QĐND - Là một trong những nhà báo hải ngoại đầu tiên có phản ứng tích cực về việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Đinh Viết Tứ, Tổng Biên tập trang mạng “Hướng Việt” kiêm người sáng lập làn sóng phát thanh “Tiếng Quê hương” tại Mỹ, đã dành cho Báo Quân đội nhân dân cuộc trả lời phỏng vấn liên quan tới những công việc ông đang làm. Một trong những công việc đó là đính chính, nói lại cho chính xác những tin tức bị xuyên tạc, bóp méo về tình hình Việt Nam trong cộng đồng hải ngoại.
Ông Đinh Viết Tứ. Ảnh: Phương Thuận
|
Tấn công “con ngáo ộp”
- Ông đã bắt đầu những công việc này như thế nào, thưa ông?
- Đầu những năm 1990, sau khi nghỉ hưu tại Việt Nam, tôi sang Mỹ định cư cùng gia đình khi vừa bước sang tuổi 50. Đi thăm một số tiểu bang, điều làm tôi rất ngạc nhiên là cộng đồng người Việt ở đây rất thiếu thông tin về tình hình đất nước. Đa số họ tìm kiếm các tin tức trong nước thông qua các báo Việt ngữ ở Mỹ vốn chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều đường lối khác nhau, nên không tránh khỏi việc phải tiếp xúc với những thông tin sai lệch, thiếu khách quan. Từ lúc đó, tôi đã có ý định thành lập một tờ báo in hay một làn sóng phát thanh để cung cấp cho họ một kênh thông tin đáng tin cậy hơn. Sau một thời gian làm công việc kinh doanh tại một công ty chuyển tiền, tôi có điều kiện tài chính hơn nên cùng một số người bạn mua lại kênh sóng của một đài phát thanh bên Mỹ để thành lập làn sóng “Tiếng vọng quê hương” vào năm 1996.
Ngay từ chương trình đầu tiên, chúng tôi đã đả phá những thông tin bị cố tình đưa thiếu chính xác, thậm chí xuyên tạc về Việt Nam trên một số báo, đài Việt ngữ phản động bên đó, hoặc lên án cách thu hút, ve vãn đồng bào để moi tiền nhằm phục vụ cho những mục tiêu đen tối của một số tổ chức cực đoan. Tôi còn nhớ bài bình luận đầu tiên có tiêu đề “Con ngáo ộp”. Tôi ví các luận điệu tuyên truyền sai lệch về Việt Nam của một số tổ chức cực đoan, chống cộng hải ngoại giống như “con ngáo ộp”. Chúng tôi cũng muốn đánh động vào tinh thần nhớ nước, thương nhà của bà con. Qua chuyên mục tiếng thơ tình cùng các bài bình luận, chúng tôi muốn nhắc nhở họ về trách nhiệm đối với Tổ quốc.
- Vậy “Tiếng vọng quê hương” được cộng đồng đón nhận ra sao?
Làn sóng phát thanh của chúng tôi được nhiều độc giả quan tâm theo dõi và gây được tiếng vang trong cộng đồng. Nhưng cũng vì thế chúng tôi vấp phải những phản ứng dữ dằn, chống đối quyết liệt của các phần tử chống cộng cực đoan. Sau đó chúng tôi phải ngừng hoạt động một thời gian và lập một làn sóng mới đổi tên thành “Tiếng quê hương” hoạt động đến nay.
Để tăng hiệu quả công việc, chúng tôi thành lập thêm trang mạng “Hướng Việt” nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi những tin tức về tình hình Việt Nam, chú trọng tới những bước phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Đặc biệt, trang mạng đăng những tin tức trung thực, chính xác nhằm đính chính lại những thông tin sai trái, bị bóp méo về Việt Nam mà một số báo, đài Việt ngữ đăng tải nhằm bôi nhọ uy tín chính quyền trong nước.
Minh chứng cho thấy một xã hội dân chủ, tự do
- Được biết,“Hướng Việt” là một trong những trang mạng Việt ngữ hải ngoại đầu tiên đăng bài phản ứng tích cực về việc mới đây Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Vậy, ông đánh giá thế nào về việc các phần tử chống cộng cực đoan cũng như những người bất đồng chính kiến thường đặt ra vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do nhằm chống phá chính quyền Việt Nam?
- Họ vin vào những vấn đề đó để chống phá trong nước vì họ có nhu cầu rất lớn để tạo một cái “vỏ bọc danh dự” hòng che đậy sự giả dối bên trong. Họ muốn chứng tỏ mình là những “chiến sĩ” của tự do “tranh đấu cho dân tộc tôi” nên phải duy trì đấu tranh vì lý do đó, nhằm che giấu mục tiêu kiếm tiền. Những phần tử chống cộng cực đoan nay đa phần đã cao tuổi, hết thời, không có công ăn việc làm nên càng cần tới cái “vỏ bọc” đó để che đậy thân phận là những người sống bám xã hội Mỹ. Lứa thanh niên kiều bào mới lớn lên thì khác. Họ có trình độ, kiếm ra tiền nên họ không cần dựa vào vỏ bọc nào cả, nên đa phần cũng không mấy quan tâm, để ý tới các hành động của những người đi trước.
Sự thực số những người thầm lặng rất đông. Họ vẫn khá thường xuyên về trong nước, mang theo đôi mắt, đôi tai nên thấy rõ đâu là sự thật. Trong cộng đồng có những người chỉ soi vào một số lỗi lầm nhỏ của một vài giới chức hay quan chức địa phương ở trong nước để thổi phồng lên sai sự thật.
Còn việc trong nước có những quan điểm bất đồng chính kiến thì cũng không khó hiểu vì ở xã hội tự do nào cũng có cả. Khó có thể có một chính quyền nào hoàn hảo, không mắc sai lầm. Hiện tượng này vừa thể hiện đây là một xã hội có dân chủ, tự do, mặt khác chứng tỏ sự trưởng thành của một xã hội đang phát triển. Trong điều kiện ấy, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng để đạt được mục tiêu phát triển đặt ra, nên tôi cho rằng Việt Nam đã phải có một chính quyền rất bản lĩnh. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Việt Nam có sự hiểu biết về nhân quyền sâu sắc bởi đất nước Việt Nam đã trải qua bao cuộc chiến tranh đau thương, mất mát, để giành lại quyền độc lập, tự do cho người dân.
Xóa nhòa luận điệu xuyên tạc
- Vậy theo ông có khó xoá bỏ những bất đồng?
- Tôi tin tưởng rằng, với những tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người cùng chính sách hòa giải, đoàn kết dân tộc, dần dần những khúc mắc này sẽ không còn là vấn đề cần phải bận tâm. Tôi rất tâm đắc lời dặn của ông Huỳnh Đảm, cựu Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tân Chủ tịch Ủy ban là ông Nguyễn Thiện Nhân, đó là cần tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chính sách đại đoàn kết dân tộc, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam của Đảng và Nhà nước đã được khẳng định rõ ràng.
Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ chính là câu trả lời đanh thép cho thế giới cũng như những người vẫn vin vào vấn đề nhân quyền để chống đối Việt Nam thấy rằng, thực trạng nhân quyền ở Việt Nam không phải như họ tưởng hay cáo buộc.
- Những bất đồng này đem lại cho Việt Nam những hệ lụy như thế nào thưa ông?
- Rõ ràng Việt Nam là nạn nhân của sự xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng, dựng chuyện về tình trạng nhân quyền của những thế lực bên ngoài, một thiểu số vọng tưởng bên trong và những cá nhân ôm nặng quá khứ thù hận. Việc này vô hình trung làm nảy sinh một luồng quy kết tạo sự hiểu lầm về tình trạng tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam. Ngay cả một nước như Hoa Kỳ có nhiều nguồn thông tin cũng như theo dõi mật cũng vẫn còn một số chính khách cực đoan lầm lẫn khi nhận định về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tất nhiên, không loại trừ cả việc cố tình lấy vấn đề nhân quyền để làm “con bài mặc cả chính trị”.
Việc này gây trở ngại đáng kể đối với nỗ lực trước đây nhằm tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ của Việt Nam. Nhưng thành công ấn tượng của Việt Nam khi trúng cử làm thành viên Hội đồng này với số phiếu cao nhất chứng tỏ cộng đồng quốc tế đã hiểu được Việt Nam chỉ là nạn nhân. Thành công ngày hôm nay cũng chứng tỏ Việt Nam đã có những bước đi thuyết phục để giải thích quan điểm nhân quyền của mình và có những cải thiện, tiến bộ được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người.
Tôi cũng hi vọng đây sẽ là dịp để cảnh tỉnh những người lầm lỗi, hiểu sai về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam và thức tỉnh họ hãy thật thà hướng về Tổ quốc, tìm hiểu các vấn đề một cách cẩn trọng và nếu có tham gia thì cũng với thành ý. Dân chủ, nhân quyền là kết quả của cả một quá trình phát triển, không thể đòi hỏi có ngay được. Không nên vì những lợi ích cá nhân hẹp hòi mà phủ nhận những nỗ lực và thay đổi tích cực đang diễn ra ở Việt Nam.
- Vậy cá nhân ông, với tư cách một nhà báo hải ngoại thường xuyên đi về Việt Nam có những suy nghĩ và nhìn nhận thế nào về những nỗ lực của chính quyền Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người?
- Nhân quyền không thể tách rời điều kiện kinh tế, xã hội, càng không thể tách rời trình độ dân trí, dân sinh. Việt Nam luôn cố gắng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện dân sinh, xây dựng nông thôn mới, vận động mạnh các tôn giáo tham gia phong trào xây dựng phát triển kinh tế… Nỗ lực này là rất lớn và đạt hiệu quả rõ ràng.
Có thể nói, Việt Nam đã đi con đường rất đúng trong cải thiện dân sinh và đang nỗ lực cải cách giáo dục và nâng cao dân trí. Các chỉ số về giáo dục vẫn được xem là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thực thi quyền con người ở mỗi quốc gia, bởi giáo dục vốn là một nhân quyền cơ bản. Mặc dù còn những bất cập, nhưng giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Việt Nam được tin tưởng hoàn toàn có khả năng hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học trước năm 2015.
-Xin cám ơn ông!
XUÂN PHONG (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét