QĐND - Gần đến kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2015), các báo điện tử tiếng Việt ở nước ngoài đã đăng nhiều bài viết về sự kiện lịch sử này. Bên cạnh những bài viết ghi nhận chiến thắng vĩ đại của dân tộc thì vẫn có bài với cách nhìn lệch lạc, cho rằng: “Chiến thắng 30-4-1975 thực chất là chiến thắng của ý thức hệ cộng sản trước ý thức hệ tư sản…”. Thoạt nghe, bạn đọc sẽ tưởng đó là một nhận định khách quan, nhưng luận điểm trên lại ẩn chứa cái nhìn thiên kiến, cố tình khiến người đọc hiểu khác đi bản chất của Chiến thắng 30-4-1975...
Mưu gian nhưng “bình mới, rượu cũ”
Mưu gian của người nêu luận điểm “Chiến thắng 30-4-1975 thực chất là chiến thắng của ý thức hệ cộng sản…”, là để từ đó dẫn dắt người đọc đến lập luận cho rằng, chính vì Đảng Cộng sản Việt Nam du nhập Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam đã đưa dân tộc vào trọng điểm của cuộc chiến ý thức hệ, gây ra cảnh “nồi da xáo thịt”.
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: qdnd.vn.
|
Sự thật có như vậy không? PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, khẳng định: Lập luận trên thực chất là trò “chọc gậy bánh xe” theo kiểu “bình mới, rượu cũ”; việc “đổ tội” cho Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra chiến tranh là chiêu bài mà các thế lực thù địch đã làm suốt 40 năm qua nhưng không thuyết phục được ai. Sự thật chỉ có một, đó là sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, công khai hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào xâm lược, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Giữa năm 1956, chính phủ tay sai Ngô Đình Diệm tuyên bố lập nước “Việt Nam Cộng hòa”, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, rước đế quốc Mỹ thống trị miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, khủng bố dã man những người kháng chiến cũ, những gia đình có người đi tập kết và những người tán thành hòa bình, thống nhất nước nhà.
Miền Nam là một bộ phận không tách rời của Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đó là “thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Những hành động xâm phạm độc lập, thống nhất và chủ quyền dân tộc… là điều trái đạo lý và pháp lý quốc tế. Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Là một dân tộc có lịch sử hào hùng hơn 4000 năm, nhân dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc thấu suốt chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Có kẻ xâm lược thì người Việt Nam chống kẻ thù xâm lược chứ không có chuyện “miền Bắc xâm lược miền Nam”, không có chuyện “nồi da xáo thịt” như một số kẻ phản động vẫn thường kêu gào.
Về bản chất của Chiến thắng 30-4-1975, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, kết quả của Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 3-4 vừa qua là câu trả lời rõ ràng, chắc chắn, khoa học và thuyết phục nhất. Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, các nhân chứng lịch sử, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau đã khẳng định bản chất của Chiến thắng 30-4-1975 là “sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình”. Nói cách khác, đó là thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; như lúc sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nhấn mạnh: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai".
Nhận rõ chiêu trò lập lờ “một nửa sự thật”
Sự nguy hiểm của luận điểm “Chiến thắng 30-4-1975 thực chất là chiến thắng của ý thức hệ cộng sản…” là với một số bạn đọc, nếu không tinh ý khi tiếp cận, sẽ thấy có “một nửa sự thật” trong cách đánh giá này về Chiến thắng 30-4-1975. Bởi lẽ, nguyên nhân đầu tiên để dân tộc ta làm nên Chiến thắng 30-4-1975 xuất phát từ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Đảng ta đã giương cao ngọn cờ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH)”, nhận được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước XHCN, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, nên đã phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mang dấu ấn thời đại sâu sắc nhưng bản chất luôn là một cuộc chiến tranh giải phóng.
Cần phải thêm một lần khẳng định, mục tiêu “độc lập dân tộc và CNXH” do Đảng ta xác định là một lựa chọn tất yếu của lịch sử dân tộc. Đại tá, PGS, TS Vũ Như Khôi (Viện KHXH và NV Quân sự) nhấn mạnh rằng: “Từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, trong gông xiềng nô lệ, phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Việt Nam diễn ra với nhiều phương thức, tuy mang đậm tinh thần yêu nước và dũng khí trước quân thù nhưng đều dưới sự dẫn dắt của tư tưởng phong kiến và tư sản là các trào lưu tư tưởng đã lỗi thời trong sự phát triển của thế giới đương đại, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội Việt Nam, nên đều thất bại. Cách mạng Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước”. Chỉ đến khi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy chân lý của thời đại: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám mà sức mạnh “long trời, lở đất” của quần chúng đã giúp nhân dân ta giành lại chính quyền trong hòa bình, không có đổ máu. Và “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng”, nhưng thực dân Pháp vẫn rắp tâm cướp nước ta lần nữa. Ngay sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân trường kỳ kháng chiến, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Mỹ đã từng bước hất cẳng Pháp, phá bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, dùng “đô la và vũ khí” lập nên chính quyền tay sai, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, hò hét “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”… Mỹ đã thử nghiệm đủ loại phương thức chiến tranh, từ “chiến tranh một phía”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”; có lúc đưa hơn nửa triệu quân Mỹ vào Việt Nam, ném bom tàn phá hòng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”. Bản thân chính giới Mỹ, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều đã phải thừa nhận chính họ đã gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đối thoại với ông Mắc Na-ma-ra, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngày 9-11-1995 đã nhấn mạnh: Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng là hòa bình trong độc lập và tự do. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chúng tôi có những bạn bè và đồng minh: Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước tiến bộ khác kể cả nhân dân tiến bộ Pháp và Mỹ… đã ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi về vật chất và tinh thần, kể cả đóng góp ý kiến… nhưng cuối cùng quyết định vẫn là Việt Nam.
GS, TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng: Cố tình quy trách nhiệm Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra chiến tranh thực chất là một nhận thức phi lịch sử, muốn phủ nhận chiến thắng của nhân dân ta, hòng phủ nhận cả lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Cách nhìn ấy muốn đánh đồng người chiến thắng và kẻ thất bại, xóa nhòa mục đích, tính chất, bản chất sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Thất bại của Mỹ và chính phủ “Việt Nam Cộng hòa” là sự phá sản, thất bại của các thế lực xâm lược bên ngoài, hòng áp đặt ách thống trị, nô dịch, áp bức và bóc lột nhân dân ta ở miền Nam.
40 năm sau Chiến thắng 30-4-1975, nhân dân Việt Nam đã và đang được hưởng một nền độc lập, hòa bình thực sự. Chưa bao giờ, thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế cao như lúc này. Để có thành tựu hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu kiên cường 30 năm, chống lại các thế lực thực dân-đế quốc hung bạo nhất thế giới, nên mỗi công dân Việt Nam rất thấm thía giá trị này. Ai đó cố tình “chọc gậy bánh xe lịch sử”, cố tình xuyên tạc bản chất sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là có tội với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
HỒNG HẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét