Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về quyền con người

(ĐCSVN) - Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị UPR - (cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập) mà Việt Nam đã chấp thuận từ lần kiểm điểm trước. Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam
Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền con người và các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs). Trong những năm gần đây, công cuộc giảm nghèo tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế và chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn MDGs về xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 13,7% năm 2008 xuống còn 9,6% năm 2012. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng gần 2 lần trong 5 năm qua. Năm 2012, số lượt hộ thiếu đói giảm 27,6% và tỷ lệ hộ nghèo cả nước cũng giảm 1,76% so với năm 2011. Xu thế giảm mạnh được thể hiện ở cả 3 thước đo nghèo quan trọng: tỉ lệ nghèo, khoảng cách nghèo và mức độ nghiêm trọng của nghèo. Điều quan trọng là không chỉ một số lượng lớn người dân thoát nghèo mà mức sống và chất lượng sống của họ được cải thiện đáng kể.
Các chương trình và chính sách giảm nghèo của Chính phủ tập trung trên ba chiến lược chính: thúc đẩy các hoạt động sản xuất và sinh kế để tăng thu nhập cho người nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ xã hội, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức ở vùng nghèo. Những chiến lược này được hiện thực hóa bằng các chương trình quốc gia hỗ trợ giảm nghèo và phát triển xã hội, trong đó tập trung vào 5 nhóm chính sách: tín dụng, phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Nhờ đó, người nghèo được tiếp cận với các nguồn lực (vốn, đất sản xuất, công nghệ, thị trường…) và các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý…). Tính đến 2010, 77,2% người nghèo được hưởng lợi từ các chương trình và chính sách hỗ trợ của chính phủ, cho thấy mức độ phổ cập chính sách rộng khắp trên cả nước.
 
Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về 
giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo là chương trình lớn và quan trọng, 
có tác động mạnh đến giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống của người nghèo 
(Ảnh minh họa: báo Đại đoàn kết)

Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo là chương trình lớn và quan trọng, có tác động mạnh đến giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống của người nghèo. Chương trình này đã lồng ghép một loạt các hạng mục phát triển kinh tế - xã hội như: phát triển cơ sở hạ tầng công cộng cấp xã, tín dụng cho người nghèo, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và các chương trình khuyến nông. Với chính sách toàn diện thúc đẩy mọi khía cạnh quan trọng của đời sống và hướng đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất ở vùng sâu, vùng xa, các chương trình này đã đạt được mục tiêu chung là giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống của nhóm cư dân. Kết quả đánh giá tác động qua 3 năm thực hiện cho thấy tỉ lệ nghèo đã giảm 4-5%/năm và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, điện, nước sạch của các hộ gia đình tăng đáng kể.
Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện MDGs về giảm nghèo nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giải quyết vấn đề bất bình đẳng và giảm nghèo bền vững. Phần lớn người nghèo là cư dân nông thôn và người dân tộc thiểu số. Do người dân tộc thiểu số cư trú ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về các điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế, giao thông, tiếp cận thị trường nên tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo còn chiếm khá cao. Hơn nữa, giảm nghèo hiện nay chưa bền vững do một số hộ gia đình mặc dù đã thoát nghèo nhưng khả năng tái nghèo rất cao do thiên tai, thời tiết, tai nạn lao động, giao thông... Năng lực tài chính yếu kém cùng với nguồn lực bảo trợ xã hội hạn chế khiến cho các hộ gia đình cận nghèo dễ bị rơi trở lại cảnh nghèo đói.
Đảm bảo an sinh xã hội
Những tiến bộ trong việc đảm bảo an sinh xã hội được thể hiện rõ qua việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân. Việt Nam đã thiết kế các nhóm chính sách ngày càng đồng bộ hơn về phát triển thị trường lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, giảm nghèo và hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2011 đã có trên 10,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội dưới các hình thức bắt buộc và tự nguyện; 52,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 63% dân số cả nước; 8,1 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính riêng năm 2012, cả nước có 432.356 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
Đối với những nhóm xã hội cần sự trợ giúp như người nghèo hoặc cận nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, trong giai đoạn 2011 - 2012, Nhà nước đã chi 22.303 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ) để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Nhờ đó, trong hai năm qua, 29 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, người dân thuộc diện cận nghèo tham gia mua bảo hiểm y tế được hỗ trợ bằng 70% mệnh giá. Nhà nước cũng chi 11.844 tỷ đồng (trên 500 triệu đô la Mỹ) để thực hiện chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo như miễn giảm học phí cho con hộ nghèo, hộ chính sách, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ đến 5 tuổi. Nhờ đó, trong giai đoạn 2011 – 2012, đã có trên bốn triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi.
Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đấy quyền phụ nữ
Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để đảm bảo quyền của phụ nữ. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ như: xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước CEDAW; lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật; ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua tháng 6/2012 quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên thành 6 tháng.
    
Tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 
nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. (Ảnh: Mạnh Hùng)
 

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được tập trung triển khai ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ. Chính phủ cũng triển khai các giải pháp trong việc thực thi pháp luật cũng như hợp tác quốc tế nhằm vượt qua những thách thức chủ yếu liên quan tới nhận thức về bình đẳng giới; xoá bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình; khoảng cách giữa pháp luật và thực tiễn (việc làm, thu nhập, địa vị xã hội…). Tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN). Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Phó Chủ tịch nước, hai Phó Chủ tịch Quốc hội, có hai nữ Bộ trưởng; 14/30 Bộ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ có Thứ trưởng là nữ. Tỉ lệ lao động có việc làm là nữ giới chiếm 49%. Tính đến hết năm 2011, tỉ lệ phụ nữ biết chữ là 92%; 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỉ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%; 30,53% Thạc sỹ và 17,1% Tiến sỹ là nữ giới. Nỗ lực bảo đảm bình đằng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận: theo xếp hạng năm 2012 của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới (GII), Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.
Việt Nam nghiêm túc triển khai thực hiện Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) trên cả phương diện thúc đẩy hoàn thiện luật pháp và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tiễn. Chính phủ Việt Nam cũng đã xây dựng và hoàn thành báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện công ước CEDAW giai đoạn 2004 – 2010 trên cơ sở kết quả tham vấn rộng rãi với các cơ quan, tổ chức có liên quan và các tầng lớp xã hội.
Thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em
Tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, hướng tới thực hiện mục tiêu tổng quát là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.
Việt Nam là nước đầu tiên tại Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và Nghị định thư bổ sung số 1 và số 2. Nhà nước Việt Nam đã và đang có những nỗ lực lớn trong việc triển khai thực hiện trên phương diện hoàn thiện chính sách pháp luật, nội luật hoá các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền trẻ em vào hệ thống pháp luật quốc gia, và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việt Nam cũng tích cực tham gia các sáng kiến khu vực và quốc tế nhằm thực hiện việc bảo vệ các quyền của trẻ em; tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan.
 
Việt Nam là nước đầu tiên tại Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia Công ước 
về Quyền trẻ em (CRC) và Nghị định thư bổ sung số 1 và số 2. (Ảnh:VOV5)

Các chương trình, chính sách có tính chiến lược như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS... đã mang lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58‰ (1990) xuống còn 24 ‰ (2011), dưới 1 tuổi từ 31‰ (2001) xuống còn 15,5 ‰ (2011).
Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung vào các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện các quyền của trẻ em; xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, gia đình, cộng đồng, người dân và trẻ em tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm việc với trẻ em ở các cấp, các ngành; kiện toàn và phát triển mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở; nâng cao chất lượng công tác theo dõi, giám sát và đánh giá.
Thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật
Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2008 và dự kiến hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong năm 2014, cũng như đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy quyền của người khuyết tật. Trong lộ trình phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật, Việt Nam đã ban hành Luật về người khuyết tật năm 2010 và xây dựng các văn bản thi hành. Trong giai đoạn 2010-2013, đã có 13 văn bản dưới Luật được ban hành có liên quan tới người khuyết tật trong các lĩnh vực truyền thông, thể thao, du lịch, tiếp cận an sinh xã hội và thúc đẩy thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Chính sách chung của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng về các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và phát huy khả năng của họ để ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 nhằm đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về 7 lĩnh vực ưu tiên trong Thập kỷ thứ II Thiên niên kỷ Biwako về người khuyết tật khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đề án chia làm 2 giai đoạn với những chỉ tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin, văn hóa, thể thao, pháp lý… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng triển khai một loạt các chính sách trợ giúp người khuyết tật như đề án trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần; tham gia và thực hiện các sáng kiến của quốc tế và khu vực; tăng cường sự tham gia của người khuyết tật và bảo vệ quyền của người khuyết tật; hỗ trợ thành lập các tổ chức tự lực của người khuyết tật; trợ giúp đào tạo nghề và tạo việc làm; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các công trình văn hoá, công cộng và các dịch vụ xã hội cơ bản khác của người khuyết tật. 
Với mục đích tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực phục vụ cho việc bảo đảm tốt hơn các quyền con người, Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc có liên quan đến quyền con người; tham gia tích cực và có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các Công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người.
Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét