Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

MỸ VÀ SỰ GIẢM SÚT ẢNH HƯỞNG Ở TRUNG ĐÔNG


Sự xuống dốc của Đế chế: Mỹ đang mất ảnh hưởng tại Syria và vùng Trung Đông nói chung
Lệnh ngừng bắn ở Syria đang được tuân thủ khá tốt. Thỏa thuận về Syria sắp diễn ra với nhiều hy vọng hòa bình cho Syria. Điều đáng nói, trong tất cả những diễn biến quan trọng đó, Mỹ, bên xuất hiện ngay từ đầu cuộc nội chiến, lại không có mặt.
Theo tờ Bloomberg, việc lệnh ngừng bắn mới nhất ở Syria có kéo dài được hay không dường như không được chú ý bằng nguồn gốc của nó bởi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã làm trung gian cho thỏa thuận này mà không cần sự tham gia của Mỹ. Đây là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này đã sụt giảm nghiêm trọng.
Thỏa thuận ngừng bắn hiện tại đã gần như cô lập các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn trong cuộc nội chiến Syria. Vì thỏa thuận ngừng bắn không có mặt Mỹ nên lực lượng này đã thực sự "bơ vơ" ở Syria.
Cho dù sự sụt giảm vai trò của Mỹ ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung có là tạm thời hay vĩnh viễn thì Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thiếu cả đòn bẩy và vị thế để làm một phần quan trọng hay ít nhất là có một vị trí trong cuộc đàm phán hòa bình về Syria.
Thậm chí, việc các phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn có không tham dự các cuộc đàm phán về hòa bình tại Syria với lý do quân Chính phủ Syria liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn cũng không còn quan trọng. Tiếng nói của họ không còn có giá trị như trước nữa.
Hiện Nga gần như có toàn quyền chọn phe phái nào sẽ tham gia đàm phán về hòa bình về Syria. Bộ Quốc phòng Nga đã chọn các nhóm mà họ coi là phe đối lập ôn hòa để tham gia vào các cuộc đàm phán sắp tới, trong đó ngoài nhóm Quân đội Tự do Syria (FSA) còn có các nhóm khác như Faylaq al-Sham, Ahrar al-Sham, Jaysh al-Islam, Thuwwar Ahl al-Sham, Jaysh al-Mujahidin, Jaysh Idlib và Jabhah al-Shamiya.
"Nhượng bộ" duy nhất của Nga là chấp nhận cho Jaysh al-Islam, một tổ chức mà Nga liệt vào nhóm khủng bố, tham gia vào cuộc đàm phán này.
Ngay cả khi lệnh ngừng bắn lần này ngắn ngủi hơn so với những lệnh ngừng bắn có sự tham gia của Mỹ trước đó, thì nó cũng có ảnh hưởng lớn với những thỏa thuận về Syria trong tương lai.
Bloomberg cho rằng, trong thỏa thuận hòa bình về Syria sắp tới, ba quốc gia đàm phán đã chọn "vùng ảnh hưởng" ở Syria. Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tiếp tục lãnh đạo Syria trong nhiều năm nữa và sau đó sẽ chuyển giao quyền lực cho một thành viên khác cũng thuộc dòng thiểu số Alawite của ông.
Ngoài ra, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng với chính phủ Syria tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các lực lượng khủng bố al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Nga sẽ chấm dứt hỗ trợ quân sự trực tiếp cho chính phủ Syria. Người Ả Rập Sunni, những người chiếm đa số trong các nhóm phiến quân, sẽ có được sự tự chủ hơn. Trong khi đó, người Kurd ở Syria, lực lượng đang được Mỹ hậu thuẫn hiệu quả nhất, sẽ chẳng đạt được gì.
Về mặt chiến lược, lợi ích của các bên khác nhau trong thỏa thuận còn lớn hơn. Nga sẽ có nhiều ảnh hưởng ở Trung Đông hơn bất cứ thời điểm nào kể từ thời Liên Xô. Iran sẽ có quyền truy cập vào Lebanon bằng đường bộ, tăng ảnh hưởng ở Iraq và có thể chuyển vũ khí cùng nhiều vật tư khác cho nhóm Hezbollah ở Lebanon. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được sự ổn định ở khu vực biên giới phía nam khi đảm bảo được rằng người Kurd ở Syria, vốn có mối liên hệ với phong trào ly khai của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, không thể ly khai khỏi Syria. Trong khi đó, ông Assad sẽ nắm quyền trong vài năm nữa.
Khác với người Kurd ở Syria, đối tượng bị thiệt thòi nhất trong thỏa thuận này là người Sunni ở Iraq bởi họ sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng lớn hơn của Iran. Israel sẽ phải đối mặt với phong trào chống đối Hezbollah ngày càng mạnh. Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập sẽ bị giảm ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran .
Và bên mất mát nhiều nhất là Mỹ. Theo tờ Bloomberg, về cơ bản, chính quyền Obama đã mất đi gần hết khả năng ảnh hưởng ở Syria. Nguyên nhân là bởi Mỹ đã không thể tạo ra được một vùng an toàn ở đông bắc Syria trước khi Nga trực tiếp hỗ trợ quân sự cho chính phủ Syria.
Nhiệm vụ của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ là lập ra một kế hoạch thực tế để cùng Nga và chính phủ Syria tấn công IS và các nhóm khủng bố khác, tạo ra một khu vực an toàn ở phía đông bắc Syria sau khi Nga rút lui, đồng thời thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ dừng chống lại người Kurd ở Syria. Quan hệ thân thiết giữa Nga và ông Donald Trump đang tạo ra hy vọng rằng, hòa bình tại Syria có thể trở thành hiện thực vào năm 2017.
Bloomberg cho rằng, những bước này sẽ cho phép Mỹ cứu vãn một cái gì đó từ những thất bại ở Syria. Thật không may, đã quá muộn để sửa chữa những thiệt hại đối với tầm vóc và ảnh hưởng của Mỹ ở Syria hay Trung Đông.
Hy vọng duy nhất của Mỹ là lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn. Lực lượng này đang đặt mục tiêu chiếm lại Mosul tại Iraq rồi tiến tới giải phóng "thủ phủ" Raqqa của IS tại Syria. Nếu làm được như vậy, Mỹ sẽ kiếm lại được chút ảnh hưởng ở Syria. Tuy nhiên, cho đến nay, lực lượng này vẫn chưa tiến được vào rìa Mosul.
Theo Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét