Thời gian qua, những "trì trệ, ách tắc, cửa quyền, quan liêu, gây
phiền hà..." trong giải quyết thủ tục hành chính tại một số địa phương tạo
nhiều hệ lụy gây bức xúc và mất niềm tin của nhân dân vào chính quyền, cơ quan
công quyền. Song bên cạnh đó, có những địa phương lại áp dụng nhiều cải tiến về
hành chính công đã thật sự mang đến lợi ích cho người dân.
Thành phố Cần Thơ từ việc tổ chức lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp về
cải cách hành chính, ngành tư pháp đã đi vào đổi mới tác phong phục vụ. Các đơn
vị thực hiện "ba giảm, ba tăng" gồm: giảm hội họp; giảm ra các văn
bản chưa cần thiết; giảm chi phí và "ba tăng" là: tăng cường đi cơ
sở; tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; tăng nguồn nhân lực có chất lượng cho
các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hướng về cơ sở, ngành tổ chức tư vấn, trợ giúp
pháp luật miễn phí cho người nghèo; trang bị kệ sách pháp luật và thí điểm đặt
hộp thư góp ý tại tám ấp của xã Thới Đông để nhân dân gửi các thắc mắc về pháp
luật, các góp ý xây dựng chính quyền, phản ánh các hiện tượng nhũng nhiễu của
cán bộ.
Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải mở dịch vụ phát trả
giấy phép lái xe tận nhà dân. Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ hành chính, người
dân chỉ cần đăng ký với nhân viên của cơ quan hành chính sẽ được bưu điện phát
trả kết quả đến tận nhà chỉ trong một ngày đối với khu vực nội thành và hai
ngày đối với khu vực ngoại thành. Theo đánh giá sơ bộ, ngoài tiết kiệm về thời
gian, dịch vụ này tiết kiệm chi phí đáng kể với mỗi trường hợp, góp phần giảm
tải lượng người tham gia giao thông.
Với Hà Nội, kinh nghiệm của UBND quận Hoàn Kiếm trong thực hiện CCHC là
xây dựng quy trình cụ thể, phân rõ người, rõ việc và kiểm tra, giám sát chặt
chẽ. Phòng Nội vụ thường xuyên kiểm tra hòm thư góp ý, làm căn cứ để đánh giá
cán bộ, công chức cuối năm. Tương tự, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức phát
phiếu đánh giá, nhận xét của tổ chức, công dân về thái độ, hiệu quả làm việc
của cán bộ, công chức làm căn cứ xếp loại năm công tác.
Năm 2014, được xác định là năm đột phá về CCHC. Bước đột phá này không
chỉ góp phần ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, mà còn tạo thuận lợi cho người dân
và doanh nghiệp góp phần khơi thông nguồn lực phát triển. Công việc xã hội mong
đợi này không đòi hỏi nguồn vốn vật chất lớn, chỉ đòi hỏi "vốn con
người". Để làm được điều đó, thiết nghĩ từng cơ quan chức năng, liên quan
cần coi trọng việc rà soát, nghiên cứu ban hành quy định mới theo hướng đơn
giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm nhanh, rõ ràng, minh bạch. Phải tạo áp lực
trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách, xác định rõ trách nhiệm,
nhất là của người đứng đầu. Mỗi địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan
chức năng các cấp cần có chương trình, kế hoạch tập trung cho nội dung công tác
này. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh lề lối làm việc, gắn liền nâng cao ý thức
trách nhiệm và chất lượng hoạt động trong thực thi công vụ của cán bộ, công
chức, viên chức. Và hằng năm có cơ chế xem xét trách nhiệm của cấp ủy Đảng,
người đứng đầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách
hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân của bộ máy công quyền. Tựu
chung, phải đánh giá và căn cứ vào chỉ số hài lòng của người dân làm căn cứ
quan trọng để đánh giá đội ngũ "công bộc".
MÃ ĐÀ
Ngăn chặn tiêu cực, tham ô, tham nhũng là bước khởi đầu quan trọng trong việc phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội đất nước. Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền cần có những chính sách mạnh tay hơn để làm trong sạch bộ máy đất nước, tạo dựng niềm tin trong nhân dân, xây dựng đất nước vững mạnh, bền lâu.
Trả lờiXóaHãy làm tất cả vì quyền lợi của nhân dân, vì đó mới là mục tiêu cao nhất của chế độ xã hội của chúng ta. Thời gian qua, tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch,... đã và đang làm niềm tin của nhân dân không còn cao như trước nữa. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải chấn chỉnh lại cán bộ Đảng và nhà nước, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi sai trái. Có như vậy nhân dân mới tin, yêu và đồng sức đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam ta
Trả lờiXóa