Thiếu tướng, GS, TS. Trương Giang Long
Trong lịch sử phát triển của cách mạng nước ta, chưa
bao giờ bọ phản động và các thế lực thù địch lại điên cuồng chống phá Chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như
hiện nay.
Vững vàng trước mọi áp lực của thời cuộc và sự công
phá của kẻ thù, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục
khẳng định “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc
về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và
phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp
của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường
cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn
của Đảng và dân tộc ta”[1].
Dù đã thất bại thảm hại, nhưng mỗi khi cách mạng bước vào những giai đoạn có
tính bước ngoặt, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại
tìm mọi cách phủ nhận điều đó. Chúng thường xuyên tung ra các quan điểm sai
trái, thù địch, trong đó có luận điệu “Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết
quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam”
hòng xuyên tạc, đả phá, bôi nhọ lịch sử, hạ thấp vai trò, công lao của Chủ tịch
Hồ Chí Minh và tính cách mạng, khoa học trong tư tưởng của Người về cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc và con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, phủ
nhận mối quan hệ biện chứng giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
nhằm thực hiện những mưu đồ thâm độc và giã tâm đen tối của chúng. Nhưng sự
thật lịch sử là không thể phủ định, thực tiễn cách mạng Việt Nam và tất cả những ai có lương tri
đều đứng về phía lẽ phải. Vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác -
Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể
của nước ta là công lao to lớn thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
I. Vì sao trước
khi xuất hiện Hồ Chí Minh, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các chí
sĩ yêu nước đều thất bại?
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
Dưới ách thống trị dã man, tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã
không chịu khất phục, luôn nung nấu ý chí, quyết tâm và liên tiếp vùng dậy đánh
đuổi quân xâm lược để thực hiện khát vọng cháy bỏng là giành lại độc lập cho
dân tộc, tự do cho nhân dân. Tính từ khi thực dân Pháp xâm lược đến những năm
20 của thế kỷ XX đã diễn ra hơn 300 cuộc đấu tranh anh dũng chống thực dân Pháp
của nhân dân ta, tiêu biểu là các phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên
Thế, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục, khởi nghĩa Yên Bái…Lãnh tụ của các phong
trào nói trên đều do các chí sĩ yêu nước lãnh đạo như Phan Đình Phùng, Hoàng
Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học...Họ thực sự là những
con người hào kiệt, có chí khí, tài năng, có tấm lòng yêu nước nhiệt thành,
thương dân vô bờ bến, luôn đau đáu, trăn trở tìm con đường phục quốc. Quá trình
xây dựng và lãnh đạo phong trào đấu tranh, dưới ngọn cờ yêu nước, họ đã tập hợp
được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội tham gia kháng Pháp. Trong
cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) - cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của phong
trào Cần Vương, các danh nho hào kiệt và nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh,
Nghệ An, Thanh Hóa đã tập hợp dưới ngọn cờ kháng chiến của Phan Đình Phùng, lập
thành 15 thứ quân, mỗi thứ quân có từ 100 đến 500 quân, khiến giặc Pháp phải khiếp
sợ, thành lập đạo quân gần 3000 người để đáp trả. Phong trào nông dân Yên Thế
(1837-1913) do Hoàng Hoa Thám chỉ huy không chỉ thu hút được nông dân tại chỗ
mà còn tập hợp được đông đảo nông dân nghèo từ nhiều địa phương; trong quá
trình chiến đấu, mặc dù có lúc bị hy sinh, tổn thất lớn, nhưng vẫn được dân
chúng trong vùng hết lòng hết sức yêu thương, che chở, giúp đỡ, nên phong trào
đã kéo dài được gần 30 năm bất chấp muôn vàn thủ đoạn đàn áp ác độc và tàn bạo
của kẻ thù. Phong trào Đông kinh nghĩa thục xuất hiện ở Hà Nội từ 3/1907 đến
11/1907 dưới hình thức là một trường học hợp pháp, sau đó lan rộng ra các tỉnh,
có thời điểm thu hút tới 2000 người tham gia; các hoạt động ngoại khóa của
trường cũng thu hút được đông đảo đồng bào hồi đó (“Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách tới như mưa”).
Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ có lúc tập hợp đến một vạn người. Không chỉ
nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, có phong trào yêu nước
thời kỳ này còn nhận được sự giúp đỡ nhất định của bạn bè quốc tế. Với chủ
trương dựa vào Nhật để kháng pháp, Phan Bội Châu lập ra phong trào Đông Du và
đã tìm được sự giúp đỡ ở người Nhật trong việc đưa thanh niên sang Nhật học tập
để tạo dựng phong trào cách mạng sau này. Phan Châu Trinh trong quá trình tìm
đường cứu nước cũng đã đi đến nhiều nước trên thế giới: Trung Quốc, Nhật, Pháp;
tại Pháp, ông đã nhận được sự giúp đỡ của những người trong liên minh nhân
quyền và Đảng xã hội Pháp, từ đó giúp ông tiếp cận được nhiều tư tưởng tiến bộ
của thời đại.
Tuy nhiên, các
phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các chĩ sĩ yêu nước cuối cùng đều
lần lượt thất bại. Cho đến nay,
bằng thực tiễn lịch sử có thể khẳng định nguyên
nhân thất bại là do thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn và thiếu một phương
pháp luận khoa học cách mạng. Trong lịch sử, khi chế độ phong kiến hưng
thịnh, dân tộc ta đã từng đương đầu và luôn chiến thắng bọn giặc phong kiến
phương Bắc hùng mạnh hơn rất nhiều lần. Nhưng khi chế độ phong kiến bước vào
giai đoạn suy tàn, đất nước phải đối phó với một kẻ thù mới, một đế quốc thuộc
loại cường quốc thế giới thì những kinh nghiệm đấu tranh chống ngoại xâm trong
lịch sử tỏ ra không còn hiệu quả. Thất bại của phong trào Cần vương là do thiếu
đường lối đúng, thiếu một tổ chức cách mạng có khả năng dẫn dắt phong trào.
Thất bại của phong trào này đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đấu tranh chống ngoại
xâm trong khuôn khổ ý thức hệ tư tưởng phong kiến. Phong trào nông dân Yên Thế
của Hoàng Hoa Thám kéo dài 30 năm cũng không giành được thắng lợi, chứng tỏ con
đường, cách thức mà ông lựa chọn cũng không phải là con đường giải phóng có
hiệu quả. Con đường cải cách, ban đầu là theo lập trường quân chủ lập hiến, sau
chuyển sang lập trường dân chủ tư sản của Phan Bội Châu và chủ trương cải cách
đất nước theo lối bất bạo động, dựa vào Pháp để chống chế độ phong kiến của
Phan Chu Trinh đều không thành công, khẳng định đường lối cứu nước theo lập
trường tư sản là không phù hợp. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2/1930) của Việt Nam
Quốc dân Đảng với khẩu hiệu “không thành công thì thành nhân” đã nhanh chóng
thất bại, cho thấy sự bồng bột, hăng hái nhất thời của tầng lớp tiểu tư sản.
Như vậy, sự thất
bại của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ lập trường Cần Vương đến
lập trường tư sản, tiểu tư sản những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là kết
quả của sự khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, thiếu phương pháp luận
khoa học cách mạng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời đại. Thất bại đó càng
chứng minh cho chúng ta thấy rằng, việc Hồ Chí Minh tìm đến với Chủ nghĩa Mác -
Lênin, lựa chọn con đường cứu nước theo lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lênin là
một sự lựa chọn tất yếu, tự nhiên và hoàn toàn đúng đắn.
II. Thắng lợi của
cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và
trong công cuộc đổi mới gắn liền với sự vận dụng thiên tài Chủ nghĩa Mác -
Lênin vào thực tiễn Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống các quan điểm lý
luận và phương pháp luận khoa học được hình thành trên cơ sở kết tinh của những
di sản văn hóa và thành tựu trí tuệ đỉnh cao nhân loại. Đó là học thuyết duy
nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu, chỉ rõ con đường giải phóng triệt để
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới
thoát khỏi tình trạng bị nô dịch, bóc lột, thoát khỏi đói nghèo và tha hóa về
nhiều mặt. Đồng thời học thuyết đó chỉ ra quy luật của sự giải phóng, phát
triển xã hội và lực lượng cách mạng thực hiện sứ mệnh đó là giai cấp công nhân
và nhân dân lao động. Với bản chất cách mạng, khoa học, phản ánh một cách trung
thành, tập trung nhất lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, Chủ
nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã trở thành hệ tư tưởng của giai cấp
công nhân, cung cấp cho giai cấp ấy vũ khí tư tưởng và tinh thần, góp phần tạo
nên sức mạnh vật chất để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại giai
cấp tư sản, xóa bỏ áp bức bất công. Đồng thời, với những giá trị hiện thực mang
tầm thời đại, Chủ nghĩa Mác - Lênin đã thâm nhập vào hàng triệu trái tim và
khối óc con người, làm thức tỉnh lương tri và phẩm giá các dân tộc bị áp bức,
hình thành nên phong trào và lực lượng đấu tranh chống lại giai cấp tư sản ở
khắp mọi nơi, dẫn tới những bước ngoặt sâu sắc của lịch sử thế giới hiện đại.
Trước cảnh nước mất nhà tan, đồng bào bị đọa đày đau
khổ, tình hình đất nước “đen tối như không có đường ra”, người thanh niên giàu
lòng yêu nước, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, luôn đau đáu một nỗi
niềm “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được
hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cớm ăn, áo
mặc, ai cũng được học hành”[2],
đã sớm nuôi chí lớn, quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước. Sau nhiều năm bôn
ba khắp nơi trên thế giới, với điểm tựa là truyền thống dân tộc và trí tuệ
thiên tài, Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở đó “cái cẩm
nang thần kỳ” và “con đường” giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Người đã truyền
bá và làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân và phong
trào yêu nước Việt Nam.
Từ đây, cách mạng Việt Nam
thoát khỏi cảnh khủng hoảng về đường lối cứu nước, bước vào một giai đoạn cách
mạng mới đúng đắn và khoa học: con đường
cách mạng vô sản. Qua bàn tay gieo mầm của Hồ Chí Minh, hạt giống đỏ Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, không ngừng phát triển
trên mảnh đất Việt Nam. Bằng sự vận dụng
sáng tạo, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Chủ nghĩa Mác - Lênin
đã phát huy tác dụng một cách đầy đủ nhất, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác, mà khởi đầu là thắng lợi của Cách mạng tháng
Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nước ta từ một
nước thuộc địa trở thành nước độc lập, có chủ quyền, nhân dân ta từ địa vị nô
lệ trở thành người làm chủ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
của nhân dân Việt Nam
là cuộc chiến tranh không cân sức theo kiểu “châu chấu đá voi”. Nhưng dưới ánh
sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, với tinh thần sáng tạo, dân tộc Việt Nam đã tìm ra
được sức mạnh của mình. Đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
chính là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác – Lênin với chủ nghiã yêu
nước chân chính đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà
đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống
nhất Tổ quốc, non sông thu về một dải.
Sự thật lịch sử hiển nhiên đến như thế! ấy vậy mà vẫn
có những kẻ lòng đen dạ tối, đã thâm độc, nuôi dưỡng hận thù, cố tình đổi trắng
thay đen, bóp méo sự thật, với thái độ hằn học, thù địch chúng cho rằng “đem
Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lớn của Hồ Chí Minh”, “chính
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã gây nên cảnh huynh đệ tương tàn ở Việt Nam”, “cuộc đấu
tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng dân tộc là sai lầm”…Đáng
xấu hổ thay cho họ, trong khi không chỉ có những người trong cuộc tự hào, mà cả
thế giới ngợi ca các cuộc chiến tranh “thần thánh” của Việt Nam. Chuyên gia
nghiên cứu về lịch sử Đông Dương, nhà sử học người Pháp Alain Rusco nhận định,
cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam
thắng lợi “đã gây tiếng vang lớn trên thế giới về một dân tộc không chịu khuất
phục trước quân xâm lược, đồng thời cho thấy sự đấu tranh kiên cường, dũng cảm
của nhân dân Việt Nam để giành độc lập, tự do cho dân tộc, mở ra một trang mới
cho lịch sử thế giới và châu Á”[3].
Với sự kính phục trước ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam, nguyên Giám đốc
Trung tâm nghiên cứu chính trị và kinh tế thế giới, Viện Khoa học - xã hội
Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng ngời cho nhân dân thế
giới trong cuộc đấu tranh giành lấy hòa bình, chống lại chủ nghĩa đế quốc xâm
lược. Với chiến thắng 30/4/1975, nhân dân Việt Nam đã mang lại niềm tự hào cho
người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”[4].
Đạo diễn phim người Pháp Daniel Roussel chia sẻ “Những hình ảnh Việt Nam giải phóng, đất nước Việt Nam được thống nhất khiến nhiều
người Pháp như chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi luôn là những người ủng hộ
cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của các bạn”[5]…
Đau đớn thay! những kẻ phủ nhận cuộc chiến tranh chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc lại chính là con dân nước
Việt. Họ đã tự đánh mất chính bản thân mình khi phủ công ơn của tổ tiên, phủ
định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò soi đường của Chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Họ không ai khác hơn chính là những kẻ vong quốc!
Sau hai cuộc trường chinh đầy máu lửa, đất nước bước
vào thời kỳ tái thiết và hàn gắn vết thương chiến tranh với bộn bề khó khăn,
thiếu thốn; đồng thời phải liên tiếp đối đầu với các cuộc chiến tranh và mưu đồ
bá chủ, tham vọng nước lớn của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, đất nước lại
phải hứng chịu những dư trấn nặng nề của cơn “bão táp chính trị” lớn, đó là sự
sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Thực tiễn 70 năm xây
dựng chủ nghĩa xã hội không ai có thể phủ nhận được rằng, nhờ những ưu việt của
chế độ xã hội chủ nghĩa mà loài người đã thoát khỏi thảm họa diệt chủng của chủ
nghĩa Phát xít; đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế,
khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội…Sự sụp đổ đó khiến cả loài người tiến bộ xót
xa, tiếc nuối, nhưng lại là cơ hội vàng để những người phản bội lý tưởng cộng
sản vui mừng. Chúng lớn tiếng lu loa rằng Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, sự
sụp đổ của chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân tự thân xuất phát từ chính Chủ nghĩa
Mác. Họ đã cố tình không hiểu, đồng thời tìm mọi cách lừa bịp dư luận, ngụy
biện và xuyên tạc trắng trợn sự thật lịch sử. Nguyên nhân của sự sụp đổ không
phải từ Chủ nghĩa Mác, nó trước hết là sản phẩm của sự chống phá điên cuồng từ
phía chủ nghĩa đế quốc và cùng với nó là do những người cộng sản ở chính các
quốc gia dân tộc ấy đã hiểu và vận dụng không đúng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào
điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Hơn thế, trong suốt một thời gian
dài, bệnh quan liêu và tệ sùng bái cá nhân không được ngăn chặn đã làm cho chủ
nghĩa cơ hội có điều kiện trỗi dậy. Không ít những cán bộ lãnh đạo cấp cao của
các Đảng Cộng sản đã tự đặt mình lên trên tập thể, coi thường nguyên tắc tập
trung dân chủ trong Đảng những không được cảnh tỉnh, cảnh báo và nghiêm trị.
Thói độc đoán chuyên quyền ấy âm ỉ kéo dài đã phân hóa nội bộ Đảng sâu sắc, mâu
thuẫn lợi ích nảy sinh, một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hóa đã xuất hiện trong
chính nội bộ Đảng. Mọi chủ trương, đường lối thiếu sức sống, xa rời thực tiễn,
xâm phạm thô bạo lợi ích của các tầng lớp nhân dân, tách mọi hoạt động của quần
chúng ra khỏi lợi ích - động lực của sự phát triển xã hội bị triệt tiêu, chủ
nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài. Tiếc thay, vấn đề này đã được Lênin từng cảnh
báo nhưng những người đảng viên cộng sản chân chính đã không sớm nhận ra điều
ấy. Chúng ta không phủ nhận sai lầm này chính là những bài học bằng máu, là cái
giá đắt phải trả cho những người cộng sản ở Liên Xô, các nước Đông Âu và là
tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với những
người cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới.
Đối với Việt Nam, do thực hiện nhiệm vụ chưa từng có
tiền lệ lịch sử - quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đất nước bị tàn
phá hoàn toàn sau chiến tranh, bị bao vây cấm vận vô cùng hà khắc và tàn bạo,
lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nên khó
khăn tưởng chừng như “không thể vượt qua”. Trong những thời khắc ấy, có lúc
chúng ta cũng đã mắc phải những sai lầm, thiếu sót, điều ấy là lẽ thường tình.
Quan trọng là Đảng ta vẫn kiên định trước sau như một với Chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ sai lầm,
khuyết điểm, vững vàng đưa con thuyền cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua
thác ghềnh cập bến bờ thắng lợi. Ngày nay, sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi
mới, Việt Nam
đã gặt hái được những thành tựu “to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Chúng ta đã thoát
khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển để gia nhập vào các quốc gia đang
phát triển với mức thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 2000 USD vào năm 2014.
Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển
biến tích cực, quốc phòng - an ninh được tăng cường; vị thế của Việt Nam
trên trường quốc tế được nâng cao. Điều đó chứng minh
rằng, kiên định đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh đất nước đã vững vàng vượt qua mọi thách thức và ngày nay đang tự tin chủ
động hội nhập đầy hiệu quả vào xu thế toàn cầu hóa.
III. Vì sao các
thế lực thù địch, phản động cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự vận
dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam
Phải khẳng định rằng, lý tưởng, khát vọng về một xã
hội tốt đẹp là của nhân loại, không phải của Mác, Ăngghen hay Lênin, nhưng công
lao của các ông là đã thấu hiểu và khái quát những khát vọng đó để định hướng
ra một con đường cho sự phát triển của những khát vọng tương lai ấy. Chủ nghĩa
Mác - Lênin đã vạch ra những nguyên tắc lý luận, phương pháp luận đúng đắn nhằm
nhận thức và cải tạo thế giới; tìm ra phương thức mới cho cuộc đấu tranh của
giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và cả loài người
tiến bộ để giải phóng họ khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công nhằm xây dựng một
chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn. Là một khoa học ở tầm cao trí tuệ, Chủ nghĩa Mác
- Lênin không phải là một học thuyết đóng, đã xong xuôi hẳn mà nó yêu cầu phải
được vận dụng và phát triển không ngừng trong thực tiễn để tiếp thêm sức sống
và nuôi dưỡng sự phát triển của nó. Đó là một trong những yếu tố thể hiện tính
cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Với thiên tài bẩm sinh, trí
tuệ uyên bác được nhân loại phải ngưỡng mộ, nhưng Mác cũng rất khiêm tốn khẳng
định rằng, những điều ông viết, những điều ông đặt ra chỉ là những ý tưởng khai
phá, là nền tảng ban đầu có tính định hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và
hoàn thiện nó là nhiệm vụ của hậu thế. Những kẻ phủ định Chủ nghĩa Mác - Lênin
quên rằng, là thế hệ đi sau, lẽ ra họ phải có trách nhiệm đối với lịch sử,
nhưng tiếc thay họ lại chối bỏ, thoái thác trách nhiệm mà các bậc tiền nhân
giao phó. Và khi những động cơ cá nhân đề hèn không được thỏa mãn thì chúng
phản ứng điên cuồng bất chấp sự thật và lẽ phải.
Đối với Hồ Chí Minh, từ “cửa ngõ” yêu nước, như một lẽ
tự nhiên và tất yếu, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường,
lý tưởng mà Chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra. Từ một người yêu nước, Hồ Chí
Minh trở thành một người cộng sản. Điều đó khẳng định, Chủ nghĩa Mác - Lênin là
một trong những nguồn gốc quan trọng nhất sản sinh ra tư tưởng Hồ Chí Minh, là
cái cốt lõi nhất đem lại cho tư tưởng ấy tính cách mạng và khoa học. Chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể thống nhất, không thể tách rời.
Tuy nhiên, không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho Chủ nghĩa Mác -
Lênin, bởi vì Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết có hệ thống, học thuyết
“khung” bền vững, năng động, không ngừng được bổ sung, phát triển. Bản thân tư
tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận tiếp nối trong hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác -
Lênin, sáng tạo và phát triển trên cơ sở thực tiễn Việt Nam và thời đại
ngày nay[6].
Có lẽ, Hồ Chí Minh là người thấu hiểu, tiếp thu một
cách trọn vẹn những trăn trở mà Mác giao lại cho hậu thế. Bằng bản lĩnh, trí
tuệ siêu việt, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã
không áp dụng nguyên si Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Nhận thức sâu sắc
rằng, “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch
sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn
thể nhân loại”[7], với
phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, vận dụng
sáng tạo và giải quyết thành công nhiều vấn đề lớn, cơ bản, quan trọng của cách
mạng Việt Nam (như mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, vấn đề dân tộc và
quyền tự quyết ở Việt Nam, về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam…). Những
đóng góp của Hồ Chí Minh đã góp phần bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Có thể khẳng định, Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương tuyệt vời về lòng trung
thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin (ngay sau khi về nước vào năm 1941, Người đã
cho khắc lên ngọn núi đá có hang Pắc Pó và dòng suối đầu nguồn hai tên tuổi vĩ
đại: “núi Các Mác”, “suối Lênin”. Cho đến khi sắp từ giã cõi đời, Bác còn “để
sẵn mấy lời…phòng khi tôi sẽ đi gặp Các Mác, cụ Lênin…”) mà còn là tấm gương
tuyệt vời về sự vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử đặc thù
của Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã hoàn thành trọng trách nặng nề mà các bậc tiền
bối giao phó. Việc la lối lên rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự vận
dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam một lần nữa là minh chứng biểu
hiện sự yếu hèn, run sợ, thất thế của các thế
lực thù địch, phản động, của những kẻ cơ hội trước sức mạnh tự thân, hiện thực
của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lịch sử có thể đổi thay, nhưng Chủ nghĩa Mác - Lênin
vẫn là ngọn cờ định hướng cho nhân loại trong thế kỷ XXI. Ngày nay, trước bao
biến động phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra ở nhiều nơi
trên thế giới, người ta nhận thấy rằng, Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn cần thiết cho
cuộc sống, trong đó chính các học giả tư sản lại tìm đến với Chủ nghĩa Mác -
Lênin ngày càng nhiều hơn. Học giả không mácxít, Đi Đê Ê Riboong đã khẳng định:
C.Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI[8].
Năm 1999, Trường Đại học Cambridge
(Anh) tiến hành bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ thứ hai, kết quả là
C.Mác đứng đầu. Ngay cả tờ The New Yorker
(Mỹ) cũng cho rằng, các nhà kinh tế học hiện đại đang “bước theo dấu chân
của C.Mác mà họ không biết”. Trong cuốn sách “Tại sao Mác đúng” của Giáo sư
Te-ri I-gơ-tơn (Trường Đại học Tổng hợp Landcaste, Anh), xuất bản tại Mỹ năm
2011, đã thừa nhận rằng, mặc dù tình hình hiện nay có rất nhiều biến đổi so với
thời của Mác, nhưng Mác đã đúng và vẫn đúng. Thực tế đang chứng minh rằng,
chính bản thân chủ nghĩa tư bản dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đã và đang
vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm điều chỉnh, thích nghi để tồn tại. Điều đó
cho thấy, thắng lợi đã, đang và sẽ thuộc về Chủ nghĩa Mác - Lênin. Các thế lực
thù địch, phản động nhận thấy rằng, thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin càng
lan rộng thì lợi ích của chúng càng bị thu hẹp. Do đó, cường độ chống phá Chủ
nghĩa Mác – Lênin ngày càng điên cuồng hơn là điều tất yếu. Đây chính là biểu
hiện của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ mà chúng đã thực hiện
không thành công trong lịch sử. Vì vậy giờ đây cùng với sức mạnh răn đe về quân
sự, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chuyển hướng chiến tranh sang một
phương thức mới: làm tan rã nhiềm tin, mất định hướng, phai mờ lý tưởng của
những người cộng sản. Chúng sử dụng mọi thủ đoạn, trong đó lợi dụng tâm lý và
tư tưởng dân tộc chủ nghĩa để tách Hồ Chí Minh ra khỏi Chủ nghĩa Mác - Lênin,
phủ nhận mối liên hệ nội tại cả về lô-gích và lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự
vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là cơ sở để
các thế lực thù địch, phản động tiến thêm một bước nữa, đòi lấy tư tưởng Hồ Chí
Minh thay thế cho Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam, khiến cho chúng ta lầm
tưởng rằng chúng đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng thực chất là sự xúc phạm
đến Bác, đến lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam và hạ thấp tư tưởng Hồ Chí
Minh. Bởi lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trong suốt thế kỷ XX đã khẳng
định, Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc, là cơ sở lý luận quan trọng hình
thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu bỏ đi cái nền móng đó, thử hỏi tòa lâu đài tư
tưởng Hồ Chí Minh có thể đứng vững được nữa hay không? Suy rộng ra, nền tảng tư
tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam
có còn cơ sở để tồn tại và phát huy tác dụng là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách
mạng nữa hay không? Đối lập, tách rời Chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí
Minh là biểu hiện cụ thể của cuộc đấu tranh ý thức hệ. Những ai tiếp tục đứng
bên kia chiến tuyến chống lại lẽ phải và sự thật lịch sử đều là những kẻ có tội
với nhân dân và dân tộc, là biểu hiện của sự yếu kém, suy vong và sớm muộn cũng
sẽ thất bại.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh đã được thử thách trong thực tiễn khắc nghiệt của cách mạng
Việt Nam; những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh
giành độc lập dân tộc là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo và phát triển lên
tầm cao mới Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, không có lý do
gì có thể cản trở chúng ta tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập để thực hiện mục tiêu độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh. Đảng ta thật sáng suốt khi khẳng định tại Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Đảng lấy Chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành
động”[9];
muốn giành được thắng lợi, “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần
phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu
trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn
để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”[10].
Với tinh thần đó, trong quá trình 30 năm đổi mới, Đảng ta đã bổ sung và phát
triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên một loạt vấn đề lý luận
cơ bản, như vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề lựa chọn con đường phát triển của cách
mạng Việt Nam, vấn đề sử hữu tư liệu sản xuất, vấn đề phát triển kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất
nước, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủa nghĩa của dân, do dân, vì
dân, vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng…
Kiên
định và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đồng nghĩa với
việc chúng ta kiên quyết bảo vệ đến cùng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động; tiếp
tục khẳng định tính thống nhất biện chứng hữu cơ giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin và
tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo đảm cho Đảng ta không thay đổi màu sắc mà vẫn luôn
xứng đáng là đội tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao
động, của cả dân tộc, là Đảng của chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa
quốc tế trong sáng, Đảng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là cơ sở để
cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa trong những chặng
đường phát triển tiếp theo với đầy khó khăn, chông gai và thử thách mới, tiếp
tục đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới đích vinh quang, sớm đưa dân tộc
Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới như nguyện ước của
Bác Hồ.
[1]Đảng
Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ IX, Nxb.CTQG, H.2001, tr.83-84.
[3],5,6 Báo
điện tử Công an thành phố Hồ Chí Minh (congan.com.vn): Chiến thắng lịch sử 30-4 trong mắt người nước ngoài, thứ 6 ngày
30/4/2010
[6] GS
Trần Nhâm: Chủ nghĩa Mác - Lênin, học
thuyết về sự phát triển và sáng tạo không ngừng, Nxb. Chính trị Quốc gia,
H. 2010
[8] Xem:
Hoàng Chí Bảo (Chủ biên): Bản chất cách
mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị - Hành chính,
H.2010, tr.292-293
[9],11 Đảng
Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.88, tr.66.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét