Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Phòng, chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong sử dụng mạng xã hội

QĐND – Mạng xã hội là một sản phẩm văn minh của công nghệ thông tin, có nhiều tiện ích to lớn trong đời sống hiện đại. Thế nhưng nếu chủ quan, đơn giản, nhiều người sẽ bị “lạc lối” trên mạng xã hội, thậm chí nguy hiểm hơn là vô hình trung gián tiếp tán phát những thông tin xấu độc, hoặc rò rỉ thông tin bí mật Nhà nước, gây hại cho cộng đồng; thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước…
Từ vô tình bị lợi dụng đến vi phạm pháp luật
Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi gần đây, TS Lê Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, cho biết, rất cần định hướng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trước “ma trận thông tin” trên mạng xã hội. Chẳng hạn, thông tin về một số cuộc tuần hành liên quan tới biển, đảo, bảo vệ cây xanh trên mạng xã hội được gắn với cái mũ “yêu nước”. Nếu không biết bản chất sự thật của thông tin, giới trẻ rất dễ bị “lạc lối” trên mạng xã hội, bị lôi kéo hoặc ít ra là đồng tình, sẻ chia, tán phát thông tin xấu độc mà không biết.
Trung tá Uông Thiện Hoàng, giảng viên Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng), là người đã tham gia giảng dạy nhiều khóa giáo dục quốc phòng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội cũng rất trăn trở trước thực tế có cán bộ, giáo viên, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, người có uy tín sử dụng trang mạng xã hội cá nhân đã tán phát thông tin xấu độc, sai sự thật. Trong đó có thầy giáo ở một trường THPT ở Hà Tĩnh dạy giỏi và hiện vẫn có rất nhiều học sinh đến học thêm khi ông nghỉ hưu. Tuy nhiên, đáng tiếc là trên trang facebook cá nhân, ông thường xuyên đăng lại các bài về những hạn chế, tiêu cực xã hội kèm theo các bình luận, suy diễn chủ quan... cổ xúy học sinh, sinh viên nói xấu chế độ, gieo rắc tâm lý chán chường, bi quan cho giới trẻ. Đáng phê phán hơn phải kể đến một dịch giả, nhà thơ, nhà văn nguyên là cán bộ của một bộ, nay là cán bộ một ban của Hội Nhà văn Việt Nam. Thời chống Mỹ, ông này được Nhà nước cho đi học tập ở nước ngoài nhưng nay nghỉ hưu lại thường xuyên có những bài thơ dạng thơ 5 chữ với nội dung nói xấu Đảng, Nhà nước. Không ít người chưa hiểu rõ bản chất nhân vật này nên thường chia sẻ những bài thơ trên cho bạn bè qua trang cá nhân.
Ảnh minh họa
Người dùng mạng xã hội khi phản biện xã hội cũng dễ mắc nhiều sai lầm. Những ngày qua, cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì trên facebook của một nhà báo đang làm việc tại cơ quan báo chí của tổ chức Đoàn lại đăng tải nhiều bài viết, bài thơ có biểu hiện “xét lại lịch sử”. Thậm chí trên trang cá nhân, đi kèm link các bài đăng báo của mình, anh này còn có những lời lẽ xúc phạm cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trên thực tế đã có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đáng tiếc trong sử dụng mạng xã hội. Vụ việc nhóm thanh niên dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai khi tham gia facebook đã bị các đối tượng phản động nước ngoài lôi kéo dùng trang cá nhân tuyên truyền cho “Tin lành Đề Ga” quả là một bài học đắt giá. Tương tự, vụ việc một thầy giáo dạy ngoại ngữ ở thị xã Phú Thọ dùng facebook để đăng tải những thông tin cho các lực lượng “dân chủ” khiến nhiều học sinh hoang mang. Tuy nhiên, ông này đã bị cơ quan chức năng xử lý dù bao bọc dưới cái vỏ tinh vi “thông tin do bạn bè chia sẻ”.
Theo lãnh đạo Cục An ninh Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an), hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch bên ngoài đã tác động không nhỏ, gây ra những hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nước. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong những vụ, viện, trường học viết bài có nội dung trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước rồi phát tán trên internet. Những người này có thể bị kích động, lôi kéo, lợi dụng; từ việc được kẻ xấu phỏng vấn, đăng tải, khuếch trương các bài viết của họ tới việc sử dụng hình ảnh, đưa họ tham gia vào những hoạt động mang danh dân chủ, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ cây xanh… nhưng thực chất là để chống phá chế độ. Nhiều trang mạng xã hội tuy không trực tiếp đăng tin, bài có nội dung chống Đảng, Nhà nước nhưng có đường liên kết đến các trang phản động là thực trạng khá phổ biến, gây hậu quả phức tạp, vô hình trung tiếp tay cho các luận điệu sai trái. Một thống kê của Công an TP Hà Nội cho biết, có tới hơn 70% hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” được tiến hành bằng phương thức tác động tư tưởng thông qua internet, mà nhiều nhất là qua facebook và blog.
Tỉnh táo và chủ động đấu tranh
Mặc dù facebook được coi là mạng xã hội lớn nhất thế giới nhưng nó vẫn bị vắng bóng và hạn chế ở nhiều nước như: Bra-xin, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ả-rập Xê-út… Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng nhu cầu sử dụng mạng xã hội của người dân. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng internet và hơn 100 triệu thuê bao điện thoại di động, khoảng 25 triệu người sử dụng facebook.
Một số chuyên gia cho rằng, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa mạng xã hội. Theo TS Nguyễn Công Dũng, Phó tổng biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cần tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong quản lý mạng xã hội như ở Nga, từ năm 2013, “mạng xã hội facebook được nhà nước Nga yêu cầu loại bỏ "thông tin cấm”.
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Trong đó có nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và tán phát thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Còn không ít người dùng mạng xã hội chưa nắm vững các quy định này nên đã có sai phạm. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Với cán bộ, chiến sĩ LLVT, việc sử dụng mạng xã hội không bị cấm như ở nhiều quân đội trên thế giới nhưng Bộ Quốc phòng cũng đã có những quy định cụ thể để quản lý. Trong đó, mỗi quân nhân phải chú ý việc không được sử dụng mạng xã hội với tư cách quân nhân; không đăng tải, tán phát thông tin về hoạt động của các đơn vị quân đội, để lộ thông tin về quân số, vũ khí trang bị, biên chế tổ chức, hoạt động tác chiến, nghiệp vụ… Các quân nhân không được để lộ, lọt thông tin bí mật quân sự, không sử dụng mạng máy tính, thiết bị của cơ quan, đơn vị quân đội truy nhập mạng xã hội…
Mạng xã hội với đặc trưng nổi bật mang tính cá nhân, tính tương tác cộng đồng cao nhưng lại là không gian ảo rất khó kiểm chứng, kiểm soát thông tin và các mối quan hệ. Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội phải luôn tỉnh táo, có bản lĩnh vững vàng để không bị “lạc lối”. Đặc biệt, với người dùng là cán bộ, đảng viên, công chức, người tham gia các đoàn thể xã hội thì việc dùng mạng xã hội tuy chỉ là trang cá nhân nhưng có thể gây ảnh hưởng tới uy tín của tập thể, đoàn thể họ đang công tác. Việc đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến đơn vị mình hoạt động nếu thiếu cân nhắc có thể gây ra những nguy hại khôn lường.
Người sử dụng mạng xã hội cần phải thận trọng, cảnh giác, sàng lọc thông tin. Không nên đăng tải, chia sẻ thông tin từ những trang web, trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc… vì những thông tin này rất khó kiểm chứng. Vụ việc kẻ xấu tung tin bịa đặt về Hội nghị Thành Đô gần đây là một ví dụ. Chỉ từ một đường link bịa đặt của một đối tượng xấu được đài, báo hải ngoại dẫn lại; không ít trang mạng xã hội trong nước đã chia sẻ, gây dư luận xấu, sự hoang mang trong dư luận.
Mặt khác, việc dẫn nguồn, chia sẻ thông tin từ các trang báo điện tử, mạng xã hội phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Người dùng mạng xã hội không được dùng trang cá nhân chia sẻ, tổng hợp như một trang thông tin điện tử và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bình luận, những thông tin đi kèm đường link mình chia sẻ. Nên chọn lựa thông tin chính thống. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: “Mỗi người phải tự chắt lọc thông tin cho mình vì mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống. Những người dùng mạng xã hội phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra”.
 Đối với cán bộ, đảng viên, cần gương mẫu chấp hành 19 điều đảng viên không được làm, có nhiều điều liên quan đến phát ngôn. Đây cũng là vấn đề thời gian qua, còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong đó, đáng chú ý có cả phát biểu của cán bộ cấp cao về kinh tế thị trường, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, gây phân tâm trong cán bộ, đảng viên, bị nhiều đài, báo nước ngoài lợi dụng, xuyên tạc. Theo GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, không ít cấp ủy, cơ quan chính quyền, nhiều cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái. 
Sinh thời, Lê-nin từng căn dặn: Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) cũng nhấn mạnh: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng”. Những biểu hiện sai lệch trên mạng xã hội cần được cảnh báo và xử lý.
NGUYỄN VĂN MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét