(HNMO) - Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu mang lại chiến thắng vang dội giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) vẫn còn in sâu trong trong tâm trí một người lính già, đã trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Những bài học về cuộc chiến thắng năm xưa vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ hội nhập. Hànộimới có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, Tư lệnh Quân khu IV, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam về vấn đề này.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Những bài học về cuộc chiến thắng năm xưa vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ hội nhập. Hànộimới có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, Tư lệnh Quân khu IV, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam về vấn đề này.
Bản anh hùng ca bất diệt
- Sau khi Hiệp định Pari (1973) được ký kết, Mỹ buộc phải đơn phương rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo nên cục diện mới khiến cho cách mạng miền Nam phát triển rất nhah. Trung tướng có thể cho biết những quyết định có tính chiến lược của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam như thế nào?
- Sau Hiệp định Pari, quân Mỹ rút, quân ngụy đã yếu còn ngày càng mất tinh thần, tháng 10-1974, Bộ Chính trị ra quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976) nhưng nhấn mạnh nếu thời cơ phát triển có đột biết thì có thể giải phóng ngay trong năm 1975. Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên làm hướng đột phá chiến lược đầu tiên, có tính chất quyết định đến cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975. Khi đó, tôi làm Phó Tham mưu trưởng mặt trận Tây Nguyên, được ủy quyền ra Hà Nội nhận nhiệm vụ về chiến dịch này. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã xác định chọn Buôn Ma Thuột (thủ phủ Tây Nguyên) làm điểm đột phá khẩu đầu tiên. Ở Tây Nguyên lúc này địch đang có trên 3 vạn quân chủ lực, một sư đoàn không quân, 4 sư đoàn thiết giáp và nhiều trung đoàn pháo binh. Nếu so sánh lực lượng giữa địch và ta trên chiến trường thì chúng ta không hơn địch, nhưng ta đã có một kế hoạch nghi binh từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 3-1975. Đây là kế hoạch lừa địch để chúng tưởng rằng ta sẽ đánh Kon Tum hay Plây-cu. Trong khi đó, chúng ta đã bí mật đưa quân chủ lực là Sư 10 và Sư 320 đang đóng ở Kon Tum và Plây-cu về tập kết cùng với lực lượng xe tăng, pháo binh, cao xạ theo hướng Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột mà địch không hề biết. Chúng ta nghi binh bằng tất cả các biện pháp, dùng vô tuyến điện, mở đường ép vào Kon Tum, Plây-cu… để địch tưởng rằng chúng ta sẽ đánh vào khu vực này.
Ngày 4-3, quân ta ra cắt đường thì toàn bộ lực lượng địch tại Tây Nguyên đã bị giam lại, đồng thời “trói” Buôn Ma Thuột chỉ với 1 trung đoàn 53 cùng các đơn vị bảo an khoảng trên 2.000 người. Đến sáng 10-3, ta bắt đầu tấn công, trưa 11-3 giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột... Khi thấy địch bắt đầu có dấu hiệu tháo chạy, tất cả các mũi từ đường 7, 19, 21 phát triển như vũ bão tiến về Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Lúc này, ta phối hợp với các lực lượng tại chỗ Quân khu 5 chặn đánh địch. Ngày 26-3, Bình Trị Thiên thừa cơ tự giải phóng. Ngày 29-3, Đà Nẵng giải phóng. Ngày 1-4, Phú Yên giải phóng. Ngày 2-4, giải phóng Nha Trang. Cho đến ngày 3-4, chúng ta đã giải phóng các tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum, Phú Bổn và 3 tỉnh miền Trung.
- Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, thế và lực của chúng ta lúc này đã khác. Chính vì vậy, Bộ Chính trị quyết định tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4-1975?
- Sau khi giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “Một ngày bằng 20 năm”. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta tạo bất ngờ bằng lực lượng áp đảo, đánh rất táo bạo. Chúng ta dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng bộ binh, xe tăng, thiết giáp nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven và đánh thẳng vào năm mục tiêu đã chọn trong nội thành: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất…
Để chắc thắng trong trận quyết chiến này, Bộ Chính trị đã tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch gồm: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc), Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232, cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch. Lực lượng chủ lực tiến công hình thành năm cánh, mỗi cánh tương đương một quân đoàn do những tướng lĩnh có tài chỉ huy. 17h ngày 26-04-1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu. Hai ngày đêm đầu của chiến dịch (27 và 28-4), các cánh quân ta thực hiện đúng kế hoạch. Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích vào nội thành trên toàn mặt trận vào sáng 29-4. Ngày 30-4-1975, các binh đoàn của ta đã thọc sâu tiến chiếm ngay các mục tiêu chiến lược, bắt toàn bộ nội các bù nhìn của địch, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng… Quân khu 8, Quân khu 9 cũng đồng loạt tiến công và nổi dậy, đánh đổ hoàn toàn ngụy quyền từ cấp tỉnh đến xã, giải phóng Đồng bằng Nam Bộ và các đảo một cách thần tốc.
Bài học còn nguyên giá trị
- Kể từ khi diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh đến nay đã 40 năm nhưng với nhiều người dân Việt Nam chỉ mới như ngày hôm qua. Bài học về chiến thắng 30-4-1975 cho đến nay vẫn nguyên giá trị?
- Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26-4 đến 30-4-1975) song Chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Những kinh nghiệm phát triển đến đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú thêm nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kết thúc bằng chiến thắng 30-4-1975 đang lùi vào quá khứ nhưng những giá trị truyền thống và bài học lịch sử của nó còn ghi mãi với các thế hệ người Việt Nam. Đó là bài học về sức mạnh của đường lối dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 3 khẩu hiệu: “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Chiến thắng 30-4 là thắng lợi của ý chí toàn dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể nói, Đảng có đường lối đúng, quyết tâm đúng sẽ thu phục được lòng dân. Ý chí của Đảng đã quy tụ được nhân dân Việt Nam từ Nam tới Bắc đồng tình ủng hộ.
- Nhân dân Việt Nam đã làm mọi giá để có được hòa bình, độc lập. Trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục làm gì để giữ vững nền độc lập, vẹn toàn lãnh thổ, thưa Trung tướng?
- Trước kia, khi đất nước còn rất khó khăn, nhưng với ý chí đoàn kết của cả dân tộc chúng ta đã kiên quyết đứng lên chống lại đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới và đã giành chiến thắng. Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng đoàn kết một lòng thì chúng ta không sợ bất kỳ thế lực nào. Đó là yếu tố quyết định chiến thắng trong mọi cuộc kháng chiến. Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình không gây hấn với ai, nhưng nếu ai cố tình xâm phạm thì chúng ta quyết chống để bảo vệ đất nước. Chúng ta muốn giữ hòa bình nhưng nếu không giữ được chủ quyền thì đất nước ta sẽ bị lệ thuộc vào nước ngoài. Do vậy, bằng mọi giá, cả dân tộc phải tập trung vào việc xây dựng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; đồng thời phải tăng cường sức mạnh về quốc phòng, đặc biệt hải quân, không quân và dồn sức hỗ trợ ngư dân ra khơi xa đánh cá, bám biển canh trời nhằm bảo vệ biển đảo.
Hiện nay, chúng ta đã có hòa bình nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Muốn đất nước phát triển bền vững phải có đủ sức mạnh kinh tế để dồn cho quốc phòng, an ninh, biển đảo và biên giới thì sẽ không sợ gì cả. Chúng ta chỉ sợ lòng dân không yên; lòng dân được biến thành ý Đảng, ý Đảng là để hiện thực hóa lòng dân. Trong thời bình cũng như trong thời chiến, được lòng dân là được tất cả. Vì vậy, tôi cho rằng, Đảng phải siết chặt lại công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ vốn là vấn đề then chốt có liên quan trực tiếp tới vai trò lãnh đạo của Đảng, nói rộng hơn là liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ, đời sống hòa bình của nhân dân. Cán bộ phải giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt mới đủ sức đưa nền kinh tế vượt lên để tránh được sự lệ thuộc và có đủ tiềm lực bảo vệ độc lập chủ quyền.
- Trân trọng cảm ơn Trung tướng!
- Trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Việt Anh thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét