Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

ĐỪNG CỐ TÌNH XUYÊN TẠC THƠ TỐ HỮU




Mấy ngày nay, trên mạng xã hội đăng tải bài viết của Hà Văn Thịnh (Huế) có đề cập đến nội dung bài thơ Bác ơi của Tố Hữu. Bài viết có đoạn:
….”Sau đó, chúng tôi lùng, tìm để học thuộc nhiều bài thơ viết về nỗi đau “tả” cái đau đớn thật sự của hàng triệu con người. Tất nhiên, cũng có bài thơ không hay (thậm chí là phản động) như bài Bác ơi của Tố Hữu. Tố Hữu kể rằng ngày Bác mất, ổng đang bỏ đi chơi đâu đó: Chiều nay con chạy về thăm Bác. Rồi, ổng miêu tả ổng đang lần mò, rình rập nhà bác; không thèm thắp cho người chết một đốm nến tànCon lại lần theo lối sỏi quen… Phòng lạnh, rèm buông, tắt ánh đèn…”.
(Bài được đăng tại trang Dân Luận, Ba Sàm, ngày 3/9/2015)
Trong chúng ta, ai cũng biết Tố Hữu là người con của Huế, là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Bài thơ Bác ơi là tiếng khóc tiễn biệt của người con Việt Nam với người Cha, người lãnh tụ kính yêu của dân tộc: Hồ Chí Minh. Bác ơi được giới phê bình văn học – nghệ thuật trong cả nước đánh giá là “điếu văn bi hùng” bằng thơ. Thông qua tiếng khóc tiễn biệt, bài thơ đã khắc họa đậm nét hình tượng Bác Hồ với lý tưởng sống cao cả, giàu tình nhân ái, đức khiêm tốn, giản dị, hy sinh quên mình. Bài thơ còn là sự bày tỏ tình cảm cũng như những mất mát, đau thương của mỗi người dân Việt Nam trước sự ra đi của Bác.
Vậy mà, một người có trình độ như HVT lại cố tình hiểu xuyên tạc bài thơ một cách khủng khiếp và nguy hiểm như thế.
Bài thơ được mở đầu bằng khổ thơ:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.../Chiều nay con chạy về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!
Con lại lần theo lối sỏi quen /Đến bên thang gác, đứng nhìn lên/Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa? Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Chỉ mới hai khổ thơ đầu, mà chúng ta đã thấy tình cảm của nhà thơ Tố Hữu đối với Bác được khắc họa đậm nét; đau đớn, tiếc thương người Cha già của dân tộc khi Bác mất, cảnh vật xung quanh cũng như lòng người: Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa. Bởi, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Truyện Kiều).
Trong chương trình Tiếng thơ kỷ niệm một năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu, đài Truyền hình Việt Nam có phát một chương trình về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Đài đã ghi hình bài thơ này, do chính Tố Hữu đọc khi ông còn sống, và minh họa khá rõ theo lối dẫn chuyện của nội dung bài thơ. Tại Nhà sàn của Bác, hình ảnh ông đứng nhìn lên gác nhỏ, mắt ấm áp yêu thương. Giọng ông ấm và truyền cảm, nhà thơ đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của mình đối với bài Bác ơi một cách chân thực và xúc động nhất.
Cũng trong nhiều chương trình khác, với những giọng ngâm khác nhau, các nghệ sỹ ngâm thơ cũng đã diễn tả hết tâm trạng của mình trước nỗi đau khi Bác mất cũng như hình ảnh thiêng liêng và vô cùng kính yêu – Bác Hồ.
Không phải tự nhiên mà bài thơ dễ đi vào lòng người đến thế. Từ người già đến học sinh – sinh viên, ai cũng thuộc từng câu, từng đoạn trong bài. Có những câu được xem như kinh điển, luôn được trích dẫn trong mọi hoàn cảnh (Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn; Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người; Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha; Sữa để em thơ, lụa tặng già…) mà không thể liệt kê hết ra được. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục – Đào tạo lựa chọn bài thơ này để giảng dạy trong cấp học Phổ thông. Bởi nó chính là “điếu văn bi hùng” của một nhà thơ suốt đời vì sự nghiệp cách mạng. Và các tác phẩm của Tố Hữu, trong đó có bài Bác ơi như một tượng đài sống mãi trong lòng dân tộc mà gió mưa không thể bào mòn được là tượng đài Bác Hồ trong thơ viết về Bác - viết về những phẩm chất tinh hoa, đạo đức và tư tưởng của Người.
Chúng ta sắp kỷ niệm 95 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920), một nhà thơ đã chọn cho mình con đường cách mạng từ thời thanh niên, trải qua những năm tháng tù đày, thơ của ông là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật thơ ca cách mạng. Đúng như ông quan niệm: "Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu, cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng".
Một con người, một nhân cách và một lý tưởng cao đẹp như thế, thật đáng để trân trọng, tôn vinh.
Thế mà, HVT lại cố tình hiểu xuyên tạc ý nghĩa của bài thơ, và gắn cho nó cái chữ là phản động. Với lời giải thích là, chạy về thăm Bác, rồi rình rập trước căn nhà Bác (con lại lần theo lối sỏi quen) mà không thèm thắp cho Bác một đốm nến tàn (Phòng lạnh, rèm buông, tắt ánh đèn). HVT đã xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của những câu thơ trên sang một hướng khác, với ý nghĩa xấu xa, hạ bệ và giải thiêng thần tượng Hồ Chí Minh trong lòng người dân Việt Nam cũng như với cá nhân nhà thơ Tố Hữu.
Chao ôi, một trí thức như vậy, liệu còn ai dám tin những lời HVT nói và viết?
 Cũng xin nói thêm với HVT rằng, như ông nói, không phải ai cũng là dân ngu khu đen không biết gì, ông chê bai mọi người dối trá, tìm những cái chưa tốt của mọi người để “điểm huyệt”, nhưng chính ông lại cố tình nói dối, xuyên tạc, thì chẳng phải mình tốt lắm sao?
H.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét