người. Sở dĩ CN M-L có được tính khoa học và tính cách mạng là bởi lẽ, CN M-L đã kế thừa được những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân loại mà trực tiếp nhất là những tinh hoa trong lịch sử tu duy của dân tộc Anh, Pháp, Đức. CN M-L còn có những thành tựu khoa học làm cơ sở khoa học cho những luận cứ của mình. Đã vậy, CN M-L còn được trang bị phương pháp nhận thức và hoạt động thực tiễn hết sức khoa học. Đó là phương pháp biện chứng duy vật với các nguyên tắc khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử - cụ thể và thực tiễn. Hơn nữa, CN M-L còn có cơ sở thực tiễn là chính phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế.
3. Những giá trị bền vững của CN M-L. Mặc dù đã 167 năm trôi qua kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác cho đến nay, mặc dù thực tiễn đã có nhiều đổi thay, khoa học, công nghệ đã có bước phát triển vượt bậc. Mặc dù, CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ; chủ nghĩa đế quốc cùng những lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn hèn hạ nhằm chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc... tiến tới phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng linh hồn sống, bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn giữa nguyên giá trị, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn tại, vẫn phát triển, vẫn là thế giới quan và phương pháp luận khoa học của hàng triệu triệu người trên trái đất. Có được như vậy là vì bản chất cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin  vẫn hoàn toàn đúng đắn, hơn nữa luôn luôn được bổ sung, phát triển lý luận của mình bởi những người mác-xít chân chính. Những giá trị của CN M-L thể hiện ở những điểm căn bản sau:
Phương pháp biện chứng duy vật. Cho đến nay nhân loại đã biết tới nhiều phương pháp nhận thức khác nhau nhưng hiện tại chưa có phương pháp nào có thể thay thế được phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác-Lênin. Phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác-Lênin là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa trong lịch sử phát triển của phương pháp biện chứng từ thời cổ đại đến thời đại của Mác. Đồng thời, nó còn được bổ sung bởi những thành tựu vĩ đại của khoa học tự nhiên đương thời cũng như cơ sở thực tiễn là phong trào đấu tranh cách mạng của phong trào công nhân thế giới. Do vậy, mặc dù thực tiễn đã có nhiều đổi thay, khoa học có nhiều phát hiện vĩ đại nhưng phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác-Lênin vẫn giữ nguyên giá trị phương pháp luận. Những thành tựu của khoa học hiện đại chỉ làm giàu thêm, phong phú thêm những giá trị của phương pháp biện chứng mà thôi.
Quan niệm duy vật về lịch sử. Có thể nói, Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Đúng như Ph.Ănghen đã nói, giống như Đác-uyn đã phát hiện ra quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người[1]. Chính quan niệm duy vật về lịch sử này đã chấm dứt sự lộn xộn và tuỳ tiện vẫn thống trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị. Các quan niệm về lịch sử trước đây thường không thấy được tính quy luật khách quan của sự vận động phát triển của lịch sử; nhiều lắm cũng chỉ mới xem xét động cơ tư tưởng trong hoạt động lịch sử của con người; chưa thấy được vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
Quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác lần đầu tiên trong lịch sử đã thấy được căn nguyên của những động cơ vật chất, đặc biệt là động cơ lợi ích kinh tế trong hoạt động lịch sử của con người. Quan niệm duy vật về lịch sử cũng xuất phát từ trình độ phát triển của nền sản xuất vật chất xã hội để lý giải những quan niệm tư tưởng cũng như những điều kiện xã hội của của đời sống của quần chúng nhân dân cùng vai trò của họ trong lịch sử. Hơn nữa, quan niệm duy vật về lịch sử đã xem xét xã hội một cách chỉnh thể, toàn diện quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái KT-XH, bằng cách xem xét toàn bộ các xu hướng mâu thuẫn khác nhau, tác động lẫn nhau và tìm ra cơ sở của chúng chính là các điều kiện sinh hoạt và sản xuất vật chất - tinh thần của xã hội.
Quan niệm duy vật về lịch sử xuất phát từ đời sống vật chất để lý giải đời sống tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác khác với chủ nghĩa duy kinh tế cũng như khác với chủ nghĩa duy vật tầm thường - chỉ thấy duy nhất yếu tố kinh tế, yếu tố vật chất. Quan niệm duy vật về lịch sử trong khi khảng định vai trò quyết định của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần, kinh tế đối với chính trị,… đã không hề hạ thấp mà còn nhấn mạnh sự tác động trở lại của đời sống tinh thần đến đời sống vật chất, của chính trị đối với kinh tế,... Do vậy, chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác về bản chất cũng là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhưng đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội. Hơn nữa, các quy luật của lịch sử luôn mang tính định hướng. Nghĩa là, các quy luật xã hội chỉ có thể nảy sinh, tồn tại, vận động thông qua hoạt động có ý thức của con người. Mặc dù, con người không thể tuỳ tiện thay thế, hay xoá bỏ các quy luật. Nhưng thông qua hoạt động thực tiễn của mình, con người có thể tác động để các quy luật xã hội có thể nhanh diễn ra hoặc chậm diễn ra hơn. Chính vì vậy chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác đánh giá cao vai trò hoạt động thực tiễn của con người.
Học thuyết hình thái KT-XH. Lịch sử phát triển của thế giới đã chứng minh, sự phát triển của nhân loại không theo kiểu chỉ có “kinh tế quyết định”; không theo kiểu “phương Tây là trung tâm”; cũng không theo kiểu “làn sóng thứ ba” mà một số nhà tư tưởng đương đại đã đề cập. Sự phát triển của nhân loại là hết sức phong phú, đa dạng, nhưng sự phong phú, đa dạng ấy vẫn diễn ra theo một quy luật khách quan nhất định. Do vậy, mặc dù phát triển của các quốc gia, dân tộc là hết sức đa dạng, phong phú nhưng vẫn trải qua những nấc thang, những giai đoạn tương đồng nhau (có thể là tương đồng nhau về sự tuần tự từ hình thái KT-XH thấp lên hình thái KT-XH cao hơn; cũng có thể là sự tương đồng trong việc bỏ qua một hoặc hai hình thái KT-XH nào đó trong sự phát triển của mình - nếu các điều kiện khách quan cho phép). Chính điều này tạo nên những hình thái KT-XH đan xen nhau, kế tiếp nhau của lịch sử thế giới, làm cho lịch sử thế giới phát triển có sự đan xen, không đồng đều giữa các quốc gia dân tộc. Sự không đồng đều thể hiện ở chỗ, ngay trong cùng một thời đại nhưng ở mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau lại ở một hình thái KT-XH không như nhau. Còn sự đa dạng thể hiện ở chỗ, ngay trong cùng một hình thái KT-XH nhưng ở các dân tộc, quốc gia khác nhau thì cũng có những biểu hiện rất khác nhau. Chẳng hạn như cùng là hình thái KT-XH phong kiến, nhưng ở phương Tây lại có hình thái KT-XH phong kiến phân quyền, còn ở phương Đông lại là hình thái KT-XH phong kiến phân quyền,v.v..
Tuy vậy, dòng chảy của lịch sử nhân loại vẫn diễn ra theo sự thay thế các hình thái KT-XH từ thấp lên cao. Điều này diễn ra một cách lịch sử - tự nhiên. Tự nhiên ở đây là tuân theo quy luật  khách quan. Bởi lẽ, những nguyên nhân dẫn tới những sự thay thế này là do những mâu thuẫn bên trong lòng của mỗi hình thái KT-XH quy định. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giữa các giai cấp đối kháng nhau trong các xã hội có đối kháng giai cấp;v.v.. Những mâu thuẫn này được giải quyết sẽ tạo cho sự ra đời của hình thái KT-XH mới. Quá trình này diễn ra không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của con người. Tuy nhiên, phương pháp biện chứng duy vật của C.Mác cũng chỉ ra rằng, đã là quy luật khách quan thì con người không thể tuỳ tiện xoá bỏ nó, nhưng các quy luật xã hội có đặc thù riêng khác các quy luật tự nhiên. Tính đặc thù này thể hiện ở chỗ, các quy luật xã hội phải thông qua hoạt động của con người mới được hình thành, vận động và phát triển. Do vậy, con người thông qua lăng kính lợi ích, nhu cầu, ước muốn,... có thể hoạt động để thúc đẩy các quy luật xã hội nhanh diễn ra hoặc chậm diễn ra. Chính điều này đã làm cho lịch sử phát triển của nhân loại có thêm những đặc thù. Đây chính là tính lịch sử của sự phát triển của các hình thái KT-XH. Do vậy, phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị,v.v.. mà có quốc gia dân tộc có sự phát triển tuần tự từ hình thái KT-XH thấp lên hình thái KT-XH cao hơn. Cũng có quốc gia dân tộc bỏ qua một hoặc hai hình thái KT-XH trong qúa trình phát triển của mình. Chẳng hạn, các quốc gia Mỹ La tinh đều đi từ hình thái KT-XH chiếm hữu nô lệ lên hình thái KT-XH tư bản chủ nghĩa, bỏ qua hình thái KT-XH phong kiến.
Học thuyết giá trị thặng dư. Có thể nói, C.Mác là nhà kinh tế học đầu tiên phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư trong phươnmg thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ông đã thành công trong việc chỉ ra nguồn gốc của giá trị thặng dư. Trên cơ sở đó C.Mác đã vén lên bức màn bí mật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cho đến nay, các học giả tư sản dù muốn cũng chưa một ai đưa ra được một lý thuyết nào khả dĩ có thể bác bỏ được học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Những phân tích của Mác về CNTB và hệ thống kinh tế của nó vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Ngay như G.Xôrốt là người chống chủ nghĩa Mác những cũng phải thừa nhận Mác và Ănghen đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản cách đây 150 năm[2]. Cùng với học thuyết về giá trị thặng dư, lý luận về sở hữu, về xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, về sự ra đời tất yếu của sở hữu xã hội là những giá trị bền vững của kinh tế - chính trị học của CN M-L.
Hiện có nhiều học giả tìm mọi lý lẽ để bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư của Mác. Đáng chú ý là quan niệm cho rằng, quy luật giá trị thặng dư đúng với thời kỳ kinh tế công nghiệp. Bởi lẽ, quy luật này giả định nhà tư bản phải chiếm hữu tư liệu sản xuất để bóc lột lao động làm thuê. Nhưng trong thời đại kinh tế tri thức, người lao động không thể bán tri thức được. Nhưng trên thực tế, ngày nay tri thức với tính cách là dạng tư liệu sản xuất đặc biệt, nói như Mác “tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hoá thành lực lượng sản xuất trực tiếp”[3] đã bị nhà tư bản độc quyền dùng tiền chiếm hữu không bồi thường với tỷ suất bóc lột rất cao. Không chỉ lao động của công nhân “cổ xanh” mà cả công nhân “trí thức” cũng bị bóc lột giá trị thặng dư với tỷ suất lợi nhuận cao. Tất nhiên cơ chế của sự bóc lột này tinh vi hơn, phức tạp hơn thời kỳ trước. Do vậy, học thuyết giá trị thặng dư của Mác vẫn giữ nguyên chân giá trị trong điều kiện hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà trong điều kiện khủng hoảng tài chính thế giới, người ta lại tìm đọc nhiều bộ “Tư bản” của Mác.
Học thuyết về CNXH. Mặc dù quan điểm của Mác về CNXH mới chỉ mang tính dự báo về những nguyên tắc chung nhất cơ bản  nhất của CNXH, nhưng cho tới nay những nguyên tắc đó vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là tính tất yếu thay thế CNTB bằng CNXH, sự ra đời của CNXH và sự diệt vong của CNTB là do tất yếu kinh tế quy định và đều tất yếu như nhau; cách thức khác nhau của các quốc gia, dân tộc đi lên CNXH; CNXH là kết quả phát triển tổng hợp của tinh hoa mọi thời đại, mọi dân tộc. Nhân sự sụp đổ của mô hình CNXH Xô viết mà các học giả tư sản đã đồng nhất với sự sụp đổ của CNXH. Nhưng thực tiễn đã chứng tỏ, đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình giáo điều về CNXH. Chuur nghĩa xã hội ở Việt nam, Trung Quốc, Cu Ba vẫn tồn tại, đổi mới và phát triển.
Về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, trong tất cả các giai cấp đang đối lập với giai cấp tư sản chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng có vai trò, sứ mệnh lịch sử lật đổ giai cấp tư sản thiết lập một chế độ xã hội mới không còn người bóc lột người. Mặc dù, lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa đang có sự phát triển vượt bậc, mặc dù có một bộ phận giai cấp công nhân có thể mua cổ phần của một số công ty, thậm chí có một bộ phận công nhân trở thành tầng lớp trung lưu, nhưng tỷ suất giá trị thặng dư của nhà tư bản thì không hề giảm đi mà còn tăng lên không ngừng so với thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen sống. Bản thân người công nhân hiện đại vẫn là người làm thuê hiện đại, vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư. Do vậy, học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thời sự.
Chủ nghĩa nhân văn vì con người. CN M-L xuất phát từ con người và cũng nhằm mục đích giải phóng con người. CN M-L không có mục tiêu nào khác là giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột. Nhưng để giải phóng con người, trước hết phải giải phóng giai cấp và nhân loại. Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng tỏ ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa nhân văn vì con người của CN M-L.
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác là những thiên tài nhưng các ông cũng bị quy định bởi thời đại của các ông, vì vậy chúng ta không thể đòi hỏi họ suy nghĩ, trả lời thay cho các thế hệ sau, trong đó có chúng ta, những vấn đề chưa xuất hiện ở thời đại các ông, hoặc thực tiễn thời đại đó chưa đặt ra. Chẳng hạn vấn đề đảng viên có được làm kinh tế tư nhân hay không, hay những vấn đề an ninh phi truyền thống,v.v.. Hơn nữa, có thể có những luận điểm riêng lẻ nào đó, trước đây đã đúng trong điều kiện thực tiễn mà các ông sống, nhưng trong điều kiện thực tiễn mới hiện nay không còn đúng,... Chẳng hạn, như Ph.Ăngghen đã chứng minh vai trò to lớn của lao động trong việc chuyển biến vượn người thành người. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì còn phải có yếu tố đột biến về gien và sự thích nghi với sự thay đổi về thời tiết, khí hậu. Nhưng vào thời điểm viết tác phẩm bàn về Vai trò của lao động trong quá trình vượn biến thành người nhân loại chưa phát hiện là gien, đột biến gien. Hơn nữa, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những nguyên lý của triết học Mác. Bởi lẽ, thực tiễn đổi thay thì những nguyên lý lý luận cũng cần được đổi thay cho phù hợp với thực tiễn mới. Nhưng chúng ta phải khẳng định rõ ràng rằng, những hạn chế mang tính lịch sử đó không hề làm giảm giá trị thế giới quan, giá trị phương pháp luận, giá trị định hướng cho các dân tộc đang đi theo mục tiêu xây dựng CNXH , trong đó có Việt Nam.
 Không phải ngẫu nhiên mà năm 1999, Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là C.Mác đừng đầu, Anhxtanh đứng thứ hai. Tháng 7/2005, với câu hỏi tương tự, đã có 27.9% thính giả trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình In Our Time trên kênh Radio 4 của BBC đã chọn Mác là nhà tư tưởng ưa thích của họ, và vẫn là người đứng đầu. Đ. Hium, nhà triết học Anh đứng thứ hai sau Mác chỉ đạt 12.6% số phiếu. Trong cuộc bình chọn 100 nhân vật vĩ đại nhất lịch sử Đức, Mác đứng thứ ba, sau K.Adenauer Thủ tướng Đức giai đoạn 1949 - 1963 và M.Liuthơ, người sáng lập đạo Tin lành[4].
Từ những vấn đề trên có thể nói, hiện nay việc ĐCSVN lấy CN M-L làm nền tảng tư tưởng là hoàn toàn có căn cứ khoa học, thực tiễn chứ không phải là một sai lầm.


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NxbCTQG,H. 1995; tập 19. tr.499
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NxbCTQG,H.2000; tập 46, phần II, Tr.372

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét