QĐND - Cách đây vừa tròn 40 năm, khi nhận được tin báo, tướng Dương Văn Minh-tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng, cả đất nước như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Những người dân từ già đến trẻ, những sĩ quan và binh sĩ ở khắp các vùng quê, khắp các chiến trường đều lâng lâng trong niềm vui khôn xiết, họ ôm nhau, hô đến lạc cả giọng: Chiến thắng, chiến thắng rồi! Cuộc chiến tranh dai dẳng dài ngày mà đế quốc Mỹ thế chân thực dân Pháp trên chiến trường với các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đều lần lượt phá sản và kết cục là họ phải cuốn cờ, cúi đầu, ôm hận ra đi. Lịch sử hiện đại sẽ làm cho nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự chắc chắn còn mất nhiều công sức sưu tầm và thời gian nghiên cứu để đánh giá về kết cục của cuộc chiến này. Song dù có đánh giá thế nào, có nghiên cứu thế nào đi nữa, thì sự thật đã rõ ràng và Chiến thắng 30-4-1975 vẫn là một chiến thắng có ý nghĩa lớn lao, một mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh giữ nước và khôi phục sự thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Người dân xóm Chiếu, khu Tân Thuận (Sài Gòn) hân hoan chào đón Bộ đội Giải phóng và mừng chiến thắng ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
|
Đánh giá về ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử ngày ấy, Đảng ta đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất. Một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc”.
Nhớ lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân cả nước, mà trực tiếp là quân dân miền Nam trực diện tại chiến trường, chúng ta càng củng cố lòng tin và tự hào về sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong xử lý chiến tranh, đó là khi cần kiên trì căng kéo đối phương để tạo ra tâm lý bất an cho chúng, đồng thời tranh thủ củng cố thế lực của ta thì chúng ta cũng đã thành công. Khi cần tốc độ thì chúng ta dùng tốc độ thần kỳ “một ngày bằng cả hai mươi năm”. Chính cách ứng xử với chiến tranh và chiến trận của Đảng ta như vậy đã tạo cho quân viễn chinh Mỹ và chính quyền Sài Gòn luôn bị động, bất ngờ, nhất là chiến dịch Xuân 1975. Nhiều tướng lĩnh của Mỹ-ngụy đã bất ngờ đến sửng sốt, ngạc nhiên, lúng túng đến kinh hoàng trước việc Đảng ta điều hành chiến tranh, chiến trận chủ động và tận dụng triệt để mọi thời cơ để vươn lên làm chủ từng vùng, tiến lên làm chủ toàn bộ chiến trường.
Nhớ lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng ta càng tự hào về tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ, của các lực lượng vũ trang nhân dân. Có thể nói, từ Bộ chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam đến người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường đều toát lên tinh thần nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của Đảng, của nhân dân và thấm sâu lời Bác Hồ đã dạy: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Với mưu kế thế trận được đúc rút từ tổ tiên ta đánh giặc, với thực tiễn của chiến tranh và để có sức mạnh quân sự cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng ta đã dày công xây dựng lực lượng, tăng cường luyện cán, chỉnh quân để khi cần tập trung lực lượng, khi hợp đồng tác chiến ở quy mô lớn, cường độ cao, chúng ta đã hoàn toàn chủ động. Nhìn lại cuộc tiến công tổng lực của quân và dân chúng ta vào hang ổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, với năm cánh quân hợp vây khác nào một chiếc thòng lọng khổng lồ đang dần dần thít lại, mà bọn cố vấn và chính quyền Sài Gòn không có lối thoát ra.
Nhớ lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, chúng ta nhớ lại những đoàn quân đầu trần, chân đất, người súng, người dao, gậy gộc, đòn seo đã rầm rập kéo về các chi khu, các quận lỵ, tỉnh lỵ phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của quân chủ lực và nổi dậy của quần chúng nhân dân. Đòn phối hợp tấn công này càng làm cho bọn địch hoang mang hoảng loạn, nhiều nơi tan vỡ đầu hàng rất nhanh. Nói về chiến cuộc Xuân 1975, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia quân sự đều có chung một nhận xét: “Đây là một chiến dịch lớn nhất, được huy động số quân, số người và binh khí, khí tài lớn nhất, hiện đại nhất của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lúc bấy giờ.
Tại cuộc hội thảo cấp Nhà nước về 30 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong bài tham luận của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (do người đại diện của Đại tướng đọc) đã khẳng định rằng, quân ta “vượt trội” về mọi mặt cả số lượng và chất lượng. Và chiến thắng của trận đánh cuối cùng là một điều tất yếu.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đã thống nhất, nhân dân có cuộc sống thanh bình, tuy chưa thật đầy đủ về vật chất, song chúng ta có quyền tự hào là người dân của đất nước hòa bình. Những người đã từng gắn bó đời mình trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước thì những ngày tháng năm này lại gợi lên nhiều ký ức. Vui nhiều nhưng đau thương cũng lớn, bởi một lẽ còn biết bao người dân, biết bao đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, nay vẫn chưa trở về với Đất Mẹ, chưa được trả lại họ tên, đây là nỗi khắc khoải khôn nguôi của những người đang sống.
Chiến tranh là điều không ai mong muốn, chiến thắng nào cũng có giá phải trả đi kèm. Tấm gương hy sinh anh dũng vì dân, vì nước của các anh hùng liệt sĩ sẽ là động lực để chúng ta đoàn kết xung quanh Đảng, cùng với Đảng, với dân, với Quân đội anh hùng quyết giữ gìn thành quả cách mạng mà chúng ta phải gian khổ, hy sinh mới có được.
Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét