QĐND - Ngày 9-12-2013, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố
lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi (HPSĐ) và
Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Văn kiện này. Theo đó,
HPSĐ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Thế nhưng, ngay sau khi HPSĐ được thông qua,
trên một số trang mạng xã hội và blog đã có những bình luận không thể chấp nhận
được cả về mặt chính trị, pháp lý và đạo lý. Sự xuyên tạc Hiến pháp trên thực
tế là hành động phạm pháp.
Hiến pháp vừa được Quốc hội nhất trí bấm nút thông qua với tỷ lệ gần như
tuyệt đối thì đã có người bình luận một cách vô trách nhiệm: “Quốc hội khóa
XIII đã thông qua một bản hiến pháp thể chế hóa cương lĩnh của Đảng Cộng sản
Việt Nam, coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân… Như vậy, Quốc hội khóa
XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước
lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và
người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình”.
|
||
|
Không thể phủ nhận được kết quả biểu quyết của Quốc hội, người ta dùng
quan điểm dân chủ “phải bảo vệ quyền thiểu số” để lập luận rằng: “Dân chủ phải
thực hiện nguyên tắc bảo vệ thiểu số... như vậy, nếu Quốc hội và Ban soạn thảo
Hiến pháp làm việc theo tinh thần dân chủ thì đáng lẽ phải ghi nhận những ý
kiến đối lập như nhóm 72 (mà Quốc hội đã đón tiếp long trọng), nhóm Công dân tự
do, nhóm Công giáo, nhóm 8406... vân vân”. Ai cũng biết những kiến nghị của các
nhóm mà họ nói đến ở đây là: Xóa bỏ Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, là “gợi ý” chúng ta xây dựng nhà nước ta theo chế độ cộng hòa
tổng thống với thể chế tam quyền phân lập… Đây là điều mà các vị đại biểu Quốc
hội và tuyệt đại nhân dân ta không nhất trí.
Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý quan trọng nhất của một quốc gia
dân tộc, đó là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý
chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Chúng ta không phủ nhận việc xây
dựng Hiến pháp cần và có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các quốc
gia-dân tộc khác, nhưng chúng ta không thể chấp nhận sự áp đặt một mô hình Hiến
pháp nào đó cho mình. Xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp mới của dân tộc ta cần
dựa vào chính kinh nghiệm lịch sử, những thành quả của cách mạng của dân tộc,
những giá trị mà chúng ta phải bảo vệ. Hiến pháp mới phải kế thừa các Hiến pháp
trước đồng thời hướng tới những đòi hỏi sự phát triển của đất nước. Mặt khác,
cũng như các quốc gia khác, Hiến pháp phải được thông qua theo nguyên tắc dân
chủ tập trung bởi những đại biểu hợp hiến. Hiến pháp không xây dựng bởi những
góp ý, “gợi ý”, bình luận của nhóm này, bloger kia, nhà khoa học khác, cho dù
đó thật sự là những ý kiến tâm huyết. Bởi vậy, những tuyên bố, của nhóm này, cá
nhân kia sau khi HPSĐ được thông qua cần phải làm rõ về mặt chính trị, pháp lý
và đạo lý.
Trước hết, về việc người ta phủ nhận Quốc hội khóa VIII - “không đại diện
cho nhân dân”…, đây là một quan điểm chính trị và pháp lý sai trái. Không một
cá nhân, tổ chức nào có quyền phủ nhận một Quốc hội được bầu ra bởi các nguyên
tắc dân chủ hợp hiến. Trên thế giới, chỉ có những tổ chức phản loạn mới ra
tuyên bố phủ nhận Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được bầu ra một cách hợp pháp.
Đây có thể xem là một hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, về quan điểm cho rằng: HPSĐ chỉ là sự “thể chế hóa Cương lĩnh
của Đảng”, HPSĐ “đặt Đảng trên Hiến pháp, trên Quốc hội”…, đây là một nhận định
ấu trĩ về chính trị và lịch sử. Có lẽ mọi người đều biết trên thế giới không có
những tiêu chí chung về nội dung cụ thể của một bản Hiến pháp. Xây dựng văn
kiện này là quyền và trách nhiệm của mỗi dân tộc. Ở Việt Nam, tất cả những ai
không có định kiến, không có hận thù với cách mạng, ít nhiều có hiểu biết về
lịch sử, thì đều thấy rằng, con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam, đi từ
giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước
đến sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đều do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo. Trong suốt chiều dài trên 2/3 thế kỷ (1930-2013), sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ bằng Cương lĩnh mà còn bằng cả tinh
thần cách mạng kiên cường, bằng sự hy sinh xương máu, bằng sự nêu gương vượt
qua gian khổ, khó khăn của không biết bao nhiêu cán bộ, đảng viên của Đảng.
Trong thời kỳ đất nước nô lệ, lầm than, khi cách mạng trong thời kỳ trứng nước
không thấy ai hỏi Cương lĩnh của Đảng đâu, Hiến pháp đâu? Và vì sao nhân dân ta
lại đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra? Trên thực tế, trong quá trình sửa đổi
Hiến pháp lần này, việc đưa tinh thần, nội dung Cương lĩnh của Đảng vào HPSĐ là
điều tự nhiên, dễ hiểu và hoàn toàn đúng đắn vì Cương lĩnh của Đảng đã khẳng
định: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân là chủ… có nhà nước pháp quyền XHCN
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…” (1).
Nếu phân tích kỹ thì thấy, Điều 4 HPSĐ về vai trò lãnh đạo của Đảng so
với Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều chỉnh sửa quan trọng. Chẳng hạn, Đảng Cộng
sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là
đội tiên phong của nhân dân lao động, mà còn là đội tiên phong “của dân tộc
Việt Nam”. Về trách nhiệm của Đảng, HPSĐ đã bổ sung vào Điều 4 nội dung sau:
“Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát
của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các
tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật”. Ý kiến cho cho rằng, HPSĐ “đặt Đảng lên trên Nhà nước” là sự xuyên tạc
thô thiển. Chính một số ít những kẻ đang tự cho mình quyền bình luận, xuyên tạc
HPSĐ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xóa bỏ sự đồng thuận xã hội, xóa
bỏ chế độ xã hội ta mới là những kẻ đang đứng trên Hiến pháp, đứng trên xã hội.
Thứ ba, về cái gọi là “nguyên tắc bảo vệ thiểu số”, thực tế chính trị và
pháp lý trên thế giới không ở đâu người ta lại dựa vào ý kiến thiểu số để phủ
nhận Hiến pháp, pháp luật. Không được quên rằng, “pháp luật tối thượng” là
nguyên tắc số một của nhà nước pháp quyền. Tuyên bố bảo vệ quyền “bất tuân dân
sự của mình” là hành vi vi phạm pháp luật. Có lẽ chỉ có trong những phiên tòa
xét xử tội phạm, người ta mới nói đến “quyền được bảo lưu đối với nội dung bị
tố cáo”. Còn những tổ chức ảo hoặc tổ chức chống cộng phản đối HPSĐ bảo lưu
quyền “bất tuân dân sự” thì đó cũng là điều dễ hiểu.
Với Hiến pháp, nhân dân ta thông qua các cơ quan đại diện, hệ thống chính
trị và chính bản thân mỗi người thực hiện quyền làm chủ nhà nước và xã hội.
Hiến pháp sửa đổi là cơ sở chính trị-pháp lý vững chắc để bảo vệ các quyền công
dân, quyền con người, đồng thời bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền
quốc gia. Bảo vệ HPSĐ là bảo vệ điều kiện cơ bản cho thắng lợi của sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta trong thời kỳ mới. Việc triển khai thi hành HPSĐ
phải dựa trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo vệ tất cả tinh thần và lời
văn của văn kiện này. Chúng ta không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào xuyên
tạc, cản trở việc thực hiện hoặc thoái thác trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp.
BẮC HÀ - LINH NGHĨA
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
XI, NXBCTQG, HN, 2011, tr70
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét