PGS, TS. NGUYỄN NGỌC
HỒI
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn
dân
Thủ đoạn của các thế lực chống cộng
Tấn công vào CN M-LN, nền tảng tư
tưởng của ĐCS, là một thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực chống cộng,
nhằm tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như
trong toàn xã hội, để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã ĐCS. Đây là thủ đoạn không mới,
bởi từ khi chủ nghĩa Mác xuất hiện đến nay, chưa bao giờ các thế lực chống cộng
ngưng nghỉ việc công kích nó. Sự công kích ngày càng tăng, khi họ có được cái
hiện thực vô cùng mới mẻ là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới
vào cuối thế kỷ trước. Được “khích lệ” bởi hiện thực sinh động đó, họ hoan hỉ
tuyên bố về “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” và “sự kết thúc của chủ nghĩa
Mác” (!).
Đối với ĐCSVN, thủ đoạn chống phá
này được họ đẩy mạnh với cường độ cao vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng hằng
năm, hay vào thời kỳ đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc.
Lợi dụng ưu thế lan truyền nhanh, khó kiểm soát của các trang mạng xã hội, họ
tung ra nhiều bài viết với mọi lý lẽ để xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng,
kêu gọi Đảng từ bỏ CN M-LN. Họ lý sự rằng: “Chủ nghĩa Mác là một giải pháp sai
và độc hại”, “CN M-LN xuất phát từ một ảo giác nên không có giá trị chỉ đạo
thực tiễn”, và rằng: “Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã tan rã, CN M-LN đã
sụp đổ, mà ĐCSVN vẫn lấy chủ nghĩa này làm nền tảng tư tưởng là sai lầm”, v.v.
và v.v. Từ đây, họ kêu gọi ĐCSVN hãy “thoát ra khỏi cái vòng kim cô ý thức hệ”
để chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; bởi theo họ, chỉ như vậy thì
đất nước mới có cơ hội phát triển (!). Điều đáng tiếc là có không ít người, kể
cả một số cán bộ, đảng viên, đã ngộ nhận, tin vào những điều nói trên, để từ sự
dao động về tư tưởng, mà tích cực nói theo những luận điệu sai trái của các thế
lực chống cộng. Do vậy, vạch trần những luận điệu sai trái, khẳng định sự kiên
định của Đảng đối với CN M-LN là việc làm vừa lâu dài, vừa cấp thiết, nhất là
khi chúng ta đang tiến tới Đại hội XII của Đảng, nhằm nâng cao lòng tin của cán
bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đâu là cơ sở của sự kiên định
Trước hết, về phương diện
lý luận, cần xuất phát từ mối quan hệ
giữa bản chất chính trị, giai cấp của một Đảng chính trị với hệ tư tưởng mà
Đảng đó theo đuổi. Trong mối quan hệ này, bản chất chính trị của một Đảng
bao giờ cũng phụ thuộc vào tính chất và nội dung hệ tư tưởng, lý luận mà Đảng
đó lựa chọn làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Thực tiễn đã
chỉ ra rằng, bất cứ Đảng chính trị nào cũng đều lựa chọn một hệ tư tưởng nhất
định làm cơ sở để tập hợp lực lượng và thống nhất hành động. Nếu không có hệ tư
tưởng, lý luận dẫn đường, Đảng chính trị chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên, rời
rạc, thiếu thống nhất và không có sức mạnh. Ngay từ năm 1927, trong quá trình
vận động thành lập Đảng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì
phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ
nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu
không có bàn chỉ nam”[1]. Trong
thực tiễn, các chính đảng theo khuynh hướng tư sản bao giờ cũng chọn hệ tư
tưởng tư sản, còn các chính đảng mác-xít thì lấy CN M-L làm nền tảng tư tưởng
của mình. Việc kêu gọi Đảng ta từ bỏ CN M-L, với tư cách là nền tảng tư tưởng
của Đảng, cũng chính là mưu đồ nhằm làm thay đổi bản chất chính trị, giai cấp
của Đảng. Bởi nếu làm theo họ, Đảng sẽ không còn giữ tính chất cộng sản, không
còn là đội tiên phong của giai cấp công nhân; sớm hay muộn, Đảng cũng sẽ tự tan
rã. Đó là mục tiêu sâu xa mà các thế lực chống cộng vẫn ngày đêm theo đuổi, nên
cần phải tỉnh táo để không mắc bẫy.
Thứ hai, Đảng ta tiếp tục
kiên định với hệ tư tưởng đã chọn, bởi thực tiễn cho thấy: nguyên nhân sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ
XX không bắt nguồn từ bản thân học thuyết M-L. Nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô đã
thừa nhận điều này qua các hồi ký và phát biểu của họ. Theo đó, nguyên nhân chủ
yếu và trực tiếp của sự sụp đổ bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa
xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng cầm quyền, cùng
sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ
bản của CN M-LN. Do vậy, đây là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ
thể - mô hình kiểu “xô-viết”, chứ không đồng nghĩa với “sự cáo chung của học
thuyết Mác”. Sự sụp đổ đó còn chứng tỏ: Đảng nào xa rời những nguyên tắc cơ bản
của CN M-LN, thì Đảng đó không còn là đảng mác-xít lê-nin-nít chân chính, công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đó nhất định thất bại. Bản thân A. Dinoviep,
người tự nhận không phải là môn đệ của CN M-LN, từng là người chống đối Nhà
nước xô-viết và phải ngồi tù thời còn Liên Xô, sau đó sống lưu vong ở Mỹ, trước
hiện tượng Liên Xô tan rã cũng vẫn đánh giá cao giá trị của chủ nghĩa cộng sản.
A. Dinoviep cho rằng: “Những thành tựu của thời đại chủ nghĩa cộng sản xô-viết
do V.I. Lê-nin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người… Nhờ có cuộc cách
mạng vô sản và tất cả những gì gắn liền với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã
được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hóa”[2]. Đối
với chúng ta, sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải
là tất yếu; nhưng từ đó, chúng ta nhận rõ hơn những khuyết tật của mô hình chủ
nghĩa xã hội “xô-viết” và nhiều bài học quan trọng về đấu tranh để giữ vững
chính quyền cách mạng, nhất là bài học về sự kiên định CN M-LN và mục tiêu xã
hội chủ nghĩa.
Thứ ba, Đảng ta tiếp tục kiên định CN
M-LN, bởi thực tiễn cho thấy: đó là một
học thuyết khoa học và cách mạng; là ngọn đuốc soi sáng con đường đấu tranh của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới vì một chế độ không còn
áp bức, bóc lột. Ai từng nghiên cứu nghiêm túc học thuyết Mác đều có thể
thấy rõ: đó không phải là sản phẩm của “sự tư biện chủ quan”, hay xuất phát từ
“những ảo giác”, như những kẻ chống cộng gán ghép cho nó; mà ngược lại, đó là
sản phẩm của sự kế thừa và phát triển sáng tạo những thành tựu tư tưởng của
loài người cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (thuyết Tiến hóa của Đac-Uyn,
lý luận triết học cổ điển Đức, Kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh và Chủ
nghĩa xã hội không tưởng Pháp), được bổ sung bằng thực tiễn của phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế. Bằng hai phát kiến vĩ đại: chủ nghĩa duy vật lịch sử
và học thuyết giá trị thặng dư, C. Mác đã làm cho lý luận chủ nghĩa xã hội từ
không tưởng trở thành khoa học; lý giải một cách khoa học và sâu sắc quy luật
vận động, phát triển của xã hội loài người, khẳng định sự thay thế chủ nghĩa tư
bản bằng chủ nghĩa cộng sản là một xu thế tất yếu; đồng thời, phát hiện ra sứ
mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh để hiện
thực hóa xu thế đó. Với hạt nhân lý luận là phép biện chứng duy vật, C. Mác và
Ph. Ăngghen không cho rằng học thuyết của mình là “nhất thành bất biến”, mà
luôn đòi hỏi phải được bổ sung, phát triển và việc vận dụng phải căn cứ vào
hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Điều đó được nói rõ trong các tác phẩm của hai ông,
nhất là trong “Những nguyên lý của chủ
nghĩa cộng sản” và “Tuyên ngôn của ĐCS”.
Sau này, V.I. Lê-nin cũng quan niệm và đòi hỏi như vậy. Do đó, học thuyết Mác
luôn sống động, không ngừng được bổ sung bởi thực tiễn của các ĐCS và phong
trào công nhân trên toàn thế giới. Chính sự bổ sung, phát triển sáng tạo học
thuyết Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa bởi V.I. Lê-nin là một minh chứng
cho bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, là một mẫu mực về sự kiên
định và phát triển học thuyết Mác. Theo đó, kiên định không phải là bảo thủ, là
áp dụng một cách máy móc, giáo điều theo câu, chữ trong các tác phẩm của các
nhà kinh điển, mà đòi hỏi mỗi đảng phải từ sự phân tích tình hình cụ thể để vận
dụng và phát triển những nguyên lý cơ bản của CN M-L cho phù hợp với hoàn cảnh
của mỗi dân tộc, trong từng thời kỳ lịch sử.
Ngày nay, thế giới đã có nhiều
thay đổi so với thời gian mà C. Mác và V.I. Lê-nin sống; nhưng những thay đổi
đó vẫn chưa vượt khỏi những quy luật cơ bản đã được CN M-LN khái quát. Chủ
nghĩa tư bản đương đại, dù còn nhiều tiềm năng phát triển, bộ mặt của nó đã bớt
“xấu xí” hơn do có những điều chỉnh, thích nghi về quan hệ sản xuất, nhưng bản
chất bóc lột của nó vẫn không hề thay đổi. Những mâu thuẫn giữa tư bản và lao
động, giữa lực lượng sản xuất đã xã hội hóa cao độ với cái vỏ quan hệ sản xuất
tư bản chủ nghĩa chật hẹp vẫn còn nguyên đó. Ai cũng dễ nhận thấy điều này, khi
chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ cuối năm 2007 xuất phát từ nước
Mỹ, mà đến nay, một số nước tư bản vẫn chưa thể thoát ra, như Hy Lạp là một thí
dụ. Phong trào “Chiếm phố Uôn” với biểu ngữ “99% người nghèo chống lại 1% người
giàu” thời kỳ đó không chỉ diễn ra trên đất Mỹ, mà còn lan rộng ra một số nước
tư bản phát triển, phản ánh sự bất lực của hệ thống tư bản trong việc giải
quyết vấn đề công bằng xã hội. Đứng trước sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản đang
lộ ra ngày càng rõ, nhiều người lại tìm đọc Mác. “Tư bản luận” trở thành sách
bán chạy ở ngay các nước tư bản, như: Pháp, Đức, Anh, I-ta-li-a, Nhật Bản, v.v.
Theo giám đốc nhà xuất bản Berlin Karl-Dietz (nơi giữ bản quyền các tác phẩm
của C. Mác): “Tư bản luận” bán ra trong tháng 10 năm 2008 tăng gấp 3 lần so với
năm 2005, mà khối độc giả đông nhất là giới trẻ. Ở I-ta-li-a, nhà xuất bản
Niu-tơn Com-tơn cũng bán được 5.000 bộ “Tư bản”; ở Nhật Bản, truyện tranh
chuyển thể từ “Tư bản luận” bán được 6.000 bản chỉ trong hai tuần đầu tháng 12
năm 2008. Giải thích cho hiện tượng đó, nhà sử học người Anh Ê-rích Hô-xbon đã
nói rằng: “Chính là những người tư bản, chứ không phải ai khác, đã tái phát
hiện Mác” và “Việc quay trở lại đọc Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên
cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản, và về vị trí của học thuyết đó
trong sự phát triển của xã hội loài người”.
