Điều đầu tiên mà một số nhân vật đội lốt "nhà dân chủ"
đòi hỏi là phải tách rời công tác lập pháp khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Họ cho
rằng, nếu Hiến pháp, pháp luật chỉ là sự thể chế hóa đường lối, nghị quyết của
Đảng thì hệ thống pháp luật ấy chỉ bảo vệ lợi ích của Đảng. Họ cũng luôn nhấn
mạnh và đề cao cái gọi là “tam quyền phân lập” như một đỉnh cao toàn bích của
mô hình nhà nước hiện đại. Theo họ, chỉ có từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam
mới có được “cơ chế kiểm soát quyền lực” hiệu quả nhất. Mấy năm gần đây, họ
tiến hành nhiều “chiến dịch” rầm rộ để cổ xúy cho cái gọi là “xã hội dân sự”,
coi xã hội dân sự là một “trụ cột” của quản lý xã hội hiện đại, là xu thế tất
yếu của thời đại. Thực chất của sự đề cao này chỉ là hướng tới mô hình đa
nguyên, đa đảng.
Về nội dung lập pháp, còn nhớ cách đây 3 năm, khi Quốc hội nước
ta sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp, đã có rất nhiều “phong trào” mang tên gọi mỹ
miều như “cùng viết Hiến pháp”, “lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp của các nhân sĩ,
trí thức”... Nhận thức hiến pháp là đạo luật gốc của mọi đạo luật nên các trào
lưu nhân danh đổi mới đều tập trung “bẻ lái” thể chế thông qua hàng loạt vấn đề
lớn của Hiến pháp như: Bỏ điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo Nhà nước và
xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi tư nhân hóa đất đai, bỏ thành phần kinh
tế Nhà nước, cho phép báo chí tư nhân, tự do lập hội, đòi tự do, dân chủ, nhân
quyền theo mô hình dân chủ phương Tây... Sau khi Hiến pháp được thông qua,
những chiêu trò chống phá vẫn tiếp tục gắn với từng đạo luật và “trục” bẻ lái
chính vẫn xoay quanh những vấn đề cơ bản nêu trên.
Về quy trình lập pháp, họ đòi hỏi phải được tự do hóa, áp dụng
mô hình, kỹ trị lập pháp của các nước phương Tây; mọi nghị sĩ, mọi đoàn thể
trong xã hội đều được tự do trình dự án luật trước Quốc hội. Họ cũng đòi hỏi
các bộ, ngành không được tham gia xây dựng pháp luật nhưng các “nhà dân chủ”,
các tổ chức “xã hội dân sự” lại phải là hạt nhân trong xây dựng hệ thống pháp
luật...
Thời gian qua, internet và mạng xã hội là địa hạt vàng để họ
triển khai các chiêu trò chống phá thông qua nhiều trang web chuyên đề về phổ
biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức, hành trang pháp lý... Cũng có không ít
luật sư, luật gia đã bị họ lợi dụng, kích động, lôi kéo trở thành “hạt nhân đổi
mới trên lĩnh vực pháp lý”, “chỗ dựa của người nghèo, dân oan”, gắn hoạt động
tư vấn pháp luật, hành nghề luật với việc truyền bá tư tưởng chống phá, gây
chia rẽ nội bộ, khoét sâu các mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan công quyền.
Để công tác lập pháp của chúng ta luôn đúng hướng, hệ thống pháp
luật thực sự là “thần linh pháp quyền” của Nhà nước pháp quyền XHCN, trước hết,
phải luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong công tác lập pháp, tiếp tục nâng
cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số
48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến
năm 2010, định hướng đến năm 2020. Sự lãnh đạo của Đảng không hề tạo mâu thuẫn
lợi ích trong xây dựng pháp luật mà chính nhằm định hướng và cân bằng lợi ích bởi
như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, ngoài lợi ích của toàn thể nhân dân lao
động, Đảng ta không có lợi ích nào khác.
Để hệ thống pháp luật không bị “bẻ lái” thì nó phải được xây
dựng nhất quán, đồng bộ và luôn được hoàn thiện theo đúng Hiến pháp và các
chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội đề ra. Chỉ khi được đặt trong
một bức tranh tổng thể thống nhất, hệ thống pháp luật mới tránh được sự mâu
thuẫn, chồng chéo và không thể có “kẽ hở” cho những sự "bẻ lái".
Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là chúng ta phải kiên định,
kiên quyết đấu tranh với những thủ đoạn, âm mưu phá hoại, gây bất ổn xã hội
bằng cách lợi dụng các kẽ hở pháp lý. Có thể dẫn chứng quan điểm đòi bác bỏ
Điều 258 Bộ luật Hình sự thời gian qua. Mặc dù có nhiều lực lượng nhân danh dân
chủ, xã hội dân sự, thậm chí thông qua các tổ chức quốc tế đòi chúng ta bỏ Điều
258, nhưng Nhà nước ta vẫn giữ nguyên quan điểm và đưa nội dung này vào Điều
331 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trước
đó, đã có một số quan điểm cho rằng, Điều 258 không phù hợp với luật pháp quốc
tế và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, dễ dẫn đến sự lạm
dụng quyền lực của cơ quan công quyền. Một số người nhân danh tổ chức xã hội
dân sự còn cho ra đời cái gọi là “Tuyên bố 258” để vận động các tổ chức quốc tế
gây sức ép buộc Việt Nam phải bỏ Điều 258. Tuy nhiên, sau nhiều thảo luận đi
đến thống nhất, Quốc hội vẫn giữ nội dung này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để
đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và xã hội. Nội dung này cũng vẫn phù hợp với
các công ước quốc tế và tương đồng với luật pháp của nhiều quốc gia trên thế
giới, như ngay ở Mỹ, Hiến pháp Mỹ quy định Tòa án tối cao được phép đưa ra những
trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu
khống, xúc xiểm nhà nước, xã hội và cá nhân. Hay Bộ luật Hình sự của CHLB Đức
cũng quy định tội “Tuyên truyền bất hợp pháp”.
Xây dựng hệ thống pháp luật đủ và mạnh, đáp ứng
yêu cầu quản lý đất nước trong thời kỳ đổi mới là đòi hỏi thường xuyên và cấp
bách nhưng cũng là công việc khó khăn, cần phải thận trọng, xây phải luôn đi
đôi với chống, không vì số lượng mà xem nhẹ chất lượng... Có như vậy, hệ thống
pháp luật mới thật sự là đòn bẩy của đổi mới, là cán cân của công lý, là nền
tảng của Nhà nước pháp quyền XHCN.Phương Thế Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét