Ngày 5-2, với tinh thần đối thoại thẳng thắn và xây dựng, Việt Nam đã thực hiện thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC). Ngày 7-2, nhóm làm việc về UPR của UNHRC đã thông qua Báo cáo của Việt Nam với sự nhất trí cao.
Thế nhưng ngày 7-2, website Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội lại công bố Tuyên bố chính thức về Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam. Ðây là một việc làm bất thường và lạc lõng...
Ngày 21-1, website của Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội công bố video clip và phát biểu chúc Tết của Ðại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Trong bài phát biểu, ngài David Shear nói: "Năm nay tôi ăn Tết lần thứ ba ở Việt Nam, và mỗi năm tôi đều thích thú ngắm nhìn thành phố "chuyển mình khi Tết đến" trong những tuần trước Tết. Một lần nữa, phố xá Hà Nội lại tràn ngập âm thanh và hình ảnh mọi người chuẩn bị Tết. Các chợ Tết đã mọc lên khắp thành phố, với đủ mọi loại thực phẩm của dịp lễ tết để các gia đình và bạn bè đón Tết. Các đình, chùa của Hà Nội, như chùa Trấn Quốc hay chùa Quán Sứ đông nghịt người đến cầu tài lộc trong Năm Mới. Ở mọi nơi bạn đều thấy hoa đào và cây quất - ở các cửa hàng, văn phòng, ở nhà, và cả ở đằng sau xe máy". Bằng câu chữ ngắn gọn nhưng Ðại sứ David Shear đã mô tả rất sinh động khung cảnh yên bình, vui tươi của ngày Tết ở Hà Nội, cho thấy nhân dân Việt Nam đang được hưởng một cái Tết an lành, vì nếu một xã hội thiếu nhân quyền thì chắc chắn không có cuộc sống như vậy. Nhưng trong khi lời chúc Tết của Ðại sứ David Shear còn trên trang nhất, và hơn 100 nước không công khai ý kiến phát biểu, thì ngày 7-2, website của Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam lại đăng Tuyên bố chính thức về Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam do ngài Peter Mulrean - Ðại biện lâm thời Phái bộ Hoa Kỳ, trình bày tại buổi thảo luận Báo cáo UPR chu kỳ 2 của Việt Nam ở UNHRC. Văn bản với các "tuy nhiên, quan ngại, thất vọng, đề xuất" không phản ánh đúng đắn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam được diễn đàn của các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí triệt để khai thác, coi đó như là chỗ dựa để tiếp tục vu cáo. Thậm chí, vì quá vội vã nên không xác minh xuất xứ văn bản hay muốn nhập nhằng, hoặc chỉ thấy thông tin nói xấu Việt Nam là chộp ngay lấy, trong một bản tin ngày 7-2, trang tiếng Việt BBC viết: "Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ra tuyên bố về sự kiện kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Geneva, hôm 5-2-2014 từ Hà Nội", còn trang nguoiviet thì xưng xưng viết: "Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa phát hành một thông cáo, chính thức bày tỏ sự thất vọng của Hoa Kỳ về việc Việt Nam ngăn cản các cá nhân và tổ chức dân sự tham dự UPR"!?
Sau khi Việt Nam thực hiện Báo cáo UPR chu kỳ 2 tại UNHRC, một blogger cho rằng: "Việt Nam đã thành công khi thuyết phục cộng đồng quốc tế về một khái niệm nhân quyền gắn liền với đời sống dân sinh và dân trí, phù hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam". Ðây là đánh giá chính xác, bởi chỉ từ quan niệm nhân quyền như thế, Ðại sứ David Shear được chứng kiến cảnh ngày Tết sinh động, đầm ấm của người Việt Nam. Thử hỏi, một chế độ xã hội "vẫn sách nhiễu, bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội... hạn chế tự do tôn giáo, việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra", "hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, chính phủ sử dụng lao động bắt buộc" liệu có một khung cảnh tết nhộn nhịp như Ðại sứ David Shear mô tả?
Khi quan hệ giữa Việt Nam với thế giới ngày càng mở rộng, ở Việt Nam, mọi người được tiếp xúc với thực tế hoàn toàn trái ngược với luận điệu kẻ xấu vẫn truyền bá. Chứng kiến Việt Nam "thay da, đổi thịt" phát triển vượt bậc so với trước đây, rất nhiều người đã nhận ra sự thật. Trong hàng triệu người gốc Việt trở về quê hương, có nhà báo của kbchn.net, vietweekly.com, viethaingoai.net đang tác nghiệp theo phương châm trực tiếp, khách quan, trung thực. Qua thông tin phong phú, hình ảnh sinh động, bình luận sắc sảo, có thể thấy nhà báo của các cơ quan truyền thông này đã đi khắp ba miền, từ biên giới đến hải đảo, từ thành phố lớn đến vùng sâu vùng xa, đã gặp gỡ, tìm hiểu nhiều số phận, nhiều con người thuộc thành phần xã hội khác nhau,... mà không bị cản trở. Và từ đó, nhà báo Nguyễn Phương Hùng - người từng có "36 năm chống cộng" mới viết các dòng chân tình: "Tôi thấy người Việt trong nước thật bình dị, thanh bình và rất hiếu khách. Anh Nguyễn Bôn, Giám đốc Tập đoàn Mai Linh ở Quảng Trị, là một cựu chiến binh còn sống sau trận chiến khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị, không có một chút phản ứng gọi là thù hận tôi, một người lính của binh chủng Biệt động quân. Chúng tôi đã ôm nhau và khóc trên bức đài tưởng niệm các tử sĩ bộ đội miền Bắc. Có cơ hội về Việt Nam, tôi mới gặp những người bộ đội hay cựu chiến binh như anh Phạm Nguyên Khánh, Ðại tá về hưu Trần Duy Ngọc. Tất cả chúng tôi hoàn toàn như anh em một nhà, không còn thù hận, cũng chẳng hề nghĩ mình từng là những người thù địch". Hoặc sau khi tiếp xúc, tìm hiểu cuộc sống và lễ hội của người Mông ở Sơn La, nhà báo ở vietweekly viết: "Cảm nhận nổi bật nhất là thái độ sống rất hòa đồng của người dân tộc đối với tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc, hay khác biệt văn hóa. Họ an nhiên tự tại, tự hào với những giá trị văn hóa của mình. Và sẵn sàng tiếp thu những cái mới một cách thoải mái trong khi vẫn kết hợp với cái truyền thống... Sự đa dạng của các dân tộc trên đất nước Việt Nam là một tài sản chung, và là một sức mạnh văn hóa. Những nền văn hóa này chung sống được với nhau khi cùng chia sẻ một ước vọng hòa bình, ấm no, và hạnh phúc".
Có thể nói, đa số nội dung trong tuyên bố do ngài Peter Mulrean trình bày tại Geneva không phản ánh trung thực về các vấn đề đề cập. Lẽ ra trước đó, ngài Peter Mulrean cần cẩn trọng xem xét, tìm hiểu, đặc biệt là khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt ở nước ngoài. Cách đây không lâu, bình luận về báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, karenphung - blogger người Ðức gốc Việt, viết: "Tại sao quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nồng ấm nhưng báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn luôn kèm theo câu mở đầu "Việt Nam là một nước độc tài do một đảng thống trị"? Báo cáo của người Mỹ còn cho rằng "Việt Nam không tôn trọng nhân quyền" thông qua việc bắt giữ một số người với cái tên "bất đồng chính kiến" hay "cảnh sát đánh đập người dân vô tội". Nhưng chính nước Mỹ cũng có rất nhiều vấn đề phải đối mặt, đặc biệt việc lạm dụng quyền lực của cảnh sát, sự kỳ thị chủng tộc với người da màu, một việc có truyền thống tại nước Mỹ. Là một người dân bình thường ai đó sẽ ngạc nhiên khi thấy các nhân vật "bất đồng chính kiến" ấy sau khi ra tù thông lệ có vé sang Mỹ định cư. Nhưng nếu nhìn lại cả một thời gian dài, từ lúc chế độ VNCH sụp đổ cho tới ngày nay, đại đa số những người ở phía đối đầu với chính quyền đều được Mỹ đón chào thì chúng ta sẽ hiểu ngay ra vấn đề vì sao người Mỹ lại viết ra những điều đó trong báo cáo nhân quyền của họ"; còn Thư tòa soạn (7-2013), vietweekly viết: "Có thể nói chính quyền Việt Nam đang cố gắng ngày càng mở rộng mức độ tự do người dân mà không đánh mất khả năng kiểm soát an ninh xã hội. Phần lớn những nỗ lực đánh phá Việt Nam về mặt nhân quyền bắt nguồn từ những đoàn thể chính trị ở nước ngoài mang động cơ muốn giành một chỗ đứng trong hệ thống quyền lực chính trị ở Việt Nam. Có nghĩa rằng, nhân quyền chỉ là một chiêu bài chính trị, hơn là một quan tâm có thực chất. Cải tổ chính trị có vẻ là một cách đặt vấn đề xác đáng hơn. Nhưng những đoàn thể chính trị này đã không có đủ sự thành thật gọi tên vấn đề cho đúng bản chất của nó, mà ngụy trang dưới vỏ bọc nhân quyền để hy vọng lôi kéo được sự đồng tình của quần chúng. Sự gượng ép này giải thích lý do tại sao chiêu bài nhân quyền đã không đạt được hiệu quả chính trị như mong muốn"...
Thực tế đã và đang cung cấp rất nhiều bằng chứng minh chứng nhân quyền ở Việt Nam có bước phát triển vượt bậc; thực tế cũng đã và đang cho thấy bộ mặt của một số kẻ cố tình lừa dối dư luận qua các thông tin, luận điệu bóp méo, xuyên tạc. Nếu thật sự thiện chí khi góp ý với Việt Nam, mọi chính phủ, tổ chức, cá nhân cần dựa trên thông tin chính xác để đưa ra ý kiến trung thực và hơn hết, phải hướng tới nhân quyền cho hàng chục triệu người Việt Nam, không vì lợi ích hẹp hòi của cái nhóm người hầu như không công ăn việc làm, hoạt động dựa vào sự hà hơi tiếp sức từ bên ngoài (mà bằng chứng gần đây là việc sau khi định cư ở Hoa Kỳ, Trần Khải Thanh Thủy công bố cụ thể về nguồn tài chính khi còn ở trong nước người này đã nhận từ tổ chức khủng bố "Việt Tân"). Bởi thế, dựa trên thông tin thất thiệt để góp ý, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thiện chí mà chính phủ, tổ chức hoặc cá nhân nào đó muốn thể hiện. Ðể đất nước có nhân quyền ngày càng hoàn thiện, để cuộc sống mọi mặt ngày càng phát triển, để mỗi người dân luôn được hưởng các quyền và tự do của mình, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực. Chúng ta luôn ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp thiện chí, như Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại UNHRC vừa qua: "Bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người phải là một tiến trình liên tục, bền bỉ và có tầm nhìn xa. Trong tiến trình đó, sự nỗ lực của mỗi quốc gia riêng lẻ khó có thể đạt hiệu quả cao nhất nếu thiếu sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và đối thoại mang tính xây dựng".
HỒNG QUANG
: "Việt Nam đã thành công khi thuyết phục cộng đồng quốc tế về một khái niệm nhân quyền gắn liền với đời sống dân sinh và dân trí, phù hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam". Ðây là đánh giá chính xác, bởi chỉ từ quan niệm nhân quyền như thế, Ðại sứ David Shear được chứng kiến cảnh ngày Tết sinh động, đầm ấm của người Việt Nam. Thử hỏi, một chế độ xã hội "vẫn sách nhiễu, bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội... hạn chế tự do tôn giáo, việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra", "hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, chính phủ sử dụng lao động bắt buộc" liệu có một khung cảnh tết nhộn nhịp như Ðại sứ David Shear mô tả?
Trả lờiXóa