Cũng trong thời gian này, nhiều
nhà khoa học thuộc các trường phái, quốc gia khác nhau cũng tập trung nghiên
cứu, bình luận về Mác. Đầu năm 2011, trường Đại học
Tổng hợp Yale, một trường đại học danh tiếng của Mỹ đã lựa chọn xuất bản
cuốn sách Tại sao Mác đúng? của Terry Eagleton – giáo sư
Trường Đại học Tổng hợp Lancaste (Vương quốc Anh) gây nhiều chú ý của công
luận. Tác giả cuốn sách không chấp nhận định kiến cho rằng “chủ nghĩa Mác đã
chết và không cần phải nhắc đến nữa”. Ông lựa chọn 10 vấn đề phổ biến nhất mà
người ta phê phán Mác để phân tích, lý giải, đưa ra những minh chứng phản bác
và đi đến khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Bình luận về cuốn sách này,
tờ Financial Times ra ngày 27-5-2011 cho rằng, tác giả cuốn
sách xứng đáng là ứng viên giải Nobel Kinh tế vì đã “làm sống lại Mác” và
khẳng định rằng: “cách tiếp cận của Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ
nghĩa tư bản”[3].
Những thực tế nói trên là minh
chứng thuyết phục để bác bỏ các quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác đã lạc hậu,
không còn giá trị và củng cố thêm những tiên đoán của một số học giả tư sản về
thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của chủ nghĩa Mác. Giắc-cơ Đê-ri-đa, triết gia hiện
đại có uy tín ở Mỹ và Pháp, đã kêu gọi nhân loại hãy “Trở về với Mác”, rằng
nhân loại “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của
Mác”[4].
Ngay cả Brê-din-xki, tác giả cuốn sách “Thất
bại lớn – sự hưng vong của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX”, mặc dù rất thù
ghét chủ nghĩa Mác, cũng phải thừa nhận chủ nghĩa Mác vẫn là một vũ khí sắc bén
để nhận thức và cải tạo thế giới, khi viết rằng: “Đối với những phần tử trí
thức giàu năng lực phân tích giám định, thì lý luận chủ nghĩa Mác đã cung cấp
cho họ chiếc chìa khóa để hiểu biết lịch sử nhân loại, là một phương pháp phân
tích đánh giá xã hội, phân tích nguyên nhân những biến động chính trị, là một
lý luận chặt chẽ khám phá những bí mật của đời sống kinh tế, và một loạt những
kiến giải vì nhân tố động cơ xã hội. Khái niệm về phép biện chứng lịch sử xem
chừng là phương pháp giá trị nhất để xử lý các mâu thuẫn hiện thực ”[5]. Tìm
hiểu sự điều chỉnh, thích nghi của chủ nghĩa tư bản đương đại, A. Dinoviep đã chỉ
ra sự cố gắng của chủ nghĩa tư bản trong việc khai thác những di sản của Mác và
tận dụng những thành quả của phong trào cộng sản trong thế kỷ XX. Ông khẳng
định rằng: “Phân tích thế giới Phương Tây, tôi có thể chỉ ra rằng Phương Tây đã
vay mượn biết bao thứ và đã làm những gì dưới ảnh hưởng những thành quả của
phong trào cộng sản ở thế kỷ XX”[6].
Còn Đi-đi-ê Ê-ri-bông, nhà chính luận Pháp vẫn khẳng định: sức sống mãnh liệt
của học thuyết Mác là bất diệt và vai trò dẫn đường thời đại mới vẫn chính là
chủ nghĩa Mác[7]. Vậy là,
chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong thế giới
đương đại; và do đó, vẫn luôn là nền tảng tư tưởng để các tổ chức cách mạng của
giai cấp công nhân, các ĐCS chân chính đề ra đường lối chiến lược, sách lược
cách mạng của mình.
Thứ tư, Đảng ta kiên định
vào nền tảng tư tưởng đã lựa chọn, bởi
thực tiễn cách mạng VN dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rõ: đây là ngọn
đèn soi sáng con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc và đem lại hạnh phúc
cho nhân dân. Điểm lại lịch sử cách mạng nước ta từ cuối thế kỷ XIX, đầu
thế kỷ XX có thể thấy: trước khi ĐCSVN ra đời, con đường giải phóng của dân tộc
VN “đen tối như không có đường ra”. Các phong trào đấu tranh của nhân dân ta
chống thực dân Pháp nổ ra liên tục, trên khắp cả ba miền, và đều sáng ngời tinh
thần yêu nước, ý chí quật cường, nhưng không có một thành công. Sở dĩ như vậy,
vì đường lối cứu nước của những người chủ xướng các phong trào đó hoặc là dựa
trên hệ tư tưởng phong kiến, tư sản, hoặc là dựa trên lập trường của giai cấp
nông dân, tiểu tư sản, nên đã không còn phù hợp với xu thế của thời đại mới,
không có được lực lượng chính trị có khả năng đoàn kết toàn dân tộc để giải
quyết những mâu thuẫn cơ bản của xã hội VN lúc này. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc – Hồ Chí Minh tiếp cận được CN M-L và truyền bá tư tưởng đó vào VN, tổ
chức ra ĐCSVN, thì bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước của dân tộc ta
mới được tạo ra; đánh dấu sự kết thúc thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối
cứu nước của dân tộc, đưa cách mạng VN tiến lên. Từ chủ nghĩa yêu nước, bôn ba
khắp năm châu, tiếp cận với nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ
nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”[8]
và “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường
cách mạng vô sản”[9]. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN và lãnh tụ Hồ Chí
Minh, dưới ánh sáng của CN M-L, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội, nhân dân ta đã làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử: “Nước
ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do,
phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã
trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình
trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[10].
Cũng cần nhận thấy rằng, trong
công cuộc xây dựng xã hội mới, Đảng ta cũng phạm phải sai lầm, khuyết điểm.
Nhưng những sai lầm, khuyết điểm đó đều xuất phát từ việc Đảng nhận thức và vận
dụng không đúng với tinh thần và bản chất của học thuyết M-L, chứ không phải do
bản thân học thuyết đó vốn có sai lầm. Điều này đã được Đảng ta công khai thừa
nhận ở Đại hội VI (năm 1986), được khẳng định tại Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011):
“Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm,
khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật
khách quan”[11]. Do
vậy, không thể vin vào những vấp váp, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của
Đảng thời gian qua để bác bỏ vai trò của CN M-L đối với cách mạng VN.
Nhận thức đúng nguyên nhân của
những sai lầm, khuyết điểm, tại Đại hội VI, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi
mới trên cơ sở trung thành và vận dụng sáng tạo CN M-L, TT HCM vào điều kiện cụ
thể của VN, đề ra đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế từ những năm cuối thế
kỷ XX đến nay, công cuộc đổi mới của nhân dân ta vẫn giành được nhiều thành tựu
to lớn trên tất cả các phương diện. Nước ta đã trở thành nước đang phát triển
có mức thu nhập trung bình do kinh tế liên tục tăng trưởng khá trong nhiều năm;
công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả ngoạn mục (năm 2014, số hộ
nghèo chỉ còn gần 6%), được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu
trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần
của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết
toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; quốc
phòng, an ninh được giữ vững, nước ta được xem là một trong những nơi an toàn
nhất thế giới, là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài. Đánh
giá những thành tựu trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, nhân kỷ
niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa VN và các nhà tài trợ tháng 10-2013, bà
Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại VN cho rằng “Hai mươi năm qua đã
chứng kiến những tiến bộ phát triển vượt bậc của VN. Ngày nay, VN là một nước
có thu nhập trung bình. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng
10% năm 2012, với hơn 30 triệu người thoát nghèo. Các chỉ số phúc lợi xã hội
hiện nay cao hơn phần lớn các nước có mức thu nhập cao hơn. Phần lớn người dân VN
được hưởng nền giáo dục tốt hơn. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh ở VN thấp hơn
nhiều so với các nước trong khu vực. 95% số dân nông thôn VN có điện lưới, so
với 83% ở Phi-li-pin và 74% ở In-đô-nê-xi-a. VN đã đạt được năm trong số tám
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành
nốt hai mục tiêu nữa vào năm 2015. Năm 2010, VN đứng thứ sáu trên toàn cầu về
tiến triển hoàn thành MDGs. Có thể nói, những thành tựu của VN trong 20 năm qua
là rất nổi bật; mà thành công có được đầu tiên là nhờ vào tầm nhìn và quyết tâm
của lãnh đạo Chính phủ, cũng như tinh thần chịu khó và khởi nghiệp của người
dân VN”. Trong Báo cáo Phát triển con
người toàn cầu (HDR) 2014, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp
quốc tại VN, bà Pratibha Mehta cho biết: “VN là một trong những nước rất năng
động và đạt được tiến bộ HDR rất nhanh. Chỉ số phát triển con người của VN
(HDI) đã tăng 41% trong vòng hai thập kỷ qua. Năm 2012, VN đứng thứ 127/187
quốc gia và vùng lãnh thổ; năm 2014 tiến lên đứng thứ 121, ở mức trung bình của
thế giới”. Bên
cạnh đó, vị thế và uy tín của VN và ĐCSVN trên trường quốc tế ngày
càng được nâng cao. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 180 trong 193
quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó, có quan hệ đối tác chiến lược với
13 nước, đối tác toàn diện với 11 nước, gồm tất cả 5 nước thường trực Hội đồng
bảo an; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành
viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Ngày nay, nước ta đã trở
thành thành viên chính thức của WTO; được 183/190 nước thành viên bầu là Ủy
viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009;
184/192 nước thành viên bầu là Ủy viên Hội đồng Nhân quyền thế giới nhiệm kỳ
2014 - 2016; là Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013 – 2017. Cùng với đó là hàng
loạt chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta (Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội) đến Trung Quốc,
Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, một số nước Tây Âu và Va-ti-can…, cũng
như nguyên thủ các nước này đến thăm nước ta đã khẳng định vị thế quan trọng
ngày càng tăng của VN và ĐCSVN.
Những thành tựu đạt được trong sự
nghiệp đổi mới 30 năm qua có một nguyên nhân rất cơ bản là Đảng và nhân dân ta thực
hiện công cuộc đổi mới trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo CN M-L, TT HCM
vào thực tiễn cách mạng VN. Đó là minh chứng sinh động cho sức sống của CN M-L
ở VN. Vì thế, không có lý do gì mà từ bỏ CN M-L với tư cách là nền tảng tư
tưởng của Đảng cả.
Làm gì để tăng cường lòng tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng
Phá hoại lòng tin của cán bộ,
đảng viên và nhân dân vào CN M-L là thủ đoạn thường trực của các thế lực chống
cộng; nhưng hiệu quả của những thủ đoạn đó lại phụ thuộc một cách quyết định
vào chính chúng ta. Để thường xuyên củng cố, tăng cường lòng tin vào nền tảng
tư tưởng của Đảng, cần thực hiện nhiều giải pháp, tập trung vào những giải pháp
chủ yếu sau:
Một là, tổ chức tốt cuộc đấu tranh vạch trần những quan điểm sai
trái của các thế lực thù địch về CN M-L, TT HCM; làm cho mọi tầng lớp nhân dân,
trước hết là cán bộ, đảng viên nhận rõ mục tiêu sâu xa của các quan điểm sai
trái nói trên. Trên cơ sở đó, nâng cao khả năng “tự miễn dịch” trước những luận
điệu tuyên truyền xuyên tạc bản chất, vai trò, ý nghĩa, giá trị to lớn của CN
M-L và TT HCM đối với cách mạng VN.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng
lý luận M-L, TT HCM, trước hết trong hệ thống nhà trường, cho đội ngũ cán bộ
chủ chốt; đảm bảo việc học tập các bộ môn M-L, TT HCM tại đây được tiến hành
một cách thực chất, để người học nắm được thực chất những nguyên lý cơ bản của CN
M-L, TT HCM, làm cơ sở xem xét, phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị, xã
hội diễn ra trong đời sống hiện thực. Việc tổ chức bồi dưỡng CN M-LN, TT HCM
cho các lớp tạo nguồn đang được xúc tiến trong thời gian gần đây là một hướng
đi đúng, cần được thực hiện kiên trì, bền bỉ, nghiêm túc.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và truyền bá CN M-L, TT
HCM. Cần tiếp tục làm rõ trong học thuyết M-L, những luận điểm còn giữ nguyên
giá trị, những luận điểm cần hiểu lại cho đúng và những luận điểm cần phát
triển cho phù hợp với bối cảnh lịch sử mới. Bên cạnh đó, cần chống lại các
khuynh hướng đem đối lập TT HCM với CN M-L, hòng phủ nhận vai trò của cả CN M-L
lẫn TT HCM đối với cách mạng VN.
Bốn là, tăng cường các biện pháp hiện thực hóa lý tưởng của chủ
nghĩa xã hội trong đời sống hiện thực. Bởi lẽ, “lý luận thì màu xám, cây đời
mới xanh tươi”, nên đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định nhất.
Người dân ngày nay chỉ coi lý tưởng của CN M-L là cao đẹp, khi tận thấy các
thành quả của công cuộc xây dựng đất nước theo lý tưởng đó. Để làm được điều
này, không thể sốt ruột, nhưng cũng không thể chậm trễ. Theo đó, phải thực hiện
đồng bộ rất nhiều biện pháp đúng đắn về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội,
quốc phòng, an ninh, đối ngoại… nhằm đảm bảo cho nước ta: “kinh tế phải vững,
quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã
hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”[12]. Việc
làm cấp bách hiện nay là chúng ta phải thực hiện một cách kiên trì NQTW 4 (khóa
XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm xây dựng Đảng ta
thật sự “là đạo đức là văn minh”; tập trung chăm lo xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh cả về bản chất chính trị và năng lực quản lý,
đảm bảo cho Nhà nước ta thực sự là Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Theo đó,
cùng với quyết liệt đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí, cần chăm lo xây dựng đội ngũ công chức, viên chức “vừa hồng,
vừa chuyên”, thật sự là “công bộc” của dân; đồng thời, phải hết sức coi trọng tính
chất “an dân” của việc ban hành và thực thi các chính sách trong phát triển
kinh tế, quản lý xã hội, v.v.
Với việc thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải
pháp chủ yếu nói trên, niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào hệ tư
tưởng mà Đảng ta đã lựa chọn sẽ luôn được giữ vững, không kẻ thù nào có thể phá
vỡ nổi.
[1] - Hồ
Chí Minh - Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG,
H. 1995, tr. 268.
[2] -
A. Dinoviep - Người vĩ đại nhất của thế
kỷ XX, Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện CTQG HCM, số 9 (5-2004).
[3] - http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-marx/tai-sao-marx-dung-
[4] -
Giắccơ Đêriđa - Những bóng ma của Mác,
Nxb CTQG, H. 1994, tr. 16.
[6] -
A. Dinoviep - Người vĩ đại nhất của thế
kỷ XX, Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện CTQG HCM, số 9 (5-2004).
[7] -
Báo Người quan sát, ngày 17-10-1993.
[8] - Hồ
Chí Minh- Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG,
H. 1995, tr. 268.
[9] - Sđd, tập 9, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 314.
[10] -
ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64.
[11] -
Sđd, tr.64
[12]
- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tám
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI , Nxb CTQG, H. 2013, tr. 169.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét